TRỞ VỀ
Truyện ngắn


Hai chục năm rồi, Hoàng mới trở lại miền quê ấy, một miền quê mà anh gắn bó có năm ngày nhưng kỷ niệm thì không thể nào quên.
Người chỉ đường bảo:
- Anh đến ngã ba có cái quán nước, rẽ tay phải chừng năm chục mét, thấy cái cổng xây, cánh gỗ, có rặng duối làm bờ giậu dọc ngõ thì là nhà cô Lụa đó.
Những chi tiết ấy vẫn còn in đậm trong ký ức anh. Vậy là nhà nàng vẫn ở đấy. Anh rảo bước, dừng chân trước cái cổng thân thuộc.
Lòng Hoàng dâng lên một cảm giác khó tả. Ruột gan anh nóng lên, nhịp tim nhanh hơn. Kỷ niệm năm xưa hiện về, rõ mồn một. Chuyện như mới chỉ là hôm qua.

Hồi ấy còn chiến tranh, Hoàng về đây thi đại học. Đó là làng Đại Hoàng, xã Nhân Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, quê hương nhà văn Nam Cao, nguyên mẫu của làng Vũ Đại trong truyện ngắn “Chí Phèo”. Cả làng theo nghề dệt vải, nằm ven bờ sông Châu thơ mộng. Nhà anh trọ có cô gái rất xinh đẹp tới mức lòng anh xao động ngay lập tức. Nàng học dưới anh một lớp nghĩa là năm sau, nàng cũng sẽ giấy bút đi thi như anh bây giờ.
Lụa (tên nàng) không rực rỡ mà có vẻ đẹp tinh khôi, giản dị của một cô gái quê thuần túy. Nàng nói năng nhỏ nhẹ, chừng mực. Với anh, bao giờ nàng cũng dùng ngôn ngữ của phận dưới. Mỗi sáng, nàng dậy sớm, bê vào tận hiên nhà một chậu nước mưa lấy từ bể hứng giữa trời mà hàng ngày nhà nàng chỉ dùng để đun nấu:
- Em mới anh ra rửa mặt ạ.
Nàng đợi anh tới nơi rồi mới trao cho anh một chiếc khăn mới. Tay anh chạm khẽ vào tay nàng. Anh thấy một cảm giác êm ái dễ chịu mà anh chưa hề biết tới.
Lần đầu tiên, anh được một người con gái chăm sóc. Anh vui vui, thấy mình đã thành người lớn thực sự. Vậy mà ở nhà vào giờ này thường là tiếng bà chị cả the thé: “Thằng Hoàng đâu! Không dậy rửa mặt, ăn uống xong còn đi học. Định ngủ trương xác đến bao giờ!”.
Anh ao ước: Giá như có nàng, mình sẽ hạnh phúc biết bao. Nhưng rồi lại băn khoăn: hình như cách cư xử của nàng có vẻ như ngầm nói: em chỉ như em gái của anh thôi.
Tuổi trẻ bao giờ cũng gắn liền với ước mơ, hoài bão, những dự định lớn lao và đặc biệt là muốn khẳng định bản thân. Anh chú ý hơn đến việc thể hiện mình và tranh thủ thời gian nói chuyện với nàng. Anh thêm tự tin khi để ý thấy nàng vẫn rửa mặt bằng chính cái khăn đã đưa cho anh hàng ngày. Vậy là anh được dùng chung khăn với nàng. Lòng anh rạo rực, xôn xao. Chưa bao giờ anh có cảm giác lâng lâng như thế.
Trai tài, gái sắc bén nhau không mất nhiều thời gian lắm. Tối ngày thứ tư, cơm nước xong, anh ngồi nói chuyện với mẹ nàng, cảm ơn gia đình đã giúp đỡ anh trong những ngày thi cử và xin phép ngày mai trở về quê. Xong, anh lững thững đi ra ngõ một cách đầy cân nhắc. Tới cổng, anh gặp nàng vẻ như đi đâu về nhưng lại linh cảm là nàng cũng có ý chờ anh. Không bảo nhau, cả hai đều dừng lại phía sau cánh cổng. Sau mấy câu bâng quơ, thăm dò, anh lấy hết can đảm nói với nàng:
- Em nhận lời anh nhé?
- Nhận gì cơ?
- Nghĩa là … nghĩa là … đồng ý … anh ấy mà.
Nàng bẽn lẽn, tay bứt mấy lá duối:
- Kệ anh. Em ứ biết.
Rồi nàng cười, ranh mãnh:
- Anh nói câu này với bao nhiêu cô rồi. Anh lên Hà Nội học, thiếu gì bạn gái xinh đẹp, lãng mạn, liệu còn nghĩ đến cô gái quê mùa này không?
Anh nhẹ lòng. Đó chỉ là những câu răn đe, rào đón và để chữa thẹn nữa mà cô gái nào cũng phải biết khi được tỏ tình và cũng là cách nói cho anh hiểu rằng nàng đã đồng ý.
Phải vất vả lắm, anh mới đặt được hai tay lên vai nàng, nhìn trực diện:
- Mai tiễn anh tới cầu phao chứ?
Nàng nhẹ nhàng gỡ tay anh ra:
- Đừng anh, đừng làm thế … mẹ mắng đấy. Mà em không dám tiễn đâu, người ta thấy thì chết.
Chỉ chút nữa thôi anh đã ôm chặt lấy nàng nhưng sự nhút nhát của người con trai yêu lần đầu làm anh không dám lấn tới. Mặt khác, anh sợ đổ vỡ một cái gì đó rất mong manh. Hoàng ngây ngất, đầu óc như mộng du. Toàn thân anh run rẩy và thấy có cái gì như dòng điện chạy khắp cơ thể. Anh đang trong trạng thái đê mê thì nàng đã chạy vụt vào nhà, kịp gửi lại anh một lời ước hẹn:
- Thôi, mai anh cứ yên tâm về một mình, em đợi.
Sau này anh cứ tiếc mãi: giá như hôm ấy bạo dạn hơn một chút thì anh đã biết đến mùi vị nụ hôn nó như thế nào. Rồi anh lại tự an ủi: thôi, như thế, tình yêu lại càng đẹp.

Hoàng không bước vào giảng đường đại học như đã định liệu cho tương lai. Bạn học cùng lớp có tới trên một nửa nhập ngũ, trong đó có anh. Đi chiến trường, càng vào sâu, thư từ đi lại càng thưa dần. Sáu tháng sau thì bặt tin hẳn.
Chín năm, tham gia hai cuộc chiến tranh khốc liệt, anh là một trong số may mắn còn sống sót trở về. Nghĩ tới Lụa, anh không dám tin là nàng còn chờ đợi. Nàng gần ba mươi rồi còn gì. Con gái có thì, ai dám đổi cả tuổi xuân để trông ngóng một điều gần như vô vọng. Đã mấy lần, anh tính chuyện tìm lại nàng, biết đâu. Có lần anh đã đi đến thành phố Nam Định rồi lại quay trở về. Chỉ còn bảy cây số nữa là tới quê nàng. Anh sợ mình sẽ suy sụp khi khẳng định được chuyện nàng đi lấy chồng. Anh còn quá nhiều việc phải làm. Thôi, thà cứ như thế thì vẫn còn những kỷ niệm đẹp về nhau.

Hoàng lấy vợ trong trường hợp mà anh hoàn toàn không có sự trù liệu trước. Bố mẹ đã nhắm sẵn cho anh một cô gái ở làng bên, chỉ đợi anh được giải ngũ thì về cưới. Bố cô lại dạy học cùng trường với bố Hoàng. Thì ra hai cụ đã gật gù với nhau từ lúc nào. Mẹ anh bảo:
- Anh đi bằng ấy năm. Chị anh thì đã lấy chồng. Giờ anh phải cưới vợ để ở nhà cho chúng tôi đã rồi đi đâu thì đi. Chúng tôi cần có đứa con trông nom lúc tuổi già, rồi phải có tí cháu nội bế nữa.
Hoàng theo mẹ sang, gọi là “xem mắt” nhưng trong lòng anh nghĩ cứ đi để chiều mẹ thôi. Cô gái tên Lan, hai mốt tuổi, ngoan, ưa nhìn, lại là giáo viên giỏi trường làng. Về nhà anh bắt đầu lung lay: cô ấy như thế chắc chỉ nể tình thân giữa hai nhà mà nghe, chứ thiếu gì đám tử tế. Còn mình đã ba mươi, nghề ngỗng thì không, mấy cái bằng khen, danh hiệu dũng sĩ chẳng mài ra mà ăn được. Thế thì mình có gì mà cao giá cơ chứ. Rồi nghĩ đến bố mẹ, anh đi chưa được mười năm mà các cụ già đi nhiều quá, tóc bạc gần hết cả. Biết bao giờ anh mới báo hiếu được bậc sình thành. Mà hoàn cảnh hai gia đình như thế kể ra cũng thuận.
Sau hôm theo mẹ sang nhà Lan rồi suy nghĩ thêm mấy ngày, anh đồng ý với các cụ về việc hôn nhân của mình tuy hơi buồn cười về chuyện bố mẹ đi “tán hộ”, điều mà anh chưa bao giờ nghĩ đến. Dẫu vậy, anh với Lan vẫn dành thời gian tìm hiểu nhau thêm một tháng nữa. Rồi tình yêu từ cuộc hôn nhân sắp đặt trước cũng nảy nở.
Cưới vợ xong, anh làm thủ tục nhập trường, may mà giấy gọi vào đại học của anh vẫn còn giữ được.
Qua năm năm học, anh lại lăn lộn khắp các công trường xây dựng từ Nam ra Bắc. Nhớ về Lụa, anh nghĩ bây giờ cả hai đều đã yên ổn bề gia thất và đắn đo mãi, anh mới quyết định về tìm lại kỷ niệm của mối tình đầu. Trong tâm khảm anh, nàng mãi mãi là cô gái mười tám tuổi hiền dịu và xinh đẹp.

Hoàng nhẹ nhàng bước vào cổng, tránh gây tiếng động rồi đứng vào góc khuất quan sát.
Vẫn ngôi nhà ấy, chỉ khác là thêm một ít trang bị của nền văn mình hiện đai mới thập thò đến những vùng quê cổ kính.
Lụa đấy.
Nàng đang ngồi gội đầu bên giếng nước trong vắt. Cạnh chỗ nàng ngồi là một chậu nước bồ kết, một nắm lá hương nhu.
Nhà có vẻ như không có ai ngoài nàng. Mẹ nàng chắc đi dệt vải.
Không thấy có chiếc xe máy nào dựng ngoài sân. Cũng không có quần áo đàn ông trên dây phơi. Anh thấy yên lòng.
Anh ngẩn người ra chiêm ngưỡng: Nàng vẫn như xưa, Vẫn mái tóc dài. dày và mượt. Vẫn làn da trắng mịn, cái cổ thanh tú, đôi bờ vai đầy đặn của người con gái dậy thì.
Vẫn áo học trò.
Hệt như trong ký ức của anh.
Chắc là nàng chưa cùng ai.
Còn anh lấy vợ đã mười năm và có tới ba đứa con trứng gà trứng vịt. “Mình thật là không phải với nàng” - anh thầm lên án cái lòng thiếu chung thủy của mình.
Không kìm nén được hơn nữa, anh bước tới.
Nàng đứng dậy nhìn khách. Vẫn đôi mắt ấy, đen tròn, trong và thơ mộng, làn môi vẫn thắm đỏ như xưa.
Anh bước gần lại, thổn thức:
- Em!
Rồi dang cả hai tay ra.
Chợt nàng lùi lại hốt hoảng:
- Chú … Chú làm cái gì thế!
Vậy là nàng không nhận ra mình. Anh rối rít:
- Kìa em! Anh … anh Hoàng đây mà!
Mặt nàng tái đi:
- Không, cháu không biết chú, cũng chẳng quen ai là Hoàng cả.
Bằng ấy thời gian đã qua, nàng không nhận ra là phải. Anh cố gợi lại kỷ niêm:
- Kìa Lụa! Em quên anh rồi sao. Hồi ấy anh về thi đại học, em nhớ ra chưa … Cái đêm cuối cùng ở sau cánh cổng kia, chúng mình đã hẹn …
Nhưng nàng vẫn không chịu nhớ ra cái gì:
- Lụa là tên mẹ cháu. Chú cần gặp mẹ cháu thì mời chú vào nhà uống nước rồi chờ. Mẹ cháu đi dệt vải. Lát nữa mẹ cháu về.


29/5/2010
Tường Thụy