THI HỮU
Nguyendainhan là bạn thơ đầu tiên của tôi khi tôi đăng ký vào diễn đàn. Hắn có vẻ thích thơ tôi. Các comment của hắn nói lên hắn là người biết thẩm thơ, hắn khen hay chê, tôi khó lòng mà bắt bẻ. Trong việc viết, tôi rất thích có những bạn đọc như thế. Vậy là chúng tôi thân nhau. Tôi cứ việc viết, hắn cứ việc phán. Nhờ hắn mà tôi viết khá lên dần.
Một hôm, nguyendainhan gọi điện cho tôi:
- Hôm nay chúng mình gặp nhau đi, vào quán bia đập phá, tán láo chơi. Ngồi trên mạng ảo, giao tiếp vài câu khách khí, không được nhìn thấy nhau, chán lắm.
Tôi đồng ý cái rụp, cùng bạn thống nhất thời gian, điểm hẹn cẩn thận.
Vất vả lắm, tôi mới điều khiển được chiếc xe ba-bet-ta đến quán bia Cây Gạo, may mà vừa đúng giờ. Tôi dựng xe, quan sát nhanh một lượt: trước quán, một chiếc xe hơi đời mới đã đỗ sẵn. Phía phải. một gã xe ôm đang đẩy chiếc mô-kích thùng xăng đã bẹp dúm tiến đến một ông bụng phệ, com lê, ca vát là phẳng, tóc chải mượt, giày bóng loáng, xách chiếc ca táp to tướng (chắc gã xe ôm đến để mời khách, tôi thoáng nghĩ)
Tôi đến gần chiếc xe hơi, hỏi chủ nhân đang ngồi đọc tờ nhật báo như để giết thời gian trong lúc chờ đợi:
- Bạn là Nguyễn đại nhân?
Ông ta đẩy kính lên trán trố mắt nhìn tôi, như nhìn một bệnh nhân vừa trốn khỏi trại tâm thần rồi kéo cửa đánh rầm, không quên đảo mắt qua xem có mất cái gì không.
Nhưng ngay sau đó, tôi nghe gã xe ôm hỏi ông bụng phệ:
- Bạn là Đệ nhất phú?
Tôi mừng quá:
- Nguyễn đại nhân, Mình đây, mình đây, Đệ nhất phú đây cơ mà.
Chúng tôi nhận nhau. Một thoáng ngỡ ngàng:
- Mình cứ tưởng bạn là tổng giám đốc công ty xuất nhập khẩu
- Mình lại ngỡ bạn là nhà kinh doanh bất động sản.
Chúng tôi dựng hai chiếc xe máy sát vào nhau, cạnh gốc cây gạo, khỏi cần khóa.
Bạn thơ gặp nhau, chuyện trò tâm đắc như thế nào, điều này chẳng cần phải kể..
Nhưng cuộc vui đến mấy rồi cũng phải tàn. Chúng tôi nhìn nhau từ đầu đến chân dò xét, như ngầm đánh giá tiềm lực kinh tế của mỗi người. Biết không ai một mình có đủ khả năng thanh toán cho bữa tiệc hội ngộ, cả hai cùng vét tiền trong túi ra, góp lại, vừa đủ để trả cho nhà hàng hai cốc bia hơi và bốn gói đậu phộng.
Chúng tôi chia tay, nhìn nhau đầy thương cảm. Bằng một cử chỉ thân mật, tôi nhặt giúp bạn chú rận đang ngơ ngác ngự trên cổ áo, an ủi:
- Chúng mình như vậy còn sướng chán. Khối kẻ không bao giờ có được cái thú của người biết cảm thụ văn chương. Giả sử chúng mình giàu hơn một chút nữa thì lấy đâu ra cảm xúc để làm thơ phải không bạn.
TT