Có 01 hoàn cảnh rất cần đáng giúp.
Hoàn cảnh này đã được chuột con đi khảo sát thực tế.


Cụ Mười Kinh

Chiều đổ nắng lên giòng người vội vã, bên mép cầu, một cụ già gầy nhom, từ từ bày những trái mãng cầu gai ra lề bán. Thì cũng mưu sinh như bao người bán rong trên cầu vậy thôi, nhưng nếu được biết về mảnh đời ông đang mang lấy, ắt hẳn trong chúng ta không thể tránh những ngậm ngùi.

Ở xóm cầu Kinh, Thanh Đa này, hầu như ai cũng biết về ông già bán dạo với chiếc xe đạp cũ, và quen gọi: ông Mười Kinh.



Tôi tìm đến ông lúc xế chiều. chẳng chèo kéo khách như nhiều người buôn dạo, khi biết tôi đến không để mua mãng cầu gai, ông cũng vui vẻ mà nói chuyện. Rời quê Bình Dương, lên Sài Gòn bán dạo cũng được vài năm; nhìn vẻ ngoài ốm yếu nhưng tháo vác, nhanh nhẹn, khó mà đoán được năm nay ông đã 81 rồi. Dưới quê, ông chỉ biết làm ruộng, cày thuê cuốc mướn cho người ta. Khi tuổi đã cao, sức khỏe cũng không đảm nổi những công việc nặng nhọc ấy nên chẳng ai mướn ông nữa. Rồi vợ ông mắc bệnh. Bà trẻ hơn ông mười mấy tuổi, nhưng bị bại liệt, nằm một chỗ; ông đành phải lặn lội lên Sài Gòn kiếm tiền về nuôi vợ, tính ra cũng gần 7 năm.

Ông kể chuyện đời ông một cách vui tươi, chẳng hề than vãn lấy một câu. ‘Vậy con cái cụ đâu mà để cụ vất vả vậy?’ tôi hỏi, giọng ông nghẹn ngào đi một chút. Ông chỉ có một đứa con trai, mà chẳng may bị tâm thần. Không nặng lắm, chưa đến nổi phải nhốt vào trại, lại ở vùng quê nữa, nên con ông cứ lang thang nơi này nơi nọ. Làm được gì ăn nấy, ngay đến ông cũng không biết rõ.



Trời ngả dần về chiều, người tan sở đến mua hàng cũng đông. Tôi cũng dứt câu chuyện ra về. Hỏi thăm nhà ông với mấy người xe ôm gần đó, mới biết chiếc xe đạp cũ đó là chén cơm, cũng là mái nhà của ông luôn thể.

Đêm ấy, trời Sài Gòn đổi gió, hơi lạnh một chút, tôi đi tìm nơi ông ngủ, nhưng chẳng thấy. Đêm sau, chạy qua cầu, dọc trên con đường Xô Viết Nghệ Tĩnh về phía Thanh Đa, dễ dàng nhận ra chiếc xe đạp cũ dựng nép bên lề. Tôi hỏi sao đêm qua không thấy cụ ở đây? Ông chỉ vào con hẻm nào đó phía cầu, bảo là tối qua bán hết sớm, vào ngủ trong ấy cho dễ chịu.



Đêm của ông bắt đầu khoảng 11h, bán đến khuya vậy đó, mà mỗi ngày chỉ kiếm khoảng bốn năm chục. Cơm hàng ngày thì được bà con cho nên cũng dành dụm được chút ít, rồi cứ khoảng hai tuần về thăm vợ một lần. Nhà dưới quê của ông cũng mục nát lắm, ông kể, nghe nói địa phương sẽ cho nhà tình thương, mà chờ hoài cũng không thấy.

- Nếu giờ dành dụm được kha khá, cụ có về quê không? – tôi hỏi
- Có chứ! – ông đáp nhanh rồi ngập ngừng một lát – mà nhà tôi trong vùng hoang vắng lắm, tôi định mở quá vá xe dạo mà vắng người quá, buôn bán trên này thì nó đỡ hơn.


Lang mang với chuyện đời ông chút nữa. Càng kể, cái giọng vui khỏe ban đầu càng trầm xuống, và khóe mắt ông, rơm rớm chút xao lòng.



- Giờ có cơ hội về quê làm, cụ có về không? – tôi hỏi lại một lần nữa
- Có chứ! – ông đáp như câu cửa miệng của mình – nếu có thì tôi vá xe sống tạm qua ngày cũng được.

Lần này ông chẳng ngập ngừng nữa, lần này ông đã muốn về quê.

Chẳng biết cuộc đời đã bước qua tuổi 80 ấy sẽ còn kéo dài bao lâu nữa. Người già, ai chẳng muốn về lại quê hương, về với vợ và nghe ngóng đứa con của mình. Nhưng cuộc sống cứ xô đẩy đôi khi làm người ta quên đi cả ước mơ của mình. Ước mơ đó, vẫn luôn âm ỉ, chỉ chờ người cời than để bùng cháy mà thôi!

(Bài và ảnh của chuột con)