Thuần Vu Ý là người học trò mà mình "Yêu thương sâu đậm, trách mắng tha thiết" : "Ngươi cút đi". Người học trò ở bên cạnh sư phụ đã mười mấy năm, lại có thể thật sự cuốn ngay chăn chiếu quay đầu bỏ đi.

DẤU CHÂN TRÊN TUYẾT


Từ lúc ăn cơm tối xong, con chỉ lo gọi điện thoại suốt, cha gọi một lần không nghe, gọi hai lần không nghe, đến lúc cha hét lên: "Con muốn gọi điện thoại thì ra ngoài mà gọi!" Cạch một cái, con lại có thể đột ngột lao ra khỏi cửa.

Bên ngoài tuyết đang rơi nhiều, bà nội con vội vàng chạy tới nhìn vào tủ quần áo ở cạnh cửa, chỉ sợ con không mang theo áo khoác. Mẹ con nhoài người ra cửa sổ vọng nhìn ra xa, xem con đi về hướng nào. Cha thì ngỡ ngàng ngồi ở phòng khách, nghĩ tới một cảnh trong bộ phim "Đề Oanh".

Thuần Vu Ý là người học trò mà mình "Yêu thương sâu đậm, trách mắng tha thiết" : "Ngươi cút đi". Người học trò ở bên cạnh sư phụ đã mười mấy năm, lại có thể thật sự cuốn ngay chăn chiếu quay đầu bỏ đi.

Cha luôn nhớ giọng nói run rẩy của lão diễn viên Vương Dẫn: "Nuôi dưỡng nó mười mấy năm, chỉ một câu nói như thế mà nó lại thật sự bỏ đi!"

Vương Dẫn diễn thật hay! Sự phẫn nộ, mờ mịt, thất thần trong ánh mắt đó chẳng phải chính là tâm trạng lúc này của cha hay sao?

Con trai! Gần đây cha mẹ đã tranh cãi không biết bao nhiêu lần về chuyện con thường xuyên gọi điện thoại! Điện thoại lẽ nào lai đáng để con làm tổn thương tình cảm với cha mẹ như vậy hay sao?

Có thể đó chỉ là những lời bực bội, con nói xong liền quên ngay! Nhưng con cần biết như thế sẽ làm tổn thương xiết bao trái tim của cha mẹ.

Nhớ lại hai ngày trước đây, khi cha mẹ trách con tiêu tốn quá nhiều tiền điện thoại, con cãi lại như thế nào không? Con nói:

"Tốn bao nhiêu tiền, con tự trả, được không!"

Con còn nhớ khi mẹ nhờ con gởi một lá thư, con oán thán như thế nào không? Con nói:

"Ôi! Việc của con thì muốn con làm; việc của ba mẹ cũng muốn con làm!"

Vì thế cha suy nghĩ, đại khái một ngày nào đó, khi con kiếm được rất nhiều tiền, lúc giận dỗi cha mẹ, con có thể nói:

"Như thế này đi! Tính thử xem từ nhỏ đến lớn, tổng cộng con tiêu tốn bao nhiêu tiền của cha mẹ? Ăn bao nhiêu sữa bột, mặc bao nhiêu quần áo, con ghi chi phiếu, một lần trả sạch, hai bên không còn mắc nợ gì nhau!"

Sau đó, con cũng có thể giống như người học trò của Thuần Vu Ý, cuốn ngay chăn chiếu, nghênh ngang bỏ đi, trở thành một nam tử Hán thật sự độc lập tự chủ trong trời đất! Phải không?

Trước đây, cha đọc qua một tác phẩm nghiên cứu nói về sự trưởng thành của con cái, chỉ ra sự phân ly với cha mẹ; rồi sau khi phân ly sẽ kết hợp với một cá thể khác, trở thành một gia đình mới. Lúc đó cha chẳng có cảm xúc gì; nhưng ngày hôm nay, nhìn con dằn từng bước rời xa cha mẹ, cha mẹ đành dùng những lý luận trong tác phẩm nghiên cứu đó để an ủi bản thân:

"Điều này là đương nhiên mà? Con cái lớn lên, có chủ kiến và tính phản kháng của nó, là thoát ly cha mẹ, hướng tới sự độc lập!"

Vấn đề là, thoát ly cha mẹ thì có thể phủ định ân tình của cha mẹ chăng? Tình yêu thương mười mấy năm nay của cha mẹ lại có thể dùng giá trị của sữa bột và quần áo để đo đếm hay sao? Tại sao con không dùng sinh mạng của chính mình để tính toán?

Khi cha ở tuổi này của con, cha cũng có tính phản kháng, thường đem bản thân mình ra so sánh với người khác, oán gia cảnh không tốt, trách gia giáo quá nghiêm, nhưng một ngày nọ, cha đọc được kịch bản "Kết cục" (Endgame) của Samuel Beckett từng đoạt giải Nobel, trong đó có một đoạn:

"Người con trai la thét cha mình: "Đồ khốn! Tại sao ông lại sinh ra tôi?"

Người cha: "Cha không hiểu".

Người con trai: "Cái gì? Ông không hiểu cái gì?"

Người cha: "Không hiểu kẻ sinh ra lại là con!"

Cha bắt đầu suy ngẫm ý nghĩa trong đó, hiểu ra rằng giữa cha mẹ và con cái là không cách gì lựa chọn. Điều quan trọng nhất là mối quan hệ này không cách gì cắt bỏ được.

Vì vậy, con có thể oán cha mẹ di truyền tật cận thị cho con, oán cha mẹ dùng quan niệm phương Đông để quán lý giáo dục con, oán cha mẹ không phải tỷ phú, thậm chí oán cha mẹ cứ ngang phè phè!

Nhưng con không cách gì oán cha mẹ là cha mẹ của con.

Có được con, cha mẹ chỉ biết cảm ơn. Nhớ lại khi con còn bé thơ, cha mẹ thường nói con thật đáng yêu, một trăm phần trăm thuộc về cha mẹ, khi con đi học thì cũng thế.

Nhưng đến khi con vào tiểu học, cha mẹ lại nói trước khi vào trung học con vẫn ngây thơ trong sáng!

Đến khi con vào trung học, cha mẹ lại nói con trai lớn rồi, có thể làm bạn để tán chuyện phiếm, thật thú vị! Tương lai con rời nhà vào Đại học thì sẽ mất con thôi!

Thế nhưng cha tin rằng, cho dù con đã lập gia đình rồi, cha mẹ vẫn sẽ nói: Tuy một lần về thăm là khó khăn, nhưng nghĩ tới con, trong lòng cha mẹ cũng đã cảm thấy ngọt ngào rồi!"

Đây chính là tình yêu thương, là tính câu nệ, cũng chính là tấm lòng vô oán vô hận!

Chỉ là, cha không biết, theo sự trưởng thành của con, có phải con cảm thấy mỗi giai đoạn cha mẹ cũng có những điểm đáng yêu khác chứ? Hay là nói càng ngày càng phiền chán, thật sự muốn trả sạch nợ nần của cha mẹ, chẳng còn bị quản thúc nữa?

Con yên tâm đi! Vô luận con lớn bao nhiêu, vĩ đại bao nhiêu, thành công bao nhiêu, thất bại bao nhiêu, cha mẹ cũng sẽ vẫn quan tâm đến con, cũng như cha mẹ yêu con vậy.

Khi con gọi xong điện thoại công cộng trở về, nếu con đủ tinh tế, con sẽ phát hiện tuy cha mẹ dường như không để ý con đi ngủ lúc nào, nhưng trên mặt tuyết trước cửa vẫn có dấu chân rõ ràng của mẹ con và cha...