Thư pháp Á Đông (chữ Hán: 書法亞東) là nghệ thuật viết chữ đẹp có nguồn gốc từ Trung Quốc. Người ta dùng bút lông, chấm mực tàu, viết chữ Hán trên các loại giấy tốt hay vải lụa, theo những phong cách khác nhau. Trong nghệ thuật thư pháp Á Đông có 5 phong cách viết là Chân (hay còn gọi là Khải), Triện, Lệ, Hành và Thảo với những quy luật đặc trưng riêng về đường nét, cách thức thể hiện.

Người Trung Quốc cho rằng Lý Tư, thừa tướng của triều đình nhà Tần, là người khởi đầu cho nghệ thuật thư pháp vì ông là người được giao việc thực hiện cải cách và thống nhất văn tự sau khi Tần Thủy Hoàng thôn tính các nước nhỏ khác đưa Trung Quốc trở thành một quốc gia thống nhất[cần dẫn nguồn]. Trải qua các triều đại sau đó, sử sách đều có ghi nhận về sự xuất hiện của những thư pháp gia (người viết chữ đẹp) nổi tiếng, như Vương Hy Chi (đời Đông Tấn) hay Tề Bạch Thạch (đời nhà Thanh).

Tiêu chuẩn để đánh giá một tác phẩm thư pháp thường bao gồm nhiều yếu tố rất khắt khe như điểm hoạch (đường nét), kết thể (bố cục), thần vận (cái hồn của tác phẩm)... Cùng với sự xâm lược và đồng hoá của văn hoá các triều đại Trung Quốc trong một khoảng thời gian dài, môn nghệ thuật này cũng trở nên phổ biến tại Hàn Quốc, Nhật Bản, Việt Nam.

Thư pháp Trung Hoa


Đây là dòng thư pháp được phát triển sớm nhất, mạnh nhất và có ảnh hưởng sâu sắc đến các dòng thư pháp của các ngôn ngữ khác trong vùng Đông Á. Thư pháp chữ Hán không chỉ là một môn của nghệ thuật của riêng Trung Quốc, Đài Loan....Nhiều nhà thư pháp tại các nước nằm trong vùng ảnh hưởng của văn hóa Trung Hoa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam cũng sáng tác các tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán.

Thư pháp chữ Việt

Thư pháp Việt Nam bao gồm hai dòng: Thư pháp Hán-Nôm và Thư pháp Quốc ngữ (hay thư pháp chữ Việt).

Xưa nay, trong lịch sử việt Nam không hoàn toàn có nhắc đến một cách chính danh một bộ môn nghệ thuật nào mang tên Thư Pháp và danh xưng chính thức như Thư pháp gia hay còn gọi là Nhà Thư pháp cho những người hoạt động trong lĩnh vực này, chỉ có khái niệm viết chữ đẹp và người viết chữ đẹp

Việt Nam chịu ảnh hưởng của văn hóa Hán, dùng văn tự Hán nhưng lại không chính danh được cho bộ môn này. Các nhà nghiên cứu chưa tìm thấy các tư liệu lịch sử của suốt quá trình bị phương Bắc đô hộ và cả thời kỳ độc lập tự chủ nhắc đến bộ môn này. Một vài từ liệu rất ít ỏi như trong Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn hay Vũ Trung Tùy bút của Phạm Đình Hổ cũng chỉ nhắc đến một cách sơ lược lối viết chữ của người phương Bắc mà thôi, ngoài ra không đề cập gì hơn.

Thư pháp chữ Việt, hay thư pháp Việt ngữ được bắt đầu từ khoảng 30 năm gần đây. Bắt đầu là nhà thơ Đông Hồ viết thư pháp bằng bút sắt. Sau này có nhà thư pháp Nhất Linh viết một số bức in trên tạp chí nhưng chưa thành phong trào. Mãi đến sau này, nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh khơi mào cho phong trào viết thư pháp Quốc ngữ bằng bút lông. Câu lạc bộ Thư pháp ban đầu chỉ có nhà thư pháp Nguyễn Đình và nhà sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh chơi thư pháp Quốc ngữ. Đến nay, thư pháp chữ Việt đã được nhiều người quan tâm. Một trong những tác phẩm thư pháp nổi bật nhất là cuốn thư pháp Truyện Kiều của Nguyễn Đình, tác phẩm này được thực hiện nhân dịp Festival Huế 2002.

Trong thư pháp Việt ngữ hiện nay có 5 kiểu chữ chính:

* Chữ Chân Phương (còn gọi là Chân Tự): là cách viết rõ ràng dễ đọc, rất giống chữ thường.
* Chữ Cách Điệu (còn gọi là Biến Tự): là cách viết biến đổi từ chữ Chân Phương, nhưng các chữ cái hơi được biến dạng một chút để tạo lối viết riêng của từng người.
* Chữ Cá Biệt (còn gọi là Cuồng Thảo): là lối viết mà người phóng bút "nhiếp tâm" giữa tư tưởng và quản bút. Lối viết này thể hiện cá tính của người viết. Nhìn vào kiểu chữ này, người xem dễ nhận ra tác giả mà không cần phải xem chữ ký. Kiểu chữ này thường được viết liền mạch trong một nét nên khó đọc.
* Chữ Mô Phỏng là lối viết dựa theo kiểu chữ của nước ngoài. Chẳng hạn có người viết chữ Việt nhưng nhìn qua trông ngỡ chữ Tàu, hay chữ Ả Rập, chữ Miên.
* Chữ Mộc Bản là kiểu chữ giống như chữ khắc trên mộc hoặc như kiểu thợ sắp chữ của nhà in mà khi viết thì theo một phương pháp đảo lộn, khi xem phải dùng gương phản chiếu. Khi nhìn qua, chữ kiểu này trông giống dạng Hán-Nôm, nhưng thực ra lại là chữ Việt viết ngược.

Ngoài ra thư pháp còn có thể trở thành thư họa. Đó là khi trong một số tranh thư pháp còn có hình ảnh minh họa, trong đó phần tranh có thể chiếm khoảng không gian lớn hơn phần chữ. Hoặc khi nhà thư pháp biến chữ thành tranh, tranh là hình ảnh của chữ.

Thư pháp Hàn Quốc


Thư pháp tại Hàn Quốc gọi là thư nghệ(書藝).

Thư pháp Nhật Bản


Thư pháp tại Nhật Bản gọi là thư đạo(書道).
Theo các chuyên gia thư pháp Nhật Bản, chữ Hán được truyền từ Trung Quốc sang Nhật Bản từ khoảng 2000 năm trước, được sử dụng phổ biến ở Nhật Bản từ khoảng thế kỷ 5. Sau đó, dựa trên cơ sở chữ Hán, người Nhật đã sáng tạo ra kiểu chữ của mình là chữ Hiragana và Katakana (kiểu chữ biểu thanh). Thư pháp Nhật Bản được hình thành từ hai kiểu chữ chính là kiểu chữ Hán từ Trung Quốc đến và kiểu chữ Hiragana, Katakana. Hiện nay, ở Nhật Bản có từ 8 đến 10 triệu người tham gia viết thư pháp, và thư pháp được coi là một trong những môn nghệ thuật đặc sắc của Nhật Bản.

Theo phân loại của Hội thư pháp Mainichi của Nhật Bản, thư pháp truyền thống đến thư pháp hiện đại của Nhật bản có thể được xếp theo 7 bộ môn sau:

Thư pháp chữ Hán

Được tạo nên nhờ dựa vào thơ, văn xuôi cổ điển viết bằng chữ Hán, dựa vào cảm nhận nghệ thuật và phương pháp học thư pháp của từng người thông qua các tác phẩm từ nhiều chữ đến ít chữ, và các thể loại thư pháp như Ten (Triện thư), Rei (Lệ thư), Kai (Khảo thư), Gyo (Hành thư), So (Thảo thư), tìm kiếm thể loại thư pháp vốn có. Bộ môn thư pháp chữ Hán thể hiện tính hiện đại hoà quyện trong tính truyền thống.

Thư pháp chữ Kana

Được tạo ra để viết những từ ngữ đẹp của Nhật Bản thông qua việc cải biên, phát triển những bài hát Waka và thơ Haiku. Có sự biểu hiện phong phú tùy theo chí hướng khác nhau của các tác giả về những bài ca cổ mà thư pháp Kana. Vẻ đẹp của chữ Kana hiện đại được hoà trộn với cảm giác mới của Kana chữ lớn (nguồn gốc của chữ Kana là chữ nhỏ).

Thư pháp thơ văn cận đại (Cận đại thi văn thư)


Là những tác phẩm lấy văn và thơ hiện đại làm đề tài, điều hoà giữa chữ Hán và chữ Kana tạo ra một thư pháp mới. Đây là bộ môn đã được triển khai, mở rộng ở các kì triển lãm Thư pháp Mainichi. Do tính chất dễ đọc và gần gũi nên nó nhận được sự ủng hộ của nhiều người.the linh la nguoi sang lap

Thư pháp viết chữ lớn (Đại tự thư)

Là những tác phẩm thư pháp viết chữ lớn mà số lượng chỉ từ 1 đến 2 chữ. Một thế giới thư pháp mới được tạo ra từ việc định hướng tạo hình, tôi luyện đường nét và sáng tạo về màu đen.

Thư pháp chữ in bằng khuôn khắc đá – Tenkoku (Triện khắc)

Bộ môn này được cho là tinh hoa của phương Đông và giới thư pháp. Chữ in bằng khuôn hình vuông 3 phân. Người ta khắc trên đá những bản thư pháp và chữ viết thời cổ đại của Trung Quốc sau đó in trên giấy trắng, tạo nên sự tương phản rất đẹp giữa mực (đỏ) và giấy. Tekuko là cảm giác tạo hình mới dựa trên nền tảng truyền thống được hoà quyện trong một không gian nhỏ.

Thư pháp chữ khắc gỗ (Khắc tự)


Chữ viết được khắc lên bản gỗ. Chữ viết ở đây khác với chữ viết bằng bút, nó mang tính lập thể và còn có thể được tô bằng nhiều màu sắc. Khắc tự là một bộ môn thư pháp đang gây được sự chú ý.

Thư pháp ZenEi (Tiền vệ thư)

Bộ môn này biến đổi nhận thức trước kia về thư pháp (coi thư pháp là biểu hiện của nhân cách con người). Thư pháp Tiền vệ thư chịu ảnh hưởng của hai trường phái: hội họa trừu trượng phương Tây và triết học phương Đông. Không bị giới hạn bởi việc lấy chữ làm nguyên liệu chính, người viết có thể tự do thể hiện tâm hồn và tình cảm thông qua các tác phẩm nghệ thuật mang tính trừu tượng.

Nguồn: Wikipedia