.
Theo vn.news.yahoo.com
TT- – TT - Tuổi hai người gộp lại đã là 111 năm. Họ đến với nhau khi cả hai đều đã ngấp nghé ngũ tuần.
Mối tình của họ không có những hờn ghen, giận dỗi, vắng cả những khoảnh khắc lãng mạn... như bao đôi tình nhân khác, nhưng vẫn khiến bao người biết đến phải xuýt xoa.
Lời nói dối ngọt ngào
Jimmy là người Mỹ. Chị V.Oanh là giáo viên phổ thông vừa về hưu gần đây. Cả hai tình cờ gặp nhau trong một bữa tiệc ở nhà của người bạn tại Mỹ.
Lúc ấy chị Oanh qua Mỹ thăm thân nhân và chăm sóc người em mới sinh nở. Gần 60 tuổi mà vẫn đơn độc, chị lấy hạnh phúc của người thân làm niềm vui cho mình và cũng lâu rồi không còn màng tới chuyện lứa đôi.
Phận trời run rủi, chị và anh Jimmy được xếp ngồi gần nhau trong buổi tiệc ấy. Tiếng Anh tốt nhưng chị thuộc dạng kín tiếng, Jimmy lại không biết tiếng Việt...
Nếu Jimmy không bắt chuyện trước thì chị cũng chẳng đời nào chịu nói chuyện với một ông Tây mũi lõ như thế. Chỉ là những câu chào hỏi xã giao, vài câu hỏi bâng quơ về gia đình... chị vui vẻ trò chuyện để rồi sau đó giật mình nhận ra: “Sao mình và ông già này có nhiều điểm chung đến thế?”.
Lúc ấy chị mới thầm để ý kỹ hơn ông Tây gầy còm này. Jimmy hiền khô, thích cười hơn nói, thích nói chuyện về quê hương của chị, thích mặc đồ giản dị và nhất là hiện đang độc thân... Những cảm nhận, phát hiện ấy khiến chị vui vui.
“Mơ chi xa vời, cứ coi là có thêm một người bạn tốt”, lúc ấy chị đã tặc lưỡi và tự nhủ mình nên biết sống thực tế. Lúc tạm biệt nhau tại buổi tiệc, Jimmy có nói câu: “Hẹn gặp lại!”, nhưng chị biết đó chỉ là câu chào xã giao của những người Mỹ lịch sự mà thôi...
Vậy mà một tuần sau chị lại nhận được cuộc điện thoại từ một người Mỹ. Chính là Jimmy!
Jimmy xin một cuộc hẹn để đi chơi. Chị tần ngần, e ngại... Chỉ đến khi chính người em ruột khuyên và động viên hết mực chị mới nhẹ nhõm bước tới bàn trang điểm. Đã lâu rồi chị không đánh phớt má hồng, bôi chút môi son như thế này.
Hôm ấy Jimmy chở chị về vùng quê yên ả của anh. Kỷ niệm thì nhiều nhưng điều chị nhớ nhất là lần trong tiệm bánh pizza, khi chị móc ví ra để chuẩn bị “se” (share - góp tiền trả) thì Jimmy cản lại.
“Chỉ có tuổi mới lớn mới có chuyện “se”, còn tuổi tụi mình thì người đàn ông phải trả”, Jimmy nói dứt khoát.
Tối hôm ấy khi hỏi người bạn về văn hóa “se” và phát hiện Jimmy nói dối, chị đã tủm tỉm cười suốt...
Nỗi ám ảnh mang tên “thị phi”
Sáu tháng không quá dài nhưng cũng đủ để chị và Jimmy cảm nhận trọn vẹn về nhau.
Jimmy đang sống một mình. Anh đã về hưu và sống bằng trợ cấp, chưa kể sức khỏe cũng có vấn đề. Còn chị đã quen sống với chủ nghĩa độc thân, tuổi tác tỉ lệ nghịch với kinh nghiệm trong tình trường, hiện đang sống rất hạnh phúc với cả đại gia đình tại VN.
Hai cuộc sống quá tương phản này liệu có thể hòa hợp vào nhau?
Nhìn vào đôi mắt đã đục theo thời gian của Jimmy, chị biết câu nói “Hãy tin anh, anh thật sự đã bị sét đánh khi gặp em” là sự thật.
Nhớ lại những lần đi chơi, trò chuyện cùng nhau, chị đã cười nhiều và mở lòng hơn bao giờ hết... Nhớ lại những lúc cả hai do bất đồng ngôn ngữ nên không hiểu ý nhau, cái nắm tay của Jimmy cho chị biết điều đó không còn là quan trọng.
Nhưng chị sắp bước vào tuổi 60, làm sao có thể vượt qua rào cản gia đình, định kiến xã hội để đến với Jimmy? Dẫu sao thì việc người ở độ tuổi này mà còn kết hôn sẽ rất chướng mắt trong suy nghĩ của nhiều người Việt, chưa kể đây lại là một ông Tây.
Liệu nhìn vào mối tình này chị có bị gán cho mác “bị lợi dụng”, “già không nên nết”...? Và nếu đến với nhau hai người sẽ sống ở đâu? Chị không muốn rời xa đại gia đình của mình, cũng không thể kéo Jimmy về sống tại VN. Jimmy không ăn nhiều đồ Việt, chị lại ghét đồ Tây...
Xót xa, dằn vặt... chị bỏ về nước khi visa vẫn còn nhiều ngày. Câu cuối cùng chị nói với Jimmy chỉ đơn giản là: “Nếu thật sự thương em thì anh hãy về VN và thuyết phục mọi người trong gia đình để chúng ta có lễ cưới cho phải đạo. Còn em không đủ sức làm việc đó...”.
Nói là nói thế nhưng chị không nuôi hi vọng nhiều.
Vậy mà hai tháng sau chị nhận được cú điện thoại từ số lạ. Từ đầu dây bên kia, giọng nói một người đã khiến chị run lên bần bật, nghẹn ngào. Người đó nói: “Anh đang ở VN và anh đã sẵn sàng...”.
Không bao giờ là quá trễ...
“...để nói lời yêu”, chị Oanh bật cười khi nói “chân lý tình yêu” đã ngộ ra của mình.
Tính tới thời điểm này hai anh chị đã chung sống hạnh phúc bên nhau gần sáu năm. Hiện chị và anh Jimmy đang sống tại một thành phố nhỏ ở bang Washington.
Hằng ngày Jimmy dành phần lớn thời gian chăm sóc nhà cửa, nấu nướng... còn chị tranh thủ vừa đi học vừa đi làm thêm ở một viện dưỡng lão.
“Cuộc sống của chúng tôi bây giờ không có những mâu thuẫn, hờn ghen và cũng thiếu vắng sự nồng nhiệt thường thấy ở người trẻ, nhưng cả hai luôn cảm thấy ấm áp khi có nhau”, Jimmy sẻ chia.
Hỏi hai anh chị về một điều ước nếu có? Chị Oanh: “Tôi ước mình kiếm đủ tiền để mỗi năm lại có dịp về thăm quê hương, thăm mấy đứa cháu nghịch ngợm của mình”. Jimmy: “Tôi ước mình được gặp Oanh 33 năm về trước. Nếu vậy chắc chắn tôi sẽ là người đàn ông hạnh phúc nhất thế gian này”.
Còn có điểm nào chưa thích ở nhau? “Jimmy không ăn được đồ Việt nên thường lén tôi đi nấu đồ Mỹ. Ổng nấu rất dở, thường xuyên bị khét, thế mà vẫn hít hà khen ngon. Điều đó làm sao qua mắt tôi được?”- chị Oanh hăm hở kể tội.
“Tôi ghét cái tính tham công, tiếc việc của bà ấy. Mỗi lần thấy tôi nấu hư đồ ăn là bà ấy lại xắn tay áo vào bếp phụ tôi. Bà ấy đâu biết tôi làm vậy là vì không muốn bà thêm mệt nhọc sau ngày dài lao động, học tập bên ngoài. Hay bà ấy sợ bị tôi “vượt mặt” trong khoản này?”- giọng Jimmy tỉnh rụi.
Tuy chỉ là cuộc điện thoại từ nửa vòng quả đất, nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng cười vang cả góc nhà của hai người ở đầu dây bên kia...
CÔNG NHẬT