Dù ra đời khá muộn màng so với các đại gia của ngành công nghiệp xe hơi nước Đức, Porsche vẫn tạo lập được vị thế riêng nhờ biết chọn cho mình con đường phát triển dựa trên triết lý về cội nguồn.
Nếu cứ tính theo tỷ lệ "trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một sờ, trăm sờ không bằng một làm", phải sau một triệu lần nghe, một vạn lần thấy, chúng ta mới có cơ may được an tọa trong không gian của chiếc xe mang thương hiệu Porsche. Không chỉ hiếm hoi như lá mùa thu ở Việt Nam, mà ngay những nước tiên tiến khác, sở hữu một chiếc Porsche cũng cần lắm công phu, bởi không phải lúc nào giá cả của hãng xe danh tiếng này cũng chiều lòng người.
Porsche Carrera coupe.
Lịch sử của Porsche bắt đầu sau hơn 50 năm làm việc cần cù và say mê của người sáng lập, Ferdinand Porsche. Ông là tác giả của dòng xe thể thao SS, SSK siêu nạp khi giữ chức vụ giám đốc kỹ thuật của Benz-Daimler. Trong giai đoạn cộng tác với NSU, Volkswagen, ông cho ra đời "con bọ" Beetle nổi tiếng năm 1932 và hàng loạt dòng xe đua. 1950, sau 20 năm làm việc tại văn phòng thiết kế riêng, Ferdinand Porsche và người con Ferry Porsche thành lập công ty độc lập mang tên Porsche, đóng đô tại thành phố ôtô Stuttgart, Đức.
Một năm sau, Porsche giành chiến thắng tại đường đua Le Mans với sản phẩm đầu tay mang tên công ty, Porsche 356. Đó quả thực là điềm báo cho một thương hiệu lớn trong tương lai. Cùng năm 1951, Ferdinand Porsche qua đời khi nguyên mẫu 356 chưa kịp hoàn thành, để lại công ty cho người con Ferry Porsche quản lý.
Năm 1952, khi đang ở châu Mỹ, Ferry uỷ quyền cho người trợ lý đắc lực Erwin Komenda thiết kế biểu tượng của Porsche. Mục đích của Ferry lúc đó là xuất khẩu các sản phẩm của Porsche sang thị trường Mỹ đầy tiềm năng. "Quân sư" Erwin Komeda đã song hành cùng F. Porsche từ năm 1931, và chính ông đã chấp bút thiết kế nên "con bọ" của Volkswagen theo lệnh của Adolf Hitler. Sau này, dưới triều đại của Ferry, "đại thần" Erwin góp công lớn với mẫu thiết kế 911, chiếc xe gắn liền với tên tuổi Porsche, và vẫn còn được sản xuất dù có mặt trên thị trường từ năm 1964.
Erwin Komenda chịu ảnh hưởng lớn từ ý tưởng của Ferry khi thiết kế logo Porsche. Dường như những người đứng đầu các hãng xe đua có nguyên tắc chung khi xây dựng biểu tượng cho công ty. Có thể do tham gia trực tiếp vào lĩnh vực thể thao nên yếu tố "màu cờ, sắc áo" được những hãng này đưa lên hàng đầu. Logo của Ferrari trung thành với màu cờ của thành phố Modena và quốc kỳ đất nước hình chiếc ủng, Italy. Còn logo của Porsche, tất nhiên, không thể bỏ qua những yêu cầu trên.
Ferry đã gợi ý Erwin lấy huy hiệu của vùng đất Wurttemberg, phía Tây Nam nước Đức, làm nền cho logo của Porsche. Wurttemberg giáp với xứ tự trị Bavaria về phía Đông, nơi có thành phố Stuttgart - thủ phủ của Porsche. Huy hiệu Wurttemberg hình chiếc khiên, được chia làm bốn phần. Góc cao bên trái và góc thấp bên phải vẽ 3 chiếc sừng hươu truyền thống có từ thời "khai thiên lập địa". Phần còn lại là những sọc đỏ đen quen thuộc trên quốc kỳ cộng hoà liên bang Đức. Phía đỉnh huy hiệu, Erwin phác hoạ dòng chữ Porsche rất hoà hợp về hình khối và tông màu, với ý nghĩa Porsche đã, đang và sẽ là một phần trong lịch sử Wurttemberg.
Nằm tại trung tâm của logo Porsche là biểu tượng thành phố Stuttgart, có các kích thước bằng một phần ba so với biểu tượng lớn, tương đương với tỷ lệ chiếm diện tích bằng một phần chín. Về tổng thể, tỷ lệ đó tạo nên cảm giác khá hài hoà, không quá to mà cũng không quá nhỏ. Theo các chuyên gia ngôn ngữ, Stuttgart là cách nói rút gọn của từ gốc Stutengarten, dịch sang tiếng Anh là "stud farm - trại ngựa giống". Biểu tượng và cái tên Stutengarten đã nói lên phần nào truyền thống của Stuttgart, nơi có những trang trại ngựa trù phú nằm dọc hai bên bờ sông Neckar. Có giả thuyết cho rằng, hình ảnh chú tuấn mã mà anh hùng không quân Italy Francesco Baracca vẽ lên sườn máy bay của mình phần nào lấy cảm hứng từ những trại ngựa này khi ông bay qua Stuttgart, và chú ngựa này tiếp tục tạo cảm hứng cho biểu tượng của Ferrari.
Đồng hương với Porsche tại Stuttgart là Mercedes-Benz và Maybach, nhưng chỉ Ferry có ý tưởng về lối kết hợp khá đơn giản những biểu tượng của quê hương. Mục đích của ông là giúp người tiêu dùng Mỹ chỉ cần nhìn vào logo có thể đọc ra lai lịch của Porsche. Điều đó cũng tương đương với lời bảo đảm cho những sản phẩm Porsche, vì theo triết lý của Ferry, "không có gì làm người khác tin bạn hơn chính cội nguồn của bạn". Sau một năm được thông qua, logo Porsche chính thức trình làng trên vô-lăng của những mẫu xe năm 1953.
Hơn 50 năm, cùng trải qua những thăng trầm, sóng gió, biểu tượng đó vẫn hiện diện trên những sản phẩm tuyệt hảo Porsche. Dù sinh sau đẻ muộn so với các đại gia của ngành công nghiệp ôtô nước Đức, Porsche vẫn thành công theo cách riêng. Những người lãnh đạo cho rằng chính tính cách mạnh mẽ, tự tin, sang trọng và quyến rũ dựa trên nền tảng của những giá trị truyền thống đã giúp Porsche và biểu tượng của mình vượt qua cơn bĩ cực để đến hồi thái lai.
(Theo vnexpress)