Bài 1: Chân dung “phó nhòm”

Sẽ đến một thời điểm hình nude phải được “đối xử” công bằng như những tác phẩm nghệ thuật khác. Giới nhiếp ảnh nude từ lâu đã chờ đợi điều này. Và có vẻ như thời điểm đó đang đến, một cách tất yếu, từ nhu cầu thực tế của cuộc sống…

Với một cái nhìn phóng khoáng hơn, trân trọng nghệ thuật thật sự, ảnh nude đang có những giá trị khác mà chỉ những người đam mê mới cảm nhận được. Không rầm rộ. Nhưng ngày càng có nhiều tác phẩm ảnh nude được công bố, trân trọng. Nhiều tay chụp chuyên và không chuyên đã xuất hiện, chững chạc, có nghề.

Thái Phiên và “Tôi chụp ảnh nude”

Trong số ít những nhiếp ảnh gia chụp hình nude có tên tuổi ở Việt Nam, có thể xếp Thái Phiên ở hàng chiếu trên, cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm. Gặp được anh, hóa ra là một “ông già” U.50, ăn mặc khá bụi và chẳng “thơm phức” như chúng tôi tưởng. Không những thế, ngồi cạnh Thái Phiên rất có thể bị người xung quanh hiểu nhầm bởi anh nói chuyện rất “hoành tráng”; toàn là những nude với sex, khỏa thân, mà lại nói chuyện rất to, hứng lên tay còn vung vít, khua khoắng.

Thật bất ngờ: Dù coi nude là nghệ thuật và luôn “lao động nghiêm túc và cháy hết mình cho nhiếp ảnh” nhưng đã có lúc Thái Phiên muốn vứt máy ảnh, nghỉ chụp nude bởi phải chịu áp lực quá lớn từ dư luận và cả lo lắng khi nghĩ đến vợ, bố mẹ vợ, các con… Thái Phiên kể, cô con gái học lớp 8 của anh từng hỏi: “Sao ba suốt ngày đi chụp ảnh hở hang vậy?”. Anh “nghẹn ngào” giải thích: “Con còn nhỏ, chưa hiểu hết nghệ thuật. Lớn lên rồi con sẽ biết...”.


Nhiếp ảnh gia Thái Phiên trong một lần đi “tác nghiệp”

Thái Phiên bảo, nhiều lúc anh cũng rơi vào cảnh cô đơn, buồn chán khi “nghe thấy, nhìn thấy” sự coi thường của người khác dành cho mình. Nhưng rồi chính đam mê đã giữ anh lại để đi tiếp con đường này.

Theo Thái Phiên, “khi cái tâm đã tĩnh và hồn đã mỹ”, những bức ảnh nude trở nên thanh thoát và nó đại diện cho vẻ đẹp tuyệt vời mà tạo hóa ban tặng cho người phụ nữ - qua đó thoát ra khỏi sự dung tục, tầm thường. Anh chỉ là người “lưu giữ” lại những nét đẹp ấy thôi. Thái Phiên khoe, anh vừa nhận được tin nhắn của một sinh viên: “Em rất thích những bức ảnh thầy chụp và rất ngưỡng mộ thầy”.

Đến nay, “mẫu” của anh đều là những người rất gần trong cuộc sống nhưng anh “không biết ai là ai”. Đó là nguyên tắc giữ bí mật bất di bất dịch trong chụp ảnh nude. Thái Phiên kể, anh đang ấp ủ viết cuốn hồi ký “Tôi chụp ảnh nude” và lên kế hoạch ra mắt hai bộ sách ảnh “Khoảnh khắc giao mùa” và “Hạ đỏ”.

Khi nhiếp ảnh gia bị “thổi còi”

Còn nhớ, 17 năm trước, nghệ sĩ Trần Huy Hoan cho trưng bày kết hợp 6 bức ảnh nude trong một triển lãm cá nhân. Tuy nhiên ngay sau ngày khai mạc, ông đã bị các nhà quản lý yêu cầu tháo xuống 6 bức ảnh khỏa thân đó. Vì sự việc đó, Trần Huy Hoan đã phải ngưng lại toàn bộ triển lãm.

Sau này, ai quan tâm đến nghệ thuật nhiếp ảnh nude đều không quên cuộc triển lãm “Closer” (Gần nữa) của nghệ sĩ thị giác Kim Hoàng bị hủy vào phút chót vì không được Sở Văn hóa-Thông tin cấp phép triển lãm. Hay như cuộc triển lãm “Xuân thì” của nhiếp ảnh gia Thái Phiên vào tháng 10.2007 cũng đã phải hoãn lại đến hai lần. Lý do mà Sở Văn hóa-Thông tin đưa ra đều nằm ngoài bản thân tác phẩm: Lần thứ nhất vì địa điểm không phù hợp. Lần thứ hai vì thời gian không phù hợp (?).


Hạo Nhiên

Đối với Hạo Nhiên, một nhiếp ảnh gia trẻ vừa vào nghề được hơn 2 năm, có một cuộc triển lãm ảnh nude cho chính mình vẫn chỉ là điều mơ ước. Hạo Nhiên cho biết anh luôn ôm ấp mơ ước “làm một cuộc triển lãm ảnh nude và toàn bộ số tiền bán ảnh được sẽ dùng để làm từ thiện, nhưng chưa biết khi nào sẽ thực hiện được...”. Vì thế, ước mong đưa “những đứa con tinh thần” của các nhiếp ảnh gia đến với công chúng nhiều khi vẫn chỉ là mong ước.

Nghệ sĩ Kim Hoàng còn kể: Một ngày nọ, một người bạn đến quán cà phê Himiko chơi và ngỏ ý muốn nhờ Hoàng chụp cho mình một bộ ảnh nude. Sau 2 giờ làm việc, chụp hơn 200 file ảnh, Hoàng và cô bạn cũng lựa được gần đủ số hình họ muốn. Tưởng chừng mọi chuyện chỉ dừng lại đó... Nhưng trong một lần trò chuyện cùng một người bạn là giáo viên, Hoàng thật sự ngạc nhiên khi cô này bày tỏ những ý tưởng phản bác rất cực đoan về ảnh nude. Hoàng phải cố gắng giải thích cho cô bạn hiểu rằng nude chỉ là nghệ thuật tôn vinh vẻ đẹp tự nhiên của cơ thể con người và hoàn toàn trong sáng...


Nhiếp ảnh gia nữ Kim Hoàng

Cháy hết mình với “nghề nhạy cảm”

Nhiều người cứ nghĩ, cỡ như Thái Phiên chỉ cần chụp cái là “ăn phát một”, là có ngay những bức hình đẹp lung linh... Thực tế không như vậy. Trong hàng trăm bức ảnh chụp được, có khi chỉ sử dụng được một bức ảnh duy nhất. Nghệ thuật luôn đòi hỏi sự sáng tạo nên người chụp cũng phải “vắt óc vắt tim” để cho ra đời một sản phẩm hoàn hảo.



Trước một buổi chụp hình, Thái Phiên thường có thói quen viết sẵn kịch bản vào sổ tay; vạch sẵn những phương án dự phòng rất kỹ lưỡng… Anh kể, đôi khi người mẫu cũng trầy da tróc vảy trong lúc đi đến địa điểm chụp. Cái cảm giác của một người “không mảnh vải che thân” đã chụp đến mấy tiếng đồng hồ trong thời tiết nóng bức, có khi toát hết cả mồ hôi, gió, nắng, cát càng làm cho người thấy khó chịu... Với bức ảnh “Tung cánh”, Thái Phiên giãi bày: “Một chiều trên biển vắng, tôi đã chụp gần 100 kiểu ảnh để rồi chỉ chọn được 1 tấm ưng ý nhất”.



Để hoàn thành bức “Sóng cát”, Thái Phiên kể: “Chúng tôi lầm lũi khoác ba lô, vác chân máy hì hục vượt qua nhiều cồn cát như những bóng ma trong đêm tối để có mặt tại địa điểm chụp từ lúc mặt trời vừa ló dạng. Thế nhưng hôm ấy, ông mặt trời đỏng đảnh lại ngủ quên sau một đám mây như thử thách lòng kiên nhẫn của chúng tôi”.



Một số tác phẩm tiêu biểu của Thái Phiên

17 năm đi chụp ảnh nude miễn phí, Thái Phiên không hề có một studio cho riêng mình. Nơi anh “tác nghiệp” có khi chỉ là “căn phòng nhỏ nóng bức, đồ đạc bày ngổn ngang và chỉ có 2 tấm bảng trên tường đóng sẵn 2 cây đinh, tấm vải đen được móc lên và trải dài xuống đất để làm phông”. Với Thái Phiên, “phòng chụp” thường là những địa điểm ít người đặt chân đến, thậm chí hoạt động “như ăn trộm” vì chụp ảnh nude “không thể có người thứ ba”... (còn tiếp)