Theo dự thảo Luật thủ đô, người lần đầu nhập hộ khẩu phải tạm trú 5 năm tại Hà Nội, có việc làm hợp pháp với mức lương ít nhất bằng 2 lần mức lương tối thiểu (hiện là 650.000 đồng).
Mức lương tối thiểu được Chính phủ quy định hằng năm. Hiện mức lương tối thiểu chung của người lao động là 650.000 đồng một tháng. Đến tháng 5 này, mức lương sẽ nâng lên 730.000 đồng. Do vậy, để được nhập khẩu vào thủ đô trong thời gian tới, người dân sẽ phải chứng minh đạt mức lương tối thiểu là 1,46 triệu đồng.
Ngoài ra, theo dự luật người muốn nhập hộ khẩu phải tạm trú liên tục tại thủ đô từ 5 năm trở lên (Luật cư trú quy định chỉ một năm); có chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn đồng ý bằng văn bản, có xác nhận của UBND xã phương nơi ở.
Với những người không thường trú hoặc tạm trú, song muốn làm việc tại thủ đô thì phải có giấy phép lao động do Sở Lao đông Thương binh và xã hội cấp. Quy định này không áp dụng đối với những người được thành phố có chính sách ưu tiên tuyển dụng.
Dự luật thủ đô cũng cho phép UBND thành phố Hà Nội có quyền ban hành, thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân; quyết định về cơ chế, trình tự và tổ chức việc thu hồi đất nhằm triển khai nhanh việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng cho các dự án trên địa bàn; ban hành tiêu chuẩn môi trường đô thị cao hơn tiêu chuẩn quốc gia...
Thành phố cũng được quy định chế độ, chính sách tuyển dụng, sử dụng đội ngũ công chức, các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cho sự nghiệp phát triển thủ đô; được tuyển dụng những sinh viên giỏi, xuất sắc vào làm việc tại các cơ quan mà không cần qua thi tuyển.
Tại cuộc họp lấy ý kiến dự thảo luật thủ đô mới đây, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, dự luật cần được xây dựng nhằm mục tiêu tạo điều kiện cho Hà Nội phát huy tốt nhất tiềm năng và thế mạnh để phát triển bứt phá. Trách nhiệm của thành phố là chính, nhưng các bộ, ngành, các tỉnh, thành cả nước cũng phải đóng góp, xây dựng thủ đô.
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị khẳng định, quan điểm soạn thảo luật thủ đô cần quán triệt là tất cả vì cái chung, để xây dựng thủ đô, "trái tim của cả nước" được văn minh và hiện đại.
Luật thủ đô sẽ hoàn thiện trình Quốc hội vào tháng 5/2010, dự kiến ban hành dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long.
Đoàn Loan