Việc tìm thấy 16 thần sắc trong các thư tịch cổ đã bước đầu vén một phần bức màn bí mật quanh lễ hội chọi trâu hằng năm vẫn nức tiếng ở Đồ Sơn (Hải Phòng).
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn (Hải Phòng) ngay từ năm 2000 đã được Nhà nước công nhận là 1 trong 15 lễ hội lớn nhất của cả nước, là một mỹ tục hào hùng mang đậm tinh thần thượng võ, lòng quả cảm của người Đồ Sơn.
Trong lễ hội chọi trâu, mở đầu là lễ tế thần Điểm tước tại đền Nghè. Đây là phần quan trọng nhất của lễ hội và cũng là lễ tế lớn nhất trong năm của người dân Đồ Sơn.
Từ dấu chân chim
Ông Hoàng Vũ Lưu - người được biết đến là một "hương sư" (chủ tế) của lễ tế thần Điểm tước trong lễ hội chọi trâu kể rằng, trong sách Đại Nam Nhất thống chí có viết: "Cách đây 18 thế kỷ, gió mùa đông Nam Thanh Hóa đẩy ngư dân Thanh Hóa đặt chân lên núi Tháp, Đồ Sơn".
Theo đó, khi người dân bắt đầu xây dựng cuộc sống mới ở chân núi đã gặp rất nhiều tai ương, rủi ro, thủy quái quấy nhiễu khiến họ phải nương tựa vào sức mạnh tâm linh, lập đền thờ thành hoàng cầu cho cuộc sống được yên ổn, việc làm ăn được xuôi chèo mát mái.
Tuy nhiên, chỉ với một ý niệm chân thành nhưng hết sức mơ hồ như vậy, những người dân từ thuở sơ khai này không hề biết "Duệ hiệu" (tên) của thần là gì để mà thờ cúng. Họ liền bàn nhau xay gạo thành bột mịn rắc đều lên mâm gỗ sạch rồi mang vào để ở trong hậu cung của đền.
Các bô lão sau đó đã lập đàn cúng lễ theo các "tuần tiết" và ra về. Khi quay lại, họ phát hiện thấy trên mâm bột duy nhất một dấu chân chim liền khấn "Duệ hiệu" của ngài là Điểm tước thần vương.
Khi đền được xây dựng hoàn chỉnh, một vị bô lão trong làng đi vào đền tình cờ trông thấy một đôi trâu trắng chọi nhau, nghe tiếng động liền nhảy xuống biển biến mất. Vị bô lão bàn với dân làng tổ chức lễ hội chọi trâu để dâng lên như một cách tri ân người đã "độ thế cứu dân". Ngoài sự tích kể trên, còn có một số sự tích khác nữa về sự hình thành nên ngôi đền và lễ hội chọi trâu.
Cả "tổng" mới có một ngôi đền...
Người Việt Nam xưa có câu "trống làng nào làng nấy đánh/Thánh làng nào làng nấy thờ". Tuy nhiên, từ khi lập đền Nghè cho đến nay, cả 5 làng ở Đồ Sơn là Đồ Hải, Nam, Đoài, Ngọc Xuyên, Đông đều thờ chung một vị thần Điểm tước. Lễ hội chọi trâu từ khi ra đời cho đến nay luôn xác định phần lễ tế thần Điểm tước là phần quan trọng nhất, mở đầu cho lễ hội.
Ông Hoàng Vũ Lưu cho biết, người dân Đồ Sơn và đặc biệt là các bô lão, trong đó, có nhiều người đã nhắm mắt xuôi tay nhưng vẫn còn nguyên nỗi day dứt, trăn trở vì ngôi đền cổ được tu bổ lần cuối năm 1875, là nơi thờ vị thần nổi danh linh ứng "cứu nhân độ thế" của cả 5 làng ở tổng Đồ Sơn xưa kia (nay là 5 phường ở quận Đồ Sơn) vẫn chưa được công nhận di tích lịch sử quốc gia.
Ông Hoàng Đình Phúc, nguyên Chủ tịch UBND thị xã Đồ Sơn cho biết: Đền Nghè, chùa Tháp, tháp Tường Long, suối Ngà là một quần thể di tích tâm linh độc đáo ở Đồ Sơn. Trong đó, đền Nghè là di tích đáng được ghi nhận nhất.
Từ nhiều năm trước, nhân dân Đồ Sơn đã làm hồ sơ gửi cơ quan chức năng đề nghị ghi nhận đền Nghè là di tích lịch sử quốc gia nhưng cho đến nay, hồ sơ vẫn chưa được xét duyệt. Trong khi đó, đình Ngọc Xuyên chỉ là một đình làng nhỏ bé lại gắn liền với lịch sử cách mạng.
Nơi đây từng là cơ sở cách mạng của cả tổng Đồ Sơn cũ và là nơi diễn ra các cuộc vận động tham gia nghĩa vụ quân sự, kháng chiến cứu nước. Do đó, đình làng Ngọc Xuyên được ghi nhận trước.
16 thư tịch cổ...
Tiếp đời này qua đời khác, cha truyền con nối, vẫn lặn lội, cất công tìm kiếm những chứng lý xác thực chứng minh sự tồn tại qua nhiều thế kỷ của ngôi đền. Ông Hoàng Vũ Lưu và người em họ là Lê Bá Hồng bằng tất cả nỗ lực của mình đã tìm ra 16 thần sắc của các đời vua phong cho vị Điểm tước thần vương được thờ tự nơi đền Nghè.
Khi tìm lại được 16 thần sắc vua phong cho Điểm tước thần vương, anh em ông Lưu đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của chính quyền địa phương, yêu cầu sẽ cung tiến 16 thần sắc vào hậu cung đền Nghè.
Ông Hoàng Đình Phúc khẳng định, 16 thần sắc vừa tìm được là cơ sở vững chắc để đền Nghè được cấp chứng nhận di tích lịch sử quốc gia trong tương lai. Toàn bộ các thần sắc đều ghi nhận công trạng của thần đã linh ứng giúp dân, giúp nước trừ thiên tai, địch họa.
Thần sắc thứ nhất được tìm thấy là từ năm 1634 dưới thời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Đức Long 6, có nội dung: "Thần là khí âm dương, là công thiên hạ, nhìn chẳng thấy, nghe không rõ, lồng lộng trên cao, người được yên vui, vật được che chở, tốt đẹp trùng phùng. Nay nhân cầu đảo được mưa đúng thời, cốt phải cử hành lễ tuy phong theo điều lệ. Vì thành tâm mật đảo, linh ứng được mưa, xứng đáng được phong tặng...".
Thần sắc thứ 16 được tìm thấy là từ năm 1796 dưới triều vua Nguyễn Quang Toản, niên hiệu Cảnh Thịnh thứ 4, có nội dung ghi nhận thần giúp ngăn họa trừ tai, giúp quần sinh yên vui, giúp nước công thần kỳ diệu, cho phúc ban lành, phù cửu đỉnh vững vàng như núi Thái Sơn.
Ông Lê Bá Hồng cho biết, 16 thần sắc này là những thư tịch cổ nằm trong tàng thư thế kỷ thứ XVII, thần sắc đầu tiên cho ngôi đền được tìm thấy đã cách đây 400 năm. Liên tiếp qua các đời vua đều nhận được thần sắc ban phong.
Hiện ông mới chỉ tìm được 16 thần sắc này trong quyển tập hợp những thần sắc năm 1906 - 1909, còn lại 2 quyển tập hợp thần sắc được ban phong cho Điểm tước thần vương từ thời Lý, Trần hoặc thời Nguyễn nhưng đều đã bị thất lạc, hiện chưa có manh mối tìm ra.
Hồng Lê
Việc tìm được thư tịch cổ "thần sắc" có niên đại từ thế kỷ thứ XVII cho vị thần hoàng Điểm tước tại đền Nghè là rất có giá trị. Nó có ý nghĩa quan trọng, giống như việc chứng thực lý lịch rõ ràng cho thần hoàng. Từ trước đến nay, vị thần này chỉ tồn tại trong truyền thuyết, trong lời kể của các vị bô lão trong làng, trong tổng. Nguồn tư liệu được lấy ra từ Viện Hán Nôm là tư liệu được đảm bảo, có tính chính xác và hoàn toàn đáng tin cậy.
Nhà sử học Bùi Thiết