Có một thực tế dễ làm cho các quý bà mệt mỏi: Nếu không tỏ ra hấp dẫn người khác phái sẽ bị coi là “thiếu duyên”, là “khô”; còn quá hấp dẫn dễ bị luận tội “lẳng”. Làm thế nào để vừa đoan trang, vừa thu hút?

“Làm gái cho người ta trêu...”



Mâu thuẫn lớn nhất ở đây là người chồng luôn muốn vợ mình hấp dẫn, thu hút; nhưng người vợ thu hút chồng mình thì chắc chắn không tránh khỏi việc thu hút cả những người đàn ông khác.



Thu Nga - tiểu thương chợ Phạm Văn Hai, Q.Tân Bình, TPHCM gửi đến báo Phụ Nữ một tâm sự khá đặc biệt:



“Trong một lần vợ chồng đi dự tiệc cưới, mấy người đàn ông chung bàn bỗng nổi hứng, hùa nhau ép tôi uống bia, có ông còn mạnh miệng khen tôi đẹp. Khi tôi sang bàn khác giao lưu, có ông còn chặn đường, đưa đẩy vài câu.



Về nhà, chồng tôi đã bảo là tôi lẳng lơ. Anh ấy còn phân tích rằng: Tại sao trong bàn có nhiều phụ nữ khác, mà người ta chỉ tập trung vào em? Em có “bật đèn xanh”, người ta mới dám “chạy” chứ?



Tôi cãi không lại chỉ biết khóc. Tôi nghĩ đơn giản, lẽ ra anh ấy phải cảm thấy vui vì có một người vợ thu hút. Được nhiều người đàn ông quan tâm, cũng là một “thành công” mà đâu phải người phụ nữ nào cũng có được!”.



Với phụ nữ, chưng diện là một trong những yếu tố chính tạo ra nét hấp dẫn. Nhưng trong đời sống đô thị, hai vợ chồng được gặp nhau 5 giờ đồng hồ mỗi ngày là nhiều. Những lúc đó, người vợ lại thường ăn mặc xuề xòa (vì đang ở nhà). Phần lớn thời gian chưng diện là lúc người phụ nữ ở ngoài đường nên việc đó có vẻ như chỉ dành cho “người khác”. Chị em có cái lý: “Tôi làm đẹp cũng vì chồng con, chứ cho ai?”. Đành là thế, nhưng nhiều quý ông cảm thấy bất an khi vợ mình quá hấp dẫn ở nơi làm việc.



Chị Kim Anh (nhân viên bán điện thoại di động) bị chồng “tẩy chay” việc đưa đón đi làm, với lý do: “Tôi không thể chịu được cảnh chở cô đi ngoài đường, chốc chốc lại có gã vọt xe qua, ngoái đầu lại nhìn”. Trước giờ đi làm, anh lại “gửi gắm” những câu đại loại như: “Em có mặc váy cũng ngắn vừa phải thôi, mà đừng mặc váy ôm quá. Còn cổ áo nữa, đâu phải càng xẻ sâu càng đẹp”.



Chị gọi đến trung tâm tư vấn tâm lý cầu cứu: “Có phải anh ấy mắc “bệnh” ghen tuông quá đáng? Nếu anh ấy coi việc ăn mặc của tôi là thiếu nghiêm túc, thì anh ấy là người quá “cổ điển”. Người phụ nữ cần được thể hiện thế mạnh của mình về ngoại hình chứ? Không lẽ, có đôi chân đẹp, lại không được mặc váy ngắn? Lẳng lơ hay không là ở giới hạn trong giao tiếp, còn người phụ nữ có quyền thể hiện nét hấp dẫn, miễn là họ không làm điều gì thiếu tôn trọng với chồng thì thôi. Vậy mà anh ấy nói: “Chỉ những người lẳng lơ mới ăn mặc như vậy”. Có lẽ tôi và anh ấy không hợp nhau. Chuyện nhỏ như vậy mà không hiểu nhau, làm sao vui vẻ với nhau suốt cả đời?”.



Anh Minh Sang - chủ một cửa hàng kinh doanh điện máy ở đường Hoàng Văn Thụ (Q.Tân Bình) kể “tội” vợ trong phiên tòa ly hôn: “Tại sao trong cơ quan, cô ấy được hầu hết đồng nghiệp nam mời đi dự sinh nhật, tiệc tùng. Nếu là bạn thân thì cũng thân vài người thôi chứ, đằng này, gặp ai cô ấy cũng kết thân, và nhân viên nam nào trong công ty cũng thích trò chuyện, trêu chọc cô ấy. Có lúc chồng chờ ngoài cổng để đón về, mà vợ vẫn bị một đồng nghiệp nam níu lại nói chuyện. Lại chẳng phải chuyện quan trọng gì, cứ như đang tán nhau”.



Chị Ngà - vợ anh Sang - là nhân viên phòng marketing của một công ty du lịch. Ngoại hình chị không có gì xuất sắc, nhưng bù lại, chị rất có khiếu ăn nói và duyên ngầm. Chị đi đến đâu, nơi đó tưng bừng, rôm rả đến đó. Các đồng nghiệp ở cơ quan mến mộ sự thu hút của chị bao nhiêu thì chồng chị bất mãn, ghen tuông bấy nhiêu. Không lâu sau, chị thích nói chuyện với đồng nghiệp, bạn bè hơn, còn về nhà thì im như thóc. Sự việc kéo dài khiến anh đi tìm một người phụ nữ khác mà anh cho là “chừng mực” hơn.



“Sơn ăn tùy mặt...”



Cái ranh giới giữa hấp dẫn, lẳng lơ thật khó xác định, có thể mường tượng một cách tương đối theo kiểu “ranh giới đó được quy định như là thêm một chút hấp dẫn thì thành lẳng lơ, mà bớt một chút hấp dẫn là thành khô cứng”.



Một người phụ nữ hấp dẫn sẽ có nhiều người theo đuổi, và chính sự theo đuổi của nhiều người vô tình làm cho người phụ nữ mang tiếng oan là đã “bật đèn xanh”.



Thực ra, với phụ nữ đẹp, dù họ có “bật đèn đỏ”, thì những người đàn ông khác cũng cố “vượt đèn”. Cách tốt nhất là phòng thủ từ xa, đừng dễ dãi trong lời nói, để người khác tưởng lầm mình dễ dãi. Ngoài vẻ đẹp bề ngoài, người phụ nữ cũng có thể tạo sức hấp dẫn khác như học thức, sự nết na, lòng tốt... Những phụ nữ mang nét hấp dẫn vừa kể luôn nghiêm túc, khiến chồng vừa tự hào, vừa yên tâm.



Tục ngữ có câu “Sơn ăn tùy mặt, ma bắt tùy người”. Cũng có người phụ nữ xinh đẹp, hiền hậu, hay bông đùa, được nhiều người quan tâm, nhưng vẫn luôn giữ được khoảng cách “an toàn”.



Có một “công thức” hay mà quý bà cần tham khảo, đó là hãy hấp dẫn như chiếc áo dài. Một người phụ nữ mặc áo dài sẽ toát lên vẻ đẹp đoan trang, thùy mị, nết na nhưng cũng rất thu hút đàn ông bởi cũng chiếc áo dài ấy đã tôn những đường cong mềm mại, thể hiện được “ngôn ngữ cơ thể”.