Cả hai đều đúng - bài học khi tranh luận

Một hiền giả Ấn Độ, ngày kia, xem bài các đệ tử phê bình về một bài thơ của mình. Có hai người đệ tử, trước khi trình cho thầy bài luận của mình, lại đổi nhau xem trước. Họ cãi nhau không ai chịu nhận bài của bạn mình là đúng. Thế rồi, họ bảo nhau để xem thầy sẽ phán xét như thế nào.

Ông thầy xem đến bài của từng người đều gật đầu khen phải cả. Đến lượt hai người này, thầy cũng gật đầu khen đúng nữa. Một người liền đứng lên phản đối:

“Thưa thầy, bảo rằng bài của các bạn con đều đúng, thì con không dám cãi, vì con không được biết họ nói gì trong đó. Chứ như đối với bài của anh này, thì con chắc chắn không thể nào thầy cho là đúng được, trong khi thầy cũng nhận cho bài của con cũng đúng nữa. Hai lập luận của chúng con là khác nhau, chắc chắn không thể bên nào cũng đúng được! hễ anh ấy đúng thì con sai, mà con đúng thì anh ấy sai”.

Ông thầy mỉm cười, ôn tồn bảo:

“Hai trò đều bàn đúng cả đấy. Sở dĩ trò này nói như thế này là tại trình độ hiểu biết của trò đó chỉ đến đó là cùng. Sao có thể bảo trò đó nói sai hay hiểu sai cho được! Bài thơ của thấy như vầng Thái Dương, hoa nào cũng nhờ ánh Thái Dương mà nở, nhưng cây hoa nào nở hoa nấy; cây này không nở hoa kia, mà cây kia không thể nở hoa nọ được… Sao có thể bảo bài của người này đúng, mà bài của kẻ kia sai!”.

Nếu ở đời, ai cũng biết lấy sự độ lượng của hiền giả này mà cư xử, thì ắt không bao giờ cần phải học đến thuật xử thế, mà việc gì trong đời cũng sẽ được xuôi chèo mát mái cả…

(St)