Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô lại múc trăng vàng đổ đi

Hai câu thơ trên đã làm nên một huyền thoại trong ca dao. Một hình ảnh đẹp. Không! Phải nói rằng rất đẹp! Nó đã trở thành tài sản chung của mọi người và người ta cứ việc trích dẫn hay thêm thắt vào bài thơ của mình. Đây là điều rất đỗi tự hào của tác giả đã làm nên một kỳ tích. Tuy nhiên, khi sử dụng chẳng ai nói là đạo hay sao chép vì chỉ có 2 câu trong toàn bài thơ vốn rất nhiều câu. Do vậy cũng không nên quá máy móc khi lấy ý hay cầm nhầm đôi câu của tiền nhân, của bạn hữu.

Lại nói về trăng. Từ độ Lý Bạch vồ trăng đã tạo nên truyền thuyết thì đồng hương của anh Nhật Nguyệt cũng làm nên kỳ tích khi rao bán trăng. Từ sau độ ấy không thấy ai rao bán trăng nữa vì trăng thì chỉ có một mà họ Hàn đã bán rồi thì ai dám bán nữa?

Nếu nói nhăng có lẽ dùng câu:

Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ.

Nhưng như vậy thì chỉ có ra nước ngoài mới có trăng để bán tiếp mà thôi!

Với Sao thì lại khác! Cho dù anh có hái sao trời bao nhiêu đi nữa thì cũng còn sao để cho người khác tiếp tục hái mà tặng người yêu mà ví von mắt em lấp lánh như sao hay ví Sao là những chiếc đèn và cả hai chúng ta cùng thắp sao trời....Thi vị nhỉ? Và trước ta, sau ta cũng sẽ còn nhiều người tiếp tục....

Vừa rồi đọc thơ của RG thấy hình ảnh cầu vồng được ví như đòn gánh trên vai Mẹ! Trước giờ nhiều người cũng sử dụng cầu vồng nhưng dùng như RG thì có lẽ KHT chưa thấy. Ôi! Cái độ cong của Cầu Vồng làm ta liên tưởng một sự trĩu nặng rất khủng khiếp trên vai Mẹ!

Đó là cái mới ư! Vâng mới với KHT vì KHT mới thấy!

Quay lại chủ đề chính là cuộc thi thơ Tình Xuân. Theo thiển ý của KHT các bạn nên khai thác vào thời điểm chuyển mùa vì điều đó nó chỉ sắp diễn ra. Chứ khi Xuân thật sự đến rồi thì KHT có cảm giác lòng mình không còn trào lên cảm xúc nữa. Giống như người ta chụp ảnh các vận động viên khi trong giai đoạn chuẩn bị sắp sửa xuất phát. Sự căng thẳng, sự vồng lên của bắp thịt như sợi dây cung đã kéo căng sắp sửa....Khoảnh khắc ấy nó khắc họa được cái hồn và cả nội tâm.

Bao mùa Xuân đi qua. Bạn thử nghĩ xem cái không khí nhộn nhịp háo hức đón chờ Xuân trên gương mặt, trên phố xá đông đúc. Một diện mạo, một tâm trạng ở vào thế kéo căng ra....Có hai lần ngồi trên vỉa hè nhâm nhi giữa phố đông người qua. Cả bốn đứa bọn mình cứ lặng im không nói lời nào. Nhìn và nhìn mọi người rồi như lạc hồn vào đâu đó mà như bay bổng lên cao để ngắm toàn cảnh để thấy từng gương mặt hồ hởi của mọi người khi mua sắm khi tìm được một món gì hợp ý khi đang hòa vào dòng người.....

Đó là thời khắc rất hiếm! Nó chỉ diễn ra chóng vánh cô đọng và xúc tích. Nếu nói như nhà thơ Xuân Diệu:

Tình chỉ đẹp khi còn nham nhở ( Xí nhầm...dang dở )

Thì cái đẹp trong đó là đỉnh cao. Tất nhiên đây là góc nhìn của cá nhân còn thơ các bạn làm thì theo ý các bạn muốn thể hiện thế nào thì tùy ý.