(Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng ngày 11 tháng 10 năm 1989,

tại thành phố Hoa Liên, Đài Loan)



“Tâm chỉ niệm tuyệt, chân phú quý,

Tư dục đoạn tận, chân phước điền.”

(Tâm dừng niệm bặt, giàu sang thật

Tư dục đoạn sạch, ruộng phước thật.)


Tìm nguồn gốc của Phật tức là đoạn sạch hết thảy tư dục (những ham muốn riêng tư) để hiển lộ trí huệ quang minh vốn có. Có tư dục thì không có trí huệ, có trí huệ thì không có tư dục -trí huệ không thể tách rời tư dục, tư dục không thể tách rời trí huệ.



Phiền não chính là Bồ Đề, sanh tử chính là Niết Bàn; nếu quý vị có thể trong phiền não mà không sanh phiền não, thì quý vị sẽ có tâm Bồ Đề. Quý vị muốn chấm dứt sanh tử, thì quý vị đừng tạo thêm sanh tử nữa; và đó chính là Niết Bàn. Người người đều có sanh, do đó ai nấy đều có tử. Nếu quý vị có thể cắt đứt tư dục, thì sự sanh tử của quý vị cũng sẽ chấm dứt theo; tư dục của quý vị chưa dứt sạch, thì sự sanh tử của quý vị chưa thể kết thúc được!



“Tư” là riêng tư, điều mà chỉ một mình mình biết chứ người khác không thể nào biết được. Người có lòng tư dục chỉ muốn phô bày cái tốt ra cho người khác biết, còn cái xấu thì che đậy giấu giếm, hy vọng như thế sẽ làm cho người khác có cảm tưởng tốt về mình. Tư dục xui khiến quý vị nói dối, điên đảo thị phi, không phân biệt được thẳng cong phải trái, trắng đen hỗn loạn -tất cả chỉ vì quý vị để cho lòng tư dục chi phối, sai khiến.



Nếu quý vị không có tư dục thì trí huệ quang minh vốn có của quý vị sẽ hiển hiện, bất tất phải tìm kiếm bên ngoài, mà tự mình tìm cầu nơi chính mình. Chúng ta sống ở cõi đời này, mọi cử chỉ hành động, lời nói việc làm, đều cần phải phản tỉnh, phải quay lại tìm cầu nơi chính mình.



Quý vị cần phải: “Những gì mình không muốn thì chớ đem cho người khác.” Những gì chính bản thân quý vị không thích thì cũng đừng đem trút lên đầu lên cổ người khác. Cổ nhân có nói:



“Nhân tuy chí ngu,

trách nhân tắc minh,

thứ kỷ tắc hôn.”



Có nghĩa là người ta tuy ngu xuẩn đến cực điểm, nhưng đối với thói hư tật xấu của kẻ khác thì lại có thể kể ra rất rõ ràng, rành rẽ. Người ấy nói chuyện thị phi của kẻ khác thì thao thao bất tuyệt, có bài có bản, “biện tài vô ngại”; nhưng đối với việc của chính mình thì lại mê muội hồ đồ, tùy tiện cẩu thả, không thể biện biệt rõ ràng, phạm sai sót cũng chẳng quan tâm, thậm chí còn che giấu lỗi lầm nữa -đây là do bị lòng tư dục chi phối, xúi giục, khiến người ấy gây ra những điều sai trái, và luôn luôn tự tha thứ cho chính mình!


Nguồn: Chùa Vĩnh Khánh .