.
Cuộc đời sao mà quá ngang trái. Mới hôm nào bà là Anh hùng lao động, là người phụ nữ tiêu biểu châu Á - Thái Bình Dương, là người được ca ngợi đã dâng trọn đời mình cho sự nghiệp đến độ quên cả hạnh phúc riêng tư. Thế mà giờ đây bà đứng trước vành móng ngựa.

Ba Sương, tên thường gọi của bà Trần Ngọc Sương - giám đốc Nông trường Sông Hậu, người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã không còn sức để đứng suốt buổi trước vành móng ngựa trong phiên xử phúc thẩm hôm 19-11.




Bà Ba Sương ngày nhận danh hiệu Anh hùng lao động (1999) và...( Ảnh tư liệu)



... sau vành móng ngựa trong phiên tòa sơ thẩm, tháng 8-2009 -(Ảnh: Quang Vinh)

Một ngày sau phiên xử, chúng tôi đến thăm bà tại căn nhà nhỏ ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Bà Sương già sọm đi, nước da nhợt nhạt, thân hình tiều tụy đến không ngờ.



Tổng bí thư Đỗ Mười đến thăm Nông trường Sông Hậu tháng 1-1996. Ông Năm Hoằng - ba của bà Ba Sương, một người nông dân luôn đi chân đất cho dù đón lãnh đạo cao cấp - (Ảnh tư liệu)


Ngồi bệt trên chiếc ghế bố cũ cạnh đống tài liệu và một ít hình ảnh chụp chung với người cha quá cố và bà con nông trường viên, bà sụt sùi: "Hơn 30 năm sống chết với Nông trường Sông Hậu, với bà con, bây giờ tôi không còn gì cả! Không chồng, không con, không nhà cửa... Căn nhà này cũng của người em, tôi đang tá túc ở nhờ để đeo đuổi công lý. Tôi biết đào đâu ra tiền tỉ để bồi hoàn theo phán quyết của tòa. Với chứng đau tim mang trong mình, không biết tôi còn đủ sức để tiếp tục kêu oan".



Chủ tịch UBND tỉnh Cần Thơ trao danh hiệu Anh hùng lao động lần 2 cho Nông trường Sông Hậu năm 1999

Mới 16 tuổi, Ba Sương đã đoạt giải nhất cuộc thi cấp tỉnh tại Trường cao đẳng Nữ công gia chánh Bạc Liêu (1965), giỏi giang từ chọn mẫu thời trang đến nấu nướng, cắm hoa...

Lẽ ra với năng khiếu mang đậm thiên chức phụ nữ tại gia như thế, cuộc đời bà đi theo một hướng khác. Nhưng không, Ba Sương lại coi đó là cũ, tự đổi mới bằng cách đi học khóa 1 ĐH Nông nghiệp Cần Thơ.



Những chiếc xe máy kéo khai mở mảnh đất hoang hóa, nhiễm phèn. Ở thời kỳ đầu, đoàn "cán bộ khung" do ông Năm Hoằng là đảng viên duy nhất phụ trách chỉ có 16 người là đoàn viên thanh niên, bộ đội xuất ngũ..., tài sản chỉ có 3.450ha đất (95% bị nhiễm phèn trung bình và phèn ít, 5% diện tích nhiễm phèn nặng), 10 máy kéo mua chịu của Chi cục Cơ khí Hậu Giang và 50.000 đồng vay của Phòng Thương binh - xã hội huyện Thốt Nốt để mua sắm nồi chảo, gạo mắm phục vụ "cuộc đọ sức với thiên nhiên"



Ông Năm Hoằng và bà Ba Sương trong một bữa cơm dưới mái nhà tranh ọp ẹp thời khai mở nông trường



Ông Năm Hoằng với chân đất, quần đùi đi thực địa ruộng lúa của nông trường viên



Lúa gạo đầy ắp nhà máy xay xát và nườm nượp ghe thuyền xếp hàng chờ nhận gạo ở nông trường

"Gia đình tôi là nông dân. Tấm gương cần cù của cha tôi, ông Trần Ngọc Hoằng (Năm Hoằng), đã truyền cho tôi một tình yêu đam mê với ruộng vườn, sông nước. Vì thế sau một thời gian về công tác ở Nông trường Sông Hậu, tôi đi nghiên cứu về quản lý kinh tế ở Liên Xô, quyết tâm trở về xây dựng nông trường thành nông trường kiểu mẫu" - bà kể.

Trở về nước với cương vị giám đốc nông trường, bà Ba Sương trở thành người toàn năng, lo đủ việc: thủy lợi, giao thông, cải tạo đất, chế biến nông sản, tiếp thị, ngược xuôi bươn chải tìm kiếm thị trường trong và ngoài nước rồi cả việc học hành của con em nông trường viên.





Con em của nông trường trong giờ ăn ở trường mẫu giáo và học võ tại sân trường PTTH do Nông trường Sông Hậu tự xây dựng.

Biến vùng đất 7.000ha hoang lầy, nhiễm phèn mà cây lúa mọc không nổi trở thành nơi làm ra của cải cho xã hội, trở thành những làng công nhân nông nghiệp của chủ nghĩa xã hội. Từ đó hình thành trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao có tiếng tăm lẫy lừng trong và ngoài nước.



Nông trường viên làm việc hăng say tại xưởng chế biến thực phẩm xuất khẩu của Nông trường Sông Hậu

Nông trường Sông Hậu như một điển hình của nông thôn mới, không biết bao nhiêu đoàn khách đã tới tham quan học hỏi. Có nhiều đoàn lãnh đạo đã tới đây chỉ đạo nhân rộng mô hình nông trường.

Hiệu quả đổi mới với tốc lực nhanh, mạnh mẽ của Nông trường Sông Hậu đã đưa bà Ba Sương đến đỉnh vinh quang: nối nghiệp cha nhận danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Trở thành người phụ nữ đầu tiên của VN nhận danh hiệu "Người phụ nữ ấn tượng khu vực châu Á - Thái Bình Dương".

Vậy mà giờ đây phải nhìn thấy cảnh bà Ba Sương đứng trước vành móng ngựa với cáo buộc của tòa 8 năm tù giam cùng với số tiền phải bồi hoàn 4,3 tỉ đồng... Tội tình!

Nguyên Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình: Cô ấy là anh hùng



Tối 19-11-2009, ngay sau phiên tòa, bà Ba Sương trở về nhà người em nằm trên chiếc giường xếp đơn sơ. - (Ảnh: Quang Vinh)

"Chính tôi là người từng đi đến Nông trường Sông Hậu để xác minh có xứng đáng tuyên dương danh hiệu anh hùng hay không thì thấy rõ là hoàn toàn xứng đáng. Nông trường Sông Hậu đã cải thiện được cuộc sống cho hàng ngàn người nông dân khi làm ăn càng ngày càng hiệu quả, phát triển. Đó là nông trường anh hùng, cá nhân cô ấy (Trần Ngọc Sương) cũng là anh hùng, không phải ngẫu nhiên được như thế".

Về cáo buộc lập "quỹ trái phép" hay "quỹ đen" đối với bà Trần Ngọc Sương, bà Bình khẳng định: "Đây không phải là "quỹ đen" mà phải gọi đúng tên là "quỹ đời sống", trong thời gian đó người ta cũng gọi đây là "quỹ đời sống". Cô ấy duy trì quỹ đó không phải để cho riêng mình tiêu xài, cũng không hề có gì giấu giếm để phục vụ cho những lợi ích cá nhân".
Là người đã nhiều lần tiếp xúc với bà Sương, bà Nguyễn Thị Bình chia sẻ: "Tôi biết cô ấy không lập gia đình, cả cuộc đời dành mọi tâm huyết lo lắng cho nông trường, cho cuộc sống biết bao người nông dân, nguyên cái đó thôi cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ về động cơ việc làm của cô ấy".

Theo VietNamNet

Theo Hoàng Trí Dũng- Huỳnh Kim