Thuốc dùng trong dị ứng thức ăn
Dị ứng thức ăn xảy ra mọi tuyến song do chưa đuợc chú ý đúng mục nên việc chuẩn bị thuốc chưa đầy đủ (dù chỉ là các thuốc thông thường) nên xử lý chưa kịp thời, làm cho tình trạng dị ứng chuyển theo hướng xấu.
Một vài điểm về dị ứng thức ăn
Nước ta chưa có tổng kết, nhưng ở Hoa Kỳ và Anh, dị ứng thức ăn (qua trung gian IgE) gây bệnh cho trẻ em khoảng 8%, cho người lớn khoảng 3% (Theo Sampson HA-1999). Nguyên nhân do các dị nguyên glycoprotein. Các glycoprotein này tan được trong nước, có khả năng bền vững với nhiệt (khi chế biến) với acid, không bị phân hủy bởi protease.
Thức ăn hay gây dị ứng là sữa bò, trứng, lạc, vừng, đậu nành, lúa mì, hạt quả cứng, kiwi, táo, cà rốt, cá, nghêu, sò, tôm, cua.
Mỗi độ tuổi hay bị dị ứng với một loại thức ăn nhất định, có thể kéo dài nhưng cũng có thể khỏi ở một độ tuổi nào đó. Dị ứng có thể xảy ra với trẻ từ 1 - 7 tuổi với hạt cứng, 6 -36 tháng tuổi với hạt mè, tuổi trưởng thành với nghêu sò, tôm, cua, cá và dai dẳng. Trong khi đó, trẻ em 6 - 24 tháng tuổi hay bị dị ứng lòng trắng trứng gà, sữa bò, lúa mì, đậu nành; đa phần những dị ứng này sẽ khỏi khi trẻ lớn lên.
Dị ứng thức ăn còn lưu hành theo từng địa phương. Nếu dị ứng trứng gà, sữa bò gặp hầu hết trên thế giới, thì dị ứng mù tạt hay gặp ở Pháp, hạt vừng lại thường gặp ở Israel, dị ứng cá hay gặp ở cac nước ăn nhiều cá ngừ trong đó có nước ta..
Biểu hiện dị ứng thức ăn
Nhẹ và vừa: mề đay, đỏ bừng, phù mạch, nôn mửa, quặn bụng đau bụng, tiêu chảy. Viêm mũi, hen phế quản (khởi phát đột ngột tình trạng khò khè và nặng lên sau một thời gian ngắn), phù thanh quản. Cũng có thể chán ghét thức ăn, thay đổi hành vi, khí sắc.
Nặng: phản ứng sốc phản vệ. Đa số là phản ứng phản vệ một pha, xảy ra ngay sau khi ăn do dị nguyên hấp thu nhanh. Song có 6% trường hợp là phản ứng phản vệ 2 pha, pha sau xảy ra muộn (4 - 12 giờ) sau khi ăn, do các dị nguyên hấp thu chậm (khoảng 90% trường hợp). Trong số phản ứng phản vệ hai pha, có 50% trường hợp rất nặng, có thể tử vong.
Thuốc dùng trong dị ứng thức ăn
Dùng thuốc nhằm hủy các triệu chứng dị ứng, quan trọng nhất là chống các phản ứng phản vệ. Thường dùng 4 loại thuốc: epinephrin, kháng histamin, chống co thắt phế quản, corticoid hít hay toàn thân.
Epinephrin (adrenalin)
Có vai trò nâng cao huyết áp, chống suy tim trụy mạch cấp.
Phải dùng sớm: tiêm bắp nhanh trong vòng ít phút sau khi phản ứng dị ứng xảy ra. Dùng muộn dễ dẫn đến gia tăng dạng phản ứng phản vệ 2 pha, gia tăng tỷ lệ tử vong (theo Lee JM-2000). Nếu phản ứng phản vệ nặng, cần phải dùng tại bệnh viện, có theo dõi chặt chẽ.
Với những người bệnh dị ứng thức ăn đến viện với triệu chứng suy hô hấp, hạ huyết áp bất tỉnh, cần dùng ngay, càng sớm càng tốt trong vòng 8 giờ, vì đây cũng là thời gian thường xảy ra pha 2 (pha muộn) của phản ứng phản vệ, đồng thời phải theo dõi liên tục trong 24 giờ (Ellis AK, 2007).
Để tiện lợi và kịp thời, có dạng ống epinephrin tự tiêm, tuyến dưới hay người bệnh có thể dùng được. Liều epinephrin dùng trong các trường hợp này phải thấp hơn liều tối đa.
Để phòng pha 2 (pha muộn) phản ứng phản vệ còn có thể dùng prednisolon uống với liều mỗi ngày 1 - 2mg/kg cân nặng, dùng trong 3 ngày liên tục.
Kháng histamin
Dùng các kháng histamin có tác dụng nhanh để loại bỏ nhanh các triệu chứng dị ứng.
Có thể dùng kháng histamin thế hệ cũ (chlopheniramin, alimerazin, cycloheptadin, meclizin, cyclizin). Với trẻ em không được dùng prometazin (cấm dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, với trẻ trên 2 tuổi chỉ dùng liều thấp nhất có hiệu quả). Vì thuốc làm trẻ suy hô hấp khi ngủ, dẫn đến đột tử, đặc biệt không dùng cho trẻ đang bị mất dịch vì gây hội chứng Reye. Lưu ý thuốc kháng histamin thế hệ cũ gây ngủ gà, làm gia tăng tác dụng của các thuốc trầm suy hệ thần kinh trung ương (như histamin thế hệ mới terfenadin và astemizol hai thuốc này gây hiện tượng xoắn đỉnh, đã bị nhiều nước cấm và nước ta cũng rút giấy phép lưu hành). Các thuốc cetirizin, acrivastin, loratidin tuy chưa tìm thấy bằng chứng gây xoắn đỉnh nhưng cũng cần cẩn thận (không dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi, riêng loratidin, cetirizin không dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi, thận trọng khi dùng cho người có chức năng gan, thận suy giảm).
Thuốc chống co thắt phế quản
Đa phần người dị ứng thức ăn, dặc biệt ở người có bệnh hen khi dị ứng thức ăn thường có biểu hiện bị hen, phù thanh quản: thông thường phải dùng thuốc kích thích thụ thể beta-2 (chủ vận beta-2) dạng hít (như: salbutamol, salmeterol), có kết hợp với corticoid hít (như beclomethazon, fluticazon) hoặc có thể dùng loại ống hít phối hợp hai chất này (seretide). Nếu người bệnh có biểu hiện khó thở nặng cần cho thở oxy.
Coticoid hít hay toàn thân
Corticoid được dùng dể giảm cơn co thắt (dạng hít, như nói trên) dùng phòng phản ứng phản vệ muộn (dạng uống, như nói trên). Corticoid (đặc biệt là corticoid uống) có nơi đưa vào thường qui xử trí dị ứng thức ăn nhưng có nơi không coi là điều bắt buộc.
Đề phòng dị ứng
Nguyên tắc chung là tìm các loại thức ăn gây dị ứng ( theo nguyên tắc loại trừ dần), sau đó không dùng loại thức ăn được cho là nguyên nhân gây ra dị ứng. Vắc-xin được bào chế bằng cách nuôi cây vi khuẩn trong môi trường chứa nguyên bào sợi của trứng nên có thể chứa một lượng nhỏ dị nguyên của trứng. Trẻ bị dị ứng với trứng thì cũng có thể dị ứng với loại vắc-xin này. Người tiêm vắc-xin cần biết nguồn gốc chế tạo vắc-xin và hết sức cẩn thận với trẻ có tiền sử dị ứng trứng.
Thuốc dùng trong dị ứng thức ăn không khó kiếm nhưng thường không được dùng kịp thời do ít khi được chuẩn bị sẵn sàng, nhất là ở tuyến dưới.
DS.CK2. BÙI VĂN UY