Ai cũng biết cảm là một bệnh nhẹ và thường tự hết sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, 2% các cơn cảm sẽ đưa đến biến chứng viêm xoang mũi (VXM) cấp tính, một bệnh gây ra rất nhiều khó chịu cho bệnh nhân: thở qua mũi rất khó, thở không nổi, mặt bị đau nhất là khi chồm về phía trước, nhức đầu, sốt, ho hoài không hết, mắt và mặt sưng lên...
Xoang mũi là hai khoảng trống hai bên trong xương sọ ở quanh vùng mũi và thông với mũi. Khi đường thông này bị viêm và sưng lên, những chất nhờn trong xoang bị bít đường ra sẽ tích tụ lại trong xoang gây ra VXM cấp tính. Để lâu không chữa, tình trạng này có thể đưa tới viêm xoang kinh niên. Tuy nhiên, đa số bệnh này cũng chỉ kéo dài vài tuần mà thôi.
Triệu chứng VXM
Gồm có: đau mặt, sốt, đau và sưng chung quanh mắt, má, mũi, trán, da vùng xoang mũi đỏ lên, nghẹt mũi, thở bằng mũi khó, ngửi hay nếm khó khăn, đau răng, ho, hơi thở hôi, mệt mỏi, buồn nôn, đau cổ.
Nguyên nhân
Bên trong xoang mũi là những màng lót luôn tiết ra những chất nhầy. Chấy nhầy này theo lối thông ở bên trong mũi để thoát ra ngoài. Khi ta bị cảm, tất cả những màng nhầy trong đường hô hấp phía trên gồm: mũi, cổ họng, xoang mũi… đều bị sưng lên, khiến lối thông của xoang mũi bị bít kín, chất nhờn trong xoang không thoát ra ngoài được, đọng lại trong xoang tạo thành một môi trường ẩm ướt, rất thích hợp cho các vi trùng tăng triển và gây ra nhiễm trùng hay VXM cấp tính. Thông thường, viêm xoang gây ra do siêu vi nhưng cũng có thể do vi trùng hay vi nấm. Nếu bạn bị cảm quá 14 ngày thì nguyên nhân có lẽ là vi trùng chứ không phải là siêu vi nữa.
Những nguyên nhân sau đây cũng có thể gây ra VXM:
- Dị ứng: cũng gây ra sưng màng nhầy khiến bít đường thông xoang.
- Vách ngăn giữa mũi bị vẹo: khiến đường thông bị nghẽn.
- Có bướu trong mũi: cũng khiến đường thông bị tắc.
- Những nguyên nhân khác: bệnh cystic fibrosis, bệnh ợ nóng, bệnh siêu vi HIV hay những bệnh làm giảm miễn nhiễm đều có thể làm tắc đường thông. Đường thông xoang mũi càng dễ bị tắc hơn nếu bạn hút thuốc lá hoặc thở không khí bị ô nhiễm.
Xử trí
Xông xoang mũi: trùm một khăn lông lớn lên đầu và hít hơi xông lên từ một tô nước nóng. Hoặc tắm nước nóng và hít hơi nước nóng trong buồng tắm.
Uống thuốc trị nghẹt mũi.
Đắp khăn ấm: dùng khăn nhúng nước ấm đắp lên vùng quanh mắt, vùng má, quanh mũi để bớt đau.
Uống nhiều nước: nhiều nước giúp các chất nhờn lỏng bớt, dễ thoát ra ngoài hơn.
Tránh uống rượu: rượu làm các màng nhầy sưng nhiều hơn.
Khi nào nên khám bác sĩ?
Nếu bạn chỉ bị triệu c h ư n g nhẹ, bạn có thể tự điều trị b ă n g n h ư n g cách nói trên. Nếu triệu chứng k h ô n g thuyên giảm sau vài ngày hoặc có những triệu chứng sau, bạn nên khám bác sĩ: sốt cao, đau, sưng đỏ trên mặt hay quanh mắt, nhức đầu dữ dội, cổ cứng khó di chuyển.
Bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, khám kỹ vùng mũi, họng, mặt… để định bệnh. Bác sĩ cũng có thể cho làm CT scan các vùng xoang để tìm rõ vùng bị bệnh.
Biến chứng
Nếu không được chữa trị, viêm mũi cấp tính sẽ biến thành viêm mũi mãn tính nếu kéo dài quá 8 tuần. Biến chứng của VXM cấp tính gồm có:
- Suyễn: VXM có thể khơi dậy một cơn suyễn cấp tính.
- Viêm màng não: nhiễm trùng có thể lan tới màng lót vùng não gây viêm màng não.
- Thị giác bị ảnh hưởng: không nhìn rõ hoặc mù nếu nhiễm trùng lan tới hốc mắt.
- Động mạch bị giãn ra hay đọng máu cục: nhiễm trùng gây vấn đề nơi các tĩnh mạch chung quanh xoang mũi, ảnh hưởng đến máu lên não.
Chữa trị
Đa số những trường hợp viêm mũi cấp tính đều tự hết mà không cần kháng sinh nếu bạn theo đúng cách tự chữa trên. Nhưng nếu bệnh không thuyên giảm, có thể bác sĩ phải cho những thuốc kháng sinh như: amoxicillin, doxycycline. Bác sĩ có thể đổi thuốc nếu bệnh vẫn không hết.
Cũng có thể cần chữa những nguyên nhân khác thường gây ra VXM:
- Trị dị ứng.
- Dùng thuốc nghẹt mũi nặng hơn hay steroids.
- Xịt dung dịch nước muối vào mũi nhiều lần trong ngày.
Ngăn ngừa
Bạn có thể tự ngăn ngừa để khỏi bị VXM bằng cách:
- Tránh khói thuốc lá và không khí ô nhiễm.
- Dùng máy làm ẩm không khí vào mùa đông: máy sưởi có thể làm không khí trong nhà bạn khô. Bạn có thể dùng máy phun hơi ẩm giúp không khí bớt khô. Tuy nhiên, nên giữ máy thật sạch, không bị meo mốc.
- Bớt uống rượu.
BS. Nguyễn Văn Dũng