Giải mã’ những âm thanh dễ thương của bé


Khi chưa biết nói, các bé khóc, thở dài, cười khúc khích, gầm gừ… để “nói chuyện” với bạn. Nhưng bạn có chắc là mình hiểu hết tất cả những “ám hiệu” dễ thương ấy của bé không?

Những tháng đầu đời, các bé thường khóc rất nhiều và lấy đó làm phương tiện giao tiếp với bố mẹ và người thân. Mỗi cách khóc là một cách bé truyền đạt mong muốn của mình. Với bản năng làm mẹ, bạn dễ dàng biết lúc nào thì bé khóc vì đói, vì “bậy” ra tã, vì bị côn trùng cắn…

Kể cả những âm thanh dễ thương khác mà bé phát ra cũng luôn mang những thông điệp khác nhau mà nhiều khi bạn không thể hiểu hết. Đây cũng là một trong những minh chứng cho kết luận của tiến sỹ Prachi Shah hiện đang công tác tại viện nhi ở Texas, Mỹ: “Trẻ em rất thích giao tiếp và các bé sớm biết khẳng định mình là một phần của xã hội”.


“Trẻ em rất thích giao tiếp và các bé sớm biết khẳng định mình là một phần của xã hội”.

Bé kêu ré lên

Tiếng kêu ré lên của bé luôn thu hút sự chú ý của bạn vì bạn biết rằng bé đang trải qua một cảm xúc gì đó rất mãnh liệt. Thông thường có 2 trường hợp các bé hay kêu ré lên: một là khi các bé hào hứng với điều gì đó (con vật dễ thương, chương trình hoạt hình…); hai là khi các bé sợ hãi (gặp ác mộng, sợ khi mẹ cắt móng tay chân…).

Trong trường hợp bé kêu lên vì háo hức, bạn nên khuyến khích cảm xúc vui sướng đó của bé. Nhưng nếu rơi vào trường hợp thứ hai, điều bạn có thể làm là dùng tông giọng của mình để khiến bé cảm thấy an tâm. Hãy cưng nựng bé thật dịu dàng và ngọt ngào, hãy nói cho bé nghe những lời yêu thương nồng ấm nhất. Mặc dù bé chưa thể nào hiểu hết những lời bạn nói nhưng việc nghe thấy âm thanh êm ái từ giọng mẹ khiến bé có cảm giác rằng mình đang được bảo vệ an toàn và bớt sợ hãi hơn.

Bạn cũng có thể dạy bé cách gọi tên cảm xúc của mình như “sợ”, “đau”, ‘nóng”, “lạnh”… khi bé phản ứng ré lên để giúp bé làm quen dần với các từ ngữ.


Tiếng thở dài của bé chứng tỏ cơ thể bé đang thư giãn

Bé cằn nhằn

Bạn có thể nghe bé cằn nhằn không thành câu khi lau khô người cho bé bằng chiếc khăn hơi cứng hoặc trong những trường hợp khiến bé không thoải mái, thậm chí bực bội trong người. Khi bé lớn lên, những âm thanh cằn nhằn đó sẽ chuyển hóa thành những lời yêu cầu, đề nghị, thậm chí gắt gỏng.

Hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân khiến bé không được thoải mái để giúp bé. Ví dụ, bạn nghĩ rằng bé cằn nhằn vì chiếc đệm có vài mẩu bánh mỳ, hãy phủi sạch chúng đi. Khi nhìn thấy mẹ phản ứng lại đúng như những gì mình muốn truyền đạt, bé sẽ dần hiểu ra mối liên quan giữa ngôn ngữ và hành động.

Bé gầm gừ

Nhiều mẹ giật mình vì nghe tiếng con mình thở mạnh và rít lên như thể có một “con quái vật tý hon” ẩn nấp đâu đó trong người bé và phát ra tiếng động. Rõ ràng những lúc đó là khi bé đang có điều khó chịu trong người mà khả năng lớn là bé khó chịu trong cuống họng. Âm thanh grrr… mà bé tạo ra chứng tỏ rằng bé rất cần biểu lộ điều không dễ chịu đó trong người mình ra.

Theo thời gian lớn lên, bé dần biết thay âm thanh gầm gừ bằng cách bộc lộ quan điểm của mình qua hành động. Chẳng hạn, nếu bé không thích nụ hôn của những người có râu lởm chởm hay có mùi rượu thì bé sẽ dùng tay đẩy ra và nhăn mặt.


Việc nghe thấy âm thanh êm ái từ giọng mẹ khiến bé có cảm giác rằng mình đang được bảo vệ an toàn và bớt sợ hãi hơn.

Bé tủm tỉm cười thành tiếng

Khi được khoảng 4 tháng, bé yêu thường phát ra những âm thanh rất đáng yêu khi cười. Cùng với sự mấp máy môi, bụng bé cũng rung lên và tay chân khua khoắng. Thông thường, đó là phản ứng của cơ thể bé khi bị cù vào bụng, nách hoặc gan bàn chân nhưng cũng có thể điều đó chứng tỏ rằng bé đang cảm thấy rất hứng thú với hành động gì đó mà bạn trêu chọc bé.

Âm thanh trong trẻo đáng yêu khi bé cười luôn khiến người lớn cảm thấy vui vẻ và phấn khích. Vì thế, hãy tiếp tục pha trò bằng những hành động ngộ nghĩnh để khuyến khích tiếng cười của bé. Nhiều nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng đây chính là một trong những biểu hiện đầu tiên của khiếu hài hước của bé sau này.

Bé thở dài

Sau vài tuần tuổi, bé yêu của bạn đã biết thở dài. Đừng quá lo lắng mà nghĩ rằng bé đang có điều gì đó chán nản (như cách mà người lớn phản ứng khi gặp chuyện buồn phiền). Tiếng thở dài của bé chứng tỏ cơ thể bé đang thư giãn và cũng là cách để bé “nói” với bạn rằng bé đang cực kỳ thoải mái.

Vì thế, bạn có thể giả vờ thở dài theo bé để bé bắt chước. Khi bé thở dài, chắc hẳn bé cần hít hơi sâu trước đó, và điều này thì rất tốt cho bé.


Theo Parents