Bài 1 đến 9/9

Chủ đề: Thế giới ống kính Canon

Hybrid View

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket COCKOO's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    2.349
    Thanks
    1
    Thanked 46 Times in 34 Posts

    Default Ðề: Thế giới ống kính Canon

    V.14. Tại sao giờ đây mọi thứ đều làm bằng nhựa, điều gì sẽ xảy ra cho các ống kính bằng kim loại trước kia?

    Rất nhiều ống kính của những thập niên 60 và 70 là những kiện tác thực sự với vỏ ống kính bằng kim loại nguyên khối, lấy nét cực êm bằng những đường xoắn ốc và vô số các bộ phận chính xác cao. Ngày nay thì nhiều ống kính có vỏ bằng nhựa. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này: nào là do sự hoạt động của hệ thống lấy nét tự động, do giá nhân công tăng, do thị trường SLR thu nhỏ, do công nghệ chất dẻo tiến bộ, do mong muốn làm ra những sản phẩm nhẹ hơn, do vấn đề lợi nhuận…vv và vv
    Chắc chắn hoạt động lấy nét tự động là nguyên nhân chính. Các ống kính lấy nét tự động với các truyền động bánh răng đòi hỏi dung sai lớn hơn, nó cũng không dùng các đường xoắn ốc dài vì làm tốn pin và tốn thời gian lấy nét hơn. Các ống kính lấy nét tay với các đường xoắn ốc được chế tạo với dung sai nhỏ hơn nhiều.
    Dùng nhiều chất dẻo cũng có những lợi ích nhất định. Chất dẻo co dãn hơn và không dễ bị mẻ như kim loại, chúng cũng nhẹ hơn và rẻ hơn khi chế tạo.
    Tuy vậy các ống kính kim loại trước đây cho ta một cảm giác rất tuyệt về độ chính xác cao, độ hoàn hảo mà các ống kính nhựa không thể có. Các ống kính lấy nét tự động giá trung bình thì khó mà có vỏ bằng kim loại. Tất nhiên, cũng có nhiều ống kính dòng L có vỏ là kim loại khối và cảm giác rất chính xác khi quay vòng lấy nét. Vì thế nếu bạn phải bỏ ra nhiều tiền mới có được một ống kính vỏ kim loại và vẫn lấy nét tự động được.
    Canon đã từng dùng ba loại chất dẻo khác nhau cho các đời ống kính.
    Thế hệ ống kính EF đầu tiên dùng loại nhựa cứng, khá dễ vỡ (tạm gọi là loại I- tuy không phải là phân hạng chính thức của Canon). Vật liệu này được đúc với bề mặt hơi ram ráp, các ống kính đều có các đường gờ chạy dọc theo đường sinh, ngắn lại ở những chỗ bị co nhỏ. Vòng lấy nét và chỉnh tiêu cự thường không được phủ cao su chống trượt. 50mm 1.8 mark I là ống kính đặc trưng của thiết kế những năm 80.
    Thế hệ ống kính thứ hai, đặc biệt là dòng L màu đen và các ống nghiệp dư cao cấp, chế tạo từ loại chất dẻo đen và đàn hồi hơn loại I (tạm gọi là loại II). Các ống kính này có vỏ trơn tru hơn loại I và bề mặt vỏ có xu hướng hơi vuốt nhỏ lại chứ không phải hình trụ thuần tuý, vòng lấy nét và chỉnh tiêu cự được tráng lớp cao su. Ống 28-105 3.5-4.5 USM và 135mm 2.0L USM là các đặc trưng cho thiết kế này. Thế hệ ống kính này ra đời cuối những năm 90.
    Cuối cùng là thế hệ ống kính phổ thông những năm gần đây, chế tạo hoàn toàn bằng nhựa trơn, nhẹ tạm gọi là loại III. Thế hệ này thường có vòng chỉnh tiêu cự bọc lớp cao su to hơn cả mức cần thiết, một số được trang trí bằng vòng crôm sáng loáng để hấp dẫn người tiêu thụ. Ống EF-S 18-55 3.5-5.6 là thí dụ điển hình.

    V.15. Chiều dài tiêu cự là gì?

    Chiều dài tiêu cự là đặc tính quang học cơ bản của mọi ống kính và là yếu tố quan trọng nhất của mọi nhiếp ảnh gia. Hình dung đơn giản nhất về chiều dài tiêu cự là một trị số, đo bằng mm, biểu thị vùng thu hình mà ống kính có thể thực hiện.
    Chiều dài tiêu cự của các ống kính SLR từ siêu rộng (14mm) đến siêu dài (600 và 1200mm). Vùng thông dụng nhất của các ống kính này là 28 đến 105mm.
    Vậy tại sao lại đo bằng mm? tại sao không biểu thị luôn bằng góc thu hình của ống kính? Điều này một phần vì thói quen trong cả lịch sử, phần khác vì thực tế sử dụng. Định nghĩa về chiều dài tiêu cự đã bén rễ sâu trong các tính toán về quang học- đó chính là khoảng cách giữa mặt phẳng hội tụ và điểm tận cùng phía sau của ống kính khi đang lấy nét ở vô cực. Khi chuyển sang góc thu hình thì có đôi chút khác biệt phụ thuộc vào cỡ phim đang sử dụng vốn khác nhau giữa các máy ảnh 35mm, máy ảnh APS và các máy số. Trong thực hành, chiều dài tiêu cự là thuộc tính cơ bản nhất của ống kính, biểu thị vùng thu nhận ảnh thực tế phụ thuộc vào cỡ phim sử dụng.
    Điều luôn phải ghi nhớ là mọi ví dụ trên đều ám chỉ cho máy ảnh phim 35mm hoặc các máy EOS toàn khung. Nếu bạn dùng ống kính 28m trên máy APS hoặc các máy số có cảm biến nhỏ hơn khung phim 35 thì vùng thu hình sẽ nhỏ đi đáng kể.
    Khái niệm về chiều dài tiêu cự cũng được sử dụng cho các máy ảnh khác loại, kể cả trên các máy ảnh khung hình cỡ trung bình. Loại khung hình này thường cho một góc thu hình lớn hơn trên máy phim 35mm với cùng ống kính.

    V.16. Thế nào là độ mở của ống kính?

    Độ mở của ống kính là thuộc tính quan trọng thứ hai sau chiều dài tiêu cự. Lấy mắt người làm ví dụ. Tròng mắt có một đồng tử có thể co dãn để điều chỉnh lượng ánh sáng vào mắt tuỳ vào tình trạng ánh sáng tự nhiên. Lúc trời tối, đồng tử mở rộng để cho nhiều ánh sáng vào hơn, khi ra ngoài nắng nó lại co vào để giảm lượng ánh sáng, tránh làm hỏng mắt. Phần lớn cá ống kính máy ảnh đều có một cơ cấu tương tự đồng tử của mắt người- một màng chắn bằng kim loại hoặc nhựa có thể điều chỉnh để kiểm soát lượng ánh sáng đi qua. Chính cái lỗ có kích thước thay đổi được trên cái màng chắn đó được gọi là độ mở của ống kính và được biểu thị bằng một giá trị số học ký hiệu là f. Giá trị này quyết định lượng ánh sáng sẽ được ống kính cho đi qua và là tỷ số giữa chiều dài tiêu cự và đường kính lỗ mở trên màng chắn.
    Ví dụ, ta chỉnh đường kính lỗ mở của ống kính 50mm bằng 6,25mm, ta có khẩu độ f/8 (50/6,25=8). Nói chung, cứ mỗi lần chỉnh tăng hoặc giảm khẩu độ một nấc là ta đã tăng gấp hai hoặc giảm đi một nửa diện tích của lỗ mở. Vì bản thân khẩu độ đã chứa yếu tố chiều dài tiêu cự (tử số) nên mỗi ống kính đều cho một lượng sáng như nhau đi qua nếu được đặt ở cùng một giá trị khẩu độ bất kể chiều dài tiêu cự của ống kính là bao nhiêu (tất nhiên không tính đến sự hao hụt ánh sáng vì phải đi qua nhiều thấu kính).
    Dãy khẩu độ thông dụng của ống kính phim 35mm và các máy ảnh số SLR:
    1.0 1.4 2 2.8 4 5.6 8 11 16 22 32
    tuy nhiên phần lớn các ống kính đều không có đủ cả dãy khẩu độ trên.
    Mỗi lần chuyển khẩu độ một nấc là ta tăng hoặc giảm lượng sáng đi hai lần đồng thời tăng hoặc giảm diện tích lỗ mở hai lần, chuyển từ f/2.8 sang f/4 là giảm lượng sáng đi hai lần và giảm diện tích lỗ mở hai lần, ta có một dãy số với công bội bằng 1,4 (căn bậc hai của 2) mặc dù khi in trên ống kính theo truyền thống người ta chỉ in theo dãy số trên.Ống kính của các định dạng phim lớn có thể có giá trị khẩu độ nhỏ hơn nữa như f/64 chẳng hạn.
    Dãy số này có vẻ phức tạp nhưng thật ra khá đơn giản, chỉ cần nhớ hai số đầu 1.0 và 1.4, sau đó nhân đôi lên, 1.0 thành 2; 4; 8 rồi 16; 32 còn 1.4 thành 2.8; 5.6; 11 rồi 22.
    Tránh lẫn, số nhỏ (2.8 chẳng hạn) tương ứng với đường kính lỗ sáng lớn, ta có nhiều ánh sáng hơn (“mở khẩu”), số to (f/22) tương ứng với lỗ sáng nhỏ, ta có ít ánh sáng hơn (“khép khẩu”). Ngoài việc làm thay đổi thời chụp, khẩu độ ảnh hưởng đến vùng ảnh rõ (DOF).
    Chữ f thường được in nghiêng chỉ để cho đẹp, dấu chéo để chỉ phân số, ví dụ: f/4 chỉ độ mở bằng một phần tư chiều dài tiêu cự. Chữ f thay cho “focal”, “factor” hay “focal length” tuỳ ý thích của bạn.
    Lưu ý là không phải tất cả các ống kính đều chỉnh khẩu độ bằng lỗ màng chắn. Nhiều ống kính chỉ có một khẩu độ duy nhất mà thôi. Các ống kính dạng gương phản chiếu không có lỗ mở nên không chỉnh được khẩu độ, các máy ảnh rẻ tiền- loại dùng một lần- cũng có một giá trị khẩu độ thôi.

    V.17. Thế nào là các ống kính nhanh và ống kính chậm?

    Đây chỉ là một thuật ngữ đời thường để chỉ giá trị khẩu độ tối đa mà ống kính có thể đạt được. Ống kính chậm có khẩu độ tối đa khá nhỏ, cho ít ánh sáng đi qua và để duy trì thời chụp tốt ta cần giảm tốc độ chụp, ống kính nhanh thì trái lại, giá trị khẩu độ tối đa khá lớn, cho nhiều ánh sáng đi qua và ta có thể để tốc độ chụp nhanh.
    Khẩu độ lớn cho nhiều ánh sáng đi qua, vì vậy ta thường thích các ống kính nhanh hơn các ống kính chậm. Thứ nhất, ống kính nhanh cho phép chụp cả nơi thiếu sáng sử dụng ánh sáng tự nhiên, không cần ánh sáng nhân tạo. Thứ hai, ống kính nhanh nhìn qua khung ngắm dễ hơn vì ra có nhiều ánh sáng đi qua hơn.
    Một ống kính có khẩu tối đa là f/1.4 là một ống kính nhanh, nếu chỉ đạt 5.6 thì khá chậm. Vì khẩu độ có liên quan đến cả chiều dài tiêu cự nên thường khá dễ dàng chế tạo các ống kính 50 mm nhanh (khẩu tối đa thường đạt 1.8) nhưng rất khó chế tạo các ống kính 200 có khẩu tối đa lớn như trên.
    Nói chung, thiết kế một ống kính nhanh phức tạp hơn ống kính chậm nên thường đắt hơn. Chế tạo ống kính nhanh đa tiêu cự khó hơn chế tạo ống kính nhanh một tiêu cự. Ống kính nhanh thường kích cỡ lớn hơn ống kính chậm cùng tiêu cự.
    Các ống kính tự động lấy nét của hệ EOS có mô tơ lấy nét đặt trong ống kính chứ không phải trong thân máy. Một số ống kính lấy nét nhanh hơn các ống kính khác, tuy nhiên đây hoàn toàn là khái niệm khác, không phải nói đến đặc tính quang học đang bàn ở trên.

    V.18. Vùng ảnh rõ (depth of field) là gì?

    Khi lấy nét lên một vật thể nào đó, vật thể này không phải là thứ duy nhất hiện lên sắc nét. Những vật thể gần hơn hoặc xa hơn vật thể chính này cũng có thể hiện nên sắc nét tuy không được như đối tượng chính. Khoảng cách giữa các đối tượng hiện hình tương đối sắc nét trên tấm ảnh cuối cùng của bạn được gọi là vùng ảnh rõ. Kiểm soát vùng ảnh rõ là một kỹ năng nhiếp ảnh quan trọng có thể tác động đến sự thu hút của tấm ảnh cuối cùng.
    Bạn đang chụp chân dung ai đó ngoài trời, vị trí này cho một ánh sáng tự nhiên nhưng bạn khó kiểm soát phần hậu cảnh. Nếu bạn đang trong công viên, bạn sẽ không muốn phần hậu cảnh đầy những cành cây loà xoà, hỗn độn. Bạn muốn vùng ảnh rõ thật cạn và lấy nét vào mắt người mẫu, đó là nơi bạn muốn nét nhất. Vùng ảnh cạn sẽ đẩy các cành cây ra ngoài vùng lấy nét, bạn sẽ có một hậu cảnh mềm mại, với màu xanh dịu nhẹ.
    Nhưng nếu bạn chụp một bông hoa trong tự nhiên với bầu trời, núi non hấp dẫn, bạn sẽ muốn mọi thứ hiện lên sắc nét, lúc này bạn lại muốn vùng ảnh rõ thật lớn. Có ba yếu tố giúp ta kiểm soát vùng ảnh rõ:
    - Khẩu độ: Là yếu tố quan trọng điều khiển vùng ảnh rõ, khẩu độ mở lớn cho vùng ảnh rõ cạn và ngược lại. Chụp cái gì đó khi ánh sáng yếu, ta mở khẩu hết cỡ (f/1.8 chẳng hạn) để lấy được nhiều ánh sáng, vùng ảnh rõ sẽ ngắn lại và sẽ trở thành vấn đề vì việc lấy nét chính xác sẽ khó khăn hơn. Chụp ngoài trời thì ngược lại, ta hay phải khép khẩu để tránh thừa sáng, vùng ảnh rõ lớn, việc kiểm soát bố cục sẽ khó khăn.
    - Chiều dài tiêu cự: Yếu tố này tạo ra nhiều khác biệt. Ống góc rộng, tiêu cự ngắn cho vùng ảnh rõ lớn hơn ống tiêu cự dài. Điều này rất có ích. Ống góc rộng chụp phong cảnh cho vùng ảnh rõ sâu, ống tiêu cự dài chụp chim muông, cho vùng ảnh rõ cạn, dễ cô lập đối tượng, tạo hiệu quả đẹp.
    - Khoảng cách đến đối tượng: Nếu ta dí sát đối tượng (như khi chụp cận cảnh), vùng ảnh rõ sẽ ít và ngược lại.
    Thực tế, bạn phải luôn tính toán cả ba yếu tố trên để tạo ra được hiệu quả mong muốn trên tấm ảnh của mình.
    Cũng nên biết rằng cỡ phim cũng ảnh hưởng đến vùng ảnh rõ, phim lớn hoặc trung bình dễ tạo ra vùng ảnh rõ thật cạn hơn là các cỡ phim nhỏ. Đây là lý do khiến các máy ảnh bình dân dạng ngắm-chụp thường cho ảnh có chiều sâu lớn. Tuy nhiên làm chủ được tốt ba yếu tố trên bạn có thể kiểm soát vùng ảnh rõ mà không cần đổi sang máy ảnh khác.
    Khái niệm về vùng ảnh rõ trên chỉ được diễn giải một cách dễ hiểu, bạn phải làm những phép toán vô cùng phức tạp mới có thể tính toán được thật chính xác, nhưng những diễn giải đơn giản như trên cũng đủ để bạn cho ra những bức ảnh đẹp.

    V.19. Các con số La mã trên thân ống kính biểu thị điều gì?

    Các nhà sản xuất ống kính Nhật, trong đó có Canon dùng luôn đặc tính quang học để phân biệt các ống kính khác nhau (Châu Âu theo truyền thống thường đặt tên theo kiểu của Chiến tranh giữa các vì sao để mô tả thiết kế của các ống kính như: “Tessar”, “Biogon” hay “Super Angulon”). Thỉnh thoảng một ống kính ra đời với các đặc tính cơ bản giống hệt một ống kính đang lưu hành, để phân biệt giữa các ống kính này, Canon dùng một ký tự La mã bắt đầu bằng II, vì vậy bạn không bao giờ có ống kính ký hiệu I, dù đôi khi có người nhắc đến “mark I” để chỉ ống kính đời cũ khi đời mới của nó chào đời. Cách gọi mark II, mark III… cũng khá phổ biến trong giới chơi đồ ảnh.
    Đôi khi các ống kính đời mới có những cải tiến hơn ống cũ, cũng có khi lại kém hơn và thỉnh thoảng người ta phân biệt chúng bằng các đường vạch dấu. Ví dụ: Ống 50mm 1.8 II khá hơn đời trước về chất lượng chế tạo nhưng chất lượng quang học thì giống hệt, 28-80 3.5-5.6 USM II hoàn toàn kém hơn phiên bản đầu, 28-105 3.5-4.5 và 28-105 3.5-4.5 II cơ bản giống nhau, khác chút xíu bề ngoài. Các ký hiệu La mã này hoàn toàn chẳng nói lên điều gì về sự khác biệt chất lượng cả. Canon còn đánh số kiểu này cho các loa che ống kính như đã nói trên.

    V.20. Sự khác biệt giữa các mô tơ lấy nét (AFD, MM, USM)?

    Khác với các nhà sản xuất máy ảnh khác, Canon đặt mô tơ lấy nét trong các ống kính chứ không phải trong thân máy khi hệ thống EOS ra đời. Điều này được cho là khôn ngoan vì mô tơ này được thiết kế theo từng yêu cầu của ống kính. Một ống kính dài cần một mô tơ lớn, ống kính nhỏ hơn chỉ cần mô tơ vừa phải mà thôi. Nếu mô tơ này lắp trong thân máy, nó sẽ hoạt động y như nhau cho dù bạn lắp ống kính gì đi nữa.
    Canon sử dụng nhiều công nghệ khi chế tạo các mô tơ này. Hai dạng sơ khai đầu tiên thì không được ký hiệu trên vỏ ống kính, muốn biết thì chỉ có cách tra sách mà thôi.
    - Mô tơ lấy nét kiểu điện từ truyền thống: Loại mô tơ này dùng nguyên tắc điện từ thông thường để vận hành trục quay. Các vấu nhỏ và các bánh răng biến chuyển động quay thành các chuyển động cần thiết để lấy nét.
    - Mô tơ dạng vòng cung (AFD- Arc-form drive): Dùng trên một số ống kính đời cũ, giá thấp. Thực chất đây là một mô tơ điện nhỏ, đơn giản kèm một bộ truyền lực, khá ồn vì tiếng vo vo của động cơ điện, tiếng nghiến của bánh răng, tốc độ hoạt động không nhanh. Khoảng cách từ mô tơ đến các thấu kính lấy nét là không lớn, các ống kính tiêu cự dài với AFD lấy nét khá chậm.
    - Mô tơ siêu nhỏ (micromotor-MM): Dùng trên một số ống kính đời cũ, bình dân. Giống AFD- nó chậm và ồn, cũng dựa trên một mô tơ điện kèm bộ truyền lực, đôi khi MM còn được dùng với các dây đai bằng cao su.
    - Mô tơ siêu thanh (Ultrasonic motor): Không dựa trên nguyên tắc từ tính như các mô tơ khác, nó sử dụng các dao động siêu cao tần để tạo ra các chuyển động quay. Kết quả là việc lấy nét khá nhanh và êm (tất nhiên là êm với tai người). Canon chế tạo hai dạng mô tơ này.
    + Mô tơ siêu thanh dạng vòng (Ring ultrasonic drive-USM): Chính là cái bạn cần, mô tơ này có hai vòng kim loại dao động với tần số cao. Ống kính có mô tơ này lấy nét nhanh và êm đồng thời hỗ trợ lấy nét tay toàn phần (full-time manual- FTM).
    + Mô tơ siêu thanh cực nhỏ (Micromotor ultrasonic drive): Ít ấn tượng hơn, nó là một dạng USM thiết kế cho các ống kính rẻ tiền hơn. Cơ cấu dạng này sử dụng mô tơ siêu thanh nhưng lại vẫn dùng bộ truyền lực bánh răng, các ống kính lấy nét êm nhưng không bằng loại vòng, không hỗ trợ FTM.
    Tất cả các ống kính có ghi USM đều có mô tơ siêu thanh, nhưng không phân biệt được đâu là USM dạng vòng, đâu là USM dạng micromotor, muốn biến bạn phải xem kỹ đặc tính của từng ống kính. Phần lớn các ống kính không phải dòng L nhưng có USM đều được vạch một đường vàng ở đuôi ống. Tuy thế, một ống kính dòng L đều chỉ có một vạch đỏ cho dù nó có dùng USM hay không.

    V.21. Lấy nét tay toàn phần là gì (full-time manual- FTM)?

    Các ống kính Canon EF lấy nét bằng AFD (arc form drives) hoặc MM (micromotor) sử dụng cơ cấu lấy nét đơn giản dựa trên mô tơ điện và truyền lực bằng một hàng bánh răng nhỏ bé. Khi chuyển hệ thống này sang điều khiển bằng tay thì sẽ ảnh hưởng đến bộ truyền lực này, để lấy nét tay ống kính có một nút chuyển để cắt rời bộ truyền lực này ra khi ta vặn vòng lấy nét thủ công. Khi ống kính đang ở chế độ lấy nét tự động bạn không thể lấy nét bằng tay.
    Với hệ thống lấy nét bằng USM thì khác, ta có thể lấy nét tay toàn phần (FTM). Các ống kính này cho phép bạn lấy nét thủ công ngay cả khi nút chuyển AF/MF đang ở chế độ tự động. Đặc tính này rất hưũ ích, ta có thể điều chỉnh, xoay vòng lấy nét ngay mà không cần chuyển chế độ lấy nét bằng nút chuyển. Nhưng có vài điều cần lưu ý: Dù các ống kính đều ghi “USM” nhưng thực ra có đến ba loại USM khác nhau. USM tốt nhất sử dụng trên các ống kính dòng L và các ống trung cấp là USM dạng vòng, USM này có hai vòng kim loại dao động với tần số lớn để tạo ra chuyển động quay. Lấy nét tay toàn phần với các USM này khá dễ dàng- một ly hợp ma sát đơn giản sẽ cho phép bạn quay cả mô tơ điện khi lấy nét tay. Bạn có thể lấy nét bất kỳ lúc nào ngay cả khi máy ảnh tắt nguồn hoặc ống kính không gắn vào thân máy.
    Dạng USM thứ hai, ra đời trước, lắp cho vài ống kính đời cũ và một số ống kính tiêu cự dài. Các ống kính có USM điện tử này chỉ lấy nét tay được khi thân máy được cấp nguồn. Khi bạn quay vòng lấy nét, tín hiệu điện được chuyển tới mô tơ từ thân máy, thực hiện quá trình lấy nét (gián tiếp), một số ống kính điển hình thuộc nhóm này là:
    EF 50mm 1.0 L USM
    EF 85mm 1.2 L USM
    EF 85mm 1.2 L USM II
    EF 28-80mm 2.8-4 L USM
    EF 200mm 1.8 L USM
    EF 300mm 2.8 L USM
    EF 400mm 2.8 L USM
    EF 400mm 2.8 L II USM
    EF 500mm 4.5 L USM
    EF 600mm 4 L USM
    EF 1200mm 5.6 L USM
    Dạng USM thứ ba, USM siêu nhỏ,lắp cho các ống kính bình dân không hỗ trợ lấy nét tay toàn phần vì vẫn dùng bộ truyền lực bánh răng. Nhiều người gọi hệ thống lấy nét này là USM thuần tuý, vì chỉ có mô tơ điện là dạng USM thôi, và ta chỉ tận dụng được tính chất hoạt động êm của mô tơ. Các ống kính 50mm 1.4 USM và 28-105 4-5.6 USM đời mới là những ngoại lệ, các ống kính này có các ly hợp trượt cho phép lấy nét tay toàn phần như các USM dạng vòng vậy.
    Không nên lấy nét bằng tay trong khi mô tơ lấy nét đang hoạt động, ta có thể làm hỏng mô tơ hay làm nó quá tải. Cần chờ khi mô tơ ngừng hoạt động mới chỉnh bằng tay. Việc lấy nét tay cũng phải tránh khi để chế độ AI Servo, vì mô tơ có thể được kích hoạt bất kỳ luc nào.

    V.22. Liệu các ống kính có USM cho ảnh đẹp hơn ống kính không có USM?

    Đương nhiên, việc lấy nét nhanh và êm hơn cho phép bạn chụp được các tấm ảnh trong những điều kiện phức tạp hơn, nhưng điều này không liên quan gì tới chất lượng quang học của ống kính cả. Bạn rất dễ liên tưởng vì USM dạng vòng hay được lắp cho các ống kính cao cấp, hoặc dòng L. Ta chỉ mua được các ống kính Canon bình dân lắp USM dạng siêu nhỏ thôi. Nhưng có rất nhiều ống kính Canon đặc biệt là các ống một tiêu cự đời cũ tuy không có USM nhưng chất lượng quang học của ống rất tốt.
    @@@@@@@@@@@@@@@@@@@@
    Chim em vừa xoẳn một gang
    Líu lo cất tiếng ca vang giữa đời

  2. Thành viên cám ơn bài của COCKOO:

    loyal (27-09-2012)

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •