Duyên hải Nam Trung Bộ, một trong những địa chỉ có một nền văn hóa ẩm thực khá phong phú. Các món ăn được người dân miền biển dọc dải đất duyên hải này thường đặt cái sự ngon và no lên hàng đầu, mà món bún cá ngừ kho mẳn là một ví dụ.
Vào mùa cá ngừ, bạn mua một con cá ngừ ( khoảng 1,5- 2kg) đem về cắt lát dày độ 2cm, rửa sạch rồi ướp sơ với muối chừng 15 phút cho thịt cá săn lại.

Bắc nồi nước đã nêm sẵn gia vị như tiêu, hành, đường, ớt tỏi giã nhuyễn, cho thêm một ít nước màu (nếu muốn ăn cay thì cho thêm ớt bột) rồi bắc lên bếp, bỏ thêm một ít củ hành tươi vào nồi.

Khi nồi nước sôi, mùi gia vị bốc lên mới thả nhẹ từng lát cá đã rửa sạch vào. Để lửa riu riu cho đến khi nồi nước sôi lại, cá chín thì nhắc xuống (nhớ hớt bọt để nồi cá có được nước trong). Thả hành lá cắt khúc vào, nêm nếm sao cho không mặn quá mà cũng không nhạt quá, cứ có vị mẳn mẳn là được. Vì thế người dân ở đây gọi là kho mẳn.
Bắc nồi cá kho mẳn xuống ăn nóng với bún thì không còn gì tuyệt hơn.

Người miền Trung thường có khuynh hướng kết hợp đủ mọi khẩu vị như chua, cay, đắng, chát ngọt bùi vào trong món ăn của mình trong tô bún cá ngừ. Đó là tính đa vị trong văn hóa ẩm thực của người dân Nam Trung Bộ.

Nhìn tô bún cá ngừ theo kiểu miền Trung, bạn sẽ thấy đủ cả ngũ hành trong tô bún. Vị chua của cá ngừ hòa quyện với cái cay nồng của ớt, của tiêu, mùi thơm của hành, của những lá rau tía tô, rau muống chẻ, lùa một miếng bún vào miệng, thêm một miếng cá ngừ kho, bạn sẽ cảm thấy như trời và đất đang hòa quyện vào nhau trong tô bún cá ngừ dân dã mà chẳng kém gì các món ăn cao lương mỹ vị.

Trong những ngày trời đổ mưa dầm, ở các tỉnh miền nam Trung Bộ tuy không có cái rét đậm đà như xứ Bắc, nhưng những cơn gió bấc cũng đủ làm cho mọi người muốn xích lại gần nhau hơn. Lúc ấy mà có một tô bún cá ngừ kho mẳn nóng hổi vừa thổi vừa ăn thì tuyệt vời biết bao nhiêu. Chắc chắn cái lạnh sẽ không còn ám ảnh bạn nữa.

Nếu có dịp về bất kỳ tỉnh nào thuộc Nam trung Bộ, bạn nhớ ăn cho được một tô bún cá ngừ kho mẳn.