Cơn bão số 9 đã để lại sự hoang tàn đổ nát ở nhiều nơi, nhất là Kon Tum và Quảng Ngãi, hai nơi chịu thiệt hại nặng nhất và một số người ở Quảng Ngãi đặt câu hỏi liệu có phải dự báo bão đã sai.
Chiều 1/10, BBC đã gọi điện cho một số người dân ở Sơn Tịch, Trà Bồng, Bình Sơn thuộc Quảng Ngãi và đây là một số ý kiến:
''Dân Quảng Ngãi bây giờ là tội nhất. Mưa to gió lớn chưa từng có trong lịch sử, có chuẩn bị nhưng gió cấp 10 làm sao chuẩn bị được.
''Chưa bao giờ thấy cơn bão lớn như thế này, nước lên nhanh quá, không kịp trở tay luôn
''Bình thường là lũ đến ban ngày nhưng lần này là ban đêm. Sau một tiếng lên một tấc, tí nữa nó lên tấc rưỡi, hai tấc, rất là nhanh.
''Kỳ này không thông báo trước, chỉ nói bão Philippines đi vào đất liền thôi, rồi ảnh hưởng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mọi người nghĩ nó chỉ đi vào Quảng Nam, rồi Huế thôi.''
Báo sai
Chủ đề dự báo đúng hay sai cũng được các blogger bình luận trên blog của nhà văn Nguyễn Quang Lập sau khi ông đăng bài với tự đề 'Thảm họa từ chủ quan và dự báo sai' trích nguồn của báo Dân Trí.
Bài báo trích lời Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Phạm Đình Khối phát biểu sáng 30/9: ''Chúng ta không thể chấp nhận kiểu dự báo như bên khí tượng vừa rồi.
''Bệnh chủ quan cộng với dự báo sai đã đưa đến hệ lụy ghê gớm.
Tác giả bài báo, Trần Đăng, giải thích nhiều người dân ''cứ nghĩ bão sẽ vào Quảng Trị'' theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương chứ không nghĩ bão sẽ vào Quảng Ngãi.
Nhưng cũng có blogger chỉ ra rằng dự báo trước bão đã nói ''Từ sáng sớm ngày mai (29/9), các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum gió sẽ mạnh dần lên cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, giật cấp 9, cấp 10.''
Một blogger khác nói ngay cả dự báo của nước ngoài trong trường hợp này cũng có sai số lớn và điều quan trọng bây giờ là làm tốt công tác cứu trợ, điều mà blogger này cho rằng đang xảy ra.
Sai số
Trong khi đó ở chính Quảng Ngãi có người nói với BBC: ''Không phải không có báo trước mà là do 'chủ quan' của người dân và đây cũng là lần đầu Quảng Ngãi phải đối phó với bão lớn như bão số 9.''
Nói chuyện với BBC bà Dương Liên Châu, cựu Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết:
''Bao giờ trong dự báo bão nó cũng có sai số nhất định người ta gọi là sai số cho phép. Trên cả thế giới này nó cũng đều thế. Bởi vì bão nó không phải là một điểm. Trên thế giới người ta cho phép cộng trừ 30km và đối với những cơn bão mạnh là tới hơn 100km.
''Cái tâm mình dự báo nó hơi lệch về phía Nam một chút thì cũng nằm trong khoảng sai số cho phép.
''Cái vùng bán kính gió mạnh từ tâm bão đối với gió cấp 10 thì phải cơ 150 cây số cho nên tỉnh Quảng Ngãi vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão,'' bà Châu nói.
Bà cũng nói ngành dự báo khí tượng thủy văn của Việt nam có tham khảo dự báo của hải quân Mỹ, Nhật, Hồng Kông và nhiều nước trong khu vực và sai số dự báo của Việt Nam cũng ''ở mức sai số của khu vực''.
Nhưng chính ngành khí tượng thủy văn từng thừa nhận thiết bị của họ đã ''lạc hậu'' và ''yếu tố con người'' vẫn ''không đủ đáp ứng'' nhu cầu dự báo hiện đại.
BBC Việt Nam