Giấc mơ của vô chừng thời gian



Ta vốn chỉn chu với các lý do cho hành động của mình nên luôn tự hỏi lòng chắc trời còn chút duyên thừa nên bắt mình quen nhau khi vốn dĩ bọn ta cứ như là sa mạc Sahara bỏng cát và vùng biển Bắc băng trôi.


Nhưng lại hoài nghi cho rằng mọi thứ tựa thể được xếp đặt theo một trình tự trong một giấc mơ do chúng mình điều khiển. Bạn phì cười bảo rằng chín mươi chín phần trăm giấc mơ là những chắp vá hoang đường và một phần trăm ít ỏi là tiềm thức và bản năng. Đơn giản, ta quen nhau vì chúng ta quen nhau.

Chắc mình quen nhau khi không có sự khởi đầu.

Mà bạn có hàng trăm người bạn: bạn gái yêu đương chóng vánh, bạn văn phòng để uống cà phê, chiến hữu đi nhậu, thanh niên để đi chơi vũ cầu, thậm chí các lãng tử giang hồ để cá độ với những trận hào hùng của MU. Và ta cũng chẳng biết ta là loại bạn gì của bạn nữa vì ta chỉ đực mặt ngáp ruồi ở quán cà phê khi bạn cứ mải mê bám lấy mấy anh chàng văng tục đánh bài Tiến xuống. Mà ta cũng không thể nào nốc hết một chai bia ở bàn nhậu thì đừng nói chi đến chuyện đi chơi thể thao vào cuối tuần và khao một bàn thua cá độ.

Có lần ta đi cà nhắc vì chiếc xe 110 kí lô đè lên bàn chân và tối tăm mày mặt khi biết rằng xe được làm từ sắt thép. Bạn nhởn nhơ nhìn rồi hỏi có gãy chân chưa! (Nhưng vẫn đưa ta về nhà và đưa ta đi dạy từ lúc sáng sớm. Kể ra cũng còn có chút tình người!) Rồi bực mình vì bị cơ quan bắt phải đi làm từ hai ba giờ sáng, ta quát oang oang vào di động mà bạn cứ cười khì khì nói thanh niên làm việc nhiều thì tốt cho quê hương. Ta biết mình còn tệ hơn bóng đèn đường lu nhòe trong hẻm và bạn chẳng bao giờ xem ánh nhạt vô duyên đó là tài sản của mình. (Dù đôi khi bạn xỉn quắc cần câu và bỗng cần nó như cần ta đưa bạn về nhà lúc nửa đêm ấy mà.)

Ta đăng được bài trên tờ báo địa phương, trang web khoa học phổ thông ở Pháp rồi tạp chí khoa học ở Mỹ. Mừng như điên. Mà điên thật khi thấy đôi mắt bạn lồi ra thêm ba centimét như thể nghi ngờ năng lực học thuật của ta. (Nhưng có hôm ta tò mò lục lọi trên computer của bạn mới thấy một folder đầy đủ các bài viết của ta mà thậm chí ta cũng chẳng nhớ chúng là gì. Ắt là bạn có nhiều thời gian tải nhạc trên mạng nên sẵn tiện tìm chúng cho đầy bộ nhớ máy tính chăng?)

Bạn giả vờ gật gù hiền triết nhưng lời nói lại châm biếm ta bắt chước Thomas Friedman, cho rằng thế giới này hoàn toàn bằng phẳng trong bài tóm lược cho quyển Thế giới phẳng. Nhưng hình như ta đã phải nhận định lại rằng thế giới này chỉ bị đánh dẹt theo hai trục Bắc - Nam mà thôi. (Vì gia đình nghèo của bạn và ta là một ví dụ điển hình.)

Có một ngày ta hét toáng lên, vò tóc bạn như vò lá sâm khi nhận được e-mail từ một trường đại học Úc báo tin ta được cấp học bổng toàn phần đi học tiến sĩ. Vuốt lại nếp tẻ. Tỉnh bơ. Bạn nhìn ta chằm chằm (vẫn là ba centimét đúng mực) rồi làm thinh. (Con nít vẫn biết khen một câu nữa đấy nhưng bạn đã gần ba mươi tuổi chứ nhỏ nhít chi!) Nhưng hôm sau ta thấy trên bàn làm việc của mình có bộ hồ sơ xin visa vào Úc. Chả lẽ bạn còn dư một bộ từ khách hàng đến tư vấn hay chăng?
Rồi vì trục trặc giấy tờ nên ta đành ở lại. Bật khóc nức nở trên đường về nhà. Không tiếc vì vuột mất một tỷ tư đồng tiền học bổng, mà buồn vì không thể thực hiện được đề tài nghiên cứu cho quê hương. Bạn làm thinh, đưa tấm lưng ốm nhách cho ta rảy đầy nước mắt nước mũi. Rồi làm thinh mở cửa nhà trọ cho ta, kêu đi rửa mặt để ăn cơm. Bạn nhìn ta khóc.

Ta hụt hẫng, lao vào viết sách. Viết như thể ngày mai là tận thế. Đất trời đổ sụp và mình không còn đủ thời gian ghi lại những gì đã học ở Úc trước đây. Viết đến ba bốn giờ sáng. Chợt phát hiện bạn nằm ngủ chèo queo ở văn phòng. Ta đã nói là ta sợ cái lạnh lẽo vô vị của căn phòng này, sợ tiếng gỗ nở vô cớ ma quái vào ban đêm. Vậy mà bạn lại ngủ mất biệt. Đêm lạnh mới biết yêu thương ngày nóng nực! Sáu tháng ròng. 650 trang. Ta mất ngủ. Chắc gì bạn có giấc ngủ ngon? (Vì bạn nằm chò co đã qua hai mùa xuân hạ.) Và cái bóp của bạn bỗng eo xèo rỗng tuếch đến ngờ nghệch khi phải thay mực in mấy lần, trả tiền dịch vụ Internet, điện thoại, tiền thuê văn phòng cho ta! Suy nghĩ nát óc, ta tặng lại bằng mấy câu cảm ơn màu mè bằng tiếng Anh trên trang đầu quyển sách. Bạn nói hát cải lương như vậy tổ chỉ phí một tờ giấy in thêm cho người đọc!

Ta than dài vì tiền tác quyền thấp quá, chắc chỉ đủ mua sách tặng người quen thì hết nhẵn. Lười viết quyển thứ nhì. Nhưng mắt bạn lại lồi ra. Bạn hỏi ta viết sách để kiếm tiền ư? Xấu hổ! Hàng khối sinh viên ắt học được ít nhiều từ những gì ta nói. (Dù bạn nói rằng ta hay bàn tán những thứ lâng lâng chín tầng mây.) Và hôm nay ta lại viết được một phần của chương hai.

… Ta kể lể giấc mơ quái đản của mình khi nhảy ùm xuống giếng để tìm lại những viên bi sáng hơi hới cất giấu từ ngày ấu thơ. Ta khăng khăng nói rằng con người có thể mơ được những giấc mơ, tỷ như ta nằm mơ thấy mình mơ về những ngày vụng dại: không có điều thua được chua cay trần tục, chỉ có tiếng cười giòn tan ám cả vào mơ. Nhưng sao lần này bạn lại làm thinh? Ta bảo rằng giấc mơ có thể cười.

Chắc bạn là giấc mơ rất đỗi bình thường trong vạn ngày tẻ nhạt. Buồn, vui, thương, giận. Để cho ta cự nự lúc bực mình, ngồi im re mặc tình ta bốc phét, kiêu hãnh khoe một mẩu xương vai gầy đủ để mình gục mặt bình yên khi bên đời còn nhiều mưa bão. Tự tiềm thức, bạn đã là như vậy.

Chuyện thu phong đã biết bấy nhiêu mùa rền rã. Ta mặc nhiên xem mình hiện hữu bên nhau, đến đỗi thấy nhau cũ sì, nghe chán từng hơi thở. Nhưng bạn vẫn nghển cổ nghe ta phiếm chuyện đẩu đâu về một thế giới vô bờ phẳng lặng. Và lơ đễnh nhìn ta co giò chạy miết theo những chặng mơ dài.

Có lẽ chín mươi chín phần trăm giấc mơ này là hiện thực. Còn một phần trăm là cho ta được mơ thấy bạn ta đồng hành lặng lẽ cùng ta trong những giấc mơ vô thường.

Hình như chẳng giấc mơ nào có hồi kết cục.



Nguyễn Hồng Chí