Tiếng chim hót trong bụi mận gai
Chương 34
Tổng giám mục De Bricassart đi xuống ngả cầu thang riêng của giáo đường Thánh Pierre, ngả mà trước đó ông đã đi vào. Đột ngột nghe có tiếng ai đó thở hổn hển, ông chiếu thẳng chiếc đèn pin về hướng đó. ánh sáng làm lộ ra tác phẩm điêu khắc đẹp nhất: tượng Đức bà đau khổ của Michel Ange. Nhưng ở dưới gương mặt bất động ấy có một gương mặt khác, không phải bằng đá hoa nhưng bằng xương bằng thịt, nổi bật giữa bóng đêm như một chiếc đầu lâu.
Tổng giám mục mỉm cười gọi khẽ bằng tiếng Đức, không có tiếng trả lời nhưng ông nhìn kỹ thấy bộ quân phục binh nhì linh bộ binh Đức.
- Wie geht'' s - ông hỏi vẫn với nụ cười.
Người lạ mặt hơi giật mình, bước ra khỏi bóng tối. Trên vầng trán thông minh có những giọt mồ hôi.
- Du bist brank? Tổng giám mục lại hỏi anh thanh niên có phải bị bệnh không?
Có tiếng trả lời:
- Nein (không).
Tổng giám mục De Bricassart đặt cây đèn pin xuống đất và tiến đến gần, ông đưa tay nâng nhẹ cằm của người lính lên để nhìn rõ đôi mắt u buồn của anh tạ
- Có chuyện gì? ông hỏi bằng tiếng Đức.
- Con đến để cầu nguyện, anh thanh niên giải thích bằng một giọng nói vùng Bavarian hơi nặng.
- Thế thì chuyện gì đã xảy ra? Có phải anh bị kẹt trong này khi Nhà thờ đóng cửa?
- Vâng, nhưng không phải điều đó làm con lo.
Tổng giám mục cúi xuống cầm đèn lên.
- Dù sao anh cũng không thể ở ngoài này suốt đêm và tôi cũng có chìa khóa cổng. Tình cờ tôi đến đây cũng để cầu nguyện. Bộ chỉ huy tối cao của anh đã dành cho tôi một ngày thật gay go. Đi ngõ này, đúng. Hy vọng rằng những người canh gác sẽ không hiểu lầm rằng tôi đã bị bắt giữ và họ sẽ nhận ra chính tôi hộ tống anh chứ không phải anh hộ tống tôi.
Cuối cùng, Tổng giám mục đưa người thanh niên vào một phòng tiếp khách nhỏ bày diện rất giản dị. Ông chỉ bật sáng một bóng đèn nhỏ và đóng cửa lại.
Hai người nhìn nhau. Anh lính Đức nhìn thấy một người đàn ông cao lớn, gương mặt thanh tú, mắt xanh và sắc. Tổng giám mục nhìn thấy một cậu bé lỏng thỏng trong bộ quân phục mà cả châu Âu đã bắt đầu khiếp sợ. Đúng là một cậu bé, chắc chắn không quá mười sáu tuổi. Chiều cao trung bình, dáng người mảnh khảnh, hai cánh tay rất dài.
- Anh ngồi xuống đi, ông vừa nói vừa đi đến chiếc tủ nhỏ lấy ra chai rượu vang trắng Marsala.
Tổng giám mục rót rượu vào hai ly, trao cho anh thanh niên một, rồi ông ngả lưng vào chiếc ghế bành trong tư thế có thể quan sát thoải mái nét mặt có sức thu hút của người khách.
- Nước Đức chẳng lẽ bắt buộc phải động viên cả những trẻ con? ông vừa nói vừa ghác chéo hai chân.
- Con không biết, cậu trai trả lời. Con đang ở trong cô nhi viện và con muốn ra khỏi nơi đó bằng mọi cách.
- Con tên gì?
- Rainer Moerling Hartheim, anh thanh niên trả lời không giấu vẻ tự hào.
- Thật là một cái tên đẹp tuyệt, vị tu sĩ nhận xét nghiêm trang.
- Thưa, đẹp thật sự phải không? Chính con đã chọn cái tên ấy. Ở cô nhi viện người ta gọi con là Rainer Schmidt nhưng khi con bị động viên, con đã đổi tên ấy bằng một cái tên mà con vẫn ao ước.
- Cha mẹ con đều mất?
- Các dì phước gọi con là đứa con của tình yêu.
Tổng giám mục cố nín cười. Cậu trai tỏ ra có phẩm cách và tự tin sau khi sự sợ hãi không còn thấy trên gương mặt. Thế thì lúc nãy, cậu ta sợ hãi điều gì?
- Tại sao lúc nãy con tỏ ra quá sợ hãi, Rainer?
Anh lính trẻ hớp một ngụm rượu, rồi ngước mặt nhìn lên với vẻ hài lòng.
- Ngon tuyệt. Rượu rất dịu. Con muốn được nhìn tận mắt Giáo đường Thánh Pierre vì rằng các dì phước đã nhắc đến luôn và cho xem nhiều ảnh. Vì vậy khi con được đưa sang La Mã con rất vui mừng. Chúng con vừa đến buổi sáng, liền sau đó con tìm cách đến đây. Nhưng con đã thất vọng. Con tưởng sẽ cảm thấy gần gũi với Chúa hơn trong chính Nhà thờ của Chúa; trái lại ở đây quá to lớn và lạnh lẽo. Con không cảm nhận được sự hiện diện của Chúa.
Tổng giám mục cười.
- Ta hiểu con muốn nói gì - Nhưng Giáo đường Thánh Pierre không phải là một Nhà thờ đúng nghĩa của nó. Giáo đường Thánh Pierre là Giáo hội. Chính ta cũng phải trải qua một thời gian khá lâu để tập cho mình quen với suy nghĩ đó.
- Con muốn cầu nguyện hai điều.
- Về những điều làm con sợ hãi?
- Dạ. Con nghĩ rằng chỉ riêng việc con được ở trong Giáo đường này cũng đã có thể giúp con.
- Nhưng điều gì làm cho con sợ hãi, Rainer?
- Người ta đã phát hiện con là người Do Thái và đơn vị của con rồi sẽ bị gởi sang mặt trận Nga.
- Ta hiểu và không ngạc nhiên về sự sợ hãi của con. Có cái gì cụ thể để người ta tố cáo con là người Do Thái?
- Đức cha cứ nhìn con! Cậu con trai trả lời đơn giản. Vào lúc con đăng ký vào quân đội, khi làm lý lịch của con, họ có nói cần phải kiểm tra lại. Con không đoán được họ có khả năng làm việc đó hay không, nhưng con đặt giả thiết các dì phước biết rất nhiều so với những điều các dì nói với con.
- Con hãy nói cho ta biết về con, Rainer.
Trên gương mặt trẻ trung ấy hiện lên một nét tự hào lạ lùng.
- Con là người Đức và công giáo. Con mong muốn nước Đức trở thành một nước mà các vấn đề chủng tộc và tôn giáo không đưa đến những sự ngược đãi và đàn áp Con sẽ hiến cuộc đời con cho mục đích ấy... nếu con còn sống.
- Ta sẽ cầu nguyện cho con... để cho con vẫn sống và đạt mục đích đời con.
Hai người nói chuyện với nhau đến khi bình minh nhuộm hồng những vòm gác chuông nhà thờ và những tiếng xào xạc của cánh chim bồ câu nghe vọng lại từ bên ngoài cửa sổ.
... Ngày 5 tháng 9 năm 1943, sư đoàn 9 của Úc đổ bộ lên đảo New Guinea. Mười lăm ngày sau, nơi sư đoàn này đến đóng - phía đông đảo thuộc vùng Lae - không còn một tên lính Nhật. Jims và Patsy dạo chơi trên một đồng cỏ cao gợi cho hai anh em nhớ Drogeda.
- Chúng mình sắp sửa được về nhà, Patsy. Bọn Nhật đã rút chạy. Trở về nhà Patsy ạ. Trở về Drogheda, anh sốt ruột quá. Jims xúc động nói.
- Đúng vậy, Patsy đáp lại.
Cười vui, Patsy chạy rượt đuổi theo một con vẹt, tay cầm nón đưa ra phía trước như thể anh tin chắc rằng mình sẽ túm được nó. Jims nhìn theo em mỉm cười.
Patsy chạy được khoảng hai mươi mét thì một loạt đạn đại liên nổ dòn, làm tung lên đám cỏ xung quanh. Jims nhìn thấy em mình hai tay đưa lên, thân người quay tròn. Từ ngang bụng xuống đầu gối đầy máu; sự sống như đang buông khỏi Patsy.
- Patsy! Patsy! Jims hét lên.
Anh cảm thấy như chính da thịt mình đón nhận những viên đạn ấy; anh tưởng như mình đang hấp hối và sắp chết. Anh vạch cỏ định lao tới tìm em mình nhưng sự thận trọng của người lính kịp ngăn anh lại. Jims lao đầu xuống cỏ đúng khoảnh khắc một tràng đạn thứ hai nổ dòn.
- Patsy! Patsy! Có sao không? Jims hỏi to một cách ngớ ngẩn vì rằng chính mắt anh đã thấy người Patsy đầy máu.
Thế mà, ngoài sự chờ đợi của Jims, vọng lại một tiếng trả lời khẽ.
- Không sao.
Từng phân một, Jims trườn trên cỏ, hướng tới phía trước, mùi cỏ thơm ngát, tai lắng nghe mọi động tĩnh, tiếng gió và tiếng xào xạc mỗi khi anh chuyển mình. Khi Jims tới chỗ của em mình, anh ngả đầu lên vai trần của Patsy và khóc.
- Ồ, anh đừng khóc, Patsy nói. Em có chết đâu!
Patsy kéo cái quần ngắn ướt đẫm máu xuống để lộ da thịt bị nát, đỏ tươi và run rẩy.
Bấy giờ đã có nhiều người xuất hiện và vây quanh, kể cả những đấu thủ đánh cầu còn mang găng tay và miếng lót bảo vệ ống quyển. Một người chạy đi tìm băng ca và số người còn lại tiến lên để dập tắt họng súng máy đặt bên kia bìa rừng. Cuộc săn tìm để diệt trừ ổ súng diễn ra đầy phẫn nộ vì mọi người đều yêu thương Patsy.
- Patsy may mắn vô cùng, viên sĩ nói với Jims. Cậu ta hứng ít nhất cũng một chục viên đạn nhưng phần nhiều trúng đùi. Theo xét đoán của tôi, ruột còn nguyên vẹn, bọng đái cũng thế... Chỉ có...
- Sao? Jims sốt ruột hỏi, người run lên, môi tím lại vì mím chặt.
- Bây giờ thì hơi quá sớm để kết luận. Tôi không phải là một nhà giải phẫu tài năng như một vài tay sừng sỏ ở Moresby. Những bậc ấy có thể nói rõ hơn với bạn, nhưng ống đái đã bị tổn thương cùng rất nhiều dây thần kinh li ti ở vùng xương chậu. Tôi tin chắc rằng có thể lành lặn tất cả nhưng có một số dây thần kinh không còn sử dụng được nữa. Điều mà tôi muốn nói với anh là rất có thể Patsy không còn cảm giác ở vùng bộ phận sinh dục.
Jims cúi đầu nhìn xuống đất qua màn nước mắt.
- Cái chính là Patsy vẫn còn sống, anh nói.
Tại cảng Moresby, sự đánh giá của viên y sĩ sư đoàn 9 về tình trạng của Patsy được xác nhận đúng.
- Chẳng quan trọng gì - Patsy nằm trên băng ca nói với Jims giữa lúc cậu ta được đưa lên máy bay về Sydney - Dù sự thể có thế nào, thật ra em cũng không thích các cô gái . Anh ở lại nhớ thận trọng hơn lúc nào hết, Jims. Em rất buồn khi phải xa anh.
- Không sao đâu, anh sẽ rất cẩn thận - Jims nói cho Patsy yên tâm và siết bàn tay của em mình - Em có biết không tiếp tục chiến đấu mà không có người bạn thân chí cốt thì... Anh sẽ viết thư kể cho em nghe những gì xảy ra ở đây. Em hãy hôn mẹ, Meggie, bà Smith và cho anh gởi lời thăm bạn bè. Dù sao em vẫn được may mắn sớm trở về Drogheda.
Fiona và bà Smith đến Sydney bằng máy bay để kịp đón Patsy từ Townsville đến. Fiona chỉ ở lại Sydney vài ngày còn bà Smith phải thuê phòng ở khách sạn Rankwick gần quân y viện Hoàng tử Xứ Wales. Patsy tiếp tục chữa trị tại đây trong ba tháng. Sự nghiệp trong quân đội của anh đến đây coi như chấm dứt.
Khi Patsy được phép rời quân y viện, Meggie lái chiếc Rolls đến rước. Meggie và bà Smith dìu Patsy ngồi băng sau có sẵn chăn mền và sách báo. Bây giờ gia đình Cleary lại cầu nguyện Chúa ban cho họ một đặc ân khác: sự trở về của Jims.
Hết chương 34