Đèn Không Hắt Bóng
Chương 12
Đã đến tháng mười hai.
Cũng như thường lệ vào tiết cuối năm, trong các bệnh viện số bệnh nhân ngót hẳn đi. Ai nấy đều bận bịu với những công chuyện sửa sọan ăn tết, chẳng mấy ai còn nghĩ đến bệnh tật. Vào thời gian này ít có người đi tìm bác sĩ.
Ở bệnh viện Oriental cũng đã vào thời kỳ vắng khách. Quả tình các bệnh nhân ngọai trú vẫn còn đến, nhưng các phòng bệnh nhân đều vắng tanh - mặc dầu hãy còn hai tuần nữa mới đến tết.
Các bệnh nhân nằm ở các phòng thượng hạng sang trọng cũng đã xuất viện. Cả cái tầng sáu này chỉ còn lại một mình Đzyunkô Hanađzyô.
Bây giờ, sau cuộc phẫu thuật, cô cứ mỗi ngày hai lần thực hiện đúng thủ tục ngồi vào chậu nước ấm. Một thủ tục dễ chịu làm cho bệnh nhân đỡ đau hẳn, tuy cái cảnh tượng này dĩ nhiên không hẳn là một mỹ quan. Dù sao trong thời gian nằm bệnh viện, Đzyunkô cũng đã quen được nhiều thứ.
Ngòai Đzyunkô ra, bệnh nhân đã đem lại cho Naôê nhiều nỗi lo âu là Yôsiđzô Isikura. Vào những ngày gần đây ông già lại bắt đầu kêu đau và thấy nặng trong dạ dày.
- Bác sĩ ạ, tôi không sao ăn được, - ông cụ nói như muốn khóc. Nước da cụ xanh xao, hai má hóp hẳn lại. - Mà hôm qua lại sốt nữa. Bị cảm lạnh hay sao ấy?
- Ban đêm ở đây tắt lò sưởi điện, cụ nên mặc ấm hơn, - Naôê đáp trong khi xem xét tờ ghi nhiệt độ.
Suốt tuần vừa qua, nhiệt độ của cụ Isikura hằng ngày lên đến 38ºC, đôi khi còn cao hơn. Các thứ thuốc giảm nhiệt hầu như không có tác dụng, chỉ được ít lâu cái cột thủy ngân lại bắt đầu trườn lên phía trên một cách nhẫn tâm. Đó là một dấu hiệu chắc chắn của sự cáo chung đã đến gần. Giai đọan cuối cùng của cơn bệnh. Mọi biện phái điều trị đều hoàn toàn vô ích...
- Có lẽ mới xuất hiện một chỗ loét khác ? - Cụ Isikura thở dài.
- Chắc không phải, - Naôê nói, giọng không vui.
- Thế đến tết bác sĩ cho tôi ra viện chứ ?
Naôê trao tờ ghi nhiệt độ cho Nôrikô và quay ra cửa sổ, phía mặt trời mùa đông đang tỏa một ánh sáng trắng trong làn sương sớm.
- Lão muốn ăn tết ở nhà, - ông già nói tiếp, giọng run run, và lòng Nôrikô se lại một cách đau đớn.
- Lưng có đau không ?
- Cám ơn bác sĩ, cũng đỡ rồi. Chỉ có điều là tôi không còn chút sức nào nữa bác sĩ ạ..... Bệnh họan đã làm cho tôi kiệt lực rồi.
- Cụ đừng xúc động, có hại đấy. Cụ cứ nằm nghỉ đi.
- Bây giờ trong đầu tôi nó cứ nghĩ quẩn nghĩ quanh. - Cụ Isikura đưa mắt liếc sang cô con dâu. - Chắc tôi sống chẳng còn bao lâu nữa...
- Cụ nên nghĩ đến chuyện đi câu đi.
- Chà ! - Ông già mừng rỡ chộp lấy cái đề tài ưa thích ấy. - Đã hơn một năm nay tôi không được đi câu ! Đến khi nào khỏi, tôi sẽ đi câu hằng ngày. Tôi sẽ bù lại thời gian đã mất.
- Phải đấy, cụ cố lên cho chóng khỏi ... - Naôê cáo từ và ra khỏi phòng. Cụ Isikura lặng lẽ nhìn theo.
Ngay hôm ấy Naôê mời hai vợ chồng anh con cả của cụ Isikura đến gặp.
Khi họ bước vào, ông nói với họ bằng cái giọng bình thản nhất:
- Cụ thân sinh của ông chỉ còn sống được không đầy một tháng nữa. Lâu nhất là đến giữa tháng giêng.
- Sao ?! Chỉ có thế thôi ạ ?...
- Trước đây tôi tưởng cụ sẽ kéo thêm được ít lâu, nhưng hôm nay tôi hiểu ra rằng mình nhầm. Cụ yếu quá. Hết cách rồi.
Hai vợ chồng đưa mắt nhìn nhau.
- Bác sĩ biết chắc như vậy à ?
- Phải. Xin hỏi cụ nhà có nói gì với ông bà về cuộc phẫu thuật hôm trước không?
- Có. Ông cụ tôi lấy làm lạ sao không thấy đỡ, - Isikura - con gật đầu.
- Cụ không đoán ra được điều gì à?
- Ấy, hôm kia cụ tôi bỗng thốt ra: hay đây là bệnh ung thư?
- Tôi hy vọng là ông bà không nói gì với cụ chứ?
- Không-không, đời nào ! Chúng tôi đã trả lời đúng lời bác sĩ dạy.
- Thế thì tốt. Dù có thế nào cũng tuyệt nhiên không được nói sự thật với cụ. Loét dạ dày, trước sau cũng chỉ có loét dạ dày mà thôi. Ông bà hiểu chưa? Nếu chính cụ bắt đầu nói đến ung thư thì ông bà phải cười xòa và nói lảng sang chuyện khác.
- Nhưng hình như cụ đã đoán được rằng bệnh mình không còn cứu chữa được nữa.
"Con trai giống bố quá, - Naôê chợt nhận thấy thế, - Nhất là đôi mắt và cái mũi..."
- Không sao, cụ muốn nghĩ gì thì cứ để mặc cụ. Còn ông bà, - giọng Naôê cương quyết, - phải làm đúng như tôi nói. Đối với ông đó là cách duy nhất để làm tròn đạo hiếu. - Nói đọan Naôê đứng dậy, cho khách hiểu rằng cuộc nói chuyện đã kết thúc.
Kôbasi đang ở trong một tâm trạng u tối. Và nguyên nhân của tâm trạng đó là Đziêrô Tôda, đã ra viện vào cuối tháng mười một.
Hắn ra đi hoàn toàn khỏe mạnh. Cái sẹo trên trán không còn mưng mủ nữa, cảm giác đau và chóng mặt cũng không còn. Quả tình cũng có những chỗ sẹo lồi, cần có phẫu thuật thẩm mỹ mới hết được. Nhưng Kôbasi thấy không cần vội. Rất có thể nó sẽ tự nó lặn đi. Khi Tôđa ra viện, Kôbasi đã cho hắn một hộp thuốc mỡ khá đắt tiền, dặn phải thường xuyên bôi lên những chỗ sẹo, và cứ hai ngày một lần, đến bệnh viện để xem lại.
Nhưng đã gần qua một tuần rồi mà Tôđa chẳng thấy đâu. Kôbasi đâm lo, anh lấy thùng phích tìm số điện thọai của Tôđa rồi bắt đầu quay đĩa số. Môt giọng đàn ông lạ hoắc trả lời rằng đã hơn nửa năm nay Tôđa không ở chổ đó nữa.
"Thế thì hắn biến đi đằng nào, cái thằng chết tiệt ấy ?..."
Có lần Kôbasi bực bội nói với Akikô:
- Ảnh phim chụp não của hắn có những dấu hiệu không tốt. Tôi đã bảo hắn là nhất định phải đến khám lại.
Akikô cau mặt.
- Em không ưa hắn ngay từ đầu. Một gã bợm rượu ăn không ngồi rồi. Đến một chỗ ở thường xuyên hắn cũng không có thì cũng chă"ng có gì là lạ.
- Thì cách đâu nửa năm hắn có ở chỗ đó thật, thành thử dù sao hắn cũng chẳng nói dối gì nhiều, - Kôbasi làu bàu.
Cứ hễ Akikô chê bai Tôđa thì y như rằng Kôbasi lập tức bênh vực hắn ta.
- Nhưng mà hắn là một thằng nói dối bẩm sinh. Cứ nghe hắn nói thì tưởng hắn khổ sở lắm ! Hắn biết làm cho người ta mủi lòng. Em không tin lấy một chữ trong những chuyện hắn nói!
- Hắn không có lỗi. Chính cuộc đời làm cho người ta trở thành kẻ nói dối.
- Anh lại còn bênh hắn nữa à ? ! - Akikô nổi khùng - Chính hắn đã lừa anh kia mà!
- Sao lại lừa ? Chẳng qua hắn có vay một ít tiền.
- Đấy-đấy. Chính vì thế mà hắn không thèm ló mặt ra. Hắn không hề có ý định trả lại số tiền mặt ấy!
- Không đâu, không thể như thế được.
- Có thể lắm chứ!
- Chẳng qua hắn không biết lấy đâu ra. Hiện giờ...
- Anh ngốc quá đi mất, - Akikô không chịu được nữa. - Sao, anh tin hắn thật à ?
- Dù sao thì tôi cũng không có cơ sở gì để nghĩ xấu về hắn đến mức như vậy.
- Phả-ả-ải... - Akikô bật cười chua chát. - Quả nhiên, làm gì co cơ sở nào ?
Kôbasi cúi đầu. Thật tình mà nói, bản thân anh cũng thấy ngờ vực. Nhưng dù sao chăng nữa thì phải nghe một cô y tá ăn nói với mình như vậy...
- Tôi là thầy thuốc, và tôi không thể để cho một con người đi đến chổ chết được.
- "Đi đến chỗ chết" ! Làm gì đến nỗi ?
- Thôi đủ rồi ! Còn tiền thì... dù hắn không trả, tôi cũng chẳng đến nỗi nào đâu.
- Ái chà ! Nhịn ăn nhịn tiêu để trả năm mươi ngàn yên cho một thằng vô lại ăn bám ? ...
- Tôi đưa tiền cho hắn là do tự nguyện, - Kôbasi nói, mỗi lúc một cáu kỉnh thêm.
- Việc bố thí không phải là một bổn phận. Một bác sĩ lại càng không có bổn phận làm cái việc ấy.
- Không, đó là một bổn phận. Và chính là bổn phận của người thầy thuốc! Bổn phận của nguời thầy thuốc là làm điều thiện, trong đó có cả việc bố thí. Chỉ có điều là trong giới bác sĩ có không ít những kẻ ti tiện như kiểu ngài bác sĩ trưởng, chỉ biết nghĩ đến lợi ích riêng của mình. Còn về Tôđa thì xin cô chớ cho rằng tôi không muốn nghĩ xấu về hắn.
- À! Anh lại nói đến hắn !
- Đó là vì cô nói bậy bạ.
- Em nói gì nào ? - Akikô vặn lại, nhưng đến đây Kaôru, da dẻ hồng hào sau khi tắm, tay cắp khăn mặt và hộp xà phòng, bộ tóc ướt xỡn trên lưng, bước vào phòng. Trông thấy Kôbasi và Akikô cô ta luống cuống.
- Thế nào, tắm ra sao ? - Akikô nói để phá tan sự im lặng nặng nề.
- Thích lắm, cảm ơn. Tắm một mình, không phải vội... - Kaôru cúi đầu đi qua mặt Kôbasi và treo đôi bít tất trắng đồng phục lên móc cho khô.
- Các phòng bệnh thế nào. Yên tĩnh chứ?
- Vâng. Chỉ có ...
- "Chỉ có" gì ?
Kaôru đưa mắt nhìn trộm Kôbasi, không dám nói.
- Nào, nói đi. - Akikô sốt ruột nhìn Kaôru.
- À không, em...
- Nói cho rõ ràng đi, đừng có lúng búng!
- Ban nãy em lên tầng sáu định xem thử đèn đã tắt hết chưa...
- Rồi sao ?
- Rồi em thấy... hình như ở phòng sáu trăm lẻ một...
- Phòng của Hanađzyê. Thế thì sao ?
- ... Trong phòng hình như có ai ấy.
- Cô hầu chứ gì ?
- Không... - Kaôru ngượng ngùng cụp mắt xuống.
- Thế thì ai ?
Hai má Kaôru đỏ tía lên.
- Một người đàn ông à ?!
Kaôru cúi đầu như người có lỗi.
Akikô thở dài và nhìn Kôbasi đang ngồi khoanh tay trước ngực, mắt nhìn sang một bên ra điều không chú ý.
- Em có nói gì với cô ta không?
Kaôru lắc đầu.
- Ai thế nhỉ ? - Akikô ngẫm nghĩ. - Ông bầu chăng ?
- Không. Cứ đến chiều cô ấy lại cho ông ta về. Sau đó ông phải lo tổ chức biểu diễn. Hôm nay ông ta chỉ ngồi một lát rồi đi.
- Thế thì một người lạ ư ? - Kôbasi hỏi. - Kaôru, tối nay cô không trông thấy ai đi qua phòng ngòai à ?
- Em không thấy. Em có gác lối ra vào đâu...
- Dĩ nhiên... - Akikô tán đồng.
- Hôm nay đóng cửa lúc mấy giờ ?
- Lúc chín giờ rưỡi.
- Như thế nghĩa là người kia đến sớm hơn.
Akikô nhìn ra dãy hành lang tranh tối tranh sáng. Lúc bấy giờ đã quá mười giờ, và trong các phòng bệnh nhân mọi người đều đã ngủ.
- Cô ấy hình như mới mổ được ba ngày phải không ? - Kôbasi hỏi.
- Vấn đề chính là ở chổ ấy...- Akikô đáp giọng bực bội. - Ấy, chúng ta sẽ làm gì đây?
- Có lẽ hai cô đến xem lại lần nữa đi, - Kôbasi đề nghị.
- Đi vào phòng cô ấy một lần nữa ư? - Bây giờ đến lượt Akikô đỏ bừng mặt lên. - Tiên sinh ạ, chúng ta cùng đi đi. Em sợ... Nếu ở đấy có một người đàn ông thật thì sao?
- Ừ thì sao ? Cô sẽ đưa ông ấy đến đây.
- Thôi anh cùng đi với em một chút! - Akikô nắm ống tay áo Kôbasi. Kôbasi miễn cưỡng đứng dậy.
- Nếu vậy thì cô ở lại đây, - Akikô bảo Kaôru.
Trong khi bấm nút thang máy lên tầng sáu, Kôbasi phì cười.
- Kaôru hình như ngượng lắm. Chắc cô ta trông thấy họ vào một lúc bất tiện.
- Xì, anh không biết xấu hổ à! - Akikô giận dỗi phát một cái vào lưng Kôbasi.
Thang máy dừng lại. Trong dãy hành lang im phăng phắc, một ngọn đèn nhỏ chong leo lét.
Kôbasi và Akikô đi lom khom như hai tên gian phi, cố bước thật nhẹ. Ngòai phòng 6 M ra, tất cả các phòng trên tần này đều bỏ không. Akikô thậm chí còn thấy tiếc khi nghĩ rằng trong những căn phòng tuyệt vời như vậy - có buồng tắm, toa-lét và tủ lạnh - lại chẳng có ai nằm. Họ rón rén bước đến cạnh cửa và dừng lại. Sau cánh cửa là buồng của người nuôi bệnh nhân, kế đến là phòng đệm, sau đó là phòng của Đzyunkô.
Cửa phòng đóng kín, nhưng trong khung cửa sổ con che rèm trông ra hành lang thấy có ánh sáng lọt ra. Đzyunkô vốn thích tiện nghi nên khi vào nằm bệnh viện đã sai đưa đến đây một cây đèn ngủ chao đỏ để đặt ở đầu giường.
Kôbasi và Akikô ghé tai vào cánh cửa. Họ nghe ngóng một lát. Từ trong phòng bệnh nhân không có tiếng người đưa ra, mà chỉ có tiếng nhạc khe khẽ: đó là chiếc máy stereo đặt cạnh giường Đzyunkô. Có lẽ họ đã là cho "đôi chim non" hỏang sợ chăng ? Chắc không phải, vì họ đi rất khẽ. Kôbasi chợt nhận ra cái tình thết kỳ quặc của hai người đi rình và bất giác phì cười, nếu chẳng may có ai tình cờ trông thấy họ, chắc người ấy sẽ tha hồ mà cười.
- Thôi ta đi đi, - anh thì thầm nói với Akikô.
Vừa lúc ấy một giọng nói hơi khàn vẳng ra: chắc chắn là giọng của Đzyunkô.
- Đồ cù lần ở đâu ấy! - Theo thói quen, cô ta kéo dài các từ ngữ ra một cách lẳng lơ.
Kôbasi và Akikô đưa mắt nhìn nhau.