TP HCM: Nộp phạt hơn 16 triệu đồng bằng toàn... tiền xu

Hơn 16 triệu đồng toàn tiền xu của ông H.Đương sự đổi 16 triệu đồng ra toàn tiền xu mệnh giá 200 đồng và 500 đồng khiến cơ quan thi hành án dở khóc dở cười!

Vụ việc ngộ nghĩnh này xảy ra tại Thi hành án dân sự (THA) quận Tân Bình (TP.HCM). Theo hồ sơ, ông H. là chủ một khách sạn trên đường Hoàng Văn Thụ. Giữa năm 2007, một người khách đến thuê phòng bị mất xe máy nên ông H. phải đền. Ông H. đã mượn 50 triệu đồng của một Việt kiều Na Uy là “mối ruột” thường xuyên về nước thuê phòng của ông để đền cho khách. Hai bên làm giấy cam kết là ông H. sẽ trả dần mỗi tháng hai triệu đồng cho đến khi hết nợ. Tuy nhiên, sau đó ông H. đã không thực hiện cam kết nên bị chủ nợ khởi kiện đòi phải trả 44 triệu đồng (đã trừ sáu triệu đồng tiền thuê phòng để ở).

Tháng 5-2008, TAND quận Tân Bình xử sơ thẩm đã quyết định buộc ông H. phải trả cho nguyên đơn 44 triệu đồng và chịu án phí 2,3 triệu đồng. Ông H. kháng cáo nhưng TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã tuyên y án. Sau đó, THA quận Tân Bình đã ra quyết định thi hành bản án này. Vì ông H. và người khách mất xe thỏa thuận cấn trừ 30 triệu đồng nên ông H. chỉ phải trả cho nguyên đơn 14 triệu đồng và được THA chấp nhận. Do ông H. không tự nguyện THA, THA quận Tân Bình đã phải ra quyết định cưỡng chế. Theo đó, tổng số tiền ông H. phải thi hành là hơn 16 triệu đồng, gồm cả tiền lãi theo lãi suất ngân hàng.

Chấp hành viên Nguyễn Thị Thủy, người trực tiếp thi hành bản án này kể, trong quá trình chuẩn bị cưỡng chế, nhiều lần bà đã mời ông H. đến để vận động tự nguyện thi hành nhưng ông H. không đến. Thế rồi một buổi sáng, ông H. đến THA quận Tân Bình xin nộp trước bảy triệu đồng. Khi chấp hành viên ký quyết định cho nộp tiền thì ông H. nói: “Chờ tui về lấy tiền”. Gần 11 giờ trưa đó, ông mới quay lại mang theo một bọc tiền xu mới tinh, lộn xộn mệnh giá 200 đồng và một ít tiền giấy mệnh giá 500 đồng.

Do gần hết giờ làm việc và số lượng tiền xu quá nhiều nên THA quận quyết định lập biên bản không nhận ngay. Ông H. cự lại thì THA giải thích là sẽ cử người cùng ông đến Ngân hàng nhà nước Chi nhánh quận Tân Bình nộp vì ở đó có dụng cụ đếm tiền. Sau đó, ông H. xách tiền về rồi không quay lại nữa.

Sáng 23/4, THA quận Tân Bình tổ chức đoàn cưỡng chế thì bị ông H. phản ứng gay gắt. Sau khi bị đoàn cưỡng chế kê biên toàn bộ 16 phòng khách sạn, chiều đó ông H. mới chịu mang tiền đến nộp. Không biết chuẩn bị từ bao giờ mà ông H. mang đến hơn 16 triệu đồng toàn là loại tiền xu mệnh giá 200 và 500 đồng. Tuy là tiền xu mới nhưng không phải từng cọc mà để lẫn lộn với nhau. Ông H. còn kỳ công cho những đống tiền xu lộn xộn đó vào những bịch nylon nhỏ hay túi nhựa, hộp giấy.



Trước tình huống khó xử này, THA quận Tân Bình phải cắt cử một kế toán, một thủ quỹ và một bảo vệ cùng người của ông H. “áp tải” tiền đến nộp tại kho bạc nhà nước. Do số lượng tiền xu quá nhiều và lộn xộn nên hết giờ làm việc buổi chiều hôm đó, các nhân viên ngân hàng với sự hỗ trợ của máy móc cũng đếm chưa xong, phải dời sang ngày hôm sau.

Chấp hành viên Nguyễn Thị Thủy lắc đầu ngao ngán: “Đây là một vụ THA cười ra nước mắt! 13 năm làm nghề THA của tôi chưa từng gặp một người nào ẩm ương như đương sự này cả”.

Theo ông Đinh Trọng Hưng, Phó Trưởng THA quận Tân Bình, đây là một vụ THA hiếm có, không chỉ ở Tân Bình mà cả trong ngành THA. Về nguyên tắc, cơ quan THA không thể từ chối bất cứ loại tiền nào có giá trị lưu hành trên thị trường. Nhưng nếu đương sự cố tình quy đổi tiền xu mệnh giá nhỏ rồi trộn lẫn vào nhau thì rất cực cho cơ quan chức năng nếu số tiền THA lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng.

Nguyên nhân của việc này có thể xuất phát từ việc người bị THA chưa tâm phục khẩu phục bản án hoặc ấm ức với phía được THA hoặc muốn làm khổ cơ quan THA “cho bõ ghét”... Tuy nhiên, với lý do nào đi nữa, cách hành xử này của đương sự cũng gây khó khăn cho quá trình THA. Vì thế tùy vào trường hợp cụ thể, cơ quan THA sẽ áp dụng các biện pháp khác thay vì THA như bình thường.

Chẳng hạn, cơ quan THA có thể yêu cầu đương sự mang tiền ra nộp tại kho bạc nhà nước hoặc yêu cầu sắp xếp lại tiền theo từng loại trước khi nộp. Ngoài ra, căn cứ vào Pháp lệnh THA dân sự thì cơ quan THA có thể mời người được THA đến để hai bên tự giao nhận tiền với nhau và cán bộ THA chỉ làm nhiệm vụ chứng kiến...

Theo Báo Đất Việt / VTC / An Ninh Thủ Đô / PLTPHCM