MỜI RA GỐC CÂY

Tìm đến ông thợ cắt tóc ở đầu ngõ không thấy, tôi tự động viên: Thôi, lần này vào hiệu, có đắt một tí nhưng sang trọng, lại đỡ bụi đường.
Đến một hiệu “Cắt tóc nam nữ” (tôi cố tình chọn biển hiệu không có chữ “thư giãn”), vừa đẩy cửa bước vào thì gặp hai cô gái trẻ. Các cô đon đả, như thể đã quen nhau từ trước:
- Gớm, lâu lắm mới thấy. Anh vào đi. Gội đầu luôn chứ anh?
- Có cắt tóc nam không cô?
- Vâng, nam nữ gì chúng em cũng đều cắt được tất.
Tôi ấp úng:
- Không, tôi muốn … ý tôi là … vâng, thợ nam cắt …
Các cô liền đổi thái độ:
- Thích đàn ông hở (!?). Vậy thì mới anh ra gốc cây.
Tôi tìm cách tháo lui. Thực tình thì oan cho tôi quá. Tôi là người có giới tính bình thường, bằng chứng là tôi đã lấy vợ và sinh ra những đứa con khỏe mạnh. Nào có phải tôi không thích phụ nữ mà tôi thấy, đàn ông, nhất là các ông đứng tuổi thường cắt đẹp và cẩn thận hơn. Nhiều ông nói chuyện có duyên, khách được dịp hàn huyên đủ chuyện thời sự, chuyện nhân tình thế thái.
Tôi tìm hiểu lại thì đúng là khu vực nơi tôi không một hiệu cắt tóc nào có nhân viên nam cả, trừ hai “hiệu”: một ở gốc cây đầu ngõ và một ngồi ké vào góc quán nước. Tôi vỡ lẽ: đàn ông mà thuê cửa hàng hành nghề cắt tóc thì chỉ có mà sập tiệm, cần cù cả tháng chưa chắc đã đủ tiền nhà. Có làm thuê cho các cô cũng chẳng cô nào dám nhận dù khéo tay đến mấy. Vậy mà tôi đòi cắt tóc ở hiệu, lại muốn nhân viên nam phục vụ, lấy đâu ra bây giờ.
Thông thường, tay nghề cao ắt phải đông khách. Nhưng có cầu mới có cung. Chẳng lẽ cánh đàn ông ta đi cắt tóc không đơn thuần chỉ cần một mái tóc đẹp, để vô tình đẩy những người thợ cùng giới ra gốc cây hay góc ngõ.

TƯỜNG THỤY