Nói là làm. Quả thật, mùa thu năm ấy, Phi bỏ tiền in một tập thơ, in bằng giấy trắng tinh, úp bìa dầy cứng. Chết cha, cái việc nhỏ ấy mà kết quả bất ngờ, vì sau khi tập thơ ra đời, Phi làm nhiều người Việt trong thành phố từ ngạc nhiên tới khâm phục, nhất là lúc được anh tặng sách. Tất nhiên không phải ai cũng hoan hỉ, khi trong cộng đồng của họ, xuất hiện một kẻ làm thơ và một cuốn sách. Một kẻ nhận xét, thằng ấy bây giờ đúng là hâm nặng. Ừ, có hâm nặng mới làm thơ chứ, khi mà ở cái xứ này, người ta sang đây cốt để no cơm ấm cật, thơ là cái quái gì, không sinh ra được tiền. Với Euro thơ chẳng bằng cục cứt! Nhưng có người lại bảo, đừng nói vậy, khi cả làng này hùng hục kiếm ăn, đầu tắt mặt tối, thêm một người như vậy – cũng lam lũ vất vả, chứ thằng Phi sung sướng, hạnh phúc cái chó gì đâu. – thế mà nó lại làm được cả thơ thì hơn chúng ta đứt rồi. Được vài thằng như nó, thêm vài người đàn, ca, sáo, nhị nữa, những buổi hội hè nhờ họ, chẳng xôm xôm ra trò hẳn lên đấy thôi. Nó không ngẫn, nó là Phi nhà thơ xóm, thơ làng. Có người cười bảo, gì thì cũng là thơ, mà thơ của nó không làm quán bán hoa, quầy bán quần áo, quán mì xào của bọn mày hụt khách đi, thì bận gì đến ai? Ừ, nghe cũng lọt tai! Từ đó, hỗn danh Phi Ngẫn được người ta quên dần đi. Cách gọi Phi nhà thơ mỗi khi sum vầy, được cả vùng quen dần và, chả có văn tự gì cả, tự nhiên cái “làng Việt Nam” ở thành phố này trao cho gã một hỗn danh mới ăm ắp vinh dự: Phi Thơ.
Việc này Kumar không bàn ra tán vào. Anh biết gì về thơ Việt Nam mà bàn. Quyên thì bảo, cứ để cho anh ấy làm thơ. Người ta nhiều bức xúc, suy nghĩ quá, thì cứ để người ta xả. Mà lục bát thì cả nước Việt ai chẳng thấm nhuyễn để viết ngay cửa miệng được dăm câu, nữa là con người giàu tình cảm như Phi.
Nhưng sự kiện Phi thi sĩ cũng chưa đặc biệt và bất ngờ lắm. Nửa năm sau đấy cả thành phố dồn ầm lên chuyện Phi sắp lấy vợ. Mà lại là cô vợ trẻ chỉ bằng non nửa tuổi gã. Quyên không tin. Kumar cũng không tin. Phi bấy nay mở quán, làm ăn phát đạt, bận bịu lắm, không có thời gian la cà đâu cả, sao mà có ai manh mối nhanh như vậy? Hơn nữa, cô cũng tin rằng, việc trọng đại như vậy, làm sao Phi không tới báo cho cô và Kumar biết.
Một bữa, có hai người tị nạn tới giúp quán Kumar lau chùi bộ phận giàn thông khói. Dầu ăn két từng mảng đen thui trong cả ống khói, chảy kín đặc mọi ngóc ngách làm hai người đồng hương vất vả đến sẩm tối. Quyên từ nhà tới quán thì công việc đã xong. Cô lấy tiền trả cho hai người đồng hương. Lúc trao tiền , một người cứ nhìn cô đăm đắm và buột miệng nói: “Chị nom giống vợ sắp cưới của thằng Phi Thơ quá” Quyên ngạc nhiên tới không ngờ: “Anh nói sao? Ai giống tôi?”
- Vợ thằng Phi chứ ai! Cả thành phố này đều biết mà chị không biết? Một cô gái Nghệ Tĩnh mới 18 xuân son, nom xinh đẹp giống chị lắm. Chỉ khác là cô ấy nhuộm tóc vàng ươm chứ không để tóc ngang vai như chị.
- Các anh nói đùa.- Quyên gặng. – Làm như lấy vợ dễ lắm. Phi bốn mươi. Có đứa nào trẻ vậy mà chịu lấy Phi già thế làm vợ?
- Các anh nói đùa.- Quyên gặng – Làm như lấy vợ dễ lắm. Phi bốn mươi. Có đứa nào trẻ vậy mà chịu lấy người già thế làm vợ?
- Ôi Giời ơi! – À, chị cứ thả ông anh ra – Gã gầy gò, hàm răng vổ như bàn cuốc cười nhăn nhở nói với Quyên – Vào trại mà xem! Tháng trước thiếu nữ, đàn bà, cả đàn từ trại trên Berlin chuyển xuống. Toàn các em xinh trẻ. Ông anh có pát-sì-po rồi, có giấy cư trú vô thời hạn rồi, lại có quán thế này nữa tha hồ vào chọn, hàng chục em giơ tay lấy ngay.
Lại thế nữa! Tại sao Phi có thể dễ dàng quyết định một sự việc hệ trọng của một đời người như thế, nhất là anh cũng đã trải qua một lần đầy bất hạnh với đời vợ trước. Không thể kiên nhẫn chờ đợi, Quyên cầm máy điện thọai, bấm số gọi cho Phi.
* * *
Phi có vẻ hơi ngượng, gã đỏ mặt ngồi xuống khi Quyên đưa cho cốc trà mật ong thơm nghi ngút khói. “Bây giờ chỉ có hai người, anh nói đi! Sự thể ra sao? Sao anh có thể lấy vợ như chọn cái áo vậy!” Quyên cất tiếng nhỏ nhẹ nhưng rõ ràng câu hỏi ấy đầy trách móc.
Phi yên lặng. Gã cầm li trà rồi lại đặt xuống bàn và nhìn ra ngoài cửa sổ. Quyên cất tiếng: “Nói đi, anh Phi! Ở thành phố này, em coi anh là bạn thân nhất, chẳng nhẽ anh không thể chia sẻ với chúng em ư?”
Phi quay lại nhìn Quyên. Ừ, Quyên đúng, bởi ở đây gã và Quyên có bao nhiêu gắn bó. Thực ra lòng gã vẫn thương nhớ Quyên, có lẽ chính vì thế mà khi gã quyết định lấy cô gái trẻ ấy, gã tự thấy có gì không phải. Sự không phải ở đây chỉ là với riêng Quyên thôi. Vì vậy, hơn tháng nay gã không muốn cô biết chuyện gã sẽ lấy cô gái trẻ kia. Sự thể bây giờ tới vậy rồi, Quyên đã phong thanh biết, sao không nói tuột cho Quyên biết? Nghĩ vậy, nhưng Phi vẫn lúng túng, không biết bắt đầu từ đâu. Vài giây suy tính, gã móc ví lấy ra một tấm ảnh, trao cho Quyên và nói gọn lỏn: “Nó đấy!”
Nó đấy là cô gái rất trẻ đang nhìn Quyên không chớp. Quyên cầm tấm ảnh ngắm kĩ. Người lau cọ ống khói quán Imbiss nói đúng. Quả thật người con gái trong ảnh có nhiều nét hao hao giống Quyên. Tấm ảnh chụp cô gái đang đứng trước lâu đài cổ ở Schwerin. Chắc gã mới đưa cô đi chơi ở đó.
“Cũng giống em nhỉ, song hình như khuôn mặt cô ta dài hơn và gò má cao hơn!” Quyên buột miệng nhận xét. “Không đâu, không hoá trang nó giống em lắm. Đánh hai vệt son đậm dưới gò má, khuôn mặt hiện đại hơn. Bây giờ mốt, gò má phải cao lên.” Phi nói. “OK! Có lẽ như vậy thật, giới trẻ hôm nay nhiều kẻ môi trầm, nâu, đen, đủ cả. Gò má đánh vệt son cho cao, quần trễ hở hết rốn, áo lộ lõm ngực, kiểu tóc thì thoắt một cái biến đúng theo mẫu các diễn viên thế giới đang hot”. Quyên nghĩ, cô đặt tấm ảnh xuống bàn, nhìn Phi: “Nào, làm thế nào mà anh quen được cô ta?”
- Có gì đâu! Trại Golberg hai tháng trước nhận về hơn ba chục người, phần đông là các cô gái còn rất trẻ. Họ từ Leipsich tới. Người ta mau chóng sàng lọc và gửi trả ngay về Việt Nam dăm người được xác định là chẳng có lí do gì để tị nạn. Điều đó thì em chắc hiểu. Cô gái cũng tên Quyên này thuộc số người đang sàng lọc và cô ta rất lo lắng. Cô Quyên này là chị cả trong một nhà có ba chị em. Cha mẹ cô ấy đều là dân buôn thúng bán mẹt ở thành phố Vinh và nghe ai đó môi giới cho con du lịch sang Nga rồi sang Tiệp và vượt biên sang đây. Tất cả chạy vạy, vay nợ, mất toi hai chục ngàn đô. “Sang tới đây em mới biết cái thời làm ăn hái ra tiền để nhanh chóng trả nợ hết rồi. Bây giờ mà bị tống về chắc bố mẹ em còn nước đi tự tử!” Cô ấy nói vậy. Tháng trước hàng tối, từ bảy giờ cô ấy vào dọn dẹp lau chùi trong quán. Thực ra ban đầu tôi cũng chẳng để ý cô ta, nhưng hôm trả tiền công, biết cô ta cũng trùng tên với em, tôi giật mình. Mà kì lạ quá, tên giống, khuôn mặt cũng giống! Em nhìn ảnh xem có như hai chị em không? Phi ngừng kể, quay mặt đi. Hóa ra gã yêu như vậy!
Quyên cũng im lặng. Bấy lâu cô cũng nghe đồn việc dăm cô gái rất trẻ sẵn sàng lấy bất kì người đàn ông nào có giấy tờ, miễn là họ được ở lại. Họ sang đây với bao mơ ước trong khi nợ nần ở nhà của người thân lại chồng chất. Đổi cuộc đời đi bằng mọi giá, thực đáng thương chứ nào đáng giận. Nhưng tại sao Phi cũng nằm trong số những người đàn ông đón nhận “tình yêu” kiểu ấy? Lúc cô nghe người lau chùi ống khói kể chuyện về Phi, Quyên không thể tin được. Hoá ra, sự thật lại đúng như lời đồn đại. Cô không thể đưa ra một lời khuyên nào cho Phi. Chẳng còn trẻ trung gì nữa, đã từng đau khổ và thất bại, Phi cũng khó có thể sống cô độc mãi. Nhưng việc chọn lựa vợ của Phi như vậy liệu rồi hạnh phúc một gia đình thật sự sẽ đi về đâu. Cho là anh thương cô ta, cho là anh lấy cô ấy vì nhớ ai mà lấy, thì liệu cái tình cảm vợ chồng thiêng liêng, rồi con cái sinh ra trong sự gá tạm ấy, sau sẽ ra sao?
Vài tháng sau, Phi tới báo anh đã đăng kí và phải chuyển vợ trẻ sang bên Tiệp để đón về. “Luật của Đức gần đây là như vậy, tốn kém một tí nhưng bắt buộc cô ấy phải sang nước thứ ba.” Phi phân bua với Kumar và Quyên như thế.
Để xem sự thể ra sao. Nửa năm nữa, Phi báo tin đã đón vợ sang Đức. Hôm tới làm bữa liên hoan ngay tại nhà hàng gọi là cưới, quan khách cũng chỉ ba bốn chục người, toàn dân làm ăn với Phi, cô vợ trẻ ăn mặc thật mốt, áo váy dài trắng muốt. Khuôn mặt Phi cũng vui, cũng cười nói, song xem ra, trong tiệc cưới ấy, khi nhìn thấy Quyên vẫn cứ có vẻ hơi sượng sùng.
Vài ngày sau khi họ cưới, có việc hỏi về khai thuế, Quyên rẽ qua quán của Phi và đã đụng phải cô vợ trẻ.
Quyên trẻ nom thật khác với cô. Chiếc quần bò trễ lòi cả rốn và chiếc áo rộng cổ, chẽn và ngắn phô lõm ngực trắng nõn, loại hàng hiệu đắt tiền vừa khít, nên nom cô ta cũng thật là gợi cảm. Chỉ có điều là nom thấy Quyên, cô ta – Quyên trẻ – có vẻ khinh khỉnh. Thôi, không chấp làm gì! Cô ấy còn trẻ mà. Quyên nghĩ.
Không thấy Phi than phiền gì về cuộc sống gia đình mới. Mấy bận rẽ qua quán nhà Kumar, nom anh ta không còn ngượng ngùng nữa, thậm chí tươi hơn, đỏ da thắm thịt hơn. Song có mấy người làm thuê rẽ qua quán mách Quyên rằng, trời ơi con nặc nô ấy sát sàn sạt lắm. Bà chủ trẻ nắm quầy tính tiền. Hôm nọ vừa bắt con gà Phi sắm cho cái vòng bạch kim đính ba bốn hạt kim cương to vật. Chắc vài năm nữa nó bòn hết thì ông Phi lại ra đê thôi!
Quyên và Kumar không dám bình luận gì. Thôi, ván đã đóng thuyền. Vả lại Quyên chợt nghĩ, hạnh phúc trơn nhẫy như lươn ấy, được một ngày có hạnh phúc trong tay nên trân trọng nâng niu nó. Và, cô cũng nói với Phi đúng như vậy.
* * *
Mùa xuân tới, những người Đức qua lại siêu thị Rial mới mở, rộng hơn mười ngàn mét vuông, thấy trên khoảnh đất đối diện trước cửa hàng bán đồ câu cá, bên kia đường, có hai người ngoại quốc lúi húi dựng trên mảnh đất, sau bức rào mắt cáo dăm cây cột. Vài ngày sau, một mái lều lợp mái nhựa mọc lên trước xe moóc container màu trắng. Trên nóc container ấy, dăm hôm sau treo một tấm biển màu da cam với hàng chữ đỏ chói: Asia Imbiss.
Quán ăn nhanh đó đăng kí kinh doanh tại Finanamt(14) thành phố, mang tên Kumar.
Để có quán ăn nhanh này, phải kể tới công của Quyên. Số là đầu năm ấy, Quyên dọn dẹp, vệ sinh dăm buổi cho chủ quán bán đồ câu cá trước siêu thị. Là người xởi lởi mau chuyện, anh Stepan chủ đất, cũng là chủ quán bán đồ câu, thương người đàn bà Châu Á xinh đẹp không có việc làm đã đồng ý cho Quyên thuê khoảnh đất bên hè của anh, cho phép họ dựng tại dó một quán ăn đặt trên xe moóc. Giá thuê thật rẻ như cho, ba trăm Euro một tháng. Kumar tính, toàn bộ chi phí mua một cái Imbisswagen(15) của một người Việt, cách đó hai trăm cây, hết ba ngàn Euro. Anh và Quyên sẽ tự sơn, sửa các thiết bị bên trong. Như vậy Quyên và anh không cần vay nợ ai.
Thật ra, để đi tới quyết định này, Quyên và Kumar cũng cãi nhau một trận ra trò, giận hờn tới hai ngày, chứ chả dễ dàng đồng thuận gì. Ấy là khi họ bàn tới việc nhân công lao động. Kumar cho rằng, không thể để Quyên vào cuộc khi bé Thanh Vân vẫn cần chăm sóc. Anh không muốn Quyên làm việc một giờ nào trong quán và anh muốn thuê một hai nhân công người Việt. Quyên lại không muốn như ý kiến Kumar. Cô muốn cô sẽ là người bán hàng, bởi cô rất hào hứng và thú vị khi tưởng tượng cảnh chính cô đứng trước quầy hàng thu tiền của khách và xào nấu nhanh thoăn thoắt như ai mà cô đã từng nhìn thấy. Ừ, dù có vất vả đi nữa cũng là “chủ nhỏ”, không còn ở tư thế người làm thuê thụ động nữa. Nhưng Kumar lại cho là, Quyên chưa hề xào nấu, không thể đứng bếp. Cô có thể giúp đỡ anh nửa tiếng trong mỗi buổi chuẩn bị nguyên liệu ở nhà thì OK lắm. Chứ khi anh đi vắng, nếu không có một đầu bếp chuyên nghiệp, làm sao cô có thể đứng ở quầy? Anh cười nói: “Khách hàng ăn vài buổi sẽ bỏ quán chạy mất dép. Cái cụm từ bỏ quán chạy mất dép mà Kumar nói ra rất Việt ấy làm Quyên đỏ mặt, đầy tự ái. Sao Kumar có thể coi thường khả năng cô tới như vậy? Dù Quyên biết rằng, vì thương Thanh Vân và yêu cô, Kumar không muốn cô vất vả. Song còn khao khát của cô nữa chứ. Cái khao khát làm người phụ nữ độc lập mà cô không muốn nói toạc ra làm cô buồn bã. Cô dỗi Kumar tới hai ngày không nói, không cười, im như thóc, mặc cho Kumar tha hồ làm lành, tận tới khi có Phi đến. Gã nghe cô và Kumar trình bày xong, liền nói như trọng tài giải hoà xung đột đó: “Ừ, việc thuê nhân công cũng có thể được. Nhưng phải là người tin cậy, vì các bạn chưa từng quản lí. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ. Ban đầu quán chưa đông đâu. Cứ để cho Quyên vừa làm vừa học. Tôi sẽ tới trợ giúp một tháng. Còn hiện tại, các bạn không có ai tin cậy để giao phó cho nếu không có một trong hai người ở đây. Người mình cần cù chịu khó lắm. Đó là đặc tính rất ưu việt. Nhưng cứ sểnh không kiểm tra xem. Chẳng có ai tự giác mà làm việc nếu của cải ấy không phải họ bỏ tiền ra để xót xa đâu.”
Đúng rồi! Quyên đế thêm và nghĩ, Phi nói có lí quá. Người Việt mình, vốn có câu thân lừa ưa nặng. Hồi nào còn làm công việc dọn vệ sinh, lau quét cửa hàng với ba người Việt khác, cô đã nhìn thấy người ta lao động ra sao nếu người chủ không ở đó. Cô nhìn Kumar vẻ đắc thắng, trong khi Phi nói tiếp cho rõ thêm những kinh nghiệm của anh trong nghề lắc chảo suốt bao năm:
- Sự tự giác đứng trong một bộ máy dù nhỏ với người Việt ta là khó đấy. Vào dây chuyền của Tây, công nghệ nó buộc mình phải làm việc thôi. Hơn nữa, còn vấn đề nữa mà không quen quản lí các bạn khó nhận ra lắm. – Phi nói và thở, mắt anh long lanh sáng vì những gì thu lượm bấy nay trong việc quản lí cái quán nhỏ và nay là một tiệm ăn lớn, vô tình đã giúp cho bạn bè của anh ở vai trò cố vấn mới oai chứ.
- Này nhé! Hàng tháng người làm thuê cho quán lao động kiệt sức. Anh chỉ trả cho họ đúng với giá nhân công tại đây, họ nhận được một ngàn. Trong khi đó, nếu quán của các bạn bán mỗi ngày chỉ ba bốn trăm Euro, sẽ thu lời ba bốn ngàn một tháng và nguời làm thuê sẽ suy tính ngay. Họ không bao giờ nghĩ tới, điều kiện nào tạo nên chỗ làm cho họ, để biến toàn bộ thành số tiền trả cho từng thành viên trong quán? Người ta sè thấy khó chịu, khi hàng tháng các bạn bỏ túi ba tới năm ngàn dễ quá. Tớ cũng ăn cắp khi làm thuê cho vợ. Bạn tớ cũng có người hôm nay ăn cắp của tớ. Mèo nhỏ bắt chuột nhỏ. Phải có hai người trông nom quán. Kumar đi thì Quyên ở đấy. Không thể làm khác đi được đâu…
Hôm ấy, qua ý kiến của Phi, Quyên đắc thắng khi được ủng hộ, vậy là cô sẽ trở thành người lao động chính chả kém gì Kumar. Ừ, việc bé như vậy mà nếu không có Phi có lẽ cô còn giận dỗi Kumar dăm ngày nữa.
Ngày mang chiếc Imbisswangen về thật lúng túng, nếu không có Phi trợ giúp. Anh mượn ở đâu chiếc VW mười hai chỗ, mũi cá mập có sẵn móc kéo. Không có Phi giúp kéo chiếc quán cơ động ấy, Kumar và Quyên sẽ phải tốn năm trăm Euro thuê người ta kéo về. Kumar không thể tự làm điều đó được, bởi vì lái xe có moóc không hề đơn giản, nhất là trên chiếc moóc ấy lại có bao nhiêu dụng cụ, đồ lề nhà bếp, thật nguy hiểm ở những đoạn cua trên đường đầy băng giá.
Trước khi khai trương một tuần, Phi đã mang tới tặng cho họ một chiếc tủ lạnh và một chiếc tủ đá đựng thức ăn. Hai thứ đó Phi mua ngay bên siêu thị Rial. Việc đó làm Kumar hết sức ngỡ ngàng, cảm động. Anh cũng chẳng nói được một lời cám ơn Phi. Cứ nắm tay Phi lắc mãi. Nhưng trong thâm tâm, Kumar thực vô vàn biết ơn người bạn Việt Nam ấy. Bởi anh thừa biết rằng, chẳng người đàn ông nào có thể vô tư, khi hàng ngày thấy người đàn bà mình yêu trước đó đang hạnh phúc bên một người đàn ông khác. Hình như Phi vẫn yêu Quyên, không thương nhớ bóng hình Quyên, sao anh lại nhanh chóng lấy một người chỉ vì cái tên và hình dáng giống Quyên? Nhưng tình yêu thật sự bao giờ chẳng có sự hy sinh!
Hai tháng sau ngày khai trương cửa hàng đã qua đi. Với Kumar, công việc chẳng bõ bèn, vất vả gì. Anh vốn đã từng quen trận mạc với nghề nặn bột, xào mì, lắc chảo v.v… Sớm sớm anh dậy từ năm giờ, đạp xe ra quán và ngâm mỳ, thái hành, thái thịt, tay năm, tay mười cho tới tận tám giờ sáng thì mọi việc đã hòm hòm. Quyên ra muộn hơn, bảy giờ cô mới cho Thanh Vân ăn xong, cô tất tả đưa con gửi nhà trẻ và đạp xe ra tới quán đã gần tám giờ. Với Quyên, việc đứng cả ngày cô không sợ. Dù tuần lễ đầu tiên đôi chân cô mỏi nhừ, cứng đờ, tụ máu. Tuy nhiên trong vài tuần lề đầu tiên, cô hay luống cuống, mất cả bình tĩnh khi giờ ăn trưa tới, trong quán người xếp hàng rồng rắn đứng đợi, gọi vài món ăn khác nhau là có thể gây cho cô nhầm lẫn.