Chương 12

Thực ra Quyên chẳng dự tính đi dài ngày. Cô bước vào cuộc ra đi, chỉ là cho xa Kumar ít hôm, khi mẹ anh ấy còn ở đây, điều ấy xuất phát từ sự hiểu biết của cô, những nhận thức tiềm ẩn bao nhiêu năm trong cô xa lạ với những gì Kumar diễn giải về phong tục và tập quán của một dòng họ. Cô ra đi cũng một phần vì hiếu thắng và tự ái, không muốn làm theo kế họach của Kumar sắp đặt. Sự ương ngạnh của đàn bà thường đẩy tới việc cứ đi, mà chẳng biết đi đâu. Nhưng trên đời này, những dự tính mông lung như vậy, đôi khi giống cái xe trượt của trẻ em chơi trên các dốc tuyết. Không ai đoán được nó sẽ lao về đâu khi không có bánh lái của lí trí.
Cũng không mất thì giờ lắm khi tìm tới kho hàng của Minh. Một thanh niên lạ mặt coi kho gọi điện cho Minh. “Anh ấy đi vào khu bán buôn từ trưa!”
Cũng phải chờ tới hơn tiếng đồng hồ. Minh đang thanh toán tiền hàng trong khu bán buôn Rihn.100, nghe tin Quyên tới, hớt hải chạy về.
- Chị mới nhận thư của anh Hùng? – Minh đăm chiêu hỏi.
- Không! Thanh Vân nghỉ đông. Tôi muốn dẫn nó đi chơi, thăm Berlin vài ngày.
- Thế chị thật sự không biết tin anh Hùng ư? Em đoán, thế nào anh ấy cũng thư hay gọi cho chị, nên chưa báo tin cho chị. Em định tối nay gọi diện thì chị lại tới. Lạ thật! – Minh ngạc nhiên.
- Không. Anh ấy chỉ viết cho tôi ba lá thư, đã lâu rồi.
- Sao anh ấy không báo cho chị nhỉ? Anh ấy đang trong viện, gay lắm! Ngày mai em phải về bên đó. Có thể không kịp đâu!
- Sao. Cậu bảo không kịp cái gì? – Quyên hốt hoảng thật sự.
- Anh ấy đang nguy kịch. Có thể khó qua khỏi. Thực ra, linh tính cho anh ấy biết từ lâu, có điều hệ trọng đang tới, nên cuối năm ngoái anh ấy đã viết thư cho chị, xin gặp Thanh Vân.
- Con ra kia chơi nhé! – Quyên nói với Thanh Vân.
Người thanh niên giúp việc Minh dẫn bé Quyên ra gian kệ đặt dãy hàng đồ chơi.
- Cậu nói nhanh lên. Anh Hùng bị sao rồi? – Quyên vội nói, khi Thanh Vân đi với người giúp việc kia.
Quyên vẫn tự hứa không muốn liên lạc gì với Hùng nữa, điều ấy có nhiều lí do lắm, nhưng tin Hùng nguy kịch bây giờ thực sự lại làm cô không thể thờ ơ. Nét mặt Quyên bấy giờ nom thật căng thẳng khi chờ Minh nói.
- Bao nhiêu năm qua anh Hùng ở Budapest mở quán bán hoa, không phải để làm giàu. Bao nhiêu tiền kiếm được, trong từng ấy năm chui lủi với tụi em, anh ấy dốc ra chắc cạn rồi, nhằm thuê người tìm chị. Anh ấy sống rất tiết kiệm. Ở Châu Âu mà không cờ bạc, gái gú, nghiện ngập bia rượu, lại tự vá lại những mối chỉ sứt trên quần áo thì chị biết đấy, còn ai tiết kiệm hơn như vậy? Khi tìm được địa chỉ của chị, anh ấy vui lắm. Anh ấy rất hy vọng sẽ được gặp con, gặp lại chị. Có lần anh ấy bảo với em: “Tớ yêu Quyên, nhưng chẳng bao giờ hy vọng cô ấy là vợ của mình. Chắc chắn cô ấy không tha thứ cho mình đâu. Nhưng con thì không thể nào bỏ được. Tớ luôn nhớ, nghĩ rằng, Quyên là người tốt. Cô ấy không tha thứ cho thằng đàn ông khốn nạn trong tớ, cũng là nhẽ bình thường, hiểu được, song có lẽ Quyên chẳng bao giờ là người ác độc tới mức không cho cha gặp con một lần.” Anh ấy vẫn chờ một cú điện thọai của chị hay một lá thư. Chờ từng ngày.
“Trời ơi, anh ấy vẫn nghĩ mình thánh thiện như vậy. Thế mà bấy nay mình vẫn nhớ như in và đau đáu những điều đau đớn anh ấy gây ra cho mình. Anh Hùng ơi, em chẳng được như anh nghĩ như vậy đâu!” Quyên tê tái nghĩ.
Minh mân mê chiếc bất lửa, đột ngột dừng lại. Hình như cậu ta đang thăm dò cảm giác của Quyên. Khuôn mặt của Quyên bấy giờ đang buồn, chợt tỏ ra chăm chú, lo âu. Đôi lông mày hơi nhíu lại. Minh kể tiếp:
- Trước đây vài năm, sức khoẻ anh ấy không tới nỗi kém, mặc dù đã mất một chân. Nhưng sau khi bị tai nạn, anh ấy hay đau đầu. Khi được thay chân giả loại mới, anh ấy đi lại ổn ổn, cũng có đi khám vài lần vì bệnh đau đầu mà không phát hiện ra điều gì. Từ ngày tìm thấy dấu tích của chị, anh ấy bớt đau đầu đi. Những tưởng cái bệnh ấy là do suy nghĩ nhiều quá. Ai ngờ gần đây, anh ấy lại bị đau đầu trở lại. Các cơn đau nhiều hơn và rất hay buồn ngủ. Cách đây ba hôm, anh ấy bị cấp cứu. Người ta xác định một khối u lớn, nghe nói bằng quả ổi con trong não. Khó có thể cứu được. Anh ấy đang lúc tỉnh, lúc mê rồi. Bệnh viện vẫn đang theo dõi. Nhưng khả năng nếu phẫu thụật cũng khó qua được vì khối u lớn quá. Ngày mai em sẽ quay lại Hung.
Quyên thở dài. Đau đầu! Ừ, anh ấy có những lần đau đầu ghê gớm.
Cô nhớ lại lần Hùng bị cảm trong khu rừng biên giới, nơi gã giam hãm cô, cảnh gã đã tự đập đầu như điên khùng vào tường gỗ. Cô nhớ hình ảnh khi gã húp bát cháo gừng cô nấu và đôi mắt biết ơn của gã. Cả câu chuyện miên man, chân thật và đầy khổ đau của gã về mối tình với người vợ đầu tiên. Hay là cái bệnh hôm nay đã bắt nguồn từ ngày ấy?
Quyên không khóc được.
Trong cô, chớp mắt thôi, lại hiện lên, ùa từ kí ức thăm thẳm hình ảnh khuôn mặt đàn ông phong trần, từng trải và giang hồ của Hùng.
Hình ảnh chập chờn, chiếc ô-tô của Hùng vút lên đánh lạc hướng cảnh sát hôm nào. Quyên đau đớn nhắm mắt lại.
Cô lại thấy như mái đầu của Hùng áp sát vào bụng cô buổi chiều cuối cùng ở cánh rừng ấy, khi Hùng dẫn cô đi quanh ngôi nhà gỗ, quanh cái chòi bắn thú bằng gỗ nom như tháp canh và thảm lá mùa đông rụng đầy, rực lên trong ráng chiều, như dát vàng dày dưới chân của họ.
Tất cả lộn xộn, chập chờn, không theo trật tự của thời gian, logich của sự việc, từ đâu đó, sâu thẳm vùi chôn trong những góc rất khuất, vốn là nơi bí mật thượng đế chỉ dành cho phái yếu, cho riêng đàn bà, hay nói chung là riêng cho những loại người đa cảm, bỗng nay vụt tới, loé sáng rất rõ nét trong Quyên.
Hùng, gã trên đời là người đàn ông tàn bạo nhất với cô, nhưng anh cũng là người đàn ông rất biết yêu, yêu mãnh liệt cô, mà không ích kỉ.
“Bấy nay anh ấy ở lại Hung chỉ vì muốn gặp chị và đặc biệt là gặp con”. Câu nói mà Minh khẳng định ấy giờ đây an ủi rất nhiều cho Quyên. Nó cũng như ngọn đèn bật lên, chiếu vào làn ranh giới mang tính phân định một con người, làm rõ ra những nhận định của Quyên về Hùng.
Nhiều kẻ mang tiếng là đàn ông trên đời này, có con mà chẳng bao giờ ngó ngàng tới con, có điều kiện mà chẳng chăm sóc con, chỉ lo chạy theo những người đàn bà mới. Ông bà ta đã dạy, nghĩa tử là nghĩa tận. Sao mình cứ khư khư không cho anh ấy gặp Thanh Vân!? Thanh Vân bây giờ có thể không hiểu hết câu chuyện đầy đau khổ và oái oăm này của hai người sinh ra nó, nhưng chắc chắn, khi lớn lên, nó sẽ hiểu thôi.
Quyên suy nghĩ miên man. Trong lòng cô khi ấy trào lên một tình cảm vốn bình thường của một người đàn bà qua nhiều dông tố mà biết từ đau khổ của mình để thông cảm và chia sẻ với những đau khổ của người khác.
Quyên thở dài. Tiếng thở như xua hết nỗi u buồn bấy nay trong cô. Cô nói với Minh:
- Ngày mai cho tôi đi cùng cậu nhé! Tôi muốn thăm anh ấy!
Đêm hôm đó cô trằn trọc. Hết nghĩ tới Hùng, cô lại nhớ đến Kumar. Hùng, bao nhiêu năm nay vẫn tìm cô và nghĩ về con. Kumar bao nhiêu năm nay yêu cô, bao bọc cho mẹ con cô vì cô. Nay Quyên bỏ đi thế này, chẳng báo cho Kumar là mẹ con cô đi đâu, như vậy rõ ràng, có gì đó không phải, bất bổn. Có lẽ ngày mai phải gọi điện cho anh ấy vì cô không thể lạnh lùng, tàn nhẫn trước hoàn cảnh này của Hùng. Nghĩ như vậy, Quyên an tâm nhắm mắt chìm vào trong giấc ngủ.
Sớm ấy, mới ba giờ, Quyên chợt hốt hoảng thức dậy. Cô vừa thoát khỏi một cơn mơ hãi hùng. Cô mơ thấy Kumar và mình cùng Thanh Vân bị nạn. Cô nhìn thấy trong mơ chiếc xe của gia đình bị lăn xuống vực và Kumar mình đầy lửa bốc cháy. Cô tỉnh giấc, tim còn đập như trống trận. Nhìn sang, Thanh Vân vẫn ngủ ngon lành. Miệng nó tươi như hoa , hình như đang tủm tỉm cười. Hoá ra chỉ là mơ. Tự nhiên cô thấy nhớ Kumar vô cùng. Quyên lục túi lấy máy. Cô bấm số máy Kumar rồi lại tắt. Thôi, để cho anh ấy ngủ. Giờ này chắc hai mẹ con vẫn ngủ. Không biết anh ấy đã nói gì với mẹ anh ấy chưa?
Hai ngày trôi đi rồi, giận nhau mà ra đi, Quyên cũng chỉ định xa anh ấy dăm hôm, chứ làm sao mà có thể phụ bạc con người như Kumar được. Song bây giờ lại xảy ra tình huống mà lương tâm cô không thể bỏ rơi Hùng. Phải tới Budapest cho anh ấy và Thanh Vân gặp nhau một lần. Nhưng cũng phải nói cho Kumar biết.
Cô lục va-li lấy ra một tập giấy mang theo cho Thanh Vân tập viết. Quyên suy nghĩ một lát rồi nắn nói viết:
Berlin, ngày…tháng, năm…
Kumar thân yêu,
Em đã định gọi cho anh vài lần. Nhưng có lẽ, thật không tiện khi mẹ anh còn đó và nhất là em chưa biết, anh và mẹ anh đã nói chuyện với nhau như thế nào về mẹ con em.
Kumar yêu dấu,
Bao nhiêu năm nay em vẫn biết rằng anh rất thương yêu hai mẹ con em và lòng em cũng vậy. Có lẽ trong cuộc đời này, sau cha mẹ, anh chính là người lo lắng, cưu mang, thương yêu em nhiều nhất. Điều đó em luôn ghi tạc trong lòng, nói như người Việt là sống để dạ chết mang theo.
Hiện tại, em đang ở nhà cậu Minh. Nhưng chỉ hai ba ngày nữa em sẽ cùng Thanh Vân sang Hung để thăm anh Hùng. Sức khoẻ của anh Hùng hiện nay rất tồi. Anh ấy bị một khối u trong não, rất có thể một hai ngày nữa không qua khỏi. Kumar cũng biết rõ là Thanh Vân chính là con đẻ của anh Hùng, như vậy em quyết định cho cha con nó gặp nhau khi anh Hùng có thể một sớm một chiều ra đi. Xin Kumar hãy hiểu cho em. Bởi vì phong tục ở nước Việt chúng em luôn coi nghĩa tử là nghĩa tận, nhất là trong bao nhiêu năm nay anh Hùng chỉ muốn nhìn mặt con anh ấy một lần.
Em viết thư này cho anh hiểu. Em yêu anh và không muốn dấu anh bất cứ điều gì. Em cũng nghĩ rằng, việc tạm xa anh trong lúc này là tiện cho cả hai người, anh và em. Em đi dăm bữa, nửa tháng xong việc em về.
Thanh Vân và em hôn anh.
Quyên.
Lá thư này, ngay buổi sớm đó, Quyên nhờ người coi kho cho Minh ra bưu điện gửi. Cô hy vọng Kumar sẽ an lòng khi đọc nó. Quyên không ngờ rằng, dù chỉ hai ngày sau, lá thư đã tới hộp thư của gia đình, nhưng Kumar đã không được đọc nó. Thư bị lẫn trong cả đống báo chí quảng cáo và các giấy tờ khác và, lí do chính là Kumar đang bị quấn vào sự kiện mẹ đang nằm viện. Kumar cũng chẳng thể nào ngờ có một lá thư vô cùng thân yêu đang nằm đợi anh, lẫn trong đống giấy tờ quảng cáo kia.

* * *

Cũng phải mất tới dăm hôm, nhờ một công ty du lịch, Minh mới xoay được visa vào Hung cho Quyên và Thanh Vân. Việc đi của họ tất nhiên vì thế bị chậm lại. Trong khi chờ giấy tờ vào Hung, Quyên dặn Minh không được nói cho Hùng, khi biết hàng ngày Minh thường gọi điện thoại cho gã. Những lúc Minh bảo với cô, cậu đang gọi điện hỏi thăm sức khỏe Hùng, Quyên hồi hộp ngồi bên, thậm chí còn chú ý nghe trộm giọng nói từ điện thọai của Hùng vẳng ra. Nhưng ngay cái đêm họ chuẩn bị lên ô-tô để sang Hung, người cầm máy bên kia lại không phải là Hùng. Rõ ràng giọng một người con gái.
Ai đấy? Quyên muốn hỏi Minh lắm mà chẳng dám. Cô thắc mắc là đúng, vì Minh gọi người đó là chị, lại nói năng chuyện trò rất thân mật thế kia, hẳn người đàn này có quan hệ gắn bó với Hùng. Minh từng nói là Hùng bấy nay ở một mình, dứt khoát không lấy vợ. Vậy anh cặp bồ ư? Vì cái gì?
Từng trải rồi, Quyên biết, không lạ gì việc những người đàn ông cặp bồ cặp bịch. Nhưng cô thực sự không vui vì vốn từ xưa cô rất ghét hai từ bồ, bịch. Nó khốn nạn và thảm hại! Thực ra, trong cô khi đó không phải là sự ghen tuông gì. Cô đâu có tình yêu nữa với Hùng, để mà ghen tuông. Cô căm ghét hai từ ấy và, lúc này đây cô càng muốn những tình cảm, suy nghĩ của cô về Hùng chỉ còn lại những điều tử tế và tốt đẹp, không bị hoen ố. Sự căm ghét chuyện “bồ bịch” trong Quyên, từ chính sự căm thù trong cô, trở thành một ý thức rõ nét từ những phân tích sự tan vỡ của bao cặp vợ chồng trên chính vùng đất mà cô đã dấn thân phiêu lưu. Cô phản đối sự cặp gá, phản đối cái thói của đàn ông, mà đa số quan hệ chỉ để tìm thú vui về thể xác. Cô nhớ một lần tranh luận với một người quen, quanh việc Phi lấy vợ. Cô đấu tranh cho Quyên nhỏ, nói trắng ra rằng, đàn bà Việt luôn chịu đựng và nương nhờ. Sự nương tựa dẫn đến họ cam chịu làm vợ, có thể tha thứ được, chứ thằng đàn ông không yêu đương gì mà cặp bồ là một việc khốn nạn. Đó là thú vui đầy tính bản năng cầm thú. Lại có lần, cô nói với một cô bạn đang buồn vì phong phanh chồng có bồ: “Em cứ bình tĩnh khuyên nhủ nó. Đa số đàn ông quan hệ vì thể xác. Điều ấy rất dễ gỡ. Chỉ cần doạ nó, nhẹ nhàng khuyên can, là nó trở về. Đàn bà chúng mình, ngoại tình mới nguy hiểm. Vì đàn bà đã ngoại tình tức là tình yêu với chồng suy giảm hay không còn nữa. Người đàn bà ngoại tình vì tình yêu là chính, tình dục là vai trò thứ yếu. Đa số đàn bà ngoại tình trước sau đều dẫn tới tan vỡ gia đình cũ. Cho nên bọn đàn ông không biết giữ hạnh phúc trên tay là mất vợ dễ hơn đàn bà mất chồng.”
Trường hợp của Hùng làm cô phân vân. Hay anh ấy lại quay lại đường cũ, quan hệ với đàn bà để trả thù? Không, cô không muốn điều ấy tái hiện. Nhất định phải tìm ra sự thật.

* * *

Kumar ở bên mẹ suốt cả tuần. Việc đóng bảo hiểm cho bà, giúp bệnh viện chăm sóc mẹ anh rất tốt và bà cũng mau hồi phục. Mấy ngày dù hồi phục dần, bà vẫn không nói với con một lời. Trong bà đang có sự suy tư nào đó lao lung lắm.
“Bây giờ sức khoẻ chẳng còn nữa, tới đây cũng chẳng chăm được nó một giờ. Gặp nhau sau bao nhiêu năm sau li loạn, giờ đây nó cũng chẳng còn thơ dại để mà răn dạy nó như đứa trẻ.” Người mẹ già im lặng nhìn đứa con trai ngày đêm bên mẹ. Mỗi khi mở mắt ra lại thấy nó, dáng giống hệt như cha nó ngày xưa, giờ đang cúi xuống bên giường bà. Bà thấy tê tái. Lại nghĩ tới người chồng đã chết, cảnh con gái bà trên giàn thiêu và hoàn cảnh của cả nhà mà bà cứ muốn quay mặt vào tường khóc thầm.
Những người mẹ trên thế gian này, dù khác nhau bao nhiêu về màu da, tiếng nói, phong tục, tập quán, nhưng có lẽ chẳng có sự khác nhau về tấm lòng, trái tim dành cho con. “Đẻ nó ra, nó là một phần cuộc sống của người mẹ, sao mà không thương nó.”
Thứ Hai, Kumar rất vui khi bà ăn uống được bình thường. Dường như hai mẹ con chẳng muốn nhắc lại những giây phút đã qua. Kumar dẫn mẹ từng buổi ra vườn hoa ở bệnh viện. Mặc ấm cho mẹ, cầm tay mẹ ngồi trên ghế đá nhìn những bông tuyết hững hờ rơi. Anh rất muốn nói những lời âu yếm thương yêu với mẹ, mà chẳng thể.
Thứ Tư, bà xuất viện.
Đó là hôm bão tuyết bỗng ập đến nhanh bất ngờ. Trên ô tô đi về mẹ Kumar lần đầu tiên nhìn rõ những cơn gió trắng xoá cuốn tuyết chạy ngang như muốn lật nhào chiếc xe mẹ con bà đang đi. Trời lạnh như muốn rụng cả tai, cứng mũi lại. Lúc xuống xe đi lên nhà, bà nhìn thấy có người mẹ trẻ bế con chạy dọc vỉa hè và tất tưởi dấn bước cho kịp vào cầu thang máy cùng họ. Người phụ nữ Đức trẻ phẩy tuyết trên mũ len và áo cho đứa trẻ, hôn chùn chụt vào đôi má hồng nây nẩy của con bé như muốn sưởi ấm nó bằng đôi môi, chắc cũng lạnh cứng của cô ta.
Có vậy thôi mà tim bà nhoi nhói. Bà nghĩ có vẻ lao lung lắm và khi vào đến căn hộ bà đi vào phòng và tìm ngay bức ảnh của Quyên và Thanh vân.
Ồ, xem ra người phụ nữ trẻ Á Châu này cũng đẹp và phúc hậu. Mẹ con nó bây giờ đang ở đâu?
Tối hôm ấy, bà bảo con sắp xếp cho bà quay về Anh. “Mẹ còn đi phía Nam thăm chị mày nữa!” Kumar biết tính mẹ. Bà nói vậy tức là khó lòng nào giữ bà lại được.
Hai mẹ con suốt hai ba ngày sau cũng chỉ toàn nói chuyện về quê hương, về những người mất và còn trong vùng thảo nguyên Anura. Tới hôm lên máy bay cũng chỉ là vậy, họ không hề nói về mẹ con Quyên, cả về cái tội của Kumar.
Tận tới khi Kumar đưa mẹ tới sát cửa khu cách li, mẹ anh quay lại đột ngột ôm chặt lấy con trai mình. Hình như mẹ khóc. Kumar áp đầu vào mái tóc mẹ, siết chặt lấy tấm thân nhỏ bé của mẹ. Anh thật bàng hoàng khi nghe tiếng mẹ nói rất nhỏ vào tai anh:
- Còn chờ gì nữa, con hổ con của mẹ, hãy quay lại ngay! Đi tìm mẹ con nó đi!
Người mẹ Sri Lanka đẩy con ra, sau câu nói ấy, sau khi hôn ba lần vào trán Kumar.
Trời ơi, anh không tin vào đôi tai của chính anh nữa. Mẹ anh quay người, bà vội đi vào bên trong khu chờ lên máy bay không hề ngoảnh mặt lại. Anh nhìn theo mãi cái tà áo huyết dụ điểm những bông hoa lớn phấp phới bay, mang hình dáng vô cùng yêu thương của mẹ anh và anh khóc. Những giọt nước mắt hiếm hoi của người đàn ông dòng tộc Sinnatuerra chầm chậm bò trên đôi má màu đen của anh trong ánh đèn cũng long lanh như những viên ngọc đen.
Vài hôm sau, người ta thấy một người da đen như than, trên vai đeo ba-lô nhỏ bước lên chuyến tàu nhanh chạy thẳng tới Berlin.
Đó chính là Kumar.
Vốn thông minh, lại tự tin, anh quyết định lần theo dấu vết Quyên. Anh phải đi tìm bằng được mẹ con Quyên!
Anh chạy tới hỏi Phi. Phi không biết!
Kumar trở về nhà, anh tha thẩn cầm trên tay những vật dụng còn lại của Thanh Vân trong các ngăn tủ. Kumar trong tâm trí khi ấy chỉ nghĩ tới hai mẹ con Quyên. Anh không còn bụng dạ nào nghĩ tới việc khác và cũng không ngờ có thư của Quyên trong hòm thư. Anh lục trong các ngăn kéo, tìm được hai lá thư của Hùng gửi Quyên để lại. Anh đọc thấy dòng chữ ghi địa chỉ của Minh tại Berlin. Quyên có thể đi tới đó?
Kumar tìm tới đúng chiếc kho của Minh. Anh đã dự đoán đúng, Quyên đi sang Hung cùng Minh, người coi kho của Minh mách.
Kumar đóng cửa hàng. Anh treo biển thông báo cho thực khách quen thuộc biết. Anh phải tìm Quyên và bé Thanh Vân về. Chắc chắn cô ấy chẳng giận dỗi nữa vì mẹ anh, chính mẹ anh đã bảo con trai của dòng họ Sinnatuerra đi tìm mẹ con Quyên.