Chương 11

Năm sắp hết. Sát Noel Quyên có tin vui. Cô nhận được giấy định cư chính thức. Tin ấy làm Kumar bất ngờ, tuy rằng trước đó nửa tháng, mẹ của Kumar gọi điện báo tin rằng, bà đã lo xong thủ tục, giấy tờ sang thăm một người họ hàng ở Anh và sẽ từ Anh sang Đức thăm con trai vào tháng sau.

Kumar âm thầm dự định, nếu mẹ sang, Kumar sẽ thuyết phục mẹ, cho anh kết hôn với Quyên. Như thế, theo luật pháp Đức, đương nhiên Thanh Vân và Quyên cũng có giấy tờ định cư lâu dài ở Đức. Giờ Quyên lại có giấy định cư, chẳng cần phải chờ đợi để có giấy tờ ăn theo Kumar, ở dạng lấy nhau nữa. Kumar mừng, vì Quyên có giấy tờ càng sớm càng tốt, Thanh Vân được hưởng ngay thêm nhiều quyền lợi! Nghĩ vậy, lập tức anh muốn ăn mừng sự kiện này, bằng cách mua chiếc máy điện thoại cầm tay Sony đời mới nhất tặng Quyên.
Buổi tối ấy, Kumar trao cho cô chiếc hộp giấy đựng máy và cẩn thận cài chiếc sim nối mạng. Quyên ôm choàng lấy Kumar hôn nhẹ vào má anh. Một ngày những hai cái tin vui. Cô quyết định khai trương máy ngay. Cú gọi đầu tiên về Việt Nam dành cho mẹ cô.
Mấy năm gần đây, từ khi mở quán, có đồng ra đồng vào, tháng nào Quyên cũng gọi điện về cho mẹ cô một lần. Điện thoại bàn, gọi qua bưu điện chính của Đức, hãng Telecom cũng tốn tiền, nên các cú gọi đều ngắn. Hôm nay lần đầu sử dụng máy di động, lại của Kumar mua tặng, không hiểu sao Quyên thấy lóng ngóng, hồi hộp. Tự nhiên cô có cảm giác nôn nao nghe khi tiếng tút tút kéo dài, lúc chờ bên kia đầu dây mẹ nhấc máy.
Mãi mẹ vẫn không nhấc máy. Hay là mẹ đi vắng? Hai tiếng sau, đúng vào thời gian này ở Hà Nội, chắc chắn mẹ phải ở nhà ăn cơm tối, cô lại gọi. Máy vẫn tút tút đều. Quyên hoảng sợ. Cô bấm số máy thứ hai, gọi điện về cho anh trai. Đầu máy bên kia máy vẫn tút tút dài. Lát sau mới có tiếng bé Mi con gái đầu của anh trai cô nhấc máy. Hoá ra cả nhà cô đi ăn cưới con bác cả. Quyên thở phào.
Nhưng cả buổi tối ấy cô cứ bồn chồn lạ. Tính ra, mẹ cô năm nay đã bảy mươi hai tuổi. Thấm thoắt cô xa quê đã tám năm. Tám năm nay chắc mẹ cô già lắm. Tình huống vừa rồi làm Quyên chột dạ. Người già vốn như ngọn nến lay lắt trước gió. Có lẽ cô phải thu xếp về thăm mẹ. Trước kia cô không được phép rời khỏi nước Đức, bây giờ cô có giấy tờ rồi, cô sẽ trở về nước thăm mẹ. Phải về thăm mẹ thôi!
Bữa cơm tối, Quyên nói điều băn khoăn ấy với Kumar. Kumar tính, ừ thì về Việt Nam. Anh cũng chẳng biết Việt Nam như thế nào. Nơi đấy có giống quê hương của anh không? Nếu về, họ chỉ có thể thu xếp hè này bay về thăm Việt Nam, vì vào dịp ấy Thanh Vân mới được nghỉ học.
Mùa đông kéo dài tới tháng tư mà Quyên cứ thấp tha thấp thỏm đếm lịch từng tuần mong hè tới.
Tháng Mười Hai qua, rồi tới tháng Giêng.
Bốn giờ chiều, tuyết bay mù trời. Quyên vừa đỗ xe trước nhà thì nghe tiếng còi giật giọng ba hồi. Ngoảnh lại, trên cái xe đỗ sau liền xe cô, một thanh niên da vàng tóc đen cười cười mở cửa xe bước xuống, tiến tới Quyên.


- Chị có nhận ra em không? – Người thanh niên lên tiếng.
Quyên nhìn anh ta. Cô lục lọi mãi trong trí nhớ, nhưng vẫn vô vọng. Cô lắc đầu và mỉm cười lịch sự. Ở thành phố này, người Việt không quá đông, Quyên cũng chẳng có quan hệ nhiều, nên cứ đoán rằng người thanh niên này sống trong thành phố mà cái vùng trí nhớ của cô bị khoanh lại hạn hẹp, nên cô không nhận ra cậu ấy trong những người đã từng gặp chăng?
- Thế mà em vẫn nhận ra chị. Chị không thay đổi lắm!- Người thanh niên có nụ cười rất quen. Ơ hay, cậu ta là ai nhỉ? Quyên cô lục lại trí nhớ. Vô ích.
- Quả thật tôi không nhận ra anh – Quyên lắc đầu ngượng ngùng nói.
- Em đây. Thằng Minh, đệ tử ruột của đại ca Hùng đây mà. Chị quên em rồi ư?
Quyên giật bắn mình.
Dĩ vãng chợt ùa về như cơn bão tuyết chiều qua.
Cái xe thứ hai chở Quyên sâu vào nước Đức. Minh đăm đăm cầm lái, miệng như dán băng dính, không nói một lời suốt cả chặng hành trình… Trong tiệm ăn ở quán xăng, Minh đã dịch cho cô nghe đoạn báo nói về tai nạn của Hùng. Bàn tay của Minh nắm lấy tay cô khi dịch hết đoạn tin viết trên và, đôi mắt của cậu ấy nhìn cô khi tạm biệt, rời trại tị nạn để quay lại với Hùng…
Đúng là Minh, đệ tử ruột của Hùng.

* * *

- Anh Hùng đang bị bệnh. Bấy nay chúng em tìm chị ở khắp nơi. Vừa rồi may quá, qua một người bạn vẫn làm công việc đưa đường, em biết chị ở đây. Anh Hùng nhờ em tới gặp chị, nhân việc em đi sang Berlin đổ ít hàng đánh từ Việt Nam sang.
- Hùng bị bệnh gì?
Người thanh niên thản nhiên bật điếu thuốc. Cậu ta không trả lời vào câu hỏi của Quyên, nhẩn nha nói:
- Sau khi nằm viện, người ta cũng không thể cứu được cái chân dập nát của anh Hùng. Sau thời gian ở Đức điều trị, họ tống anh ấy quay lại Ba Lan. Chúng em đưa anh về Hung, trụ lại ở Budapest nghỉ ngơi nửa năm. Thật ra khi đó, sau tai nạn mất một chân, anh ấy có ý định muốn về Việt Nam, vì tụi em cũng hòm hòm tiền bạc. Nhưng sau mấy tháng chạy giấy tờ, anh ấy bảo em rằng, tao toàn mơ thấy con tao thôi. Về thế quái nào được, chị ạ. Có nhiều trận sau khi uống say bí tỉ, anh ấy toàn gọi tên chị và khóc. Anh ấy thề sẽ đi tìm con. Thế là thay đổi ý định. Anh Hùng mở một quán bán hoa và thường xuyên nhờ bè bạn đi tìm chị. Đây, xin chị nhận thư của anh Hùng.
Quyên nhìn chiếc phòng bì phẳng phiu mà cậu thanh niên đưa đường năm nào lấy ra từ chiếc cặp số bọc bằng da đen. Thứ cặp này cô biết, trong những cửa hàng KDV, cô từng nhìn thấy chúng bày trên giá, dưới ngọn đèn chiếu sáng nhỏ mắt cua với bảng giá cắt cổ, chỉ có thể bán cho các doanh nhân giàu có ở Châu Âu.
Quyên chậm rãi bóc thư. Trong đầu cô khi ấy tự nhiên lại hiện lên cánh rừng biên giới năm nào.
Cái chòi gỗ nom như tháp canh. Những tấm ván trần khép lại tưởng ghép kín như bưng mà vẫn dột, tí tách rỏ nước ướt loang cả tấm thảm. Khu rừng miên man chạy tận chân trời trắng xoá một màu…
Thoáng thế thôi mà đôi mắt cô không thể nhìn rõ những dòng chữ trên tờ giấy A4 trắng lốp. Quyên ngồi thừ ra, yên lặng vài giây, rồi gập thư như cũ, nhét lại vào phong bì. Quyên đặt lá thư trên mặt bàn, vuốt nhẹ nó, dường như cho nó phẳng phiu thêm, rồi quay lại với Minh:
- Bây giờ cậu sống thế nào?
- Em không làm nghề đưa đường nữa. Sau khi anh Hùng bị tai nạn, em theo anh ấy về Budapest. Sống với nhau bao nhiêu năm trong rừng, em không đành lòng nào bỏ anh Hùng, nên ở lại thành phố luôn và chuyển sang bán buôn quần áo.
- Buôn bán dễ sống hơn đưa đường hay sao mà nom cậu bây giờ trông như ông chủ ấy? Cậu bán buôn hay bán lẻ quần áo?- Quyên mỉm cười.
- Em đánh hàng từ nhiều nước về Hung và từ đó đưa sang Tiệp, Ba Lan và Đức. Công việc đỡ nguy hiểm hơn và cũng luôn có điều kiện gần gũi anh Hùng…

Câu chuyện của họ kéo dài tới hơn nửa giờ nữa, Minh bảo, cậu phải trở lại Berlin cho kịp chuyến lấy hàng quay trở lại Hung. Quyên tiễn cậu ta xuống tận ô-tô. Cũng con người này đây năm nào đưa đường và làm bao nhiêu việc ở cái khu rừng biên giới đầy bất trắc và chứa đựng bao nhiêu sự khốn nạn của một kiếp người, quãng sống. Bây giờ nom khuôn mặt cậu ta tuy vẫn phong trần từng trải, nhưng quần áo phẳng phiu, cặp da láng mượt. Chiếc áo măng tô dạ dài bay lất phất điểm những bông tuyết lấm tấm trắng trên vai, nom đúng là một nhà buôn hào hoa, thậm chí dáng dấp từa tựa như một kẻ đồng hương tự xưng là thi sĩ vào đêm cô gặp trên chuyến tàu đi Saint Peterburg đã đọc cho cô bài thơ Kẻ tha hương…
Quyên thở dài, nhìn mãi theo chiếc xe Minh lái tới khi khuất bóng. Chiếc xe lăn trên mặt đường đầy tuyết trắng, để lại hai vệt dài đen thẫm khi tuyết vẫn trùng trùng rơi. Những bông tuyết mảnh mai thi nhau trút xuống mặt đất để hai vệt đen nhoà dần, nhoà dần trong ánh chiều đang dần dần tắt. Phía tây mặt trời ửng đỏ chầm chậm chìm dần, những tia sáng quét ngang mặt đất, trải màu trời chiều xuống vệt xe mờ, xuống đường phố hun hút để thoắt chốc mặt đất bỗng ửng lên như có ai đó lại chợt đổ oà chậu máu loãng lênh loang cả con đường.

* * *

Lá thư đầu tiên của Hùng:
Budapest, ngày 21 tháng1 năm 2005
Quyên và con thương yêu.
Anh đã biết mọi việc xảy ra với chồng em sau khi em tới trại. Những việc đau lòng ấy của em, tất cả đều do anh gây nên. Đã nhiều đêm anh không ngủ, rất ân hận về nhiều việc anh đã làm, nhất là việc anh đã giữ em lại trong rừng. Nhưng anh thực lòng yêu em. Em ơi, cũng chính tình yêu ấy giúp anh hiểu ra rằng trên cõi đời này chỉ có tình yêu mới có thể giúp con người ta hạnh phúc. Anh yêu em và bao nhiêu năm ao ước có một đứa con. Vì thế, việc chưa được nhìn thấy mặt con đã giày vò, làm anh đau khổ nhiều năm nay. Người ta muốn có con, đâu như muốn có một cái áo đẹp, một cái nhà hay một cái ô-tô. Một con người đã sinh ra trên đời và nó mang theo dòng máu của anh, vì thế sao mà anh có thể rấy bỏ trách nhiệm, nghĩa vụ cũng như tình cảm với hòn máu ấy.
Anh tìm em mãi, nhưng không có một tin tức gì. Nay, qua bao nhiêu năm, chợt biết được tin em vẫn khoẻ, làm ăn tốt, con đã lớn rồi và được ăn học tử tế, anh rất mừng.
Em ơi, xin em hãy tha thứ cho anh. Ngàn lần tha thứ cho anh. Từ nơi xa xôi này anh quỳ xuống xin em và con tha thứ cho anh.Con người như anh, đã phạm nhiều sai lầm, có việc đầy tội lỗi. Nhưng anh tin rằng em sẽ hiểu cho anh, hiểu cho một thằng đàn ông cũng muốn sống tử tế và lương thiện.
Bây giờ dù còn rất yêu em, nhưng quả thật anh không xứng đáng. Nguyện vọng duy nhất của anh là được gặp con một lần. Chỉ một lần được nhìn mặt nó là anh có thể mãn nguyện nhắm mắt. Một người đàn ông như anh, chẳng thể có tư cách gì đòi hỏi gì ở em cả. Nhưng anh tin chắc là với tấm lòng nhân hậu của một người mẹ, em hãy xét cho nguyện vọng cuối cùng của anh. Đấy là lời thỉnh cầu của một người cha, một người mà bây giờ hoàn toàn sống và suy nghĩ lương thiện.
Cuối thư, mong em hãy nghĩ tới tình cha con, nhắn tin qua Minh cho anh biết, anh có được phép tới thăm con không?
Anh Nguyễn Văn Hùng
Địa chỉ…Số điện thoại….

Lá thư thứ hai của Hùng:
Budapest, ngày 15 tháng 2 năm 2005
Quyên và con!
Anh biết là anh có tội. Vì thế em đã không trả lời thư anh. Cũng không hề báo cho anh qua điện thoại rằng liệu anh có thể tới thăm em và con không.
Em ơi, liệu trên đời này ai sinh ra mà không có tội? Tội của anh với em và con thật lớn lắm, nhưng các cụ xưa vẫn nói, đánh kẻ chạy đi không đánh kẻ chạy lại. Anh thề với tư cách một thằng đàn ông rằng, anh sẽ không làm phiền gì em cả, chỉ xin cho anh nhìn mặt con anh một lần. Xin em hãy rủ lòng thương cho anh thực hiện điều ấy. Bây giờ anh không còn là một thằng bất lương có thể làm mọi điều tệ hại đối với lương tâm. Nên sự cho phép của em là điều cần nhất để anh có thể bay ngay sang Đức.
Xin hãy gọi cho anh về số máy….
Em ơi, xin hãy thương lấy một lần kẻ đầy đau khổ suốt bao nhiêu năm này

Thư thứ ba của Hùng
Budapest,, ngày 29 tháng 2 năm 2005
Gửi Quyên và con,
Anh rất nóng ruột chờ tin của em. Em ơi, xin hãy tha thứ cho anh. Anh còn rất ít thời gian. Ba tuần nữa, Minh sẽ sang Đức đổ hàng. Anh sẽ theo xe cậu ấy. Xin hãy rủ lòng thương cho phép anh gặp con.
Cầu trời cho em may mắn và hạnh phúc.

* * *

Quyên bỏ lá thư thứ ba của Hùng vào ngăn kéo. Xếp nó cùng với thư trước của Hùng vào một nơi. Những lá thư của Hùng không phải không làm cô không suy nghĩ. Nhưng cô không muốn gặp lại Hùng. Bấy nay, cái vết thương ấy đã lên thành sẹo rồi, nước đã trong, quấy đục lên làm gì. Muốn hay không, mỗi lần nhận được thư Hùng, cô vẫn trằn trọc, nhớ lại những gì đã xảy ra. Kí ức của riêng cô kì lạ, hay là kí ức của con người nói chung vốn kì lạ, khó có thể nhìn nhận sự việc một cách rạch ròi? Chính cô cũng khó hiểu cô nữa thì còn ai hiểu được cô? Này nhé, biết bao nhiêu lần cô nhớ lại cánh rừng và Hùng, vậy mà ở từng thời điểm và hoàn cảnh, sự hồi tưởng mang lại cho cô những cảm giác hoàn toàn khác nhau, thậm chí đối nghịch. Có lúc cô thương hại, có khi cô căm thù Hùng tới xương tuỷ. Cô đã chẳng dùng lí trí để cố quên đi Hùng đó sao? Nhưng rõ ràng, thời gian và trí nhớ luôn công bằng, khi cuộc sống giống như hồ nước lắng lớp bùn cát xuống cho người ta nhìn rõ lòng hồ. Nói cho chính xác hơn nữa là, những gì Hùng làm cho cô căm ghét, hận thù dần dần được thời gian làm nhoè đi và, điều quan trọng là sự hiểu biết, từng trải của cô trước trăm ngàn nỗi cay đắng mà bao kẻ gây ra khác còn tệ hại hơn, tàn nhẫn hơn, làm cô suy nghĩ thấu đáo, lí giải rõ ràng hơn những điều mà Hùng đã gây ra cho cô và sau đó đã ân hận, đã đầy nhân bản. Có thể chính vì thế, hôm nay Quyên chỉ nhớ lại những gì tử tế, tốt đẹp thuộc về bản chất của Hùng, không chỉ là sự đối xử với cô trong giai đoạn anh phát hiện ra cô có thai. Nhân chi sơ đâu chỉ tính bản thiện, hình như ông nội đã có lần nói như vậy, nó chỉ ra cái sợi chỉ, làn ranh mong manh trong mỗi một con người giữa ác và thiện vốn dễ đứt tung trong những hoàn cảnh và môi trường sống khắc nghiệt, thường là mảnh đất cực kì thuận lợi để đêm nay anh là người tử tế, sớm mai anh đã là kẻ ác độc trên đời. Ở Hùng, hình như số phận lại trao cô cho anh mà thử thách, để tiếng trái tim của con cô là cái phao cứu sinh đưa anh vượt qua con sông khốn nạn mà trở lại bờ thiện bên này.
Trong thâm tâm, Quyên chẳng thù ghét gì Hùng nữa. Thời gian cũng đã lâu rồi. Vả lại, Quyên nghĩ, suy tới cùng, Hùng cũng là một nạn nhân trong cái guồng quay phũ phàng của con tạo. Hùng chỉ là một người bình thường. Mỗi người sinh ra đều cố gắng đi tìm hạnh phúc của mình, mà hạnh phúc lại là một khái niệm rất mở. Ở người này, nó là thế này, người kia nó là thế khác. Cô cũng định viết vài dòng trả lời Hùng, nhất là khi nhận được lá thư thứ ba, khi đọc dòng chữ mập mờ Anh còn rất ít thời gian, song cô lại ném bút, vo giấy trắng không viết nữa. Viết cái gì? Viết có tác dụng gì, khi mà Hùng đã hoàn lương, không tham gia vào công việc đầy nguy hiểm và tiềm ẩn bao tội ác trong đó. Thâm tâm, cô mừng cho việc đó, vì Hùng đã từ bỏ những tham vọng dựa trên công việc đưa đường, buôn thuốc lậu, loại nghề đầy bất trắc, chẳng ra gì. Con người ta, sinh ra rồi lớn lên, ai chả có ao ước và ham muốn, nhưng nếu người ta biết vừa lòng với những niềm vui nhỏ bé quanh mình, vui sống với những điều kiện có được tuỳ thuộc ở năng lực và hoàn cảnh, người ấy hẳn có đời sống hạnh phúc. Quyên nghĩ như vậy, bởi theo cô, sống trên đời không nên ôm quá nhiều tham vọng, vượt ra ngoài cái năng lực của mình. Con người ta, ai đó nếu tin vào số mệnh chả hạn, thì mọi thành công hay thất bại, họ đều gán cho là tại số, nhưng nếu không có trời, thì mỗi cá thể cũng đâu chỉ lệ thuộc vào riêng sự nỗ lực của cá nhân. Đời sống như con sông. Con người như cỏ, như bèo, như cọng rác, cành khô, củi mục trôi, vật vã trên dòng sông ấy. Người ta ngụp lặn và bơi. Nhưng sông luôn chảy, cuốn về một hướng, cũng như con người ta sống ở một đất nước, dưới một thể chế, phải tham dự vào cái xu hướng tất yếu của đất nước, của xã hội, khó mà tránh khỏi. Có nghĩa là số phận mỗi người phụ thuộc vào hướng phát triển, như một “thân phận”, của cả một cộng đồng, xã hội, đất nước. Đi ra nước người, cô lại thấy có đất nước chẳng thể tự thân quyết định vận mệnh mình. Quyên chăm chú theo dõi đọc những cuốn hồi kí của các nhà báo, chính trị gia, những thước phim tài liệu…Nước Đức chia cắt và thống nhất chẳng đã minh chứng rằng, cả dân tộc này, dù đã mạnh tới vậy, thân phận đất nước họ cũng phụ thuộc vào sự toan tính của những nước lớn hơn đó sao? Bấy nay, cô bị cuốn vào cái dòng xoáy của đời sống, Hùng cũng như vậy, biết bao người như thế, dù rằng trong họ thiếu gì kẻ cố chống lại số phận. Có điều, khi mỗi người đủ mạnh, có thể bứt ra và trườn lên, và khi có cơ hội sẽ vượt khỏi các vòng xoáy…Còn nếu không có sức mạnh và cơ hội, xin đừng có tí tởn nhé, hãy tìm những nguồn vui nho nhỏ, làm cái lẽ “tồn tại hay không tồn tại”.
Vui sống, làm tốt một công việc trong guồng quay của cả xã hội, đấy là sống lành mạnh và có ý nghĩa, trước là cho bản thân mình, sau là sự hoàn thiện mỗi công việc đơn lẻ, sẽ làm cả xã hội tốt đẹp hơn. Trên trái đất này, triệu triệu sinh linh, thậm chí cả nhân loại khao khát cái điều bình dị như vậy, lẽ sống đại đa số đều như vậy, chứ đâu chỉ riêng cô.