Kumar xào mỳ rất nhanh, nhưng không thể nổi lửa hai chảo, khi mà họ kiên quyết làm đúng lời Phi dạy, phải xào từng đĩa mỳ cho khách, không xào một chảo mì lớn, để giữ chữ tín: “Với đĩa mỳ đậm đà, thịt gà trắng nõn, thơm phức mà chỉ quán của Kumar mới có.” Chính vì thế, việc bán hàng lúc đông khách, đôi khi cứ rối tung cả lên. Cứ chứng kiến vài buổi trưa mà xem, lúc thực khách cả dãy sốt ruột xếp hàng, mà thời gian ăn trưa của họ chỉ cho phép trong vòng hơn một giờ đồng hồ. Người ta bảo rằng, tất cả các quán ăn nhanh của người Việt vào thời khắc buổi trưa, vợ chồng bán chung một quán là hay cãi nhau lắm cũng đúng. Này nhé, chỉ cần một trong hai người chậm chạp, nhầm một tẹo là như đứt mất dây chuyền. May là Kumar rất đằm tính. Anh không bao giờ cáu nhặng lên khi Quyên đưa nhầm một món ăn cho khách. Quyên cũng cố gắng sao cho thao tác ngày một thành thục. Cô cũng không nôn nóng, khi cô biết được rằng, nếu chậm chạp, vài khách hàng có thể bỏ đi. Nhưng vội quá dễ nhầm lẫn, thậm chí chất lượng, vệ sinh không tốt sẽ gây ấn tượng xấu. Dân Đức cũng hay rỉ tai nhau lắm! Cô biết điều ấy.
Thật ra công việc bán hàng mới mẻ quá, vất vả túi bụi đêm ngày Quyên không ngại. Cô chỉ buồn nhất là mái tóc từng ngày từng ngày như nhuộm dầu ăn, không còn óng ả, mà bết vào. Mỗi chiều về gội đầu, cô hoảng sợ nhìn từng lọn tóc thi nhau rụng xuống sàn nhà tắm, dù ngày nào cô cũng chít một cái khăn và đội mũ bếp cẩn thận. Lại khốn khổ nữa, khi làm cái nghề lắc chảo, cực nhất là đang đứng bán hàng, lại phải chạy ra khỏi quán, vì một công việc đột xuất bất kì nào đó, tỉ như về trường với Thanh Vân chẳng hạn. Khi ấy cô tự biết, mùi Imbis trong người cô cứ nồng nồng, hôi hôi toả ra, làm nhiều kẻ chung xe bus đôi khi tỏ ý khó chịu, tránh xa cô.
Họ thường đóng cửa tám giờ tối. Kumar dọn dẹp xong để trở về với Thanh Vân thì cũng chín giờ. May mà các buổi chiều thường vắng khách, nên Quyên được về từ mười sáu giờ để đón Thanh Vân. Chơi với nó một lát, rồi hai mẹ con tắm táp, giặt rũ, cũng như nấu bữa tối, rồi đợi Kumar trở về. Đó có lẽ là thời gian dù còn bận rộn, nhưng với Quyên, nó vẫn có ý nghĩa nhất, như một sự thư giãn trong một ngày, khi cô được vừa làm bếp hay giặt là, vừa đùa chơi, nói chuyện với con. Có lẽ cũng chẳng có khi nào được thư giãn một cách tuyệt đối, vì ngay sau bữa ăn tối, sớm nhất bắt đầu từ hai mốt giờ ba mươi, cả hai Kumar và Quyên đều đã mệt nhoài, vội lăn ra giường qua đêm. Và, sớm hôm sau họ lặp lại một ngày mới y nguyên như vậy.
Mấy tháng trôi đi, nhiều người làm việc trong các công sở quanh đó bắt đầu trở thành khách hàng ruột của quán Kumar. Điều đó thật quan trọng, bởi vì nó ổn định về doanh số bán ra từng ngày, ổn định tương đối về lãi ròng của cửa hàng, mang về cho họ đều đều số tiền có thể tiết kiệm hàng tháng hai, ba ngàn Euro.

* * *

Thời gian vùn vụt trôi đi.
Thanh Vân đã tám tuổi. Nó đi học lớp Hai ở trường ngay gần nhà và có thể hát rất sành điệu nhiều bài hát tiếng Đức và tiếng Anh.
Sáu năm rồi, Quyên đã có thể đứng bán hàng một mình, chẳng cần Kumar phụ giúp. Cô cũng nhận ra bao nhiêu điều mà nhiều khi ở Hà Nội có giàu tưởng tượng tới mấy cô cũng không thể hiểu rõ cuộc sống của những người Việt kiếm sống và sinh hoạt ở nước Đức như thế nào. Việc bán hàng ăn thì cô rành quá rồi, và sáu năm lăn lộn ấy, cô cũng biết thêm rằng, những người Việt, người Pakistan, Thổ bán quần áo lang thang vất vả ra sao mới có thể có được đồng ra đồng vào.
Năm ngoái Hội chợ thành phố mở ngay cửa Siêu thị Rial. Ba bốn người Việt đồng hương của cô từ thành phố nào chạy về đấy dựng lều bày bàn bán cả trăm mặt hàng áo quần treo phất pha phất phới. Cô làm quen với một thanh niên rất trẻ từ Nghệ Tĩnh chạy sang đây với bà chị của cậu và làm chân phụ bán hàng. Trời lạnh âm hai mươi độ. Cậu bé ăn mặc ấm, nhưng lại đi đôi giầy thể thao. Được ba hôm cậu kêu đau chân. Cậu bảo, hôm nào cũng phải dậy từ ba giờ sáng, chạy tới hội chợ đã 4 giờ, dựng ngay lều quán mới kịp đón khách vào lúc 8 giờ rồi. Ăn trưa ở quán, cậu thanh niên hơ nhờ đôi chân lên lò sưởi bằng gas của Quyên đặt trước quầy cho khách đỡ lạnh. Đôi tất của cậu ngùn ngụt bốc hơi và bốc cháy trong chớp mắt mà cậu ta mải nói chuyện không biết. Bàn chân cậu dầm trong băng tuyết từ bốn giờ sớm tới trưa trở nên quá tê cứng, mất hết cả cảm giác. Một thực khách người Đức có mặt hôm ấy, lão già Stepan, bảo với Quyên: “Những người Á Châu không có kinh nghiệm sống chung với băng tuyết, chủ quan để chân lạnh như thế vài trận là sẽ nguy lắm. Gan, thận, tê thấp có hết, nếu nhẹ thì bệnh thần kinh thực vật, sinh ra bệnh đau nhức khắp lưng.”
Gần một năm sau, rất tình cờ, trong Hội chợ thành phố nhân ngày Lễ trứng, Quyên gặp lại quầy bán quần áo của người chị. Không thấy người bạn trẻ, Quyên hỏi thăm chủ quầy. Hóa ra, cậu ta đã về nước. Tâm, cậu thanh niên ấy bị liệt một chân, sau mùa làm ăn dài bốn tháng, mỗi ngày dầm chân trong băng giá tới mười hai tiếng. “Nó được chữa trị gần bốn tháng. Bác sĩ bảo, tới viện quá muộn, nó bị cắt một bàn chân và về Việt Nam rồi.” Ngay khi đó, Quyên không hề hiểu vì sao người ta có thể vô trách nhiệm với chính bản thân như vậy. Mãi cho tới khi gặp Phi ở bữa ăn trưa trong hội chợ, cô mới vỡ ra rằng, nhiều người Việt, chứ chẳng riêng gì cậu thanh niên kia, đều không bao giờ tìm tới bác sĩ khi bệnh tật mới có dấu hiệu ban đầu. Chỉ tới khi phát bệnh nặng họ mới sử dụng bảo hiểm y tế, đến bác sĩ và lúc đó dẫn tới kết cục thường là vô phương cứu chữa.

Đêm hôm đó tới tận khuya, cô cứ chập chờn nhớ tới khuôn mặt trẻ trung của cậu thanh niên hôm nào. “Nó bị cắt một chân rồi” câu nói ấy cứ xoáy vào tâm trí cô. Hình như nó, câu nó ấy, còn ở đâu đó xa thẳm vọng lên, để cô nghe rõ tiếng nạng gỗ chọc xuống hè đường Hà Nội. Tiếng dộng đục và vang! Những âm thanh tròn và đều cứ lăn mãi trên đường phố, trên các viên đá lát vỉa hè sau thập kỉ bảy mươi, khi cô vừa hai tuổi, đã tưởng tan theo thời gian hôm nay có dịp vọng tới.
“Như nhau cả thôi, ở đây mỗi kẻ tha hương, để đổi lấy những đồng ngoại tệ mạnh đều phải trả giá , kẻ thì cho đi hạnh phúc vốn mong manh, nhận lấy những điều còn chắp vá mong manh hơn, kẻ thì trả giá vì sự hiểu biết thiếu hổng về trăm ngàn kĩ năng sống cần có trên xứ lạ, tỉ như sự hiểu biết về luật pháp, văn hoá, khí hậu và cả những quan hệ giữa các dân tộc mà mọi người cần cảm nhận sâu sắc trong cái thể giới vốn không ít cạm bẫy”
Hai năm sau ngày mở quán, Kumar mua một chiếc xe VW Gold. Chiếc xe mới chạy được tám chục ngàn kilomet. Ô-tô còn thơm mùi ghế nệm, mùi sơn, si. Sớm chủ nhật, cả nhà leo lên chiếc xe mới mua, chạy một vòng quanh thành phố, đi về phía những cánh đồng trồng bát ngát hoa bạch dương, cải và lác đác lúa mì. Cuộc đời bắt đầu sáng ra, Quyên nhìn ra cửa xe nghĩ. Giữa năm ấy, Quyên cũng thi đỗ bằng lái xe. Thế là cô có thể tự lái xe đi làm hàng ngày mỗi khi vắng Kumar và dù có đi lại mùa đông cũng chẳng lo giá rét.
Việc buôn bán Imbiss cũng ngày một hanh thông, thu nhập luôn ổn định làm cho Quyên thấy cuộc sống dễ thở hơn! Có đồng ra đồng vào, đôi khi cô cứ tủm tỉm cười một mình.