Kumar và Quyên hết sức ngạc nhiên. Họ có nghe nhầm không khi Phi nói, anh là kẻ có tiền. Tất nhiên cả Kumarr và Quyên, chẳng ai dám hỏi rõ có thật là Phi có tiền hay không. Chính cái nhìn ngạc nhiên của họ làm Phi hiểu ra ngay. Phi ngồi im một lát, rồi thật thà kể, gã đã có tiền như thế nào.
Thì ra khi ra tù, nhờ luật sư can thiệp, Phi đã được nhận lại toàn bộ bất động sản và tiền trong các tài khoản của Thị. Gã điềm nhiên kể, thật ra số tiền ấy chẳng phải của tôi. Nhưng đương nhiên, khi vẫn còn là chồng, tôi có quyền hưởng tài sản của vợ để lại. Tại sao tôi lại không nhận số tiền ấy và sử dụng nó theo sự suy tính của tôi?
Khuôn mặt Phi khi ấy thực sự nom rất căng thẳng. Quyên tự nhiên buột miệng:
– Tự dưng có nhiều tiền dễ hư hỏng lắm. Em đọc báo thấy, hầu hết những người trúng số độc đắc ở Đức, bao năm nay, số phận sau đó chẳng ra sao. Anh Phi…
Phi nghe Quyên nói chưa dứt câu đã xua tay:
– Tôi không ăn tàn phá hại. Một kẻ như tôi, chịu đựng biết bao nhục nhã, tôi có quyền được sống cho ra trò, dù chỉ dăm năm nữa, và cái chính là tôi cũng biết sợ.
Phi đứng dậy, xoay người, chạy ra kéo tấm rèm ngang, chỉ cho Quyên và Kumar chiếc bàn thờ trên bức tường có tấm rèm che đi và nói:
– Bà ấy khi sống, thực chẳng ra gì với tôi. Nhưng bà ấy đã mất rồi. Dầu sao tôi cũng đã có tội, dù là tội không cố sát. Tôi đã mời thầy chùa về đây lập bàn thờ cho bà ấy. Làm lễ giải oan cho bà ấy. Chẳng giấu gì, tôi rất sợ vợ tôi khi sống và cả khi bà ấy đã chết.
Phi im lặng. Quyên cảm thấy, không khí giữa họ đột nhiên căng lên như sợi dây đàn. Phi cúi đầu xuống. Điệu bộ ủ rũ.
Phải tới hơn một phút sau gã mới nói tiếp:
– Tháng đầu tiên, tôi treo ảnh bà ta trên ban thờ. Nhưng lạ lắm, mỗi tối khi nằm xuống, nhắm mắt lại, tôi vẫn cảm thấy như mình nhìn rõ tấm ảnh. Đôi mắt, ừ mắt bà ấy cứ xoay xoáy nhìn tôi không chớp. Tôi đã mấy lần định bỏ tấm ảnh đi, nhưng không thể. Cái bát hương kia, tôi mang từ chùa về, dành để thờ bà ấy. Linh hồn bà ấy vẫn quẩn quanh đâu đây. Hình như vậy.
Phi nói thật! Quyên tin như vậy khi nghe anh nói, vừa nhắc tới Thị mà trên trán anh ta túa ra lấm tấm mồ hôi và bàn tay cầm cốc rượu bỗng run rẩy lạ lùng.
Trong mắt Quyên khi đó, con người Phi thật mâu thuẫn. Nói về kinh nghiệm để sống sau khi ra tù, anh ta tỏ ra từng trải, khá hơn nhiều so với Phi ngày xưa ở quán ăn, lệ thuộc vào vợ. Cũng đúng thôi, con người ta, khi đã trải qua tù ngục, hẳn đủ thời gian và đặc biệt là sự yên tĩnh. Sự yên tĩnh là điều kiện quan trọng để nghiền ngẫm, suy nghĩ, truy xét mọi việc một cách thấu đáo. Sự yên tĩnh giúp cho con người ta tĩnh trí, nhìn kĩ hơn những gì còn khuất lấp trong quá khứ, mà xưa kia, cuộc sống hối hả, gấp gáp cứ ào ào chuyển động, trào qua như song, nhấn chìm nhấn chìm người ta xuống, để không cho ai có cơ hội nhận rõ đâu là trái đâu là phải. Thời gian hai năm trong tù giúp anh ta mở mắt ra, khôn hơn nhiều so với trước đây. Nhưng khi chẳng còn trẻ nữa, tức là khi toàn bộ nếp nghĩ, thói quen, lối sống…vốn đã bắt rễ quá sâu trong tâm hồn anh ta, thì dầu có cố gắng nhận thức cuộc sống nơi đây, gột bỏ, rũ đi được bao nhiêu phần cái cái cũ trong con người anh? Không, sự hình thành bản ngã không bao giờ là điều đơn giản như ta thay một cái áo, vì gốc rễ của người ta bao giờ cũng có sức sống lâu bền hơn. Rõ ràng, những điều anh ta bộc lộ, chứng tỏ ở anh ta không hề có sự lột xác, mà chỉ là một sự pha trộn nào đó, chắp vá nên con người anh ta hôm nay. Biểu hiện lớn nhất là sống giữa xã hội phương Tây này, cái phần bị ám ảnh bởi một sức mạnh vô hình nào đó – như tấm ảnh của Thị kia nào có mất đi? Ngay cả sự tỏ ra khôn ngoan, tính toán trong sắp xếp chỗ ở của anh ta, một phần kĩ năng sống, cũng chỉ là những mẹo vặt để tự vệ. Cái sự khôn ngoan trong Phi bây giờ giống như là sự tháu cáy vốn dĩ luôn ẩn tàng trong mỗi người mà Quyên gặp nhan nhản ở mọi nơi chăng? Còn cái tâm trạng luôn bị ám ảnh bởi người vợ cũ, lại phản ảnh rất rõ cái phần mềm oặt trong Phi, cái phần mà nhiều người Việt, dù đi Đông về Tây, khi đã từng có thời gian sống thời thanh niên ở trong nước, cũng khó lòng tẩy sạch.
– Anh cứ kể tiếp đi? – Quyên buồn buồn nói.
– Tôi đã gửi về nhà cho mẹ của Thị một số tiền lớn đủ để mẹ cô ấy mua một ngôi nhà đàng hoàng ở thị xã. Sắp tới tôi sẽ mua một cửa hàng ăn ở đây. Sống ở đây đã thật buồn chán, mà ăn không ngồi rồi thì còn buồn chán gấp bội. Số tiền còn lại tôi giúp đỡ những người đói khổ có lẽ đấy là cách tốt nhất để tôi tự cứu rỗi. Bố tôi vừa viết thư sang bảo rằng: “Của mình ăn no, của người ăn đẹt.” Của nả, tiền bạc không phải của mình làm ra, chắc chắn chẳng lâu bền mà là tai họa. Sống trong tù hai năm, nghe bao nhiêu kẻ tội phạm kể về họ, tôi nhận ra, người ta mắc vào tội lỗi đều do lòng tham khôn cùng.
Câu chuyện lại diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn khác. Kumar và Quyên đều lo lắng cho Phi mà tới thăm gã, nhưng gã lại hỏi han và lo lắng cho hoàn cảnh thất nghiệp của hai người. Gã gợi ý, tại sao Kumar và Quyên không dựng một cửa hàng Imbis ở góc phố X, nơi chưa có một người Việt Nam nào mở quán mì xào.
– Quyên đừng lo về chuyện tiền bạc. Tôi có thể cho hai người mượn ngay năm mươi ngàn Euro.- Phi nói bình thản khi Quyên bảo, vợ chồng cô không đào đâu ra số tiền lớn như vậy để mở quán.
Kumar và Quyên lại nhìn nhau. Sự thể thật bất ngờ. Cả hai đều không nghĩ, rằng Phi có thể hào phóng tới vậy.
Ngay cả tối hôm đó và tận mấy ngày sau, chuyện Phi tỏ ý cho họ vay tiền vẫn là một đề tài buộc cả hai phải cân nhắc và suy nghĩ.
Chủ Nhật sau, Phi lại tới họ. Gã lái chiếc BMV giống y hệt chiếc xe như năm nào Y cầm lái chở Thị đi kiểm tra quán. Gã tỏ ra thật tâm, không hề vụ lợi, hay mua chuộc gì Quyên, khi trình bày với Kumar rằng, đó cũng là cách làm phúc để chuộc lại bao lỗi lầm của gã.
Tối Chủ Nhật, Kumar và Quyên bàn với nhau một lần nữa, cuối cùng họ vẫn quyết định không vay số tiền ấy của Phi.
Kumar bảo:
– Chúng ta không thể dám chắc việc kinh doanh ra sao, nếu như thất bại thì việc hoàn trả tiền nợ quá lớn, năm mươi ngàn Euro của Phi, sẽ không bao giờ thực hiện được.
Đó là lí do duy nhất để họ khéo léo từ chối ý kiến đầy thiện chí của Phi vào thứ ba tuần sau.
Nhìn sắc thái bên ngoài và cách ứng xử, trò chuyện của Phi ở cái buổi Quyên và Kumar gặp gã, ai cũng có thể hoàn toàn tin rằng, Phi đang có cuộc sống bình thường. Quyên cũng nghĩ như thế và cô có cảm giác an lòng sau buổi tới thăm Phi.
Nhưng thật bất ngờ, khi trong đêm, sau cuộc gặp mặt của ba người hai ba tuần gì đó, Kumar nhận được cú điện của đồn cảnh sát địa phương gọi đến. Quyên và Kumar tất tưởi tới đồn. Hoá ra, những người Đức hay ngồi sau bức rèm trong cửa sổ đã phát hiện, nhiều đêm rồi có một gã Châu Á hay “rình mò bên ngôi nhà của một cặp vợ chồng Phi Á”. Cảnh sát theo dõi, phát hiện ra gã chính là người vừa mãn hạn tù có tiền án trở về.
Quyên hoàn toàn sững sờ nhìn thấy bộ mặt thiểu não, đôi mắt vô hồn của Phi, khi gã bị một cảnh sát dẫn ra trước mặt cô và Kumar.
Phi thực sự biến thành một kẻ khác. Nom gã rõ thảm hại. Khuy áo sơ mi cuối cùng đứt tung. Cái áo khoác nhàu và xộc xệch. Mái tóc hôm nào vẫn chải sóng sánh, phun keo, giờ đây rối tung, mất hết nếp, y như gã vừa đội mưa về, hay vừa uống quá say ở tiệm rượu bước ra. Phi đã trải qua điều gì mà mất hết cả sức lực phong độ mọi khi thế kia? – Quyên nghĩ.
– Ông bà có quen biết người này? – Viên cảnh sát mặc bộ quần áo rất vừa nheo mắt hỏi.
Dường như có ai đó bắt nhịp để Quyên và Kumar cùng trả lời:
– Vâng!
– Có việc gì xảy ra vậy thưa ông cảnh sát? – Quyên quay mặt sang hỏi viên sĩ quan trực ban.
Phi được ngồi xuống cái ghế tựa, gã im lặng quay mặt đi. Gã bỗng thấy đau đớn vô cùng khi sự sợ hãi vô cớ đã biến mất ở giây phút đầu tiên chợt trông thấy Quyên xuất hiện. Cái trạng thái nửa u mê, nửa tỉnh táo của con người nào đó trong gã từ đầu đã đẩy gã từng đêm ra đi lúc nửa đêm đến rình mò dưới nhà của Kumar và Quyên. Gã cũng không tự trả lời rành rọt các câu hỏi của cảnh sát Đức. Làm sao có thể hiểu được những kẻ tị nạn mà văn hoá và phong tục khác hẳn người Đức?! Những điều Phi kể với họ, nếu có mạch lạc đi nữa, cũng không thể cắt nghĩa từ đâu mà gã Châu Á này cứ tin là chiếc ảnh của người đàn bà xấu xa kia có một sức mạnh ghê gớm có thể làm gã hoảng loạn tới như vậy! Không, gã không có một âm mưu nào hắc ám. Cảnh sát đã thẩm vấn, vặn vẹo, tra hỏi gã vài tiếng, gã chỉ một mực khai rằng, gã thân gia đình Quyên, yêu đứa bé con tên Thanh Vân, nhưng không muốn làm phiền họ, nên chỉ tới đó để chờ cơ hội đứa trẻ ra ban-công hay trên cửa sổ, mà nhìn nó tí thôi. Có vậy! Cảnh sát thì không tin điều đó rồi. Người ta đặt ra nhiều tình huống để lí giải sự có mặt của gã dưới ngôi nhà ấy, nhưng nếu đúng là gã thân với gia đình này và không có hiềm khích gì với họ, thì có thể coi trạng thái tâm thần của gã có vấn đề và lập tức, sau dự đoán ấy, họ đã gọi điện cho Quyên để xác nhận mối quan hệ của gã với gia đình cô.
Chuyện chỉ có như vậy, bởi vì không thể giam giữ quá lâu một người chưa có hành vi phạm tội, ngoài cái lí do nghi ngờ gã đứng quá lâu và lặp lại tại một địa điểm cố định. “Ông ta có vẻ mệt và cậy nhờ ông bà tới bảo lãnh” – Viên cảnh sát nói, rồi nhờ Quyên dẫn Phi ra ô-tô và giữ Kumar ở lại vài phút.
– Chúng tôi mong ông bà giúp đỡ anh ta. Dù không tìm thấy một tấc vũ khí nào trong người nhưng anh ta không có giấy tờ, nên chúng tôi buộc vẫn phải giữ anh ta vài giờ để xác minh, nhằm bảo đảm an toàn trong khu vực chúng tôi quản lí. Bây giờ thì rõ rồi! – Viên cảnh sát lễ độ trả lại hai cuốn hộ chiếu của Kumar và Quyên, – Là người quen thân của anh ta, xin ông bà hãy đưa anh ta đi bệnh viện để bác sĩ xem xét lại trạng thái sức khoẻ. Tôi nghĩ, có vấn đề nào đó chăng?
Rõ ràng là Phi có vấn đề! Hai giờ đêm, Kumar và Quyên mới thấy Phi hoàn toàn thoát ra khỏi trạng thái đờ đẫn, trở lại vẻ bình thường như hôm nào mới gặp lại.
Trong yên tĩnh, tiếng Phi rành rọt, chậm chạp, đều đều kể về những gì đã xảy ra cho Quyên và Kumar nghe.
Thì ra, đêm nào Phi cũng rơi vào trạng thái mê mê, tỉnh tỉnh, khi bất chợt nhìn thấy ánh mắt của Thị cứ nhìn gã “xoay xoáy từ trên ban thờ”. “Tôi đã hạ ngay cái ảnh ấy một tháng nay rồi. Nhưng khổ quá, đêm nào, dù không còn ảnh bà ấy trên ban thờ nữa, tôi vẫn thấy đôi mắt của bà ta. Mà đôi mắt ấy muôn trạng lắm. Đôi khi nó rất tha thiết và không hề đau đớn giống như hồi tụi tôi còn hạnh phúc bên nhau ở Việt Nam.” – Phi vò mãi mái đầu đã rối tung càng rối thêm và đập lòng tay xuống bàn. – “Có lúc lại nhìn rõ trong bóng tối, mắt bà ta cứ long lên, y như những khi bà ta tức giận. Tôi sợ nhất khi bà ấy nhìn tôi, rồi đôi mắt cứ trợn ngược, dại đi. Có lúc toàn lòng trắng. Nó hệt như đôi mắt tôi đã nhìn thấy, sau lúc bà ta tự lao vào tôi, cắm ngập trong lưỡi dao đêm ấy, rồi ngã ra trước mắt tôi! Trời ơi! Sao bà ấy ghê gớm vậy? Sống cũng hành hạ tôi, mà tới khi chết vẫn trở về tra tấn tôi như vậy!” Gã ôm đầu và rên rỉ. “Tôi bỏ chạy khỏi nhà mỗi khi sự thể như muốn làm tôi vỡ tung đầu ra. Sự ấy cứ lặp lại từng đêm, chỉ vào gần nửa đêm, khi thân thể tôi đã mỏi dừ sau một ngày làm việc. Lao ra đường phố, tôi chỉ còn mỗi cách ấy.- Gã thở gấp. Dường như khi kể lại, Phi buộc sống lại trong sự sợ hãi mà Quyên và Kumar không sao tưởng tượng ra. – Một bận lang thang không hiểu sao tôi đến được trước cửa nhà em. Tự nhiên, khi đứng vài giây ở gốc cây nhìn lên căn hộ, tôi thấy an lòng lạ. Tôi như nhìn rõ tất cả. Thấy rõ hình ảnh của em và Kumar cùng Thanh Vân chơi đùa, sinh hoạt, đi lại trong phòng và cơn sợ hãi bỗng tan đi. Từ đó, mỗi khi bà ấy xuất hiện. Tôi lập tức đến đây cho tới khi bình tâm lại. Tôi không hiểu được, vì sao? Vì sao chỉ sau khi tới bên ngôi nhà của em, tôi mới có thể trở về ngủ được bình thường và không thấy bà ấy quay lại.”
Kumar và cả Quyên lắng nghe Phi kể. Câu chuyện thật hoang đường! Nhưng rõ ràng mọi cảm xúc của Phi, qua giọng kể tới khuôn mặt khi thuật lại sự việc, đều cho Quyên cảm giác rằng gã rất thật. Làm sao gã có thể dối trá khi đôi mắt Quyên nhìn thẳng vào đôi mắt của gã. Trong lòng của Quyên khi đó trào dâng lòng thương xót Phi ghê gớm. Tại sao anh ta lại có thể rơi vào những trạng thái sống trớ trêu, đầy đau đớn, khổ sở như thế? Rất tự nhiên cô nâng tay lên, hai bàn tay cô nắm chặt đôi bàn tay Phi. Con người ta, sự thông cảm, chia sẻ với đồng loại, phải mọc lên, bắt rễ từ chính môi trường sống đã trải qua, chung một hoàn cảnh như nhau. Chính sự trải nghiệm của Quyên, khi nếm trải sự tha hương, từng sống cảnh bị ruồng bỏ, cô độc, cho cô dễ nhận thấy đến tận cùng nỗi đau khôn xiết của Phi. Sự nhận cảm này, ở ai đó dù nhạy cảm đến mấy, dù tử tế tới mấy, nếu không chung một hoàn cảnh sống cụ thể như Phi, từng đau đớn cô độc như Phi, khó có thể có cái cầm tay ấm áp và thật lòng như đôi bàn tay Quyên đêm nay.

“Thôi, khuya lắm rồi. Anh đừng về nhà nữa. Đêm nay anh ngủ ở đây!” Kumar cũng nói y như Quyên. Họ mau chóng trải tấm drap xanh lên đi-văng phòng khách và lấy cho gã tấm chăn mỏng. May quá, có những ngày trước đây Quyên đau đầu và mất ngủ, cô nhớ, vẫn còn lại vài viên thuốc an thần hoạt huyết dưỡng não mẹ cô gửi sang vẫn còn trong ngăn kéo thuốc. Cô bưng một li nước nóng cho Phi và lấy thuốc cho gã uống.
Nửa tiếng sau, căn nhà yên ắng như chẳng có chuyện gì xảy ra. Khi đó Kumar mới rón rén từ phòng ngủ bước ra. Phi ngủ rồi! Trong đêm tối, dưới ánh sáng lờ mờ của đèn ngủ, hình như Phi hơi mỉm cười, mắt anh nhắm lại và Kumar nghe rất rõ tiếng Phi thở nhẹ, đều đặn. Kumar mỉm cười trong đêm tối.
Quyên lại không ngủ. Cô thao thức tới hơn giờ nữa. Trời ơi, Phi tới đây trong trạng thái ấy, lại điều khiển chiếc xe với tốc độ 50 cây số giờ thì việc gì sẽ xảy ra, nếu anh ta đâm vào một vật nào đó chuyển động trên đường. Trong đầu cô, hiện lên hình ảnh hôm nào về tai nạn của Dũng. Chiếc xe lộn nhào và chiếc cáng đẫm máu.
Có thực có một thế giới tâm linh không? Nếu có thì người nào sống ác mà chết đi cũng sẽ làm ma ác ư? Hay là con người ta, khi giết người, vô tình hay cố ý, mỗi nước có thể có những luật lệ khác nhau để tòa án xử phạt, nhưng dù luật lệ có xử mức độ ra sao thì không có tòa án nào bằng toà án của lương tâm! Phải chăng chính điều đó dẫn Phi tới hoang tưởng như vậy? Lương tâm mỗi người ở đâu? Phải chăng nó là một quá trình nhận thức trong một xã hội nhất định để ý thức rằng, có tội hay không có tội và, mức độ của tội ác ra sao để kẻ phạm tội tự suy nghĩ mà phán xét chính mình? Vậy Phi có tội không? Phi có tội thì cô có tội trong cái chết của Thị không? Dù sao chăng nữa, cô cũng có liên quan tới Phi và phải có trách nhiệm với anh. Quyên quay sang Kumar: “Này anh đã ngủ chưa? Mai ta đưa Phi đi khám bệnh, anh nhé!”…
Gió ngoài trời vẫn thổi. Những đám lá rụng trải qua suốt mùa đông, từ tháng Mười tới tháng Hai đã khô ơi là khô, khi bay trên mặt đường đêm tạo ra những thanh âm nghe cũng khô xác và, cùng theo độ lớn, nặng nhẹ mà quần tụ với nhau, bên các vật cản trên đường phố. Có tiếng lách tánh nổ hay nứt của vỏ cây. Có lẽ sang xuân, những vết nứt sinh ra bởi mùa đông khắc nghiệt ấy là nơi dễ nhất để các mắt cây nhú ra, vụt thành những chồi xanh.
Ngay sớm hôm sau Quyên thuyết phục Phi để Kumar đưa đi khám bệnh và bác sĩ lập tức quyết định buộc Phi nhập viện. Người ta cũng chẳng khó khăn lắm khi phát hiện ra những vấn đề tổn thương khá lớn trong tâm hồn con người tóc đen nhỏ thó này. Bác sĩ trưởng Khoa tâm thần của bệnh viện hứa rằng, nếu gia đình kết hợp, chỉ hai tháng sau anh chàng này sẽ ra viện. Dự đoán ấy làm Quyên thấy nhẹ cả lòng.
Vì thế, rảnh ra là Quyên giục Kumar ghé thăm Phi cho anh bớt cô quạnh. Chủ Nhật nào cũng vậy bé Thanh Vân lại cùng cả nhà tới thăm Phi. Nó hát và múa cho Phi xem. Nó khoe những bức tranh nhiều mầu vẽ chú Phi ngộ nghĩnh rồi nhảy lên cổ Phi mà đong đưa.
Sức mạnh của thôi miên cũng thực kì diệu khi kết hợp với những liệu pháp khác của y học tiên tiến nhanh chóng giúp Phi thoát khỏi trạng thái trầm cảm, hoang tưởng. Anh ra viện nhanh hơn dự kiến ban đầu.
Buổi trưa ngày đón Phi về, họ tới một nhà hàng ven hồ Thuesse vui vẻ tới tận chiều. Bất ngờ quá, trong lúc phấn khởi Phi lục túi xách lấy ra một tập vở, rồi đọc tới dăm bài mà anh gọi là thơ. Kumar thì gật gù tỏ vẻ tán thưởng, song thực ra anh cũng chả biết hay hay dở. Ừ, nghe cũng vần ra phết! Hay quá! Quyên vỗ tay đôm đốp làm Thanh Vân cũng tới bên Phi đập bàn tay nhỏ xíu vào bàn tay Phi tỏ ra cùng phe với Phi. Quyên cười rạng rỡ. Trong thâm cô khi ấy điều vui mừng lớn nhất là Phi đã khỏi bệnh. Thực chất bấy nay, bởi cuộc sống con cái, công việc kiếm ăn bận bịu, cô cũng chẳng quan tâm nhiều tới thơ. Quyên lắng nghe, những bài thơ của Phi rõ ràng có nhiều câu thật thà lắm, nhưng cô vẫn nhận ra cảm xúc thật, không giả dối của một tâm hồn đau khổ. Quyên thầm nghĩ, Phi có tâm hồn thi sĩ. Quyên bảo, thơ anh Phi hay nhưng buồn. Chịu khó rèn giũa, thơ Phi sẽ hay nữa. Ai có ngờ rằng lời khen ấy lại làm Phi vui vô cùng. Và niềm vui ấy cứ âm ỉ sống với anh như ngọn lửa âm thầm suốt thời gian sau đó, để Phi kiên nhẫn và hứng khởi từng đêm viết nhiều bài thơ khác, như một nhà thơ chính hiệu.
Cuối năm nữa, trong cuộc sinh hoạt Tết âm lịch của cộng đồng tít tận Hanover, Phi làm cộng đồng ngạc nhiên, kể cả mấy nhà thơ cộng đồng quen thuộc, khi anh dõng dạc đọc ba bài thơ. Phi chẳng e dè gì trần tình sự xuất xứ của thơ anh. Rằng, những bài thơ ấy là những đứa con của tôi sinh ra trong bệnh viện tâm thần, giữa những cơn mê tỉnh tựa như lên đồng.
Những người Việt, đủ mọi tầng lớp sang đây cốt kiếm sống, nghe thơ lục bát của Phi cũng hiểu ra Phi muốn nói gì, tỉ như câu: Tôi hay đi chốn xa xôi/ khói quê hương cuốn bên tôi chẳng rời …thì giống tâm tư họ quá đi thôi, ai mà chả biết. Nhưng khi Phi đọc: Chốn xa hoa cỏ thơm đầy/ dẫu ngàn mây vẫn trời đầy biệt li… thì tiếng xì xầm cử tọa nổi lên. Lại bất ngờ có kẻ bảo, hoa cỏ quái gì…Có đứa vỗ tay rầm rầm và nói đúng là ăn chơi, xa hoa lắm. Phi nó nói quá đúng. Thôi thì thơ là thứ phù phiếm, kiểu như thứ ăn them, ai muốn ăn thì ăn. Nhưng khi gã đọc đoạn thơ sau thì cử tọa im bặt. “Chả hiểu cái ông Phi nghĩ bậy nghĩ bạ gì mà tụt quần ra giữa đường thế này. Có điên cũng bố bảo thằng Phi dám cởi truồng đi ra phố…” Có ai đó thì thào nói sau khi Phi dõng dạc đọc:
Tôi trần truồng đi trên phố
Người xe xuôi ngược
Ai tay che mặt
Ai cái nhìn quay quắt
Tôi vẫn trần truồng thản nhiên đi
Tôi bước
Từng bước chân tôi
khoảng không
Thế giới của tôi trong vắt
Tôi muốn nghe tiếng muôn loài
Chẳng như quanh tôi
Ôi, giản đơn điều chân thật (15)
Những buổi đọc thơ của Phi dầu sao cũng trôi đi trong tất bật và vội vã của đời sống cộng đồng, nó chỉ bất ngờ khi có một ngày Phi đọc thơ xong, dõng dạc công bố, tớ sẽ in một tập thơ Thơ lên đồng.