Chương 10

Sắp tới Noel, tiệm Pizza của Kumar đột ngột đóng cửa. Nguyên nhân bởi chủ tiệm, lão Toni đã uống rượu khuya, tận say, rồi lại đi tắm, không may bị phải gió, hình như đứt mạch máu não. Lão đột tử. Vợ lão, bà Riona không thể điều hành tiệm, đã sang phắt tiệm cho một người Thổ chuyên bán món bánh Doenerkebap(10). Doenerkebap là loại bánh mỳ truyền thống của người Thổ, giữa kẹp thịt cừu nướng. Nó có mùi vị đặc biệt thơm, bởi hương liệu ướp thịt được gia tẩm, chế biến rất cầu kì, đầy bí quyết.

Kumar không thể đứng bán bánh tại cửa hàng, vì công việc ấy chẳng dễ dàng gì khi người bán loại bánh này phải biết sử dụng con dao dài gần một mét, lia nghiêng, cắt chéo như múa trên cây thịt đứng, cho những lát thịt đã chín mỏng tang rơi lả tả xuống khay trong khi xóc thịt cứ quay tròn, tiếp tục cho giàn lửa đốt rộm chín phần thịt còn hồng vừa lộ ra sau nhát cắt. Động tác của kẻ đứng bán nhanh thoăn thoắt, quá quen với từng thao tác, bởi vì họ, những người Thổ đã bao đời bán loại bánh rất riêng, độc nhất vô nhị trên thế giới.

Cửa hàng cũng chẳng cần người chạy xe đưa bánh đêm. Doenerkebap tuy có kẹp nhiều cải bắp sống, thái nhỏ như miến, giòn tươi, giàu vitamin, nhưng thịt cừu nướng vốn lắm đạm và béo, gây khó tiêu, cho những ai chén vào lại không hoạt động, nằm dài, nghển cổ trên sa-lon mà dòm tivi. Những người Đức ăn uống rất kiêng cữ, tính toán chi li, mấy ai đêm khuya ăn thứ bánh có kẹp hơn lạng thịt khó tiêu này, bổ nó có thể gây đầy bụng hay béo phì.
Chính vì thế tay chủ tiệm mới người Thổ không cần tới Kumar nữa.

Kumar báo tin ấy cho Quyên ngay vào ngày anh bị sa thải. Nhưng anh không có biểu hiện buồn bã gì, khi đáp lại câu hỏi của Quyên trong bữa ăn tối, quanh việc thất nghiệp. Dường như ở anh, quá trình sống ở Đức đã dạy cho anh hiểu, phải biết sống, sẵn sàng chấp nhận sự bấp bênh của thị trường lao động mà anh chỉ là công dân hạng ba(11). Nhất là việc đưa bánh hay nặn bột, hoặc đứng bán hàng trong các quán ăn nhanh, đều lại là loại lao động đơn giản, rất dễ thay thế, thì sự mất việc phải chấp nhận như một lẽ thường tình. Có lần, một Angerstelerin(12) của Sở Lao động thành phố chẳng đã nói với anh rằng, ở Đức với hơn 5 triệu người thất nghiệp thì người lao động nào đã trên 35 tuổi đều được coi là già. Năm nay Kumar đã ba tám tuổi. “Anh già rồi. Ốm tha già thải!” Kumar vẫn có thể nói đùa như vậy với Quyên trong bữa ăn tối ấy, sau đó anh vẫn xắn tay áo lên, co bắp tay lại, cho Thanh Vân nghịch sờ vào con chuột nổi cuộn, rắn cưng.

Nhưng Quyên biết, người lao động ở xứ này đều coi thất nghiệp là một tai hoạ. Không có việc làm, có nghĩa là không có tiền. Bởi vì số tiền trợ cấp thất nghiệp của những lao động đơn giản chỉ nhằm đủ sống, dư dật dăm đồng một tháng thì chả đáng là bao. Khi thất nghiệp, người ta chẳng có một cơ hội nào dư tiền để đi du lịch và các nhu cầu giải trí cũng sẽ hoàn toàn bị hạn chế. Sống không đi đâu đó, không vui chơi giải trí, quẩn quanh với một thời gian biểu đều tăm tắp, ngày tiếp ngày lặp lại như khuôn đúc, tức là cuộc sống vô cùng nhàm chán, buồn tẻ. Và, đối với những người ưa hoạt động, còn sung mãn như Kumar, hẳn đó là “sự ăn không, ngồi rồi”, và chính sự nhàn nhã ấy khác gì sự tra tấn âm thầm từng ngày mà Kumar cảm thấy. Hơn nữa, hàng tháng Kumar còn phải gửi tiền về cho mẹ. Anh sẽ tìm đâu ra khoản chi ấy, khi việc chi dùng cho Thanh Vân, nếu chỉ dựa vào trợ cấp của xã hội, Quyên cũng phải hết sức dè sẻn.
“Đã tới lúc mình cũng phải tìm một việc nào đó mà làm thôi, dù có phải làm chui, làm lủi hay công việc chả ra sao ở cái xứ hiếm hoi việc làm chính thức này” – Quyên nghĩ ngay điều ấy sau khi biết tin Kumar thất nghiệp. Con người ta phải hiểu tình thế, phải biết thân, biết phận và không được lạm dụng, nương tựa thái quá, kể cả đối với bè bạn và người tốt bụng như Kumar, cho dù là anh luôn yêu thương Thanh Vân và cũng luôn luôn không muốn cô vất vả.
Tháng Noel, Quyên xin được một chân phụ giúp bán bánh tại tiệm bà Muzac. Công việc hơn ba giờ đồng hồ mang về cho cô hai mươi Euro mỗi ngày. Số tiền không đáng là bao, nhưng tích cóp lại, dần từng ngày cũng thành tấm, thành món, làm Quyên thật vui. Tháng đầu có tiền, cô mua một đôi tất dài cho Thanh Vân, mua cho Kumar một đôi quần lót và một chiếc áo sơ-mi trắng, một chiếc khăn Ả Rập. Chiếc khăn vải hình ca-rô đen trắng tương phản rất to, làm từ sợi vải bông gai mềm mại, quấn cổ những ngày gió tuyết rất ấm ngực. “Nom anh giống những chiến binh của ông Araphat”, Quyên cười nói khi quàng chiếc khăn lên vai Kumar.
Nhưng công việc của Quyên cũng không kéo dài quá mùa xuân năm sau.
Gần nửa năm tiếp đó, cả hai người lại không có việc làm. Dù yêu nhau tới mấy, Quyên tự cảm thấy cuộc sống hàng ngày cứ lặp đi lặp lại vô cùng tẻ nhạt. Quyên hay đẩy con đi chơi cho khuây khoả, dến nỗi cả thành phố rộng như thế mà nơi nào cũng trở nên quá quen thuộc, đi lại nhẵn chân trên từng ngõ ngách…
Kumar dường như thấu hiểu hết mọi suy nghĩ của Quyên. Anh thường lựa lời an ủi cô những ngày cô buồn. Anh nói rằng, rồi cả hai sẽ có việc làm. Phải kiên nhẫn. Anh còn bảo như một hiền triết, rằng người ta chẳng bao giờ buồn mãi, và cô quạnh mãi. Có hôm còn ví von một câu mà Quyên không ngờ, y như một người Việt già từng trải và am hiểu: qua cơn bĩ cực tới ngày thái lai. Có những ngày mưa lê thê hay tuyết tràn ngập, Kumar ngồi bên Quyên suốt, hết sức kiên nhẫn, lắng nghe cô kể về quê hương, nỗi nhớ tràn ngập trong cô về thành phố, con đường, cơn mưa và ngôi nhà. Có nghĩa là, bất cứ điều gì ở cô trăn trở, lo âu hay phiền muộn, đều có thể nói cho anh. Khi ấy, Kumar ngồi bên Quyên, nắm chặt lấy bàn tay cô trong lòng đôi bàn tay ấm áp mà lòng tay lại vàng, chẳng đen kịt như nước da của anh.
Thời gian cứ trôi đi như thế, trong một nhịp sống có nhiều khi tĩnh lặng, trên một căn hộ không rộng quá, làm cho Quyên có điều kiện quan sát, suy nghĩ, thậm chí so sánh Kumar với dăm người đàn ông khác, để nhận rõ anh ngày càng sâu sắc hơn. Cô chẳng còn ở cái tuổi để mà yêu hờn, yêu dỗi nữa. Cô cũng không phải là hạng người sau những sự cố đau đớn, khủng khiếp với giới đàn ông trong tình ái, trở nên mất hết niềm tin và hy vọng về tình yêu và hạnh, phúc, để hoàn toàn thất vọng, coi đàn ông đơn thuần chỉ là giống đực, nhằm vào đó sự trả thù hoặc những sự mua bán, đổi chác, chỉ đơn thuần có lợi về vật chất. Ngay cả trong điều bất hạnh xảy ra với Hùng ở biên giới, đôi khi phải nhớ lại vì một duyên cớ nào đó, cô vẫn giữ lại phần tử tế và tốt đẹp, nhất là trong thời gian cuối, khi cô có thai. Khi thật yên tĩnh, nhìn lại dĩ vãng, cô phân tích, nhận rõ từng nét khác biệt trong tình yêu của từng người đàn ông đà dành cho cô. Với Dũng chỉ có một tình yêu vị kỉ, ở Hùng thứ tình yêu đầy bản năng và ở Phi, một thứ tình cảm không hội đủ phẩm chất để hoà với tâm hồn của cô. Thứ tình cảm của anh ta định dành cho cô, cũng chỉ là nhu cầu bản năng bình thường mong cầu một gia đình mà thôi.
Giờ đây, Quyên chẳng còn là Quyên của hôm qua, không phải là typ phụ nữ chỉ cần một người đàn ông, một tấm chồng, dẫu họ có một tình yêu dành trọn cho cô, cho cô ở tư cách làm vợ sinh con là đủ. Cô đã quá đau khổ, đã nếm trải, đã trở thành typ đàn bà không giản đơn và thụ động. Sự hy vọng không bao giờ chết đi, cô khao khát, đòi hỏi người đàn ông của cô đầy đủ phẩm chất, những tiêu chuẩn của riêng cô. Phải đến với cô, trước hết một tình yêu bản năng, nguyên sơ, mãnh liệt nhất của phái mạnh. Đấy là điều đầu tiên và cần thiết. Nhưng điều đầu tiên ấy vẫn chưa đủ để cho cô một tình yêu mãn nguyện. Cô nhận ra từ những thất bại và không may mắn của mình, rằng một người đàn ông chỉ đầy bản năng yêu, dù cũng mãnh liệt tới mấy, không có thể gìn giữ, nuôi nấng một tình yêu bền vững mãi với thời gian. Sự gắn kết của hai tâm hồn, nhất là với cô, người đàn bà có dĩ vãng và tâm hồn chẳng hề giản đơn, còn cần ở tâm hồn con người khác giới kia, phải là một sự hiểu biết, từng trải, để có thể hiểu cô, chia sẻ và bao dung, trân trọng và thông cảm. Một tình yêu bản năng thôi, sao mà đủ sức để gánh chịu một tâm hồn nhậy cảm dễ tổn thương như cô. Vâng, cô nhận ra những vẻ đẹp, dù sắc nước hương trời tới mấy, đều trở nên nhàm chán, khi con người ta quá quen thuộc với nó và, khi đó, khái niệm chung thủy trở nên phù phiếm và vô nghĩa.
Những suy cảm ấy cứ xoáy cuộn, chất chứa trong cô. Cô nhận ra, Kumar là người đàn ông có đầy đủ phẩm chất mà cô đòi hỏi, mong chờ.
Suy nghĩ như vậy, Quyên cảm thấy yêu sống hơn, cảm giác buồn chán không phải là mất đi, mà cô đã được người bạn, người cô yêu – Kumar, cầm tay cùng đi, bên nhau vượt qua nó.
Tất nhiên Kumar cũng chịu khó lân la khắp nơi xin việc. Thành phố hơn mười ngàn kẻ thất nghiệp và anh chỉ là con số lẻ đứng xếp hàng tận phía dưới.
Thời gian vùn vụt trôi. Rồi Kumar cũng xin được việc, dù chỉ là ba tháng trong một xưởng chế biến thịt nguội. Hàng ngày, anh xẻ vài tấn thịt lợn và bò các loại. Anh xay chúng nhỏ ra tuỳ theo việc chế biến các món ăn nguội cho xưởng. Công việc không tới nỗi nào và đang quen dần thì lại mất việc. Giá cả leo thang từng tuần, đồng bạc mất giá sau khi đổi tiền từ đồng D.mark sang Euro, và nạn thất nghiệp vẫn ở con số năm triệu người khiến cho việc tiêu thụ thịt cũng chững lại. Người ta, những người đàn bà đi chợ búa, cơm nước đắn đo hơn, trước khi cầm một miếng xúc-xích hay giăm-bông đóng gói bỏ vào làn.
Sau khi thôi việc ở xưởng chế biến thịt nguội một tuần, thật may sau khi đọc báo, Kumar tìm ngay được chân phụ bếp trong một tiệm ăn của người Trung Hoa.
Công việc phụ bếp đơn giản nhưng thực tồi tệ. Anh phải tới quán rõ sớm để phụ giúp chuẩn bị dụng cụ xoong chảo và rời quán sau cùng, khi đã làm sạch tất cả dụng cụ, bát đĩa cho ngày bán hàng hôm sau. Những bữa vào ngày nghỉ, buổi tối thực khách đông nườm nượp. Hơn mười bốn tiếng lao động một ngày. Mãi về sau này, mỗi khi đi qua bất cứ một quán Tầu nào, anh vẫn không khỏi rùng mình. Anh lập tức nhớ lại cả quá trình lao động trong quán Tầu, từ cái biển hiệu màu đỏ chói lọi, thếp vàng kia. Sự nhớ từa tựa như khi người ta chợt nhìn thấy máu mà hồi tưởng tới chiến cuộc.
Kumar có lần kể với Quyên rằng, không thể tưởng tượng được khi đứng trước đống bát đĩa và dao, thìa, dĩa cao như núi, mà bất kì người phụ việc nào cũng phải cố tìm cách thao tác sao cho kịp với cả dây chuyền, từ khâu chuẩn bị và nấu nướng, tới việc bưng bê rồi dọn bàn cho khách. Anh kể, rửa thìa dĩa khó sạch, vì mỡ và thức ăn thừa luôn nhằng nhằng bám chặt các khe kẽ, cho dù nước rửa có đậm đặc chất tẩy bẩn tới làm bỏng tuột cả da tay. Sau này, anh nói, động tác phải thành thục tới mức, chỉ cần đưa tay nhấc thìa hay dĩa lên khỏi mặt chậu rửa, nó đã phải sạch, hết cáu bẩn và thức ăn dính vào, rồi phóng nó như ném phi tiêu một cách chính xác vào chậu đựng cho ráo nước. Động tác như làm xiếc! Cái thìa, dao, dĩa chỉ cần tuốt một nhát bằng khăn mềm, rồi lập tức vừa tuột khỏi khăn đã vút đi, chính xác không sai một li, từng loại rơi trúng vào các ô đựng riêng biệt. Có như thế mới kịp cho cả một quán đông tới hàng vài trăm người mà thực khách lại rất khó tính, không thể chấp nhận một vệt vân tay trên một cái thìa, con dao ăn, hay một cái li uống trong văn vắt.
Anh trở về nhà lúc nửa đêm khi thân thể đã rã rời. Quyên cũng nhận ra, bàn tay anh vì vầy quá nhiều trong nước rửa, nên từng mảnh da tróc ra. Cô mua cho anh những lọ kem dưỡng da hảo hạng nhất mà vẫn không chặn được sự hủy hoại của nước tẩy đậm đặc. Nhưng cũng chính thời gian phụ bếp tại đây, Kumar loé lên ý nghĩ, tại sao anh không thể làm một ông chủ nhỏ, mở một quán ăn nhanh trong thành phố thoát khỏi tư cách người làm thuê bấp bênh.
Sớm hôm sau, trong bữa sáng Kumar nói ý nghĩ ấy của mình cho Quyên nghe. Mắt Quyên sáng bừng lên khi nghe tỏ câu chuyện. Nhưng lấy đâu ra số tiền khoảng ba chục ngàn Euro mà mở quán bây giờ? Hoá ra, mọi ý tưởng tốt đẹp, đầy hy vọng, vẫn phải dựa trên nền tảng: đồng tiền. Thế mà tổng cộng toàn bộ số tiền họ có cũng chỉ vẻn vẹn chưa đầy chục ngàn Euro. Chừng nấy tiền có được, mà muốn mở quán? – Đó chỉ là một ước mơ xa vời.
– Chúng ta phải tiết kiệm để có tiền mở quán. – Kumar dập tay xuống bàn nói với Quyên tối hôm ấy.
Thời gian vẫn như con thoi, hết xuân tới hè và sang thu. Thấm thoát mùa đông lại về. Những đợt tuyết, băng chẳng mong đợi từ biển Bắc tràn vào lục địa, làm đất đai khô đi, cứng đanh và mọi vật cứ teo tóp, hanh hao dần, rồi chính thức mùa đông lại về, phủ lên toàn thành phố một màu trắng xóa.
Thanh Vân cũng đã lớn. Để có thời gian rảnh rỗi mà kiếm bất cứ việc gì làm thêm, Quyên bàn với Kumar gửi nó tới nhà trẻ. Cứ ba giờ chiều, không có Quyên thì Kumar tới đón Thanh Vân. Phải xa con như vậy, Quyên xót xa lắm, nhưng Kumar lại hoàn toàn khẳng định rằng, trẻ con nếu sống ở nhà trẻ, người mẹ hoàn toàn yên tâm và đứa trẻ sẽ được dạy dỗ một cách cẩn thận hơn. Hơn nữa, Kumar nói, phải cho nó tới nhà trẻ, ở đó nó được học tiếng Đức cơ bản một cách cẩn thận và nhanh chóng nhất. Quyên cũng không an tâm mấy, dù được Kumar trấn an, phân tích như vậy.
Cô thường tới rất sớm có đủ thời gian để ngắm nhìn bé Thanh Vân của cô sống như thế nào. Chỉ qua hai tuần quan sát con, Quyên mới hoàn toàn an tâm và công nhận quyết định của họ là đúng. Thanh Vân chơi với trẻ Đức. Quyên nhận ra, nhà trẻ với con cô, có thứ không khí mà tại bất kì gia đình người Việt nào cũng chẳng thể mang lại được, dù cho là gia đình có yêu thương trẻ tới mấy, khi trong nhà chỉ toàn người lớn, con trẻ chẳng thể chơi theo kiểu riêng theo thế giới của con trẻ. “Việc chăm lo thật là tuyệt hảo. Hai cô giáo chăm sóc có bẩy đứa bé. Họ dạy cho nó nói đúng ngữ điệu tiếng Đức. Và quan trọng nhất là họ dạy cho con lòng tự tin khi chơi, khi ăn và cả khi vệ sinh bằng phương pháp sư phạm đầy tin yêu và bài bản.” Cô nói với Kumar như vậy.
Nhờ việc cho Thanh Vân đi nhà trẻ, Kumar và Quyên có nhiều thời gian rỗi. Họ bắt đầu như đôi ong cần cù, thu va hà vén, vừa chăm sóc Thanh Vân, vừa nhặt từng đồng bạc kiếm được trong các vụ thu hoạch sản vật nông nghiệp, như thu măng tây, hái dâu và hái táo… ở các huyện quanh thành phố. Hết mùa thu hoạch họ lại chịu khó tìm đọc báo, nhận việc vệ sinh hành lang hay lau dọn, giặt giũ cho những người Đức, những người già tàng tật cần trợ giúp trong vài buổi, để có thể nhận vài chục tới trăm Euro bỏ dần vào tài khoản tiết kiệm .Trước Noel dăm hôm Quyên thấy bồn chồn lạ. Cô có cảm giác ai đó đang nhắc tới mình. Tối thứ Bảy, Quyên đón Thanh Vân về nhà, rồi đi chợ mua đồ ăn thức uống cho hai ngày nghỉ. Cô dặn Kumar ở nhà đặt nồi cơm điện và giặt đống quần áo cả tuần nay ngồn ngộn đầy hai thùng.
Kumar vừa nấu xong cơm thì có tiếng chuông gọi cửa. Anh cứ đinh ninh Quyên đi mua thức ăn cho hai ngày nghỉ đã về, nên cũng chẳng nhắc phôn hỏi ai gọi chuông, cứ bấm nút cho cửa bật ra. Dăm phút sau, Kumar thật ngỡ ngàng, bàng hoàng khi nhận ra Phi đứng trước cửa nhà vừa mở.
Phi, đúng là Phi, chứ không ai khác. “Có lẽ anh ta đã mãn hạn tù” – Kumar thoáng nghĩ.
Cửa bật mở. Nhìn thấy người đón mình không phải là Quyên, Phi lúng túng giây lát.
Suốt ba tuần qua vừa ra khỏi tù gã đã đi khắp nơi tìm Quyên. Những người ở trại tị nạn có mách rằng, Quyên đang ở đâu đó trong thành phố này với gã Sri Lanka nào đấy, anh cũng chẳng tin. Gã dò hỏi khắp các tiệm bánh, quần nát cả thành phố tìm mẹ con Quyên. Cuối cùng, thật vô tình, một người đưa báo có mách rằng, ở phố Anne Frank có một gia đình, người chồng da đen, còn người vợ và đứa con là người Châu Á. Gã thuê taxi chạy thẳng tới đây.