Hai ngày sau đó Quyên thấy mệt. Người ngây ngấy như sốt. Quyên ở lì trên gác trên, tối mới chịu húp chút cháo. Gã chủ quán tỏ ra lo lắng. Gã sốt sắng đi mua thuốc cảm cho cô uống. Lại hì hụi nấu cháo gà xé, rồi bưng bát cháo gà,mùi hành thơm phức, lên tận phòng, cũng như pha sữa cho con cô. Quyên định, có lẽ sớm mai cô sẽ rời quán này. Phiền gã quá, cô nghĩ. Nhưng đi đâu bây giờ? Đó là một điều bản thân cô vô cùng lúng túng.
Sớm ấy, Quyên và gã ngồi dưới quán. Cô đã chuẩn bị sẵn. Có lẽ sau buổi nói chuyện với gã, cô sẽ lên đường.
Đứa trẻ sơ sinh ngủ ngon lành. Hình như nó đang cười. Đôi môi hồng tươi, bàn tay nhỏ xíu, trắng hồng đặt trên chiếc khăn bông màu hồng. Mùi ca-fê thơm ngan ngát. Gã ngồi yên trong câu chuyện dài mà Quyên kể với gã. Im lặng chừng dăm phút. Lòng Phi thấy thương thay cho hoàn cảnh của người đàn bà xa lạ. Cô ta thực đẹp. Mình thì mơ một gia đình yên ấm chẳng có. Sao cái thằng đàn ông nào ngu thế, không biết quý trọng nâng niu mà lại hắt hủi người đàn bà đẹp như tiên thế này. Giá mình nhỉ, thôi thì được cả trâu lẫn nghé! Gã bất chợt nẩy ra ý nghĩ, dù thoáng qua, nếu cô là vợ mình nhỉ? Gã mỉm cười.
-Cô định đi đâu? -Phi nhìn vào mắt người thiếu phụ xinh đẹp và bàn tay mơn man cái đầu đứa trẻ.
-Tôi cũng không biết. Nhưng làm sao tôi có thể ở lại đây? Quyên ái ngại nhìn thẳng vào gã.
-Cô không nên đi. Cô phải lên Sở ngoại kiều của thành phố để trình diện. Sau đó người ta sẽ chu cấp tiền con cô và cô. Sống ở Đức phải có giấy tờ. Không thể chui lủi được, nhất là khi cô có con nhỏ thế này. -Gã thản nhiên nói và nhìn mắt Quyên -Tôi không hơn cô mấy, nhưng dù sao cũng biết ít nhiều về luật lệ nhập cư, có thể tạm thời phiên dịch, giúp cô làm đủ giấy tờ nhập trại. Cô sẽ ở lại đây. Hay cô định quay lại trại và gặp thằng da đen hoặc chồng cũ, cái thằng khốn nạn ấy? Tôi có gian phòng trên khá rộng. Trong khi làm giấy tờ để nhận một nơi ở, cô hãy ở tạm trên đó. Nếu thấy không hài lòng, cô có thể đi ngay. Tôi không phải là người xấu. Thực lòng. Cô nom vừa hiền vừa đẹp lắm! Phi không dấu được vẻ khâm phục thốt lên.

Quyên ngồi im lặng, quả là cô cũng không biết đi đâu. Tiếng Đức không biết. Vả lại, thực lòng cô không muốn gặp cái khuôn mặt đen xì và bộ răng trắng ởn ấy. Sợ nhất là, biết đâu đấy, cô lại chạm mặt người chồng cũ, xưa cô vô vàn yêu thương đã đẩy cô tới nút cùng của cuộc sống. Hay là cứ ở liều lại đây? Với Quyên, mọi sự chuyện giờ không quan trọng bằng con cô. Ừ, hay là ở lại. Mặt mũi người đàn ông này xem ra không đáng sợ. Vả lại bây giờ, cô đã từng trải rồi. Có con dao bên cạnh, cô sẵn sàng liều chết để tự bảo vệ.
Phi đi lại phía tủ. Gã loay hoay một lát, móc ra sau tờ báo dán bên cánh tủ hai tờ bạc năm trăm Eu mới cóng.
-Hôm nay sẽ mở cửa hàng muộn hơn, chúng ta ra Trung tâm mua một ít đồ cho bé bi đã. -Phi ân cần nói với cô.

Không hiểu sao Quyên lại đứng dậy ngay, ẵm con theo chân gã, bước xuống cầu thang như một cái máy.
Hơn hai tiếng sau, họ quay lại quán ăn nhanh và chuyển một đống nào sữa, nào áo, nào quần và bỉm, cùng bao nhiêu loại kem, nước tắm cho trẻ sơ sinh. Có cả một dàn các con thú nhỏ sặc sỡ, treo tòng teng cùng với vài ống kim loại trên một cái cần mà hơi động nhẹ đã phát ra tiếng đinh đong rất vui tai. Lâu lắm rồi, kể từ ngày xa khu rừng biên giới, nơi kẻ đã cưỡng hiếp rồi lại yêu cô, Quyên cảm thấy lòng ấm áp. Ngọn lửa bé xíu bừng lên trong cô không lớn lao gì, nhưng ở hoàn cảnh này, dù sao nó cũng mang lại cho cô một niềm vui nho nhỏ. Cô chợt nở nụ cười đầu tiên với Phi. Người mà cô bắt đầu cảm giác, gã như cái phao cứu sinh ném ra giữa sông cho một kẻ sắp chỉm nghỉm.

Quyên ở lại với gã trên căn gác ấy. Đêm đêm cô vẫn để con dao dài bên mình và đôi khi cô bừng giấc, ngẩng cổ lên, mắt mở trừng, cố gắng nín thở, không động cựa, nhưng tay nắm chắc lấy cán con dao, lắng nghe những âm thanh từ cửa vọng vào.

Gã chủ, Phi vẫn ngủ dưới quán. Ban ngày bận công việc, làm cho gã bớt suy nghĩ, nhưng đêm đến, gã vẫn trằn trọc. Rất nhiều lần, gã mò lên cầu thang. Cũng nhiều khi, gã đặt tay vào bên trái cửa, nơi cái bàn lề đã long ra, sệ hỏng. Chỗ ấy, có thể ẩy một cái và cái chốt sẽ lệch đi, cửa lệch chốt khóa không có tác dụng, cho gã lọt vào phòng dễ dàng. Nhưng không hiểu sao, gã chần chừ bao lần và không ấn vào cái bản lề hỏng ấy để lọt qua cánh cửa. Bao lần như thế rồi gã lại trở về tầng trệt thở thượt trườn lên trên bốn năm cái ghế kê bên nhau, thao láo mắt trong đêm. Sự khao khát làm tình, nhu cầu tự nhiên của gã thật dễ hiểu và gã lại tặc lưỡi, lại kéo quần ra và bật tivi, chọn kênh có film Porno.
Đêm ấy, ngay sau thủ dâm gã chợt hối hận. Bởi sự khao khát làm tình, âu yếm thực sự của một đôi tình nhân gã không có. Mà điều đó mới là điều gã mong muốn, thèm khát chứ không giản đơn là thỏa mãn cơn dục tính, dầu là khi bị kích thích, trước màn hình vô tuyến, trong cảnh sex đầy nhục cảm, dương vật gã cương lên chẩy ứ nước nhờn.
Khi ý thức đầu đủ như vậy, gã thấy buồn. Gã nhớ, thèm vợ! Gã mím môi, trừng mắt khi chợt hình dung ra Thị nhăn nhở cười, nhìn gã khinh bỉ và, khuôn mặt lạnh lùng của thằng bồ trẻ của Thị, cười nửa miệng như nửa khinh bỉ, nửa diễu cợt. Tay gã nắm chặt, như muốn vỡ trong đêm. Nhưng điều làm gã đau đớn nhất là khi gã nhớ lại những tháng năm ở quê nhà và tự phân tích. Thì ra cái gia đình của vợ chồng gã ở Việt Nam, dù con vợ gã chẳng ra gì, vẫn đỡ sứt mẻ, đờ bất trắc hơn so với khi bị đẩy ra nước người. Ở nhà, bố bảo Thị, dù có là con đĩ nữa, dám công khai trêu tức gã như hôm nay. Nghĩ thế gã bỗng thấy nhớ nôn nao cái làng của gã. Cái làng nghèo đói thật, lắm lệ tục cũ kĩ thật, nhưng vẫn còn đất cho gia đình gã bám rễ vào, khỏi tan rã vì Thị dù có đĩ thõa tới bao nhiêu, vẫn không thể có cơ hội một mình trơ tráo giữa họ hàng, làng xóm và ngay trong đại gia đình của gã và Thị. Nhưng gã không thể lí giải nổi vì sao, Thị có thể chóng quên tới vậy, trơ tráo tới mức như hôm nay, để không chỉ phản bội ngay gã. Gã không sao lí giải nổi, nguyên do gì gây nên điều làm gã căm thù, đau khổ bấy nay. Điều gì gây nên sự bất hạnh của không chỉ riêng gia đình gã, mà còn là sự chắp gá, tan rạn của ngàn gia đình khác. Bao câu chuyện buồn tương tự như gã, trong những người mà gã biết, khi họ lang bạt, đứt khỏi mảnh đất, những cái làng đói nghèo đã sinh ra họ.

Tuần sau, Quyên có giấy tờ ở trại.
Hai tháng trôi qua, giờ đây cô có tiền ăn cho cô và con, nhưng cô cũng chưa muốn bỏ gã mà đi. Nhiều khi, cô muốn tới sở ngọai kiều để xin về ở hẳn trại nào đó nhưng cô lại đắn đo. Nhất là sau những buổi trưa giúp gã tất bật bán hàng cho khách, cô nhìn thấy con cô dần lớn phổng lên và nó rất hay cười. Nụ cười của một phần xương thịt làm cô quên hết đau khổ, nhọc nhằn bấy nay. Vả lại, Quyên cũng ý thức rằng, thiếu cô, có lẽ cửa hàng sẽ kém hẳn doanh thu. Bởi cô đã nhận ra, sự có mặt của cô, những người khách ăn trưa thấy dường như ngon miệng hơn. Chẳng thế mà có thực khách nên đã nói với Phi: “Người giúp việc mày nói tiếng Đức còn chưa tốt, nhưng nhìn nụ cười trên môi nó, tao ngon miệng lắm.”

Còn một lí do nữa khiến Quyên ở lại. Đấy là số tiền mà gã trả cho cô hàng tháng. Nếu tính toán sòng phẳng, việc ăn tiêu của con và cô, Quyên cũng không muốn nhận tiền công gã trả. Vì mỗi trưa có vất vả, so với giá thành lao động chung trả cho đám người Việt ở thành phố này, bốn giờ lao động, mỗi giờ mười Euro, có lẽ vừa đủ cho cô và con ăn ngủ ở đây. Hàng tháng gã mua bao nhiêu thứ, từ bỉm tới sữa, nước dành riêng cho babi v.v… lại trăm thứ bà rằn khác. Thế mà Phi vẫn đưa thêm cho cô hai trăm một tháng. Như vậy, cộng với tiền xã hội, Sở ngọai kiều cấp khi cô nhập trại, Quyên có thể tiết kiệm một tháng khoảng năm trăm Euro. Cô tính, rồi cô sẽ trở về Việt Nam nay mai. Phải làm lại từ đầu! Như thế, ít ra là hai năm nữa, Quyên chờ cho babi đủ lớn, có thể gửi nhà trẻ và chí ra cô cũng cần một số tiền để có thể trở về mua một căn hộ tập thể nhỏ, khỏi phiền hà tới mẹ. Cam chịu! Bằng ấy lí do để cô ở lại với Phi, dù rằng bằng linh cảm của đàn bà, của con thú yếu, cô nhìn thấy ánh mắt Phi vẫn là ánh mắt của một con thú đực sẵn sàng có thể vồ lấy cô mà cắn xé. Điều đó dần trở thành ý thức cảnh giác, khi đêm đêm cô nghe thấy tiếng chân rón rén của gã ngoài cửa của gian phòng mẹ con cô trú ngụ.
Mùa đông năm ấy tuyết rơi muộn, nhưng lại khá lạnh. Gió hú khan từng cơn, vọng vào nơi mẹ con Quyên nằm. Hai đêm liền, băng rơi như muối rắc, đứa trẻ có vẻ khó ở, rồi cơn ho bất ngờ trong đêm làm Quyên bừng thức. Cặp nhiệt độ chỉ gần bốn mươi mốt độ. Quyên hoảng hốt. Đứa trẻ nóng như hòn than, khóc ré lên từng hồi.
Phi cũng khong ngủ được vì tiếng khóc ấy. Gã sốt ruột, bước vội lên cầu thang và gõ cửa.
Sinh con lần đầu, Quyên hoàn toàn không có kinh nghiệm. Phi sờ đầu đứa bé. “Sốt cao rồi. Phải gọi điện cho xe cấp cứu!”

Nhìn khuôn mặt đỏ ửng của con, Quyên phó mặc gã xử lí. Có lẽ phải tới mươi lăm phút sau, xe cấp cứu mới tới. Những người trong đội cấp cứu mặc áo dài trắng của thành phố này đã quá quen với việc xử lí cho trẻ con ốm trong đêm. Họ trấn an Quyên bằng những nụ cười hiền lành và mau chóng phát hiện bệnh viêm họng cấp của con cô. Bệnh cũng chưa tới nỗi phải nhập viện. Họ tiêm một phát cho đứa trẻ, đút viên thuốc giảm sốt vào đít và viết đơn thuốc, rồi mau chóng trả lại sự yên tĩnh cho mẹ con Quyên.
Quyên đặt con vào nôi và ngồi bên con. Đã hai giờ sáng. Phi kéo ghế ngồi bên đứa trẻ lo âu nhìn. Họ im lặng bên nhau tới nửa giờ. “Anh đi ngủ đi!” Quyên ái ngại cất tiếng. Gã nhìn Quyên. Chỉ còn đèn tường vàng liu điu chiếu, nhưng lại là thứ ánh sáng làm khuôn mặt Quyên sâu hơn, biểu cảm hơn. Phi bước tới bên giường và ngồi bên Quyên. “Anh thức cùng em!” Gã nói và đưa bàn tay lần sang nắm lấy tay Quyên.

Đàn bà lạ thật. Thời gian ở đây, đã năm sáu lần, sau khi ăn xong bữa tối, Phi đã nắm tay Quyên như vậy, nhưng Quyên vẫn khước từ nhẹ nhàng, gỡ tay gã ra. Theo Quyên, nếu người ta không yêu nhau thì không nên như vậy. Cô thừa hiểu, điều đó sẽ dẫn tới cái gì. Thế mà đêm nay, Quyên cứ để yên bàn tay cho gã nắm. Quyên có yêu gã đâu, vậy mà cô cứ để yên bàn tay cô nơi tay Phi.
Con người ta, giữa hai giống, cái nắm tay nhiều khi cũng nguy hiểm như một nụ hôn. Bàn tay Quyên mềm mại và ấm. Lúc này, với tình trạng cô độc bấy nay của gã, cái nắm tay như những giọt mưa xuân mà gã là đám cát đã bị khô hạn. Sức nóng âm ấm ở nơi tay Quyên, y chang như có dòng điện rất nhanh lan truyền sang tay gã và lập tức làm gã run rảy.
Sự run rẩy của gã không che dấu được Quyên. Cô cảm nhận được dòng điện đang chạy trong gã. Cô nhìn sang. Khi ấy, gã cũng quay sang, bốn mắt gặp nhau.
Cảm thấy cợ hội có một không hai đã tới. Phi ôm lấy hai vai Quyên. Bàn tay gã nóng. Gã kéo đầu Quyên ngả vào vai mình. Trong tích tắc, Quyên không kịp suy nghĩ, cứ để gã hành động. Cô ngửi thấy mùi đàn ông. Cô cảm thấy sức nóng đôi bàn tay gã xoa trên tấm lưng mềm mại của cô. Bản năng bấy nay chìm xuống, giờ đây ở phút yếu lòng thường tình, Quyên thấy có dòng điện từ gã truyền sang, làm nhịp tim của cô nhanh lên.
“Hôn, Hôn ngay!” Gã tự nhủ. Đôi môi Quyên mọng. Đắm đuối và hấp dẫn đâu đó, gần lắm. Gã nhẹ nâng mặt Quyên lên và bất ngờ gắn vào đôi môi có sức cám dỗ kinh hồn kia một nụ hôn.

Không! Quyên giật mình, đẩy gã ra. “Anh đừng làm như thế!” Quyên quờ tay ra sau, nơi đầu gường, nắm phắt lấy con dao dài mà cô thường để ở đó và lùi lại, vung lên. Phi nhìn Quyên. Rõ ràng, người đàn bà này có thể chém gã. Đôi mắt hiền nhung hôm nào, giờ nhìn gã trân trân không chớp. Khí sắc của con thú cái nhe nanh tự vệ. Tích tắc, gã tự thấy chán chường và đau khổ. Gã bỗng sụp quỳ xuống thảm và, nhìn Quyên với đôi mắt tha thiết, chân thật. Thốt lên: “Xin em hãy giết đi. Tôi khổ lắm. Tôi bị….bị cắm sừng. Tôi như con chó vất vưởng. Tôi muốn có một gia đình êm ấm. Tôi không có ý định chiếm em chốc lát. Hay là em trốn đi cùng tôi? Ta tới nơi nào đó, dựng quán và nuôi con, đẻ con và em làm vợ tôi” Gã khóc thật. Bao nhiêu nỗi thương đau, căm thù bấy nay làm gã tự thương gã mà khóc.

Quyên ném con dao xuống. “Đàn ông mà khóc? Hèn thế! Nhưng gã cũng đau khổ như mình.“ Quyên ôm lấp đầu gã. Ở chốn tha hương, con người ta, nếu trai qua ít nhiều khổ đau, trong tâm thế giống nhau, dễ trồi ngay lên thứ tình cảm như Quyên, dù nó mong manh, thoáng lát; dầu rằng, cô tự biết, cô không yêu gã. Cô chỉ thương mình mà thương gã. Quyên kéo gã đứng dậy: “Thôi anh đi ngủ đi. Mẹ con em biết ơn anh. Bây giờ chưa phải lúc nói việc vợ chồng” Quyên nói với gã, giọng cô êm nhẹ và bình thản, như tiếng một người chị nói với em làm gã bình tĩnh lại. Gã ngước lên, nhìn cô vài giây và thấy đôi mắt Quyên khi đó có cái gì đó mơ hồ nhưng tha thiết và dịu dàng. Gã thui thủi đi xuống nhà, tay chùi nước mắt vẫn ràn rụa.
Những ngày sau đó Phi vui hơn. Buổi sáng dậy sớm hơn để chuẩn bị cho quán xá, cho mẹ con Quyên ăn sáng. Gã hay huýt sáo. Những bài hát ẩm ướt, sặc mùi tình ái mà gã nghe đi nghe lại trong băng Thúy Nga Paris.

Quyên thường thức dậy sau gã. Nhiều buổi sớm trên gác, nghe thấy điệu sáo của gã vọng lên làm Quyên muốn bật cười mà không sao cười được. Giữa Quyên và gã là hai thế giới khác nhau, có biên giới, hai vùng đất khác nhau, khó thể hòa hợp. “Phi xuất thân từ nông thôn. Nông thôn thì môi trường văn hoá chẳng có gì, ngay từ khi trẻ thơ, nên tâm hồn gã chỉ có thế!” Cô nghĩ - Được cái, ở sâu kín trong người như gã vẫn còn điều quý giá mà cô nhận thấy, đó là tấm lòng của gã với mẹ con cô trong cơn hoạn nạn. Đó là sự thẳng thắn bộc bạch những khát khao giản đơn, chồng vợ. Nó khiến cô mủi lòng. Câu chuyện của gã, về người vợ và nhân tình của vợ, chiều hôm kia gã tâm sự làm cô đêm ấy trằn trọc. Cô cũng đồng ý với gã rằng, ở Việt Nam, nếu còn trong cái làng ấy, họ có thể còn là một gia đình. Dù không êm ấm nhưng dư luận làng xã, “mối gắn kết hàng ngàn năm, có quy phạm ở những điều không văn tự nhưng tương tự như hương ước” cũng có thể giảm phanh ở phần bản năng xung mãn của con người. Nhưng cô cũng manh nha nhận thấy, mọi tập tục sinh ra và phát triển trong lũy tre làng ấy, dường như chẳng bền vững. Nó chẳng bền vững, tàn úa ngay khi họ rời lũy tre lên thành thị, trong tổ quốc. Nó có thể còn lại bao nhiêu ở nước người, khi mà ở đây, người ta nhắm mắt hay không quan tâm tới những gì người Việt như cô quan tâm? Cảnh trí khác biệt, con người khác biệt, trật tự suy nghĩ, khao khát, ước mơ, sự quan tâm của một người trong một ngày ở con người bản địa và những người Việt cũng nhiều thứ dị biệt và, người Việt như cô nhằm tồn tại với miếng cơm manh áo đã mặc bản năng hành động? Nhưng bản thân cô cũng không thể lí giải vì sao, nó lại như vậy? Như vậy, khi mà chính bản thân cô cũng là nạn nhân, rơi vào sự tan rã quan hệ với chồng, với cả những người Việt và nếp sống của họ hình thành trong trại bấy nay, trên đất người ta. Nếp sống có tính bầy đàn của những kẻ vượt qua sông tìm vùng đất mới, trong sự vốn hạn hẹp của nhận thức, đã bộc lộ biết bao điều bất cập khiến cô nghi ngờ chính bản thân cô. Cô thấy rõ những kẻ đồng hương cô thiêu thiếu một điều gì đó, điều gì đó có tính rộng khắp, bao trùm lên toàn thể cộng đồng của cô. Những mốí quan hệ giao du đầy bất trắc và nham nhở, khiến chính cô cũng canh cánh đề phòng tất cả. Cô phải ra đi thôi. Quyên không thể ở với Phi với tư cách là vợ hờ của gã. Sống như thế không thể hạnh phúc. Chính từ nhiều câu chuyện xảy ra ờ đây do Phi kể lại, Quyên nhận ra, theo cô, tình yêu là “trạng thái người” nhiều bí mật khó lí giải. Cũng theo cô, có nhiều ngả dẫn tới trạng thái đó, nhưng hôn nhân phải có cái gốc từ tình yêu, cần sự tìm tới nhau hết sức tự nhiên của hai cá thể khác giống. Mọi sự chắp vá, gá mượn, do hoàn cảnh tạo nên, từ xuất phát điểm không có cái gốc là tình yêu, kể cả từ ham muốn một gia đình tưởng là chính đáng của Phi, khi bị thời gian bào mòn, thì mọi sự gá mướn, chắp vá, tưởng bền vững ấy, sẽ vỡ vụn, tan biến, thậm chí có thể dẫn tới kết thúc đầy bi kịch. Những câu chuyện của Phi kể về bao gia đình trên xứ này làm Quyên nhận ra điều gì đó không ổn. Cô không thể gá với Phi, dù gã đã cho cô cảm giác dần dần nhận ra, gã vụng về, thô kệch, xù ráp, nhưng là một người không xấu, thậm chí giàu tình cảm. Nhưng điều đó chỉ làm cô thương gã. Cô có thể nói thật với gã và tìm cách trả ơn gã sau này được không? Quyên có bao nhiêu giây phút băn khoăn, suy nghĩ như thế, mà chưa có dịp để nói ra điều ấy, trong hai tuần sau đó. Nhưng có lẽ, phải chuẩn bị trước, nếu muốn rời bỏ nơi này. Hay là cô về trại? Không được! Về trại tị nạn, cô lại phải nhìn thấy những bộ mặt cô biết trong cái tuần đầu tiên đau đớn khi tới thành phố này tìm chồng. Mà nhỡ ra, lại gặp chồng cũ của cô thì sao? Vậy đi đâu nhỉ? Cô chẳng thể đi đâu được, vì cô chưa có công ăn việc làm, không đủ tư cách để thuê một cái nhà riêng ở thành phố này hay bất cứ nơi nào trên nước Đức. Cô mong cầu cho con cô lớn nhanh lên. Nhiều khi, cô lầm rầm lạy trời, cầu cả người mẹ còn sống của cô ở Hà Nội. Những suy nghĩ quẩn quanh như thế làm bế tắc và cô chạnh nhớ mẹ nhiều hơn. Cứ nhớ mẹ là nước mắt cô tự tứa ra, chảy xuống, lăn dài trên đôi má phơn phớt trắng hồng, rất đỗi mịn màng, còn đẹp lắm của cô.

Tháng mười hai, một ngày tuyết bỗng rơi suốt trên thành phố. Đêm nghe gió thổi hun hút, hú dọc phố vắng, làm cô rùng mình. Cô không đủ can đảm nhìn ra ngoài cửa sổ khi đường phố toàn một màu trắng phớ, cho cô cảm giác lạnh ghê người. Phi cũng nongs ruột. Gã cứ lên lên xuống xuống, ra ra vào vào, cằn nhằn rằng, từ nay tới Noel, có tất cả những sáu ngày nghỉ và gã sẽ đóng cửa hàng. “Tuyết rơi nhiều quá thì chẳng có ma nào tới ăn quán cả!”
Những bữa nghỉ, tự nhiên cả hai thấy trống chếnh. Nhất là khi con Quyên ngủ, ngôi nhà im lặng như nhà mồ. Bên ngoài trắng phớ. Tường nhà xung quanh họ cũng trắng phớ. Cái lạnh không phải chỉ từ ngoài ngấm vào. Cả hai đôi khi như hai cái bóng lạnh bên nhau cả vài giờ. Phi mua thêm một cái tivi cho mẹ con Quyên xem, đặt trên phòng gác. Cũng đôi khi, Phi xem phim cùng mẹ con Quyên. Thường là chỉ tới mười giờ, gã ý tứ xuống phòng dưới. Cũng may là từ sau đợt viêm họng lần đầu, hình như đứa con Quyên cứng lên và thích nghi với môi trường ở đây, như “tre qua đốt”, ăn ngủ rất ngoan.
Đêm ấy tự nhiên gác trên mất điện đột ngột. Quyên thấy chiếc đèn xanh của chiếc máy ủ nóng sữa ăn đêm của con cô tắt ngấm. Đèn xanh mờ bên ổ điện cũng tắt. Quyên dò dẫm ra cửa bước xuống cầu thang. Cô đoán, có thể automat của tầng hai sập xuống như hôm nào.
Phi trước màn hình. Gã nằm ngửa và qua ánh sáng hắt ra từ màn hình, Quyên đủ nhận ra gã đang làm gì.

Cảnh tượng ấy làm Quyên hoảng hốt. Cô chợt hiểu. Cô chạy gấp lên gác và thở mạnh. Tiếng chân của Quyên làm Phi giật mình. Gã chớp tắt vô tuyến. Sượng sùng kéo quần lên và chạy lên gác.
Trong bóng tối, ánh sáng từ đèn đường qua cửa sổ, để gã đủ nhận ra bóng Quyên ngồi, như pho tượng bên mép giường. Hình như cô đang giơ tay giữ ngực. Có lẽ cô ta ghê tởm lắm. Gã đột ngột sụp quỳ xuống, nói như khóc:
“Em ơi, hãy tha thứ cho anh.” Im lặng giây lát, gã nói tiếp:
-Nếu như em là đàn ông, rơi vào hoàn cảnh như anh, em có thể hiểu cho… Tôi….tôi không làm thế nữa! Anh van em.” Gã lê gối, bò dần tới sát chân Quyên.
Không nhận ra khuôn mặt Quyên khi ấy. Trong lòng cô trào lên một cảm giác khó tả. Thương gã ư? Không phải! Ghê tởm gã ư? Không phải! Cô muốn rời xa ngay xứ xở này. Có gì xa xót, xiết nghẹt, bóp chặt trái tim cô. Quyên mím môi, cố không bật ra tiếng khóc. Cô hít thở thật sâu, lấy lại bình tĩnh.
-Anh chữa lại điện đi, Automat có lẽ sập rồi! Quyên cất tiếng.
Im lặng tới dăm phút. Phi đứng dậy, nhanh chóng xuống gác. Gã tìm được nguyên nhân mất điện, gẩy lại thanh tự động đã sập xuống rồi len lén đi nằm trên chiếc giường gấp, loại ba tấm đệm dầy, hôm nào Quyên mua ở cửa hàng chăn nệm thành phố bê về cho gã.
Trên gác, Quyên vẫn trằn trọc. Cô phải đi thôi. Cô không nên nấn ná ở đây. Có thể tới Sở ngoại kiều, trình bầy thật hoàn cảnh của cô, để chuyển trại. Cách xa đây hai ba trăm cây, nghe nói có một trại nữa, heo hút trong một cánh rừng, ít người Việt Nam. Càng ít người Việt càng tốt. Cô nghĩ như thế rồi nhắm mắt đếm.