Chương 2

Gã trằn trọc.
Tôi biết em chẳng bao giờ yêu tôi cả. Tôi chiếm đọat hết thân xác em và thỏa mãn tới cùng cực mọi thèm khát, nhưng tôi biết em chưa khi nào yêu tôi. Đó cũng sự cân bằng, sự trả giá, bởi vì chúng ta gặp nhau, tôi đã chiếm đoạt thân xác mà không có tình yêu…Nói toạc ra là trước đây, tôi cũng chẳng yêu em. Yêu là cái cục cứt.
Tôi chẳng dấu gì em cả. Tôi đã một lần có vợ. Vợ tôi không đẹp được như em. Nhưng chúng tôi yêu nhau. Cô ấy là diễn viên múa thuộc đoàn văn công X. Chúng tôi có một căn nhà cấp bốn sập sệ ngoại thành Hà Nội. Còn tôi, khi ấy tốt nghiệp Đại học Lâm nghiệp xong được phân công về Bộ, trong bộ phận Nghiên cứu phát triển rừng đầu nguồn. Suốt một thời, tôi nghĩ rằng, cô ấy là người đàn bà đẹp nhất trên đời. Mà nói thực, thân hình vợ tôi cũng tuyệt lắm. Tôi muốn có một đứa con, nhưng cô ấy chưa muốn. Cô ấy nói, nghề của em chủ yếu trông vào thể hình. Bây giờ còn múa được, có con thì ai dùng, lấy gì mà ăn? Cô ấy có lí, có một diễn viên cùng đoàn, có con vào trông như bà phán. Có ai muốn xem “bà Phán” múa đâu! Mà tôi thì chưa nuôi được vợ. Nhưng rồi năm sáu năm trôi đi, cô ấy cũng chẳng khá hơn trong nghề nghiệp tí nào. Vợ chồng vẫn cứ hai cái bếp dầu, một cái giường phân phối và hai cái quạt con cóc. Bát đĩa cái sứt, cái mẻ. Tôi đi công tác liên miên nên chẳng khi nào đưa vợ được một xu. Cô ấy nạo thai tới bốn, năm lần trong hai năm. Lần cuối cùng, một sự cố kĩ thuật, cô ấy vĩnh viễn không bao giờ được làm mẹ. Tuy thế, tôi chưa khi nào hao giảm tình yêu với vợ. Đôi khi nghĩ lại, tôi oán cái vô dụng của chính mình. Năm ấy đoàn đi biểu diễn ở Tây Nguyên, biên giới, hải đảo. Ba tháng sau về, cô ấy lăn ra ốm hơn hai tháng. Tưởng chết. Khi ấy thương vợ lắm mà chẳng tìm cách nào thoát ra được. Lúng túng vô cùng.

Thời gian ấy, người ta ào ạt tổ chức các đợt xuất khẩu lao động. Đoàn văn công của cô ấy có hai xuất. Bàn đi tính lại, tôi để cô ấy đi. Làm thằng đàn ông, không nuôi nổi mình, phải để vợ đi xa kiếm tiền là sự hèn hạ, kém cỏi không thể tha thứ. Người ta bấy giờ có câu, cho vợ cho ra nước ngoài kiếm ăn, như có xe đạp Pờ-Dô mang ra Bờ Hồ không khoá. Tôi cóc tin! Sau này khi đã đổ vỡ hết cả, tôi tự trách mình.

Xa nhau sáu tháng, tôi trống chếnh vô cùng. Tôi ăn uống vạ vật. Bạ đâu ăn đó, rộc rệch hẳn đi. Những chuyến công tác dài ngày trên rừng còn có anh em lâm trường, anh em các xã vùng núi, vui vui một chút, vật chất ăn uống có khi đỡ hơn là sống tại nhà mình ở Hà Nội.
Tôi nói thêm cho em biết rằng, công việc của tôi rất thú vị. Có thể chính vì nó mà đôi khi tạm quên đi nỗi buồn khi biết, mình chẳng bao giờ có một đứa con. Thường sống với rừng, những khu rừng nguyên sinh đầu nguồn với bao bí mật, mà khi nghiên cứu nó thấy đầy hấp dẫn tới ma quái. Nhưng người ta không thể uống nước lã để yêu. Dù yêu vợ hay yêu rừng.
Yêu! Người ta nói trò cặp bồ yêu đương lung tung trong những đội quân xuất khẩu làm tôi như ngồi trên chậu lửa. Hơn tháng sau, những lá thư nồng nàn thương nhớ của cô ấy bay về làm tôi cũng yên lòng đôi chút. Tôi nhớ vợ, từng đêm nhớ những lần ân ái, nhớ mùi tóc, mùi nách, mùi miệng… bao nhiêu năm đã quen hơi bén tiếng rồi. Cuối mùa đông năm ấy, cơ quan tôi cũng có hơn chục xuất đi Nga. Tôi vón vén toàn bộ những gì cô ấy gửi về, bán cả xe đạp, hai cái quạt con cóc, tất cả được hơn hai chỉ, đút lót bằng được cho tay nhân sự trên phòng lao động, để nhận một xuất sang Nga. Tôi liên lạc với vợ gấp mà chắc cô ấy không nhận được tin.

Rồi tôi sang Nga. Hơn một tháng, tôi vẫn khó quen với cái lạnh khắc nghiệt trong những khu rừng Taiga, nhưng phải chịu vậy thôi. Bù lại, cuộc sống vật chất hơn hẳn ở nhà. Ăn uống thừa thãi và làm việc cũng cật lực. Tôi ở một đội thuộc một lâm trường khai thác gỗ, đúng với cái nghề của tôi. Chỉ khác là xưa kia, mình chỉ đạo công nhân, còn bây giờ, chính mình làm những việc ngày xưa đã hướng dẫn họ. Mà còn tồi hơn, khi mỗi người công nhân Việt Nam khai thác gỗ, được người Nga khoán tới hơn mười khối gỗ một ngày.

Gã nhỏm dậy châm một điếu thuốc, gương mặt gồ ghề chợt lóe trong đêm tối. Gã nhớ lại, cảm như trong bóng tối thấy rõ toa tầu năm ấy, lần đầu tiên gã tới thăm vợ. Cách nhau cả hơn ngàn cây số, bao nhiêu thương nhớ tạo nên sự tưởng tượng của gã về đêm đầu tiên trên xứ người sẽ hưởng thụ tình vợ chồng. Gã cười thầm, nhớ cặp vú của vợ. Bầu vú bên trái có cái nốt ruồi đỏ mà gã gọi là “cái ti thứ ba”. Mỗi lần yêu thương, gã bú vào đó như đứa trẻ. Sự tưởng tượng của gã phong phú và mạnh mẽ tới mức tràn cả vào giấc mơ, khi gã gục mặt xuống chiếc bàn nhỏ, ngủ thiếp đi trong nhịp lắc nhẹ của con tầu cao tốc, và giật mình tỉnh giấc khi dương vật gã cứng đanh, làm cho khoảnh bụng phía trên căng và tức.

Cuộc gặp của chúng tôi trong ngày đầu tiên mang lại cho tôi hạnh phúc, niềm khao khát bao lâu được thỏa mãn. Tôi lao sầm vào vợ, không thèm khóa trái cửa. Căn phòng có hai người nữ khác cùng ở đã sơ tán. Gường cũng đủ rộng. Tôi ôm chặt lấy vợ, bấu vào cô ấy, tôi muốn tan ra, hòa vào nhau. Tất nhiên vợ tôi cũng đáp lại tình cảm của tôi, hoan hỉ. Tôi không hề biết rằng, những biểu hiện của tình yêu, tình dục thường lấn lướt, trộn lẫn không thể phân biệt được. Tôi sẽ ở lại đấy thêm một hôm, quá sang ngày thứ hai, bất chấp khi trở về đội, sẽ bị trừ lương một ngày và tiền thưởng quý.

Gã lại rít thuốc. Đôi mắt gã trong đêm tối, mỗi khi điếu thuốc hồng cháy, ánh lên những tia sáng man dại. Gã bất ngờ dụi điếu thuốc một cách dữ dằn trên chiếc đĩa nhỏ. Trong đầu gã hiện ra mồn một cái buổi chiều dài dằng dặc chờ vợ đi làm ca hai trở về. Gã lang thang quanh khu nhà ở cũng chẳng rộng lắm. Nước Nga bao la, lạnh rát trong tuyết trắng. Gã mò vào một quán rượu và giết thì giờ ở đó với những vại Kờ vát màu đen có vị hơi chua và vài li Vốt-ka thơm phức. Mười giờ kém năm phút, gã ngừng uống và trả tiền nhanh chóng rồi quay lại khu lao động Việt Nam. Mười giờ đêm, dọc hành lang loáng thoáng đám công nhân đi ca ba và từ nhà máy hết ca 2 trở về. Gã uống hơi quá đã kéo cổ áo rét cao lên che mặt. Bỗng gã khựng lại nghe tiếng ai quen thế trong bóng tối ở góc cầu thang tầng trệt. Vợ gã? Giọng vợ gã? Những kẻ yêu nhau có thể thính hơn chó? Đúng là tiếng vợ gã, dù rất nhỏ trong góc cầu thang hẹp. Gã căng mắt ra nhìn. Trời ơi, vợ gã.

Cô ấy! Rõ ràng là vợ hắn đang ngửa mặt lên đón nhận nụ hôn của một người đàn ông áo lông khoác ngắn to xù màu xám.

Ngay khi đó tôi giận lắm. Mãi về sau này, sống lâu hơn ở Nga, tôi mới biết là cái việc tất nhiên đến nó sẽ đến. Những người đàn bà ra đi xứ người kiếm ăn gửi tiền về cho chồng con, đa số đều phải gá vào ai đó mà sống, mà kiếm hàng, mà mua bán đổi chác lấy hàng hóa bán được giá ở Việt Nam gửi về nhà. “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén.” Dù yêu chồng con thế nào đi nữa, thì tình yêu, một thực thể tinh thần như một cơ thể sống, ở một vùng đất khác, thêm chất vi lượng khác, đã mọc chồi mới thay thế những ngày hôm qua và, ra hoa kết trái khác.

Tôi đã nện cho thằng cha ấy một cú trời giáng. Bất biết kẻ đó sống chết ra sao. Quay lại, tôi tóm nhanh lấy vợ tôi. Cô ấy lùi. Lùi sát vào góc cầu thang tối. Tôi bạt tai vợ mấy cái liền. Thế là chấm dứt. Tôi chạy lên gác như một thằng điên và thu xếp khăn gói, lao ra nhà ga về Mát rồi quay lại đội.

-Anh còn gặp lại chị ấy không?
-Không!
-Anh phũ phàng quá.
-Phũ phàng- Gã nhếch mép cười-Người đàn bà tôi yêu đã phản bội.

Cô ta ích kỉ hay thời buổi khó khăn làm cô ấy không muốn có con? Tôi, hay là cô ta có lỗi? Cô ta hoàn toàn vô sinh, đã chán tôi, hay cuộc sống nơi xứ người này, trong hoàn cảnh đơn chiếc đã xô đẩy, buộc người đàn bà phải chọn lựa một lối sống khác. Sự chọn lựa là tìm tới ai đó, nhờ cậy; tựa vào một người đàn ông nào đó, để mưu sống, mà có hàng, có tiền gửi về nhà! Kinh tởm và đáng buồn quá! Sự toan tính hoàn cảnh thúc ép thế, tạo ra sự gá tạm, gắn kết bao nhiêu người đàn bà đã có chồng, có con, có gia đình yên ấm ở quê nhà vào một người đàn ông khác? Nhưng tại sao, những điều dó không xảy ra ở quê nhà, một cách đa phần đàn bà đều phản bội lại chồng con như khi họ ra xứ người? Tôi không hiểu nổi, tại sao ở trong nước, cũng có bao nhiêu mối quan hệ phải nương tựa vào người khác, mà người ta lại không dễ dàng phản bội gia đình như khi ra nước ngoài? Tôi không lý giải nổi. Có một nguyên nhân nào đó đã đẩy chìm nghỉm những giá trị văn hoá, đạo đức, truyền thống bao nhiêu năm nay tan ra, rã nát…Không lí giải nổi, người ta càng đau khổ, rằn vặt và căm thù.- Gã cười gằn. Tiếng cười khô xác- Xem ra, cái thứ truyền thống ở đây bèo bọt thật, nhẹ bấc thật, chẳng còn giá trị cứt gì.
-Anh nói tiếp đi. Càng lí giải, xem ra anh càng phũ phàng hơn!- Quyên mạnh dạn nói.

Gã dướn người lên. Mắt buồn lắm. Gã nhìn thẳng vào đôi mắt cô, gằn giọng.