Thứ Ba, Quyên tới Sở ngoại kiều. Trên đường đi cô vẫn còn suy nghĩ, cấn cá việc có nên nói rõ lí do chuyển trại hay không. Bất nay từ những tiếp xúc ở quán, cô cũng thoang thoáng nhận ra rằng, người Đức, đại đa số nguyên tắc, sống không lắt léo và rất ghét dối trá, không có kỉ luật. Nhưng không phải họ sắt đá tới mức không có tình cảm, dù rằng có lần, có kẻ, qua làm việc với họ, thuật lại cho Quyên cảm giác khi nghe tiếng nein (không!) phát ra từ họ đầy lạnh lùng. Cầu trời, cầu phật, biết đâu hôm nay cô gặp một người có lòng trắc ẩn, có thể hiểu cô.
Ở hành lang chờ đợi, dăm người đồng hương đi trái vùng(6) bị thu giấy thông hành tạm thời đang nhăn nhó chửi thề bằng giọng miền trung. Một người Đức đang nói gì có vẻ bực bội với một thanh niên có vẻ là đồng hương của cô. Quyên len lén bế con ngồi vào ghế đợi trước phòng tiếp khách vần Q. Cô rất sợ những người đồng hương tới vấn an. Nếu họ hỏi thì sao, có nên xổ ra vài câu tiếng Hoa và lắc đầu tỏ ý không hiểu không? Quyên suy nghĩ. Nhưng chẳng có ai hỏi cô cả, dù rằng có hai ba kẻ liếc nhìn cô. Quyên quay mặt đi.
Thật may, tiếp cô là một người đàn ông thạo tiếng Anh. Ông ta có bộ râu quai nón đen xanh và môi tươi, mắt sâu, hơi nâu, cứ nhìn người đối thoại như cười cười. Quyên rất khó khăn trong việc kể lí do cô muốn chuyển trại. Tất nhiên, những việc như trốn khỏi viện, chuyện chồng cô mất tích, việc cô đang ở với bạn trai, cô phải nói hết, vì cô biết, với sự liên lạc, thông tin nối mạng có tính quốc gia, quốc tế của Đức, chỉ cần nhấp chuột là không có gì có thể dấu được họ.
Người đàn ông lắng nghe rất chăm chú. Đứa trẻ trong tay Quyên ngọ nguậy và tỉnh ngủ. Nó ngóc cổ lên, đôi mắt tròn xoe, đen lay láy hết nhìn mẹ lại nhìn sang người đàn ông Đức, rồi nở một nụ cười.
Nụ cười của trẻ con dường như gợi mở cho con người ta một thế giới khác. Thế giới của những niềm khao khát tốt đẹp, không lo âu, ưu phiền, thánh thiện… Nụ cười của con Quyên làm tay cán bộ Sở ngoại kiều bất chợt thấy vui, tăng thêm thiện cảm với người đàn bàViệt có khuôn mặt khả ái, dịu dàng kia chăng? Ông ta lắn lư mái đầu, lại nháy mắt như trêu đứa bé và cúi xuống mở ngăn kéo, lấy ra một con búp bê nhỏ rồi đưa cho con Quyên: “Thôi bà đưa con về đi. Tuần tới sẽ nhận được giấy tờ chuyển trại. Chúng tôi đồng ý”.
Quyên bước ra khỏi Sở ngọai kiều, không hiểu sao đường phố bỗng trở nên ít lạ lẫm đi. Cũng những đám cây ôn đới nở rất nhiều hoa vào mùa xuân trên đường phố, hôm nào khi chúng rực rỡ sắc mầu, đẹp lắm mà cô vẫn buồn, chưa thấy bao giờ là của cô, để chiêm ngưỡng, để thưởng thức, thế mà giờ đây, dù chúng giữa mùa đông, xác xơ cành lá, cô cũng không thấy xấu xí, đáng ghét, thậm chí nhìn chúng tiêu điều giữa mùa đông như vậy, cô bỗng cảm thấy có sự chia xẻ, vơi đi giá lạnh, cô độc. Tự nhiên, cái cảm giác ở trọ xứ người thốt nhiên biến mất trong giây lát. Quyên vui. Cô đưa tay nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của con, vẫy vẫy bàn tay con và chỉ sang bên kia đường, nơi trước một cửa hiệu có dàn trống, kèn, dăm ba người Đức mặt quần áo cổ truyền, đang chơi những bản nhạc vui nhộn: “Tùng rinh rinh tùng rinh tùng…”
Chiều hôm đó Quyên rất phân vân. Có nên bỏ trốn Phi không, hay phải nói cho anh ta biết. Không, anh ta là người tốt. Có lẽ không nên chạy trốn. Người ta đã cưu mang hai mẹ con như thế lẽ nào cô lại trốn chạy như một kẻ vô tình. Sẽ phải lựa lời nói cho anh ta hiểu, sự ra đi của Quyên là điều có lợi cho cả hai bên. Ừ, biết đâu đấy, tới một thời gian nào đó, nếu anh ta thực lòng yêu, Quyên cũng có thể thay đổi quan niệm về anh. Với Quyên, giờ đây không có điều gì bất biến, ngay cả khái niệm chung thủy trong tình yêu, tình chồng vợ cũng là một khái niệm phù phiếm.
Buổi tối chủ nhật, Phi đóng cửa hàng từ bốn giờ chiều. Đúng ra, gã chẳng có muốn một giờ nghỉ, thậm chí còn mong tuần có tám ngày. Cái nếp sống không bao giờ nghỉ ngơi ấy không phải chỉ riêng gã, mà của biết bao nhiêu người Việt bấy nay, khi họ sang đây, xứ xở này, với mục đích kiếm tiền, nhanh chóng có thật nhiều tiền để tải về nhà vô tình tạo nên một kiểu sống gấp gáp, tạm bợ, thật cơ hội, quên phắt cả bản thân họ, với nhu cầu tối thiểu thư giãn về thể xác, thì nói chi tới mọi nhu cầu nghệ thuật, văn hóa khác mà người ta sống trên đời cần được hưởng thụ. Nhưng từ ngày có Quyên, gã muốn mỗi tuần ít ra có một tối quây quần và nấu một bữa thật ngon. Tuần này, gã lôi về một con cá măng khá lớn và phăm phăm mổ cá, lọc xương, để bữa tối gã sẽ tái hiện món chả cá Lã Vọng, món cá mà Quyên có một lần nhắc tới, kể cho gã nghe.
Quyên cho con ăn xong, dỗ cho con gái ngủ rồi xuống giúp Phi.
Bữa cơm tối thật vui vẻ. Họ nhẩn nha ăn từ bẩy giờ tối và cùng nhau uống gần hết chai vang trắng. Gã luôn tay gắp cho Quyên. Không như mọi lần, chẳng bao giờ đụng môi vào chất cồn, đêm nay Quyên cũng uống tí chút, làm gã vui lắm và đổ hết chén này tới chén khác vào miệng.
-Anh Phi này.- Quyên cất tiếng, đôi mắt cô chợt nghiêm trang, bắt đầu câu chuyện. Gã nhổm lên về phiá Quyên: “Có việc gì thế em?”
Quyên ngần ngừ. Cô cảm thấy rất khó khăn: nên bắt đầu với gã như thế nào? Nhưng cô không phải loại người bạc bẽo. Cô không thể lặng lẽ bỏ ra đi. Dù thế nào, cô cũng phải cho gã biết, và nhất là phải bầy tỏ lòng biết ơn của mẹ con cô với gã. Quyên nhìn xuống mặt bàn, nơi có chiếc chén trà Anh đào mà gã vừa pha cho cô còn bốc khói:
-Anh Phi này- Quyên nhìn ra ngoài cửa số- Bấy nay mẹ con em thật biết ơn anh. Anh đã làm nhiều quá. Nhưng em không thể ở lại đây. Anh biết đấy, em chẳng làm gì để giúp anh hơn được! Nếu còn ở đây, em sẽ chỉ làm khổ anh thôi. Ừ, mà em cũng khổ. Tuần tới em đi trại khác rồi. Em không muốn bỏ trốn nơi đây như trốn khỏi bệnh viện. Em muốn anh biết và hiểu cho em. Suốt đời, mẹ con em biết ơn anh đã cưu mang.- Nói tới đấy mắt Quyên rơm rớm.
Phi sững sờ nghe cô nói. Gã nghe như nuốt từng lời. Mặt gã tái dần đi khi nghe hết những lời chậm trãi của Quyên và gã hiểu, đó là những lời nói rất thật, khó thể thay đổi ở con người bấy nay gã ngưỡng mộ, khao khát và khâm phục. Gã nhìn vào khuôn mặt, miệng, đôi môi mọng của cô, nhìn vào đôi mắt rất đẹp xa xăm, huyền ảo và nhận ra Quyên đang khóc. Cái thứ người như gã rõ ràng hèn yếu, sao mà chịu được nước mắt đàn bà, nhất là nước mắt ấy lại của Quyên. Gã đau đớn. Từng lời nói của cô làm mọi hy vọng, khát khao của gã tan biến. Trái tim gã như bị bàn tay ai đó dờ vàonắm lấy, bóp nghẹt. Nhưng Quyên đang ngồi đôí diện với gã. Nước mắt của người phụ nữ đẹp làm gã run rảy và trong lòng gã trào lên một niềm thương xót vô bờ. Bất chợt, gã đứng dậy , tiến tới bên Quyên và thụp quỳ xuống sát đầu gối Quyên. Không một lời, hai tay nắm lấy hai bàn tay Quyên. Mắt gã ráo hoảnh, nhưng đau khổ, ngước lên nhìn cô: “Thôi xin em đừng khóc nữa! Anh đau đớn lắm. Anh van em!” Nói xong câu nói ấy, gã như vơi đi gánh nặng và gã gục đầu trên hai gối Quyên.
Chỉ trong ba bốn giây thôi, ngôi nhà bỗng trở nên im ắng kì lạ. Cả hai con người nghe rõ tiếng tích tắc của đồng hồ tường, tiếng con tim đập chậm trãi của chính họ. Quyên cũng thấy xót xa. Cô thương mình và thương gã. Hai tay cô bỗng tự nhiên ôm nhẹ lấy đầu Phi, áp vào lòng cô. Bấy giờ trong cô nảy ra một ý định kì lạ. Cô nâng mặt gã lên và hôn vào môi gã một nụ hôn rất nhẹ nhàng.
Cái hôn ấy thực cực kì nguy hiểm. Nó lập tức làm Phi run rảy, tạo nên một sức mạnh khủng khiếp, giúp gã đứng dậy. Lập tức, gã kéo Quyên đứng lên và ghì chặt lấy thân hình mềm mại, đầy tố chất đàn bà, của người mà gã khao khát bấy nay. Hai khuôn mặt đối diện nhau trong giây lát. Phi chẳng thể kìm được, gã đưa tay lên và vuốt nhẹ lên mái tóc, sau gáy, sờ sẫm trên mặt Quyên, mắt môi, cả gò má và những sợi tóc mềm đen như đêm. Và làm sao mà cưỡng được, gã hôn. Cái hôn say đắm, nồng nhiệt của gã cũng làm Quyên, sau những mơn trớn, ve vuốt, tràn ngập thèm khát và yêu thương kia, cô làm sao từ chối được.
Trong vài giây thôi, Quyên mềm ra trong vòng tay Phi. Hơi thở thơm tho của cô tràn lên khuôn mặt Phi. Tim cô đập nhanh hơn, mặc cho gã đẩy cô nằm ra trên tấm thảm giữa đám bàn ghế của tiệm ăn nhanh. Chuyện cũng bình thường. Lát sau tấm áo của Quyên rơi xuống, lộ ra đôi vú trắng hồng, mây mẩy, đầy đam mê, thúc dục Phi. Trong con người Phi bấy giờ thoắt trào lên từng đợt sóng, sẵn sàng cuốn phăng cả Quyên, xoá nhòa mọi mặc cảm của Phi, dự kiến của Quyên. Giờ đây, chỉ còn lòng ham muốn, khao khát của hai con người cô độc đã thả lỏng cho tâm hồn họ gặp gỡ nhau, chia xẻ với nhau. Họ như trăm ngàn con người trên cõi thế gian này, trong vô thức tìm kiếm, không chỉ cõi hoan lạc vốn tạo hoá ban cho loài người, mà là sự giải toả tâm trạng cô quạnh bấy nay bị dồn ứ, kìm hãm. Sự thể diễn ra như vậy, nếu ai không rơi vào hoàn cảnh những kẻ lạc loài, bạt xứ, trong tận cùng cô độc, khó mà có thể hiểu nổi để thông cảm, tha thứ thậm chí thương cảm cho họ.
Thực ra, sau này nghĩ lại, tới giờ phút đó, Quyên cũng chưa yêu Phi. Cô cũng chẳng ý thức khi đó bản năng hay lí trí: “Để Phi yêu một lần, như sự trả ơn của cô” khi việc cô vẫn ra đi là điều không có thể lay chuyển. Sự thể tất nhiên chắc sẽ đi đến tận cùng cái năng lực nhục dục của cả hai, khi Phi trườn lên người Quyên, lên tấm thân ẩm nóng, trắng ngần không một mảnh vải. Đúng thời khắc có thể cho Phi niềm hạnh phúc vô bờ mà gã khao khát bấy nay thì cửa tiệm bật mở và đèn bật lên, chói lòa ánh sáng của hơn hai chục chiếc đèn ne-ong, bừng soi tất cả gian phòng ăn hơn bốn chục mét vuông.
* * *