Được sư phụ giảng giải một hồi và tiếp theo lời khen ngợi, Vương Trùng Dương phấn khởi và sung sướng trong lòng, kính cẩn nghe lời thầy dạy bảo. Thanh Hư chân nhân lại nói :
- Tuy vậy! Về công phu tập luyện của con mới qua được bước đầu, còn phải khổ công nhiều nữa mới đến chỗ toàn mỹ.
Nói xong, Thanh Hư chân nhân chỉ cách ngồi tĩnh tọa trên cây gãy theo cách tập luyện của Toàn Chân phái, hô hấp điều hòa để nhập định, tụ họp nguyên khí ở huyệt “Tam Thai”, vận khí lực lượng thân thể đưa ra, hít vào thở ra đều có phép tắc, giờ phút nhất định.
Bắt đầu từ ngày ấy, Vương Trùng Dương tĩnh tọa trên thân cây cùng sư phụ luyện tập và được sư phụ cho biết hang núi này là hang “Bách Cầm”.
Ở phía Nam chân núi Thái Thất có một nơi hẻo lánh không người qua lại, cảnh vật thật là quạnh hiu.
Chỉ có tiếng gió thổi lá reo vi vút như bản nhạc bất tận, có lúc dồn dập mãnh liệt, có khi chậm rãi đều đều, hòa lẫn với hàng trăm tiếng chim kêu ríu rít, thỉnh thoảng chen vào tiếng hót cao vút của loài chim sơn ca nên cũng bớt phần tịch mịch.
Nhưng khi mặt trời đã lặn, màn đêm buông xuống, cảnh núi rừng lúc đó mới thật là âm u ghê gợn, chỉ thấy một màu đen kịt, bốn bề im lặng như tờ, lâu lâu chỉ thấy vài con vạc đi ăn đêm cất tiếng kêu rời rạc buồn tênh.
Ở trên chỗ ngồi của hai thầy trò Vương Trùng Dương, chỉ toàn là lá cây rậm rạp, chen kín vào nhau không sợ gió mưa lọt tới.
Thầy trò an tâm ngồi tập luyện võ công. Cứ cách vài ngày, Thanh Hư chân nhân lại xuống núi đến thị trấn, mua lương thực đem về.
Thanh Hư chân nhân công phu đã đến mức cao siêu có thể tịch cốc, chỉ ăn một ít trái cây trong rừng và uống chút nước lạnh. Còn Vương Trùng Dương công phu luyện tập hãy còn non kém nên phải dùng đến thức ăn như người thường.
Dần dần về sau chàng cũng bớt đi, do đó có khi hàng tháng Thanh Hư chân nhân mới đi xuống núi.
Lúc đầu Vương Trùng Dương lấy làm khó chịu với tiếng chim kêu nhưng lâu dần quen đi, nhận ra tiếng hót của giống chim cũng có lúc Cương lúc Nhu.
Những điệu bộ bay lượn và những lúc nhào mình bắt mồi cũng như khi hai con chim chọi nhau lúc ngang lúc dọc.
Có con bỗng nhiên bay vút lên cao rồi lao mình thẳng xuống như lằn tên bay nhằm con chim ưng bổ xuống đã khiến cho Vương Trùng Dương suy nhận ra nhiều môn võ công lợi hại.
- Bắt lấy nó, bắt lấy nó! Lần này quyết không cho nó chạy thoát.
Tiếng quát, tiếng chạy cách xa hàng một dặm đường mà chàng nghe rõ mồn một. Đó là kết quả của mười tám năm luyện tập. Chàng không dằn được tính tò mò, Vương Trùng Dương tra kiếm vào võ, ra khỏi cửa hang nhắm nơi phát sinh tiếng nói, dùng thuật khinh công lao mình như tên bắn.
Gần đến nơi, Vương Trùng Dương tung vút người nhảy lên ngọn cây định thần nhìn kỹ. Chưa đầy một phút, chàng nhìn thấy một thiếu niên trạc độ mười ba, mười bốn tuổi, thân hình gầy ốm xanh xao, khắp mình đầy thương tích, quần áo rách tả tơi, phóng mình chạy như baỵ Đằng sau có một đám đông ước độ hơn bốn chục người miền sơn cước, cả thợ săn lẫn thợ cấy, kẻ cầm đinh ba người cầm gậy mộc, reo hò ầm ĩ, ra vẻ có ý định quyết đánh chết chàng thiếu niên đó mới thôi.
Lại có một số người vừa đuổi vừa ném gạch đá theo như mưa.
Nhưng chàng thiếu niên cũng không có vẻ gì sợ hãi, vừa tránh né những viên đá chết người đó, vừa nhặt đá ném lại. Những viên đá ném ra không viên nào trượt, thế nào cũng có một người trúng hòn đá ấy.
Bị trúng đá tuy không gây thành thương tích nhưng bọn người đuổi theo ấy càng thêm tức bực, nhảy cỡn lên tưởng chừng như sụp đất.
Chàng thiếu niên chạy tới chỗ Vương Trùng Dương còn cách xa chừng ba, vừa cúi xuống nhặt thêm đá, không dè một sợi dây thòng lọng của một người thợ săn ném vút ra. Nghệ thuật ném dây của người thợ săn thật là tinh diệu nên chàng thiếu niên ấy đã bị sợi dây quấn chặt lấy thân người.
Hoảng kinh, chàng thiếu niên chưa kịp đứng dậy thì người thợ săn đã kéo mạnh một cái, thân hình chàng lăn lông lốc như một quả cầu.
Cố hết sức giãy giụa, nhưng càng giãy bao nhiêu thì nút dây thòng lọng lại càng thêm thắt chặt bấy nhiêu. Cả bọn theo sau đều reo to lên sung sướng :
- Tiểu tử! Mi chạy đâu cho thoát.
Bỗng có hai người thợ săn cầm đinh ba chạy lại quát lớn :
- Mấy bác hãy tránh ra để tôi đâm gẫy hai chân nó cho nó hết chạy, sau đó hẳn đêm về trị tội.
Nói dứt lời hai người thợ săn nhắm thẳng ngay đùi chàng thiếu niên phóng hai mũi đinh ba tới. Hết đường chống đỡ, chàng thiếu niên thét lên một tiếng nhắm mắt chờ chết.
Vương Trùng Dương đứng ở trên cao nhìn thấy rõ ràng, nếu thiếu niên kia bị hai mũi đinh ba này đâm xuống thì không chết cũng tàn tật suốt đời. Động lòng trắc ẩn, không kịp suy tính Vương Trùng Dương quát lớn :
- Xin các ngài hãy dừng tay!
Vừa quát dứt lời, Vương Trùng Dương chao mình từ trên cao xuống nhanh như chim cắt, thành “Kình Điểu Xuyên Vân”. Chân chưa chấm đất, chàng đưa tay gạt khẽ một cái, hai cây đinh ba chỉ còn cách chàng thiếu niên trong gang tấc bỗng gãy thành hai đoạn, hai người thợ săn hai tay tê chồn ngã lộn ra phía sau.
Vương Trùng Dương vội chắp tay xin lỗi :
- Xin nhị vị lượng thứ, trong lúc bất cập nên trót xúc phạm đến hai ngài.
Chẳng hay chàng thiếu niên này mắc tội chi mà đáng chịu hình phạt thảm khốc như vậy?
Bọn người đi săn không cần phân biệt phải trái quát lớn :
- Súc sinh! Mi ở nơi đâu lại mà dám che chở cho thằng chó chết này?
Nói đoạn họ không cho Vương Trùng Dương kịp nói năng câu nào, bọn chúng đã dùng đinh ba gậy gộc nhắm người chàng đánh xuống tới tấp như mưa.
Cách đây hơn chục năm trời, Vương Trùng Dương tay không đã đánh chết mười bốn tên cướp đã bị sư phụ rất nhiều ngày nên hôm nay không dám khinh suất, chỉ vận dụng nội công gồng mình lên hứng chịu.
Mấy tiếng lốp bốp nổi lên, những binh khí gậy gộc đánh vào đều bị bật văng trở lại. Kẻ nào dùng sức quá mạnh thì đinh ba bồ cào đều gẫy ra làm mấy khúc bật văng lên cao và người thì ngã lên trên mặt đất.
Mọi người hết sức kinh ngạc, nhưng bọn người dân Sơn cước này bản tính hung hăng đâu đã chịu thua. Bọn chúng ra hiệu cho nhau nhất tề xông lại quyết dùng đông người để hạ cho kỳ được Vương Trùng Dương.
Họ xông vào ào ào như nước vỡ bờ. Vương Trùng Dương giơ tay phẩy nhẹ một cái, một luồng gió mạnh thổi lên như một sức mạnh vô hình đẩy bắn bọn người Sơn cước ngã dồn thành một đống.
Bây giờ họ mới thất kinh, nhiều người sợ quá mặt mày tái mét, run rẩy, trợn tròn cả con mắt la lớn lên rằng :
- Nguy to rồi, chắc nó có yêu thuật.
Trong khi đó, thừa cơ lúc mọi người không ai để ý, cậu bé tự tháo được dây trói, nhặt lấy một cây đinh ba định nhảy xổ vào đám đông đang bị té, hành hung.
Vương Trùng Dương nhìn thấy, lấy tay vẫy lại và nói :
- Này cậu nhỏ kia, không được gây sự nữa.
Chàng thiếu niên như con hổ điên lồng lộn định chồm tới, lạ thay sau tiếng quát của Vương Trùng Dương, cậu thấy như có một sức mạnh vô hình lôi kéo cậu trở lại.
Lúc bấy giờ, Vương Trùng Dương mới chắp tay thi lễ với bọn người Sơn cước và chàng đổi nét mặt với bọn họ tươi cười nói :
- Thưa quí vị! Chẳng hay cậu bé này đã làm điều chi xúc phạm đến nỗi các ông định giết chết nó, một đứa trẻ thơ miệng còn hôi sữa?
- Tôi nhân qua đây, quả thật không có họ hàng thân thiết gì với nó nhưng sợ các ông trong lúc nóng giận ra tay đánh chết nó thì cũng tội nghiệp nên tới định khuyên giảị Không dè các ông đánh cả tôi nên tôi phải đành chống đỡ, trót làm gãy những cây đinh ba và bồ cào của các ông, tôi xin bồi hoàn lại đầy đủ.
Bọn người sơn cước chưa kịp nói gì thì cậu bé đã kêu lên :
- Thưa thiếu gia, bọn này đều là những quân gian ác. Từ khi tôi mở mắt chào đời đã bị chúng ức hiếp, đối xử rất tàn nhẫn. Xin thiếu gia giúp tôi cho chúng nó vài gậy cho bỏ ghét.
Mặc dầu cậu thiếu niên nọ mình đầy những thương tích mà nó vẫn không có vẻ gì sợ hãi, đôi mắt long lanh sáng quắc, nhìn mọi người bằng cặp mắt căm hờn không có một giọt nước mắt nào cả.
Vương Trùng Dương gạt đi và nói :
- Thôi, không được nói bậy.
Bọn người sơn cước thấy chàng ăn nói lễ độ, y phục và cốt cách có vẻ một thư sinh nên họ cũng bớt hung hăng và quay ra bàn tán với nhau một hồi rồi họ cử một người lớn tuổi thay mặt ra nói với Vương Trùng Dương :
- Thưa tiên sinh, vì ngài ở xa nên không biết chuyện. Thằng Cẩu nhi này nó phá phách xóm làng, làm hại mùa màng của chúng tôi quá lắm. Nó còn sống ngày nào là chúng tôi khổ sở ngày ấy, không thể nào an cư lập nghiệp được.
Ông ta vừa nói đến đây thì thiếu niên kia có vẻ thích chí cười lên sằng sặc, vênh váo bộ mặt, chẩu mỏ nói :
- Đâu phải ta vô cớ phá phách các người. Ta nói thật, không những ta phá phách các người như vậy đâu, thế nào cũng có ngày ta sẽ đốt hết nhà của chúng mày đi thì ta mới hả giận.
Nói xong, cậu bé vung tay cái đinh ba đang cầm sẵn trên tay sấn sổ toan tiến lên đánh nhau với bọn người sơn cước. Vương Trùng Dương đưa tay ngăn lại, hỏi rõ đầu đuôi như sau :
Nguyên do thiếu niên này họ Châu, mẹ của cậu là con của một nhà nông dân nghèo ở dưới chân núi Tùng Sơn.
Tuổi còn trẻ mà đã góa chồng. Chồng chết được một năm thì nàng bỗng có thai, dân xóm sống tại đây cho bà là người hư thân mất nết, làm hại đến thuần phong mỹ tục, xấu hổ lây đến xóm làng nên nhiều người bàn nhau đánh chết bà đi.
Nhưng, có mấy vị phụ lão trong làng không cho chỉ hạ lệnh trục xuất nàng ra khỏi xóm.
Gia đình của mẹ cậu bé Châu rất thương con nhưng cho mẹ cậu là một người dâm đãng làm bại hoại gia phong nên cũng không thèm nhìn nhận.
Mẹ của cậu bé họ Châu thấy dân làng xua đuổi không cho nàng phân trần thì vừa tủi thân vừa xấu hổ, đi ra khỏi làng đến một khu rừng vắng vẻ treo cổ toan tự tử.
May có một bà tiều phu đi đốn củi ngang cứu thoát, hết sức an ủi lại đem về nhà cho ở, hết lòng cưu mang che chở. Đến ngày mãn nguyệt khai hoa, sinh ra một đứa con trai lấy họ Châu của người chồng cũ đặt cho nó.
Phần thì thiếu thốn cực nhọc, phần vì quá buồn rầu khổ sở nên chỉ mấy tháng sau mẹ cậu lâm bịnh nặng từ trần.
Trước khi nhắm mắt mới kể cho lão bà tiều phu biết rõ là bị một người họ Dạ hiếp dâm mà có thai và yêu cầu bà lão nuôi đứa bé làm phước.
Bà lão tiều phu cũng góa chồng không có con, thấy cậu bé họ Châu cũng kháu khỉnh thì vui vẻ nhận nuôi coi như con ruột. Trong xóm họ gọi cậu bé là Cẩu nhi sau dần thành quen đi.
Khi Cẩu nhi được chín tuổi, bà lão cũng từ trần. Tứ cố vô thân, Cẩu nhi ngày ngày theo người lớn vào rừng đốn củi đổi lấy cơm ăn. Những ngày mưa rét thì cậu đến những nhà ở trong xóm làm giúp hay là quét tước để kiếm cơm ăn qua ngày.
Những người trong xóm đều là những người cổ hủ, ghét mẹ cậu là ngươi lẳng lơ dâm đãng, không chịu thủ tiết thờ chồng nên ghét lây đến Cẩu nhi. Mọi người đều nhiếc mắng, chửi rủa, đối xử thật là tàn nhẫn.
Tuy còn ít tuổi, nhưng dân làng hiếp đáp, chửi bới thì Châu Cẩu Nhi đã căm tức trong lòng mà không dám nói ra. Nó tìm cách phá hoại ngầm. Nó rất lỳ không biết sợ hãi là gì cả.
Ở trong xóm không bao lâu người ta phát giác ra là lúa ruộng không biết bị con vật gì tới phá hư hỏng rất nhiều. Chia phiên canh gác thì không bắt được.
Tiếp sau đó, heo bị què, gà, vịt bị chết. Mới đầu thì họ cho là súc vật bị bệnh, nhưng sau họ thấy gà, vịt hình như bị đánh mà chết càng ngày càng nhiều.
Để ý dò la, biết chắc chắn là do tay Châu Cẩu Nhi gây chuyện thì mọi người đều tức giận, bắt trói Cẩu Nhi đánh cho một trận thật đau và đuổi ra khỏi xóm không cho ở nữa.
Châu Cẩu Nhi lại càng căm tức, đêm đêm trở về xóm phá hoại. Có lúc cậu vặt trụi cả một vườn rau cải vất la liệt trên mặt đất, có khi cắt cả một đám lúa non.
Lần này thì dân trong xóm giận lắm, quyết rình bắt cho được Châu Cẩu Nhi và quyết tâm đánh chết.
Nhưng cậu bé quái ác khi nào chịu để cho bắt được dễ dàng như vậy. Lúc nào trong xóm có đề phòng thì nó không đến, cứ nhè những ngày mưa gió rét mướt, không ai dám ra đường thì nó lại lần về phá xóm làng.
Những cái bẫy săn thú gài ở trong rừng, nó gỡ ra bẻ gãy tất cả vất la liệt trên mặt đất. Dân trong xóm tụ lại thành một đoàn kéo nhau vào trong rừng tìm kiếm Cẩu Nhi quyết cậu đi cho bỏ ghét, nhưng dễ gì bắt được cậu bé tinh quái đó.
Hàng năm trời như vậy, cậu bé Châu Cẩu Nhi làm cho cả xóm phải mất ăn mất ngủ. Bẵng đi một dạo không thấy nó đâu nữa, người ta bàn tán cho rằng vì thiếu ăn thiếu mặc cho nên nó đã chết trong rừng sâu, có người cho rằng nó bị ác thú ăn thịt, nhưng dầu sao họ cũng thấy dễ chịu, ăn ngon ngủ kỹ, không phải chia nhau canh gác như xưa nữa.
Thấm thoát đã được ba năm, mọi người đã lãng quên không còn ai nhắc đến Châu Cẩu Nhi nữa thì bỗng nhiên lại thấy lúa mạ ngoài đồng lại bị phá phách ghê gớm hớn trước. Không phải thú vật làm mà rõ là do con người tạo ra, vì mạ non, rau cải bị nhổ bật cả rễ vất ngổn ngang trên mặt đất.
Người trong xóm nhốn nháo cả lên và nghi quyết Châu Cẩu Nhi chứ không còn ai vào đấy nữa. Họ bèn họp nhau lại bàn mưu kế quyết bắt cho kỳ được Châu Cẩu Nhi mới thôi. Họ chia nhau ra mai phục xung quanh ruộng suốt đêm ngày.
Vào một đêm trời tối đen, lại thêm có một trận mưa lớn, mọi người kiên nhẫn núp đợi. Trời gần sáng mà cũng chẳng thấy gì, nhiều người chán nản định trở về thì đột nhiên thấy Châu Cẩu Nhi tay cầm cái cuốc ở trên núi đi xuống. Nhìn trước nhìn sau không thấy gì lạ, cậu bé lầm lũi đi vào trong ruộng giơ cao cái cuốc lên đào. Lúc ấy mọi người mới hò reo ầm ĩ đổ xô nhau ra vây bắt. Châu Cẩu Nhi biết mắc vào bẫy của xóm làng liền vất bỏ cái cuốc cắm đầu bỏ chạy. Dân làng đâu chịu bỏ.
Họ hô nhau đuổi theo, Châu Cẩu Nhi thoăn thoắt cắm đầu chạy trốn. Khi đến gần hang Bách Cầm thì bị dây thòng lọng của bọn người săn bắt thú rừng tung dây bắt được, nếu không có Vương Trùng Dương cứu thoát ắt đã bị dân làng giết chết rồi.
Vương Trùng Dương nghe hết đầu đuôi câu chuyện bèn quay lại nhìn Châu Cẩu Nhi nói rằng :
- Nếu người ta đã không ưa mày thì mày đi nơi khác, sao lại phá phách mùa màng giết hại gia súc như thế này có khác chi phường đạo tặc.
Rồi chàng quay lại ôn tồn nói với dân làng rằng :
- Thưa liệt vị! Thằng nhỏ này vì không có người dạy bảo nên vì tức giận làm liều, nếu bây giờ liệt vị có giết nó đi thì sự cũng đã lỡ rồi. Nay tôi xin đề nghị với các ông, tôi thay mặt nó mà thường sự thiệt hại cho các ông và xin các ông tha tội cho nó. Tôi xin bảo lãnh và khuyên bảo, quyết không để cho nó đến phá hoại các ông nữa.
Nói xong Vương Trùng Dương lấy trong bọc ra một nén vàng đưa cho dân làng. Mọi người bàn tán xôn xao, sau đó người đại diện cho dân làng mới nói :
- Thiếu hiệp đã có lời bảo chúng tôi xin tuân theo. Chỉ mong sao thiếu hiệp mang thằng nhỏ này đi nơi khác để cho chúng tôi yên ổn làm ăn là đủ rồi. Chúng tôi đâu dám lãnh tiền bồi thường của thiếu hiệp.
Vương Trùng Dương tươi cười nói :
- Không sao! Xin liệt vị hãy nhận số tiền này để tu bổ lại những nơi bị phá phách. Sự thiệt hại của liệt vị do thằng bé này gây ra cũng không ít. Tôi xin góp một ít để đền bù thay cho thằng Cẩu Nhi này mà thôi.
Nói xong, chàng cứ ấn nén vàng vào trong tay người đại diện của dân làng.
Thấy từ chối không được, người đó bèn nhận nén vàng và vòng tay tạ ơn Vương Trùng Dương và nói :
- Cung kính bất như tuân mạng. Chúng tôi cứ từ chối hóa ra phụ lòng tốt của thiếu hiệp. Vậy, tôi xin nhận về để giúp đỡ những gia đình bị thiệt hại. Lúc nào thiếu hiệp có qua tệ thôn xin ghé vào chơi cho chúng tôi được thừa tiếp thì thật là hân hạnh cho chúng tôi biết mấy.
Nói xong, người đó lại chỉ tay vào mặt Châu Cẩu Nhi mắng rằng :
- Tiểu tử! Mày còn nhỏ tuổi mà đã rắn mắt phá phách gây thiệt hại cho mọi người. Phúc nhà mày lớn lắm nên mới gặp thiếu gia đây ra tay nghĩa hiệp, nếu không chắc mày sẽ không còn tính mạng.
Cẩu Nhi chẳng những đã không tỏ vẻ gì sợ hãi lại còn châu mỏ “sì” lên một cái.
Sợ lại gây ra sự phẫn nộ của mọi người, Vương Trùng Dương bèn gạt cậu bé ra đàng sau rồi quay ra vái chào mọi người nói :
- Thôi xin liệt vị đừng chấp. Vì nó còn nhỏ chưa biết gì, hãy nể mặt tôi mà tha cho nó.