Hồi 1

Huyện Trần Lưu

Thanh Hư Chân Nhân Thu Đồ Đệ

Về cuối đời nhà Tống, tại tỉnh Hồ Nam, huyện Trần Lưu có một viên ngoại họ Vương tên là Ỷ Khuyên, thê thiếp đến tám người, nhưng rất hiếm hoi, chỉ người thiếp thứ năm tên là Thảo Hồng sinh được một trai đặt tên là Vương Tiêu Thu, năm đó được tám tuổi. Từ lúc mới sinh ra, Vương Tiêu Thu vẫn ốm o vàng vọt. Bao nhiêu thuốc hay thầy giỏi, Vương viên ngoại đều rước về chạy chữa cho Vương công tử, nhưng đâu vẫn hoàn đấy.
Một bữa kia, Vương Tiêu Thu ra hoa viên vừa leo lên cái đu chưa kịp nhún nhẩy bỗng ngã lăn xuống đất bất tỉnh. A hoàn theo hầu cả sợ kêu réo om sòm, Tiêu Thu không cựa quậy chỉ nằm thở thoi thóp, a hoàn vội bồng công tử chạy vào nhà báo tin cho Vương viên ngoại. Tin đến như sét đánh, Vương viên ngoại thất kinh một mặt cho người đi mời thầy thuốc, một mặt tìm cách cứu tỉnh. Thảo Hồng ôm công tử lăn khóc thảm thiết. Trong nhà nhốn nháo cả lên. Một lát gia nhân mời thầy thuốc đến xem bệnh tiếp Tiêu Thụ Thầy lắc đầu, cho biết công tử đã quy tiên. Thế là tiếng khóc nổi lên ầm ỹ, vì hiếm hoi chỉ được một mình công tử, Vương viên ngoại yêu quý mười phần.
Trước tình cảnh đó, viên ngoại cũng bứt râu bứt tóc than thở chẳng cùng cho là mình vô phúc. Viên ngoại sai người đi mua quan quách để mai táng cho Vương công tử và đi mời thầy chùa tới làm chay cầu cúng luôn ba ngày, tới ngày thứ ba sửa soạn chôn cất thì có một vị đạo nhân mặc áo màu xanh xin vào ra mắt viên ngoại. Trong lúc đang buồn rầu, viên ngoại đã toan từ chối không tiếp vì thấy vị đạo nhân kia xăm xăm đi vào, cực chẳng đã viên ngoại vội ra vái chào, rồi cất tiếng hỏi :
- Được biết đạo trưởng giáng lâm nhưng vì trong nhà đang lúc bối rối, nên không kịp nghênh tiếp, chẳng hay đạo trưởng có điều chi dạy bảo?
Đạo nhân chắp tay đáp lễ và nói :
- Mô Phật, bần tăng nhân vân du tới đây, nghe thấy quý trang có chuyện chẳng lành, nên muốn coi qua lệnh lang may ra có thể cứu được chăng?
Vừa lúc đó, gia nhân đang khiêng quan tài đi chôn, đạo nhân khoát tay bảo mang vàọ. Viên ngoại líu ríu theo sau. Đạo nhân sai lật nắp quan tài ra xem. Vừa thấy mặt Vương công tử.
Đạo nhân thốt lên hai tiếng :
- Lạ thật, lạ thật.
Vương viên ngoại và Thảo Hồng đều xúm lại coi. Lạ thay! Khác hẳn với lúc Vương công tử còn sống, lúc nào mặt cũng tái mét như không có một giọt máu nào, lúc này da mặt công tử hồng hào hai mắt nhắm nghiền như người say ngủ. Thảo Hồng thấy thế lăn vào ôm lấy con mà than khóc.
Đạo nhân vuốt râu nói :
- Còn cứu được! Còn cứu được!
Viên ngoại nghe nói thế vội chắp tay vái Đạo nhân, xin ra tay cứu mạng Công tử. Đạo nhân bế Công tử ra khỏi quan tài và nói với mọi người không được ồn ào huyên náọ. Đặt Vương công tử nằm ngửa trên giường, dùng bàn tay xoa trên ngực, lại sai người đun một bát dấm đen mang tới.
Đạo nhân lấy trong mình ra một cái lọ con, dốc ra tay ba viên thuốc nhỏ, trên viên thuốc nhỏ có ba chữ vàng “Thiếu Dương đơn” thật tinh xảo, hòa tan trong bát dấm, đoạn mang ra xoa bóp khắp ngườị. Tất cả mọi người đều hồi hộp theo dõi. Một lát sau, Vương công tử bỗng thở dài một cái, mở mắt bừng ra như người ngủ mê mới dậy, ngơ ngác nhìn mọi người rồi nói :
- Ô hay! Sao tôi lại ở đây?
Mọi người đều vui mừng reo to lên. Viên ngoại chạy tới bế Công tử lên tai, nghẹn ngào nói không ra tiếng. Thảo Hồng cũng ôm lấy Công tử, nước mắt hãy còn chảy trên má, lại vừa cười vừa nói Vương nhi ra đây với mẹ. Đạo nhân giơ tay ra hiệu cho mọi người hãy im lặng rồi hỏi Công tử :
- Chẳng hay trước lúc ra hoa viên, Công tử có ăn phải vật chi lạ không? Hãy nói thật cho ta nghe!
Vương công tử chớp chớp đôi mắt ngập ngừng nói :
- Có! Lúc tiểu điệt ra hoa viên thấy ở dưới cái thông nước có một cây nấm trắng toát, cháu nhổ chơi thấy ở trong thân cây chảy ra một chất nhựa trắng như sữa mùi thơm ngào ngạt. Tiểu điệt nếm thử một chút thấy ngon ngọt vô cùng nên cầm cả thân cây cho vào miệng mút mạnh một cái, chẳng dè cả thân cây nấm chui tuột vào cổ họng. Khi tiểu điệt ra tới cái đu mới leo lên thì mắt hoa mày choáng, nhà cửa quay tít, tiểu điệt ngã lăn xuống đất không còn biết gì nữa.
Đạo nhân nói :
- Lạ thật! Sao tại đây lại có loại nấm nầy? Đó là một thứ tinh hoa của nhân sâm tận ngoài Quan ngoại trong Trường Bạch sơn mà cũng rất hiếm. Nó tên gọi là Trùng Sâm, nó chỉ ra có 12 khắc, nếu không có duyên bao giờ được hưởng. Thứ sâm này có thể chữa được các bệnh lại thành trường sinh bất lão, giữ được nguyên khí và có thể luyện đến tột đỉnh công phu môn “Nhất Chỉ Dương Công tuyệt kỹ”.
- Công tử dẫn ta ra xem coi tại sao nơi đây lại có quý vật nàỵ
Tiêu Thu buông tay mẹ chạy trước ra hoa viên, Viên ngoại và Đạo nhân vội vàng đi theo.
- Thưa Đạo trưởng! Con đã nhổ cây nấm chỗ này. Tiêu Thu nói và chỉ xuống dưới thống nước ở góc hoa viên.
Viên ngoại kinh ngạc thốt lên :
- Chỗ này tôi vẫn đổ bã sâm mấy chục năm rồi!
Đạo nhân ngồi thụp xuống bóc một nắm đất dưới thống nước và lẩm bẩm :
- Lạ thật! Lạ thật! Không ngờ những bã sâm đổ ra đây đã lâu ngày biến thành một chất đặc biệt và nảy sinh ra thứ Sâm quí không khác gì Sâm tại Trường Bạch sơn.
- Nguyên lai sâm này là loại Vi Khuẩn Sâm do những loại vi trùng cực kỳ vi tế tạo ra. Âu cũng là phước đức của Trang chủ nên mới xui cho cháu bé tình cờ gặp được.
Vương viên ngoại mừng rỡ ôm con vào lòng và mời Đạo nhân cùng trở vô nhà vừa đi vừa kể :
- Thưa Đạo trưởng! Thật ra nhờ trời mà nhà chúng tôi đã mấy đời vì biết giá trị của Sâm là quí nên không ngại hàng năm hễ có dịp là cho người đi Quan ngoại mua những thứ Nhân Sâm Cát Lâm thật tốt để dùng.
Vào tới trong nhà, Vương viên ngoại nói tiếp :
- Kính thưa Đạo trưởng! Chẳng hay pháp danh Đạo trưởng là gì xin cho chúng tôi được biết?
Đạo nhân vuốt râu cười đáp :
- Tên thật của bần đạo là gì lâu ngày bần đạo cũng đã quên đi mất, có nhiều người thấy bần đạo nhàn du đây đó nên đặt cho đạo hiệu là Nhàn Tản Đạo nhân, nhưng có người thấy bần đạo hay mặc áo xanh nên gọi là Thanh Hư Tản Nhân cũng được. Nay bần đạo có một việc muốn yêu cầu với Viên ngoại!
Vương viên ngoại vội nói :
- Đạo trưởng cần việc chi cứ dạy bảo! Ơn Đạo trưởng cứu tử cho tiểu nhi thật lớn bằng trời bể.
Thanh Hư đạo nhân mỉm cười nói :
- Bần đạo là kẻ xuất gia đầu Phật, không cần tới kim ngân châu báu.
Vương viên ngoại lại nói :
- Hay Đạo trưởng cần tu bổ lại ngôi chùa nào chăng?
Thanh Hư đạo nhân cũng lắc đầu cả cười :
- Bần đạo là kẻ phiêu du nay đây mai đó, không ở đâu nhất định nên không xây dựng đền chùa làm gì. Duy lệnh lang cùng bần đạo chắc có duyên từ trước nên khiến bần đạo đến đây, gặp đúng lúc lệnh lang mắc nạn. Bần đạo chỉ yêu cầu viên ngoại cho bần đạo thu lệnh lang làm đồ đệ. Sau này sẽ xuất gia theo đạo.
Viên ngoại nghe xong thì bối rối vô cùng, tự nghĩ mình hiếm hoi chỉ có Tiêu Thu là trai để nối dõi tông đường, nếu theo Đạo trưởng đi tu thì lấy ai là người phụng thừa nhang khói nên băn khoăn không biết phải trả lời làm sao. Thanh Hư chân nhân hình như biết ý lại vuốt râu mỉm cười nói :
- Viên ngoại không cần lo ngại, bần đạo sẽ ở lại đây dạy dỗ lệnh lang tới tuổi trưởng thành. Mà có phải xuất gia là tới lúc trung niên kia, mà hiện nay Viên ngoại hãy còn cường tráng. Từ nay tới lúc đó lo chi không có người thừa kế.
Viên ngoại nghe xong xiết đổi vui mừng không còn thắc mắc gì nữa, bèn chấp tay lạy đạo trưởng có lòng thương như thế thì phúc lớn cho họ Vương nhiều lắm. Nói xong, gọi Tiêu Thu ra bái sư phụ, lại sai gia nhân đem quan tài ra vườn sau thiêu hóa, một mặt sai người quét tước dọn dẹp căn phòng ở ngoài hoa viên để Thanh Hư chân nhân tĩnh dưỡng.
Chọn ngày cát nhật, Vương Tiêu Thu quần áo chỉnh tề theo Vương viên ngoại đến ra mắt Thanh Hư chân nhân để làm lễ nhập đạọ Trong trai trang phòng đã thấy đèn nến sáng choang khói hương nghi ngút, trên bàn thờ có treo một bức chân dung vẻ một đạo nhân tóc bạc phơ, hàng râu năm chòm dài xuống gần tới rốn, mày thưa mắt sáng, thiên đình cao rộng, phảng phất như một vị thần tiên có đề mấy chữ “Toàn Chân tổ sư Hư chân nhân”.
Thanh Hư chân nhân ra đón Vương viên ngoại và dẫn Vương công tử vào làm lễ nhập môn. Sau vài câu đàm đạo, Vương viên ngoại cáo biệt Chân nhân để Vương công tử ở lại trai phòng bước ra ngoài. Chân nhân gọi Tiêu Thu tới tĩnh tọa trước trai đàn rồi nói :
- Đồ đệ! Từ nay trở đi con là môn đồ của giáo phái Toàn Chân, dần dần thầy sẽ cho con biết nguồn gốc của giáo tông, để thầy đặt cho con pháp danh. Con vì chết sống lại ta đặt cho con là Trùng Dương. Ngoài ra, con còn có duyên ăn được trùng sâm nên đỡ được hàng hai ba chục năm tu luyện nên thầy cũng mừng cho con. Con may mắn ăn được trùng sâm đủ sức để luyện môn Nhất Dương chỉ công. Bây giờ ta chỉ hóa cho con cách vận khí Đan điền, thu hút âm dương nhị khí để biến thành Thiên Nhân hợp nhất.
Vương Trùng Dương chỉ biết vâng vâng dạ dạ tuân theo.
Thanh Hư chân nhân bắt Vương Trùng Dương ngồi tham thiền nhập định.
Ngồi được một lát, Trùng Dương nghe tiếng chim kêu hót ở ngoài hoa viên thì tự nghĩ :
- Chà! Giờ này mà ở ngoài đó, ta sẽ bắt mấy tên gia nhân leo lên lấy tổ chim và nhốt mấy con chim này vào lòng thì hay biết bao.
Vừa nghĩ tới đó bỗng thấy Thanh Hư chân nhân quày tay sang dùng ngón tay điểm vào huyệt sau gáy. Vương Trùng Dương thấy người tê buốt như điện giật toàn thân, bủn rủn thì kêu lên một tiếng :
- Chao ôi!
Thanh Hư chân nhân nghiêm nghị nhìn Trùng Dương rồi nói :
- Con đã là người tu đạo sao lại còn nghĩ đến điều quấy, chim muông cầm thú cũng là do trời đất sinh ra, không được giam cầm hay sát hại.
Trùng Dương giật mình kinh ngạc, không dè mình mới chỉ nghĩ như vậy mà sư phụ đã biết rồi, vội vàng chắp tay nói :
- Xin sư phụ tha tội, đệ tử không dám nghĩ quấy nữa.
Thanh Hư chân nhân gật đầu đưa tay giải huyệt. Trùng Dương lại ngồi nghiêm chỉnh nhập định. Được gần một khắc, Trùng Dương ngửi thấy được mùi thơm ngào ngạt của thứ hoa Trương Quế bay tới thì trong lòng vui thích tự nghĩ :
- Chắc là hoa mới nở, nay ta ra hoa viên hái ít bông đem về cắm vào bình thì còn gì thích hơn.
Vừa nghĩ tới đó bỗng thấy người tê buốt như kim châm, Trùng Dương hoảng sợ mở mắt ra nhìn. Chân nhân lại nghiêm khắc nhìn Trùng Dương nói :
- Đồ đệ ngươi lại muốn đi hái hoa cắm vào bình phải không?
Trùng Dương càng kinh sợ trả lời :
- Tại sao sư phụ lại biết được?
Thanh Hư chân nhân lại nói :
- Từ nay những ý nghĩ thầm kín của ngươi ta có thể biết được. Những bông hoa đều là hưởng thụ khí thiêng của trời đất, tuy có nở rồi cũng có tàn, nhưng nếu ngươi hái đi thì hoa kia càng sớm tàn úa, trái với lẽ thiên nhiên của tạo hóa, mắc vào vòng nghiệp chướng sao thoát khỏi sa vào địa ngục. Kẻ tu hành không nên nghĩ điều quấy, con nên tĩnh tâm bỏ hết tà niệm thì mới có thể thành chánh quả.
Tuổi còn thơ ấu, Trùng Dương đâu có hiểu hết những lời lẽ cao siêu đó, nhưng những lúc vừa nghĩ tới điều quấy đều bị Thanh Hư chân nhân điểm vào yếu huyệt đau đớn quá chừng thì sợ hãi, cố gắng không dám nghĩ đến điều gì nữa.
Tâm hồn phiêu phiêu, mơ mơ màng màng, phút chốc hoàng hôn đã ngã bóng.
Trùng Dương thấy trong người mệt mõi, toan mở miệng nói thì Thanh Hư chân nhân như đã biết rồi, quay sang vỗ nhẹ vào vai Trùng Dương. Trùng Dương thiếp đi không biết gì nữa.
Sáng sớm hôm sau, Trùng Dương vừa giật mình thức tỉnh, nhìn sang bên cạnh, thấy Chân nhân hai mắt nhắm nghiền ngồi tĩnh tọa, nửa mặt dường như có đám mây đen bao bọc lại có tiếng vo vo như bầy ong vỡ tổ. Vương Trùng Dương hết sức kinh ngạc, định thần nhìn kỹ thì ra đó là một đám muỗi đen kịt bay chung quanh Thanh Hư đạo nhân, lại thấy ở mũi đạo nhân thở ra hai luồng khí trắng bay lượn chung quanh. Đàn muỗi hình như bị hai làn khói trắng bao bọc không bay được ra ngoài.
Trùng Dương thảng thốt kêu to :
- Sư phụ! Sư phụ! Sao lạ quá vậy?
Thanh Hư đạo nhân bỗng thở dài, hai luồng khí trắng tắt ngấm. Tất cả đám muỗi đều sa xuống chân cạnh đạo nhân dày đến hai tấc. Thanh Hư đạo nhân mở choàng mắt ra chẳng nói chẳng rằng, đứng lên lấy một đãy vải dùng phất trần quét hết đống muỗi vào trong đãy rồi mới quay lại nói với Trùng Dương :
- Đây là một tuyệt kỹ công phu của Toàn Chân phái. Không chỉ để sát hại giống muỗi này mà còn có thể hạ sát địch thủ được.
Trùng Dương lè lưỡi nói :
- Như vậy thì đệ tử có lẽ phải học tới trăm năm mới có thể thi thố được.
Thanh Hư đạo nhân nói :
- Trên đời người ít ai sống được trăm tuổi thì đâu phải học tới trăm năm. Muốn có bản lĩnh như ta đâu có phải khó, ngươi cứ bình tâm tập luyện theo lời ta chỉ bảo thì sau này sẽ rõ.
Trùng Dương nghe theo lời thầy dạy an định tâm thần, tĩnh tâm luyện tập.