- Anh Huân, chủ chiếc iPhone 2G bị nổ hôm qua, cho rằng nguyên nhân do máy ảnh, trong khi, nhiều ý kiến nghi điện thoại này của anh là hàng dựng.
Thông tin chiếc iPhone 2G bị nổ đã làm cộng động mạng xôn xao suốt cả ngày hôm qua. Từ những bức ảnh của chủ chiếc iPhone 2G, nhiều người nhận ra mặt sau, ngoài logo Apple thì không thấy có ký tự về số serial, IMEI và thông tin về bộ nhớ của máy và họ cho rằng iPhone này là "hàng dựng".
Theo anh Quang Huân, các tấm hình được chụp vào lúc 20 giờ 20 phút ngày 11/8 (30 phút sau khi bị nổ), bằng máy Canon Powershot A640. Anh Huân giải thích, việc mặt sau của máy không hiện lên các ký tự do là chiếc "camera bị lỗi cảm biến, nên không hiển thị rõ được".
Hình ảnh chiếc điện thoại iPhone bị cháy của anh Huân. Mặt sau của máy ngoài logo "Quả táo" không có thông tin gì khác
Theo lời kể của anh Huân, iPhone 2G này được một người bạn anh đưa về từ Singapore cách đây 2 năm. Máy nguyên hộp, đầy đủ phụ kiện và chưa hề thay thế gì.
Trong khi đó, anh Việt, chủ cửa hàng chuyên về iPhone, Handheld Care Centre xác định, model trong hình của anh Huân là iPhone 2G, nhưng nắp sau đã bị thay bằng hàng Trung Quốc.
Cùng ý kiến, anh Đặng Thanh Phong, quản trị viên diễn đàn HandheldVN cho rằng, các chi tiết bên trong là của iPhone 2G. Dẫn chứng của anh Quang Huân rằng camera lỗi cảm biến là chưa thuyết phục. Anh Phong còn cho biết, iPhone 2G còn có loại vỏ sản xuất từ Thẩm Quyến (Trung Quốc) và được bày bán rất nhiều. Vỏ này dễ thay thế và có giá 400.000 đồng.
iPhone 2G bán ở Việt Nam hầu hết là hàng bị "bẻ khóa", nếu không unlock thì người dùng cũng "jailbreak" để cài phần mềm, Apple từng tuyên bố khi máy "jailbreak" rất dễ bị chết, chạy không ổn định. "Một khi máy đã mở ra, thay thế phụ tùng, nhà sản xuất sẽ không chịu trách nhiệm, hơn nữa Apple không phân phối iPhone ở Việt Nam", anh Việt chia sẻ.
Chiều 13/8, trao đổi với phóng viên qua điện thoại, anh Quang Huân cho biết, hiện anh đã chuyển xuống Móng Cái (Quảng Ninh) để tiếp tục công tác. Anh vẫn đang giữ chiếc iPhone bị nổ, còn tại nhà ở Hà Nội, các phụ kiện như hộp, dây cáp, dock cắm của máy vẫn còn nguyên. "Đây hoàn toàn là chiếc iPhone nguyên bản, và không phải hàng dựng, tôi mua từ năm 2007, trong khi máy làm lại từ Trung Quốc mới xuất hiện khoảng 6 tháng gần đây", anh Huân khẳng định.