TT - Những sản phẩm khử mùi được quảng cáo là tạo sự tự tin cho người sử dụng. Nhưng cái giá phải trả cho sự tự tin đó có khi lại rất đắt cho sức khỏe!




Mùi của cơ thể tạo ra sự hấp dẫn giới tính (vợ chồng quen hơi), giúp chúng ta nhận ra một cá thể trong đám đông... Thông tin về mùi được truyền qua 2-3 triệu tuyến mồ hôi nằm trên mặt da. Có hai loại tuyến mồ hôi: tuyến eccrine tiết chủ yếu là nước nhằm giải thoát nhiệt, làm mát cơ thể.

Tuyến apocrine tiết mồ hôi chứa các acid béo và carbohydrate thường ở nách và cơ quan sinh dục. Nếu mồ hôi dầu chứa nhiều acid béo thì vi khuẩn corynebacteria đang cư trú nơi đây sẽ lên men thải ra hợp chất 3-methyl-2-hexanoic acid, tạo ra mùi mà chúng ta gọi là “hách từ trong nôi” (hôi từ trong nách). Dù không phải là trọng bệnh nhưng mùi làm người trẻ lẫn già thiếu tự tin và tìm mọi cách triệt nó.

Có bao nhiêu mỹ phẩm khử mùi?

Một rừng! Dường như các đại gia mỹ phẩm đều ghi danh chế tạo sản phẩm này. Chúng được bào chế đa dạng: loại cây lăn nách, dạng kem thoa trực tiếp, dạng xịt, dạng bột, dạng nước đổ ra tay rồi bôi lên...Một sản phẩm khử mùi đạt yêu cầu phải hội đủ ba điều kiện: hết mùi, làm khô và diệt khuẩn. Nhiều người quan niệm những món dùng trên da chỉ bám ngoài mặt da, chẳng hại gì. Tuy nhiên theo các nhà khoa học thì mặt trái của mỹ phẩm khử mùi cũng còn nhiều điều phải bàn. Đó là tính an toàn của sản phẩm đối với sức khỏe.

Để thơm tho phải đi kèm với... âu lo!

Những phụ gia có trong sản phẩm khử mùi có thể ngấm mỗi ngày một chút vào các tế bào vùng đầu, mặt, ngực và gây hại lâu dài cho sức khỏe.


Chị em cư dân mạng xôn xao vì nghe nói parabens (butylmethyl, propyl, methyl và ethyl parabens) được tìm thấy trong hơn 90% mỹ phẩm, đương nhiên có trong chất khử mùi. Tại sao vậy? Chúng ta biết sản phẩm nào cũng phải có thời hạn sử dụng. Khi sản xuất nếu không dùng chất bảo quản thì vi khuẩn sẽ kéo đến phân hủy, làm biến màu sản phẩm.

Parabens có tác dụng ức chế vi khuẩn, giá thành lại thấp. Parabens bảo quản sản phẩm tính theo đơn vị năm nên các nhà sản xuất ưa dùng nhất. Nhóm nghiên cứu của Phipippa Dabre (Anh) lấy mẫu bệnh phẩm của 20 khối ung thư vú và thấy parabens có mặt trong tất cả các mô bệnh. Ông cho biết parabens là chất không chỉ có ở sản phẩm bôi nách mà còn hiện diện trong những mỹ phẩm chị em dùng trên mặt, xịt lên ngực. Nó rõ ràng có khả năng thấm qua da vào các mô.

Điều nguy hiểm hơn cả là nó bắt chước cách hoạt động của estrogen mà estrogen tăng lại là tác nhân chính trong ung thư vú. Tuy nhiên cho đến nay Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho rằng hoạt động của parabens còn thua xa estrogen có trong những loại kem được quảng cáo là “làm nở ngực”.

Một số chị thích dùng chất khử mùi có hương thơm để chứng tỏ mình hấp dẫn. Thường các hãng bào chế dùng phenoxyethanol để giữ hương thơm bền lâu. Đây là chất chiết xuất từ nhựa phenol của than đá, theo nghiên cứu của các nhà khoa học Nhật Bản thì nó gây rối loạn nội tiết và làm biến đổi cấu trúc tế bào gây ung thư. Nước Nhật đã cấm dùng sản phẩm này.

Có những sản phẩm khử mùi quảng cáo dùng chất thiên nhiên trong công thức. Cụ thể là polyethylene glycol hoặc polyethylene đều chiết từ dầu hào (gọi chung là pegs). Khi đưa pegs vào sản phẩm thì nó có tác dụng liên kết tạo gel nên không bị tách lớp. Tuy nhiên các nghiên cứu lại cho thấy pegs có thể gây dị ứng, eszema và đã có trường hợp gây nhiễm độc thận.

Có hãng lại sử dụng dea (diethanolamine), ethanolamine là chất nhũ hóa, chất làm đông cứng, dùng trong những cây khử mùi. Nó có tác dụng điều chỉnh độ pH của sản phẩm. Nghiên cứu của các nhà khoa học Trường ĐH Bắc Carolina, Chapel Hill, Mỹ cho thấy khi chất diethanolamine dính vào da của các con chuột đang mang thai, sự phát triển tế bào của thai nhi không bình thường và có một lượng tế bào não bị chết. Trong khoảng 90.800 tấn Dea sản xuất tại Mỹ hằng năm, đa số được dùng trong những sản phẩm làm đẹp da, tóc.

Quay về với truyền thống?

Trong kho tàng y học cổ truyền có lời khuyên dùng phèn chua đun lên (phèn chua phi) nhỏ vào vài giọt chanh rồi nặn thành một quả to bằng trái chanh, sau khi tắm xong lăn vào hai “cánh”. Phèn chua có công thức hóa học Al2K2SO4 hay còn gọi là phèn kép. Phèn chua có tác dụng sát trùng nên vi khuẩn không sống để lên men acid béo được, phèn chua cũng làm tuyến ở vùng nách giảm tiết mồ hôi nên đảm bảo hai cánh không bốc mùi nữa.

Cách thứ hai: bạn có thể dùng hai củ gừng to bằng ngón tay cái, nướng lên, cạo sạch vỏ, kẹp vào hai bên nách khoảng 15 phút sau khi tắm. Gừng có tác dụng sát khuẩn, khử mùi. Tuy nhiên người bạn sẽ tỏa ra mùi gừng, khi gặp người yêu thì bị nghi là vừa lén ăn... ốc luộc!

Tóm lại, nên sáng suốt và cân nhắc thận trọng khi chọn mỹ phẩm khử mùi, tránh lạm dụng, đọc kỹ bao bì trước khi sử dụng...Đừng vì sự tự tin được tạo dựng bằng sản phẩm khử mùi mà quên mất sức khỏe ngàn vàng của bạn đang kêu cứu!

TS.BS LÊ THÚY TƯƠI