50. (KTTN 105, ngày 01-4-1993)
Tại sao lại gọi là “La Hán”? Có tất cả 16 vị hay 18 vị? Xin cho biết tên mỗi vị.


AN CHI: Về hai tiếng La Hán, sau đây là lời giảng của hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi:
“Vào chùa Việt Nam, chúng ta thường thấy tượng mười tám vị đứng gần nhau, mặt mũi trông sắc sảo dữ tợn. Đó là tượng mười tám vị La Hán, vốn là những tên tướng cướp, về sau gặp được duyên may, được giác ngộ quy y theo Phật và chứng quả A La Hán (…) Chùa Tây Phương (tỉnh Hà Tây) có tượng 18 vị La Hán rất độc đáo. Đây là tích mười tám La Hán theo một huyền thoại của Trung Quốc, bởi vì truyện mười tám tên cướp tu thành La Hán xảy ra ở Trung Hoa. (Ba chỗ in nghiêng là do chúng tôi nhấn mạnh – AC). Còn ở Ấn Độ, không thấy nói đến tích này” (Từ điển Phật học Việt Nam, Hà Nội, 1991, tr. 432).

Thực ra, các vị La Hán không những không phải là người Trung Hoa mà họ cũng chẳng phải vốn là những tướng cướp, mặt mũi của họ cũng không dữ tợn mà lại nhân hậu và trông rất khắc khổ.

La Hán là dạng tắt của ba tiếng A La Hán mà người Trung Hoa đã dùng để phiên âm tính từ tiếng Sanskrit arhant (Hình thái ở cấp tuyệt đối là arhattama), mà nghĩa gốc là đáng tôn kính, được dùng để chỉ những bậc tu hành đắc đạo dưới hàng Bồ Tát. Tiếng Anh và tiếng Pháp thường phiên thành arhat. Người ta cho rằng La Hán là các vị đệ tử của Phật tuy đã đắc đạo nhưng vẫn sống ở trần gian để tế độ chúng sinh. Hai tác giả Thích Minh Châu và Minh Chi viết rằng chuyện mười tám vị La Hán xuất xứ từ một huyền thoại Trung Hoa “còn ở Ấn Độ, không thấy nói đến tích này”. Thực ra các vị đều mang tên bằng tiếng Sanskrit là một phương ngữ cổ đến mấy nghìn năm của Ấn Độ. Tên của các vị đã được chép trong Pháp trụ ký của Nan Đề Mật Đạt La như sau :

1. Tân Độ La Bạt La Đọa
2. Già Nặc Già Phạt Sa
3. Già Nặc Bạt Ly Đọa Ám
4. Tô Tần Đà
5. Nặc Cự Na
6. Bạt Đà La
7. Già Lý Già
8. Phạt Đồ La Phất Đa La
9. Tuất Bát Già
10. Bán Thác Già
11. La Hồ La
12. Na Già Tê
13. Nhân Kiệt Đà
14. Phạt Na Ba Tư
15. A Thị Đa
16. Chú Đồ Bán Thác Già

Danh sách trên đây là tên các vị La Hán mà người Trung Hoa đã phiên âm từ tiếng Sanskrit. Tất cả là 16 vị.

Sở dĩ có ý kiến cho rằng tất cả có 18 vị La Hán là vì vào thời Tống, người thích vẽ chuyện đã thêm vào hai tên Khánh Hữu và Tân Đầu Lô mà không biết rằng Tân Đầu Lô chỉ là một dạng phiên âm hơi khác của Tân Độ La (Bạt La Đọa) còn Khánh Hữu chỉ là dịch nghĩa của Nan Đề Mật Đa La. Khánh = mừng là dịch nghĩa của Nandi (Nan Đề = người được vui mừng) còn Hữu = bạn là dịch nghĩa của Mitra (Mật Đà La = bạn). Mà Nandi-mitra (Nan Đề Mật Đà La) tức Khánh Hữu chỉ là tác giả của Pháp trụ ký đã nói ở trên chứ không phải là một vị La Hán trong danh sách đang xét. Vậy tất cả chỉ có 16 vị mà thôi.