Chú giải :
- "…ngón tay gầy xoè ra mà mơn trớn và ve vuốt bầu trời" : Tứ này mượn của con trai bạn tôi, năm nay 3 tuổi.
Bình Khang: tên một phường ở kinh đô Trường An, đời Đường, nơi có nhiều thanh lâu kỹ viện. Được dùng để chỉ nơi ở của kỹ nữ nói chung.
Đàn Tinh: còn gọi là Tinh Cầm hoặc đàn sao, một loại đàn bằng gỗ sến, không có dây, không có phím, hay được chơi đệm cho vũ điệu Điêu Ly. Xem thêm tích Điêu Ly.
Tay hổ chân mèo: đời Tống có Trương Tiêu Sư nổi tiếng về ngạch buôn lụa. Có lần nước sông Hoàng Hà dâng cao, giá lụa giảm mạnh, Trương dốc hết gia tài ra mua tích trữ, về sau vốn một lãi trăm. Tương truyền họ Trương có đôi chân nhanh như mèo và đôi tay mạnh mẽ như sư tử.
Đèo Mai Hoa: tên một đèo trên núi Hành sơn thuộc tỉnh Lạc dương, nơi diễn ra Lạc dương kỳ anh hội của Văn Ngạn Bác đời Tống. Về sau nghĩa bóng dùng để chỉ nơi ở ẩn của các bậc kỳ nhân dị tướng.
Vân vũ: mây mưa. Lời tựa bài phú Cao đường của Tống ngọc, thuật việc vua nước Sở đến chơi Cao đường, mộng thấy nữ thần núi Vu Sơn dâng chăn gối, trên có khí mây sớm (triêu vân), dưới có nước mưa nguồn (sóc vũ). Từ đó vân vũ, mây mưa, Vu Sơn, giấc Cao đường dùng để chỉ việc trai gái gặp gỡ, ân ái với nhau.
Tố Nga: Chỉ người con gái đẹp. Tương truyền Thường Nga lừa lúc chồng là Hậu Nghệ hái rau tiêu, lấy trộm thuốc trường sinh bất lão, trốn lên cung trăng. Hậu Nghệ biết được giương cung bắn đồng thời 3 mũi tên đỏ, xanh, lục (RGB). Ngặt vì xa quá nên không trúng. Màu sắc 3 mũi tên hợp thành sắc trắng nên gọi là Tố nga.
Bến Hà Châu: Nói về việc vợ chồng tốt đôi vừa lứa. Nguyên gốc là một bài thơ trong Kinh Thi:
Quan quan thư cưu
Tại hà chi châu
Yểu điệu thục nữ
Quân tử hảo cầu.
Kinh thoa bố quần: Thoa cài tóc bằng gai cây kinh, quần bằng vải thô ráp. ý nói cảnh nghèo khó không thoát ra được.
Ngưu lang, Chức nữ: Chức nữ là cháu trời, được gả cho Ngưu Lang làm nghề chăn trâu. Hai vợ chồng ân ái nhau suốt ngày, việc công làm không trọn. Bị phạt đầy mỗi người một bờ sông Ngân hà, hàng năm chỉ được gặp nhau một lần vào đêm thất tịch (mồng bảy tháng bảy).
Sao Câu: là ngôi sao sáng nhất trong đám tinh vân Con Cua (M87), cách chúng ta khoảng 1,5 tỷ năm ánh sáng. Có giả thuyết rằng đây là một vụ nổ sao siêu mới (Supernova) từ một ngôi sao mẹ có khối lượng gấp 4 lần mặt trời. Sách Thiên Văn cho rằng ứng với sao này là những nhân vật đào hoa cái thế.
Liên sàng: Nhiều giường ghép lại với nhau, nhiều người cùng nằm chung giường. Nghĩa bóng: nhiều người cùng tham gia vào một cuộc giao hoan.
Tu mi: bậc mày râu, ám chỉ phái mạnh.
Phan An, Tống Ngọc: Tương truyền là hai người có dung nhan đẹp nổi tiếng thời nhà Tống. Sau không làm nên được nghiệp lớn vì quá đẹp.
Lương đống: xà cột. Nghĩa bóng để chỉ những người có tài kinh bang tế thế.
Thất Công: Tên một trước tác nổi tiếng của Vũ Văn Lâu (378-385), viết về Bang chủ cái bang Hồng Thất Công. Tổng cộng mười vạn chữ, chia làm 30 đoản thiên và năm trường thiên. Dùng để chỉ các tác phẩm văn học lớn nói chung.
Một bước hai câu: Tương truyền Tào Thực đời hậu Hán có tài ứng tác một bài thơ lục bát tám câu trong vòng bảy bước chân. Nay Trinh Tùng một bước làm được hai câu là tài hơn Tào Thực vậy.
Cung Thương: Hai âm đứng đầu trong ngũ âm. Cung là tiếng thấp, đục, chậm, còn gọi là tiếng thổ. Thương là tiếng hơi thấp, hơi đục, hơi mau, gọi là tiếng kim. “Đêm thanh lựa tiếng cung thương một bài” (Tây sương ký)
Hồ tinh: giống cáo thành tinh. Để mê hoặc đàn ông thường hay biến thành các cô gái đẹp, duy có cái đuôi là không giấu được. ở Bình khang có nhiều hồ đến nỗi các quí ông trước khi trăng gió thường phải sờ đuôi các nàng để kiểm tra xem có phải là hồ ly không.
Hoan lộ: phương thức để đạt được hoan lạc tối đa trong cuộc sống. Tránh nhầm với hoạn lộ là đường công danh, sự nghiệp.
Cam lộ: nước sương ngọt.
Tơ hồng: cuộn dây tơ đỏ Nguyệt lão dùng để se duyên cho những đôi uyên ương.
Vu qui: về nhà chồng, chỉ lễ cưới. Kinh Thi có câu: “Chi tử vu quy”.
Cử án tề mi: nàng Mạnh Quang khi dọn cơm cho chồng là Lương Hồng thường nâng khay lên ngang mày (cử án tề mi), không dám ngẩng mặt lên nhìn. Người đời ai cũng khen là vợ thảo dâu hiền.
Tri âm: hiểu tiếng đàn, chỉ người tri kỷ. Xem thêm tích Bá Nha, Tử Kỳ.
Ngựa Hồ: giống ngựa ở phương Bắc, chân to, bờm rộng. Nổi tiếng chạy khoẻ. Xích Thố của Quan Vân Trường ngày xưa cũng xuất xứ từ giống ngựa này.
Thuốc mật, roi bồ: thuốc ngọt như mật, uống rất ngon, roi bằng cỏ bồ, đánh không đau. Chỉ sự đe doạ bên ngoài, mang tính thị uy là chính.
Kim ô: quạ vàng, chỉ mặt trời.
Xiết trửu, kim kê, chì sôi, mỡ dê: các dụng cụ nhục hình, các phương thức tra tấn thời trung cổ.
Ô qui: con rùa đen. Ngày xưa quan niệm loài rùa đen thường háo dâm, thành ra văn học dùng từ này để chỉ những kẻ ưa chuyện chăn gối. Đặc biệt trong các giai tác của Kim Dung tiên sinh, các tay hảo hán thường rủa nhau là đồ rùa đen, coi đó là câu xúc phạm ghê gớm, tuơng tự như các tay hảo hán, maphia ở phương trời Âu châu hay rủa nhau “ Bastardy; illegitimacy ” / thân phận con hoang.
Ngọc bôi: chén ngọc. Tương truyền Phong Cát Chẩn tu đắc đạo, thường uống rượu thịt chó ở ven sông. Uống xong lại ném chén ngọc xuống làm thuyền bơi qua sông. Thiên hạ rất phục.
Hải án hà thanh: Biển lặng sông trong, chỉ cảnh thái bình thịnh vượng.
Bạn đồng sàng: bạn cùng giường, chung chăn gối.
Lưu Nguyễn: Xưa Lưu Thần và Nguyễn Thiện vào núi Thiên Thai hái thuốc, gặp hai nàng con gái (thực ra là hai nàng tiên) mời về nhà ân ái. Đến khi quay về nhà thì con cháu đã đến đời thứ bảy, muốn quay lại cũng không tìm thấy lối vào nữa.
Đào Nguyên: tên ngọn núi ở phía Tây Nam tỉnh Hồ Nam. Dưới núi có động Đào Nguyên, được kể trong bài Đào Hoa Nguyên ký của Đào Tiềm. Dùng để chỉ nơi có cảnh đẹp, người đẹp ở, cuộc sống hạnh phúc, sung sướng, hoặc cõi tiên. Lời bài hát Thiên Thai: “Tiếng ai hát chiều nay vang lừng trên sóng, nhớ Lưu Nguyễn ngày xưa lạc tới Đào Nguyên…”
Môi xanh, môi nâu: thời Đại Đường nước Thổ Lồ Phồn và Cao Ly (Hàn quốc hiện nay) chảy máu mỹ nữ sang Trung Nguyên rất nhiều. Con gái nước Thổ Lồ Phồn thường có thói quen tô môi son màu xanh. Con gái Cao Ly lại hay dùng son nâu hoặc thẫm màu. Truyền thống này còn được áp dụng đến ngày nay.
Cân: cân đây là cân ta, hai cân rưỡi ước chừng không nhiều, chỉ khoảng 1kg.
Đỉnh chung: ngày xưa nhà vua ghi công trạng cho bề tôi vào vạc và chuông, gọi là đỉnh chung. Dùng để chỉ những đồ vật có giá trị cả về mặt vật chất lẫn tinh thần.
Mát xoa (Massage): theo từ điển tiếng Pháp là sự xoa bóp, có tác dụng nhuận tràng, tiêu khí, cân bằng âm dương. Rất phát triển ở các nước Châu á. Massage thường được dùng kết hợp với các loại thảo dược như dầu xả, ngải cứu, bạc hà, tạo nên cảm giác mát lạnh như đứng dưới một thác nước, nên mới có tên gọi mát xoa.
Điêu Ly: tên một vũ khúc do Sư Thoan thời Thần Nông sáng chế. Vũ công khi múa phải dần dần cởi bỏ y phục, cho đến khi hoàn toàn khoả thân. Về sau có nhiều biến thể của điệu múa này, đặc biệt đến thế kỷ XIX có một nhánh truyền sang Châu Âu tạo thành thể loại Striptease rất được ưa chuộng.
Giao bái: theo thủ tục cưới xin ở Trung Quốc, cô dâu chú rể trước bái gia tiên, sau bái tứ thân phụ mẫu, sau rồi hai người mới giao bái nhau (cúi chào ) và... đợi đến tối thì giao hoan.
Tiêu Tương: nơi phân nhánh của hai con sông Tiêu và sông Tương ở Kim Lăng, Hồ Nam, Trung Quốc. Tượng trưng cho sự li biệt. Thơ Vương Xương Linh:
Kinh môn bất kham biệt
Huống nãi Tiêu Tương thu
Yêu không có mùa: Về vấn đề này hiện nay có một số công trình nghiên cứu chứng minh rằng con người hứng tình giao hoan bốn mùa là do ăn thức ăn nấu chín. Nhà sinh dục học người Nhật Kurasiota đưa ra dẫn chứng là ở châu Phi có bộ tộc Kipa ăn toàn thịt sống, các quan sát khoa học cho thấy họ chỉ giao hợp liên tục vào thượng tuần tháng ba.
Vũ môn: Nằm ở thượng lưu sông Hoàng Hà, giữa huyện Hà Tây tỉnh Sơn Tây và huyện Hàn Thành tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Nơi đó có mỏn đá có hình như cái cửa do vua Vũ nhà Hạ xây dựng, gọi là Vũ môn. Tương truyền cứ vào tiết tháng ba cá chép tập trung tại đây thi vượt qua Vũ môn, con nào vượt qua được thì hoá thành rồng. Văn học dùng để chỉ sự thành đạt hoặc giác ngộ.
Chung Lăng chén tiễn: Xưa La ẩn đi thi qua bến Chung Lăng, gặp nàng Kiều Vân Anh vốn là ca kỹ, bèn cùng nhau giao hoan ở ngay bến sông. Khi chia tay nâng chén hẹn ngày vinh qui bái tổ. Sau mười hai năm La ẩn thi đi thi lại mà không đỗ, qua lại bến sông xưa thấy Vân Anh vẫn chưa lấy chồng, bèn bỏ thi mà ở lại kết tóc se duyên cùng nàng.
Tuyền Đài: tức âm phủ (cùng nghĩa với Hoàng Tuyền, Cửu Tuyền, suối vàng, nơi chín suối…)
Nước đen: tình trạng ô nhiễm ở các con sông hiện giờ đã ở mức báo động. Các phân tích hoá học cho hay trong một gram nước sông Cự Lương phía bắc tỉnh Hà Tây có tới 0,28 gram đioxit carbon, 2,53 gram các hợp chất lưu huỳnh, 0,012 gram chất thải phóng xạ…
Hoàng Hoa: tên một thiên trong Kinh Thi, kể về việc vua nhỏ lệ tiễn đưa sứ thần. Còn có nghĩa là nơi đồn thú xa xôi. Tuy vậy địa danh được miêu tả ở đây là bến Hoàng Hoa trên sông Trường Giang, nơi có chợ Hoàng Hoa Thị nổi tiếng về thuỷ sản. Tương truyền Hoàng Hoa thị có món gỏi tôm đặc biệt, được chế biến từ thịt cá ngừ khiến thực khách rất khoái khẩu.
Co đôi cật: Trong tuyệt kỹ của một vài môn phái võ lâm, khi nguy cấp hay sợ hãi võ sư có thể đưa hai tinh hoàn ẩn vào trong bụng, nhằm tránh va chạm. Nhưng thật ra việc co đôi cật là bản năng tự vệ bình thường của con người, nhà văn rừng rú Tzducoc có kể trong hồi ký rằng một lần ông bị voi châu Phi đuổi gấp, sợ hãi chạy thúc mạng, khi thoát hiểm sờ xuống dưới thì thấy không còn gì nữa. Phải hai ba ngày sau mới phục hồi như cũ.
Khúc Nam Quân: khúc tình ca nổi tiếng về độ ngắn, cả thẩy chỉ gồm 2 nốt 1 nhịp, tả tâm trạng tha hương của người thiếu nữ phương Nam.
Khúc Vũ Tần Phong Hoa: khúc nhạc lớn thời tiền sử, do Sư Thoát sáng chế để phục vụ công tác trị thuỷ. Gồm 4 chương: Daso Allegro, Ajinomoto du Rondo, Lego Allegretto và Viagra Adagio. Mỗi chương kéo dài một giờ ba khắc, đặc biệt chương 2 (Ajinomoto du Rondo) có thể kéo dài tuỳ ý phụ thuộc tâm trạng người chơi. ở đây có sự hiểu lầm: khách yêu cầu chơi khúc Nam Quân nhưng Linh San lại chơi khúc Vũ Tần Phong Hoa.
Bá Nha, Tử Kỳ: Bá Nha chơi đàn thiên hạ không khen không chê, duy có Tử Kỳ khi nghe xong cứ tấm tắc khen mãi, Bá Nha lấy làm cảm động mà coi tử Kỳ là tri âm (tri âm có nghĩa là hiểu tiếng đàn, cũng là từ có nguồn gốc từ tích này). Sau Tử Kỳ gặp tử nạn, Bá Nha bèn đập đàn mà than rằng: “Tử Kỳ chết đi ta còn chơi đàn làm gì nữa”. Văn học dùng tích này để chỉ người tri kỷ.
Châu về Hợp Phố: Xưa quận Hợp Phố nổi tiếng nhiều ngọc quí, dân thường đi mò ngọc đổi lấy lương ăn. Do chính sách cai trị của tham quan, ngọc lần hồi bỏ đi hết. Sau quan Thái thú Mạnh Thường về loại bỏ các tệ nạn, thương dân như con, ngọc lại trở về nhiều như xưa.
Thạch kê: Là một bộ phận trên cơ thể của Hồ tinh, dưới rốn 3 thốn (ở người không có bộ phận nào tương tự), khi hưng phấn thường ngoáy tròn. Thạch kê giống như thẻ căn cước của loài Hồ, càng to thì càng đa tình. Nhìn thạch kê các đạo sĩ có thể đoán nhận phép thuật cũng như thời gian tu luyện của Hồ ly một cách khá chính xác.
Khúc Xuân Qui: Một đêm quan phủ Phong Lương cùng Sư Bật là nhạc sĩ đương thời đi tuần thú Tô Châu, gặp nàng Xuân Qui đang tắm dưới trăng. ánh trăng rọi trên da thịt một màu trắng thuần khiết, gợi cảm vô cùng. Quan bèn xuống ngựa cởi bỏ hoàn toàn quan phục rồi xin mỹ nhân cho tắm. Hai người đùa vui cả đêm dưới trăng. Nào ngờ vì tắm đêm, gió lạnh, quan cảm hàn chết. Sư Bật thương quá bèn cảm tác bài Xuân Qui để ngợi ca mối tình chốc lát ấy.
Sắt tiêu: Sắt là cây đàn Sắt, tiêu là cây sáo. Thời thượng cổ Sư Thúc vô tình nhặt được mai rùa hoá thạch, căng ba sợi dây thép lên mà chế thành đàn Sắt, khi gẩy tiếng ngân vang vô cùng. Lại cắt thân cây trúc, dùi ruột khoét lỗ mà chế nên cây sáo, khi thổi hơi vào thấy vi vút như tiếng gió. Hai nhạc cụ này trong một khúc tổng phổ thường được phối để đối đáp qua lại, miêu tả lời chim chóc muông thú trao đổi tâm tình.