O’Henry
Nhà văn viết truyện ngắn đặc sắc của Mỹ.

O’Henry (sau khi chết mới biết tên thật là William Sydney Porter) sinh ngày 11 tháng 9 năm 1862 trong một gia đình thầy thuốc ở Grinsboro bang Carolina phía bắc nước Mỹ. Từ 15 tuổi bắt đầu làm chân học việc trong một hiệu thuốc của chú mở ở quê hương, làm việc 5 năm. Năm 1882 vì lí do sức khoẻ, đến một trang trại gia súc của người bạn ở bang Texas phía tây nước Mỹ làm người chăn bò trong 2 năm v.v… Đồng cỏ mênh mông và cuộc sống mộc mạc phóng khoáng của người chăn bò mang lại ảnh hưởng sâu sắc cho ông. Từ năm 1884, Porter thay đổi nhiều nghề nghiệp, từng làm hội kế viên, nhân viên sở điền địa, nhà báo và nhân viên ngân hàng nhà nước số 1 Austin, thủ phủ bang Texas. Trong thời gian làm việc ở ngân hàng, ông xuất bản một tờ báo châm biếm, rồi kiếm tiền tậu máy in của W.C.Brann. Không những bài vở già nửa do mình viết, ngay cả tranh minh hoạ cũng tự vẽ. Đáng tiếc cuộc mạo hiểm lớn đó không mấy thành công, ông lại phải rút lui, viết bình luận thời sự cho báo chí. Ít lâu sau, Porter bị tố cáo là biển thủ 1156 đô la của ngân hàng, vụ án này nội dung phức tạp, về sau vẫn không làm rõ ra được. Để tránh bị xét hỏi, ông một mình bỏ nhà lưu lạc đến Honduras (Trung Mỹ). Ông có thể vô tội, nhưng ông có lỗi lớn là chạy trốn đi, khiến ông khó chối cãi và tự biện hộ nếu bị bắt.

Năm 1896 ông được tin vợ bệnh nguy liều về nhà thăm nom. Mùa hè năm 1897, vợ chết bệnh, bản thân ông tháng 4 năm sau bị bắt, toà án xử 5 năm tù khổ sai, giam trong nhà tù Columbus, bang Ohio. Quản lý nhà tù thấy Porter có kiến thức về dược học và kinh nghiêm làm việc, phân phối ông làm chân dược sĩ của bệnh viện nhà tù. Ông ngoài thời gian làm việc, bắt đầu cố gắng sáng tác, lấy tiền nhuận bút bù đắp vào sinh hoạt phí của con gái ở bên ngoài. Năm 1899, ông đăng được truyện ngắn đầu tiên trên tờ tạp chí MacLure rất có ảnh hưởng đương thời, ký bút danh “ O’Henry”. Bút danh đó một thuyết nói là tên tác giả một bộ sách thuốc Pháp thường dùng ở trong tù, một thuyết nói là tên một người coi tù nào đó, dù nói thế nào chăng nữa, nhà văn kí tên là O’Henry lập tức được độc giả chú ý và giới xuất bản thích thú.

Năm 1901, O’Henry nhân tỏ ra cải tạo tốt, được tha trước kỳ hạn. Năm 1902 ông rời về ở New York, chuyên theo đuổi sáng tác và ký hợp đồng với tờ báo Thế giới New York, đồng thời còn viết giúp cho các báo khác.

Hồi còn trong nhà tù, O’Henry ghi lại những lúc ông lang thang từ xà lim này sang xà lim khác để cho thuốc. Các ký ức này đều được in trong cuốn The Gentle Garfter (Tay bịp bợm đáng mến). Tập sách đầu tiên của ông, cuốn Cabbages and Kings (Bắp cải và vua chúa) gồm có những truyện về các nước cộng hoà ở miền Trung Mỹ nơi mà những kẻ phiêu lưu vẫn còn tràn đầy trong nội các của nhà cầm quyền, chỉ lo lập đường xe lửa và chia nhượng địa. O’Henry đã quan sát các tay phiêu lưu này sống trong những ngôi lều lợp lá và cỏ tại Caribe, nơi mà dân Hoa Kỳ chỉ gồm có một nhân viên tài chính trong quân đội, hai ông chủ nhà băng bị đày, hai kẻ sát nhân và một người đàn bà goá. Ông đã từng mục kích các nhà buôn Hoa Kỳ dẫn đàn lừa mang hàng đi về các làng mạc ở cuối đồi hay là cột buồm của đoàn tàu buôn lậu hoặc đi săn vàng, và hình bóng của những người đàn bà nấu nướng dưới bóng cây cam trên vùng đất đầy hoa, và luôn luôn nắng cháy. Có lẽ ông đã thấy cả viên quận trưởng từ Kentucky đến săn bắt một tên sát nhân, câu truyện mà O’Henry đã thuật lại trong The Theory and the Hound (Lý thuyết về sự săn đuổi).

Một số tác phẩm của O’Henry nói đến Nam Mỹ và xứ Texas nơi mà O’Henry đã gặp những tên cướp và chứng kiến trận giao tranh giữa các kẻ cướp bò. Nhưng cái đất mà O’Henry sở trường nhất và không ai đứng trên được thì phải là thành phố New York. O’Henry đến New York năm bốn mươi tuổi và ông bị lôi cuốn vào đám “Bốn triệu” người một cách tự nhiên. Ông tự giam mình trong các căn phòng hoặc trong các khách sạn nghèo nàn gần xóm Madison Square để cùng uống rượu hoặc chuyện trò với các người gác cửa trên các ghế đá ở công viên, các cô bán hàng và những kẻ mà ông tình cờ gặp nhau tại tiệm nước. Các người hầu bàn, các dân thất nghiệp lang thang và dân hành khất rất có cảm tình với ông vì ông rất rộng rãi với họ. O’Henry rất thích Coney Island khu nghỉ mát ở ngoại ô New York, vì theo lời ông ở đây mọi người đều bình đẳng và các nhà triệu phú cũng ăn bắp rang và dạo chơi đụng trán với các viên thư ký. Tại đây, ông thường lui tới các phòng khiêu vũ, phòng bida và các quán bia ngoài trời, các quán cơm trưa. O’Henry ưa ngồi xe chung với các du khách từ miền Nam, miền Tây, Alaska và Âu châu đến thăm thành phố New York và thỉng thoảng lại lủi thủi cuốc bộ ban đêm qua vùng Bowery, hoặc từ Hester Street qua Broadway đến Harlem. Ông đến thăm những vườn hoa có lợp mái và những khách sạn ở Tenderloin, nơi đây ông cảm thấy yên thân không bị ai dòm ngó và nhận biết, yên lặng say sưa nghe những câu chuyện giữa các kịch sĩ và nữ danh ca, giữa các tên móc túi trộm cắp hoặc giữa những lái buôn. Ông hết sức chú ý và tò mò khi được gặp các tay làm trò ảo thuật, các người từng đi tìm mỏ vàng hoặc mỏ dầu, các tay đánh vật, hoặc một cựu thuyền trưởng.

O’Henry thường nói: “Tôi ước ao được sống suốt đời trên mỗi đường phố New York. Mỗi nhà trên đường phố có một tấn kịch riêng, và ta không bao giờ hết ngạc nhiên trước những kỳ quan của thị thành mà mỗi góc đừơng lại như sắp có chuyện gì xảy ra. Có người bị cướp giật trong công viên và chỗ kia nghe nói có người trước đây sáu tháng nghèo rớt mồng tơi mà nay đã cưới được con gái nhà triệu phú. Có những bác thợ từ vùng mỏ Sierra lần mò đến đây lập nghiệp, và đôi khi người ta lại còn gặp một người đi suốt ngàn dặm để đến gặp một người bạn thân. Chàng nhạc sĩ chơi dương cầm trong quán rẻ tiền nọ rất có thể đã từng bắn được sư tử ở Phi Châu, anh bồi phòng kia trước đây có thể đã từng ở trong quân đội Anh đi đánh dân Zulus. O’Henry có quen một người phụ tàu đã từng được cứu thoát trong khi bọn mọi ăn thịt người sắp đem ra làm thịt và cánh tay anh ta đã bị nghiền nát trong chảo luộc chẳng khác gì một cái càng cua luộc vậy. Theo O’Henry thì thành phố New York cũng như bãi cát lầy luôn luôn vê động và cực kỳ sâu. Hôm nay hạt cát nổi trên mặt ngày mai lại lộn xuống đáy bùn và rồi bí mật này tiếp theo bí mật khác trong một thánh phố mà thiên hạ biến mất đi đột ngột như ngọn đèn bỗng dưng bị thổi phụt tắt. Ông biết rõ đám người của các khách sạn Mỹ - Tây Ban Nha gồm có những người bị đày trốn từ Peru và Chile đến, và khách sạn Thalias mà các kịch sĩ ưa tới tụ họp. Ông hay lui tới tiệm ăn Old Heidelburgs với sườn nhà ám khói, với những chai đựng gia vị trên hai dãy bàn. Người ta chứng kiến ở đây cuộc tình duyên giữa những chàng thợ giặt Seeders và cô Eileen xinh đẹp hay ít ra là cũng hơi đèm đẹp, vì O’Henry vốn tính dễ dãi và cho là ai cũng đẹp cả.

Trong nhiều khách sạn tả trong truyện của O’Henry, ta thường nghe “những tiếng leng keng của bát đĩa chạm nhau như một bản hợp ca của Wagner”. Độc giả cảm thấy quen thuộc với các tiếng động ban đêm trong hành lang các khách sạn, tiếng cãi vã ở phòng bên, tiếng xe chở than nặng nề lăn bánh ngoài phố buổi sáng. Độc giả của O’Henry có cảm tưởng được đặt chân vào các lữ điếm ẩm thấp tối tăm chứa những khách trọ đang ngấm ngầm chết đói. O’Henry biết tất cả các hạng người từ người kiểu mẫu, cô gái bán kẹo ngủ trọ trên lầu thứ 3, về những tay lái buôn luôn luôn đi tìm nhũng sự bất ngờ. Có thiếu phụ từ Vermont đến New York để học nghệ thuật, và có anh chàng từ Alabama đến ngồi hút thuốc lá suốt ngày trong phòng trọ ngay đầu cầu thang, tìm đề tài cho một cuốn truyện phiêu lưu. O’Henry có nghệ thuật vô địch khi tả cái khung cảnh buồn tẻ trong cuốn The Furnished Room (Phòng cho thuê có sẵn đồ đạc). Ông tả một cách vô cùng khéo léo tấm vải tả tơi thêu kim tuyến của các chiếc ghế gẫy và chiếc tràng kỷ đổ nát,mùi hôi hám ở sàn nhà nhớp nháp bốc lên. Người ta nghe một vài chuỗi cười điên dại ở phòng bên, tiếng đàn bănggiô ở xa xa vẳng tới và tiếng vang dội của những con xúc xắc. Thật là khung cảnh dễ xui khiến người đi đến tự vẫn. O’Henry nhiều lần ưa viết truyện về các cô thiếu nữ phải nhịn đói hàng tháng để may được một chiếc áo màu tía trong dịp lễ, và cô gái hầu bàn ở khách sạn đã dành dụm suốt trong một năm trời để đi chơi trong một tuần lễ. Phòng khách của họ là góc phố và vườn dạo mát của họ là công viên và tuy ước mơ một biệt thự trên bờ biển Long Island họ vẫn giữ được lòng trong sạch và tự chủ.

Những tác phẩm thành công của ông là những truyện ngắn biểu hiện tình cảm và hỉ nộ ai lạc của tiểu thị dân New York. Có kẻ cắp chuyên nghiệp vì muốn tìm chỗ ở tránh rét mùa đông mà tìm đủ mọi cách để được bắt vào tù, có nghệ sĩ vì cứu vớt người khác mà mình bị lạnh mắc bệnh rồi chết, có đôi vợ chồng trẻ vì muốn mua tặng phẩm ngày lễ cho thân nhân mà nén lòng bán đi của cải quý báu nhất của mình. Thành phần cấu tạo tầng lớp tiểu thị dân New York rộng rãi chừng nào, đề tài sáng tác của ông phong phú chừng ấy. Ông tự đặt mình vào trong bốn triệu tiểu thị dân New York mà các nhà văn khác không thèm đếm xỉa đến, đồng tình sâu sắc với cảnh ngộ của họ. Truyện của ông không dài, nhưng đặc sắc vì tình tiết quanh co, quanh co đến từ ngẫu nhiên trùng hợp, sự ngẫu nhiên trùng hợp của O’Henry là kết quả của sự sai sót bất ngờ của sự việc hợp tình hợp lý, không chút khiên cưỡng gò bó, gây hiệu quả lâu bền, dư vị vô cùng. Thủ pháp ngẫu nhiên trùng hợp mang tính châm biếm đó đã thành kĩ xảo sáng tác được người ta thích thú ca ngợi, gắng sức bắt chước. Tác phẩm đại biểu của ông là Bốn triệu người (1906), trong đó Tặng phẩm của Magi, Phòng cho thuê có sẵn đồ đạc, Viên cảnh sát và bài thánh ca, v.v… hiện đã thành truyện ngắn hay của thế giới.

Thành công của ông dựa vào bố cục thông minh và đối thoại lời thông tục, dùng phương pháp mới miêu tả lịch sử lãng mạn, hài kịch và bi kịch của đời sống bình thường. Alphonse Smith đã nói: O’Henry so sánh với W.Irving, so sánh với E.Poe, so sánh với F.Harte trên văn đàn Mỹ chiếm địa vị riêng biệt. Irving là dùng thủ pháp lãng mạn, thêm vào sinh mệnh mới cho truyền thuyết kể bằng miệng, E.Poe dùng kỳ tài đáng kinh ngạc của ông, xác định địa vị nhà viết truyện ngắn, Harte là dùng phương ngữ, khiến tác phẩm của ông lộ rõ màu sắc địa phương nồng đậm, O’Henry là vượt lên khỏi thời gian và địa phương, trong truyện ngắn của ông biểu hiện sâu sắc và chân thực tính người phổ biến nhất bất biến bất diệt.

Từ phương diện kĩ xảo mà nói, ông là một người kể chuyện. Cốt truyện của ông ngắn, bố cục đơn giản, phong cách rất độc đáo, ngòi bút luôn luôn chuyển biến. Thường thường đem ý kiến của mình,đưa vào trong câu chuyện,bình luận về câu chuyện của ông với độc giả. Ông dường như không đâu không có mặt, không gì không thấy, đồng thời ông báo cáo kết quả quan sát với độc giả. Ông cho rằng cái thú vị không phải là bản thân ông, mà là nhân vật gặp được trên dọc đường. Sức quan sát của ông rất sâu sắc, dường như không bỏ sót cái gì, càng giống như biết tất cả mọi bí mật. Nhưng cái mà ông chú ý, chỉ là hiện tượng thông thường. Ông không muốn dò tìm bí mật quá sâu kín. Ông là người kể chuyện, cho nên tránh mọi tình tự thâm trầm và bí ẩn,bởi vì những cái đó không thích hợp với giọng điệu khinh khoái. Đồng thời, cũng bởi ông là người kể chuyện, coh nên ông lựa chọn sự việc và câu chuyện kết cục khiến mọi người kinh ngạc, thường có thể dẫn đến cái cười nhẹ nhõm và nước mắt bất ngờ của độc giả. Ông viết chừng 300 truyện ngắn, in thành tập Cabbages and Kings, 1904 (Bắp cải và vua chúa), The Four Million, 1906 (Bốn triệu), Mearts of the West, 1907 (Những tấm lòng của miền Tây), The Gentle Garafter, 1908 (Tay bịp bợm đáng mến), Rolling Stones, 1913 (Đá lăn), và một truyện dài. Ông dùng cấu tứ mới mẻ, ngôn ngữ khôi hài, thủ pháp đột biến biểu hiện xã hội Mỹ đầu thế kỷ 20, mở ra con đường truyện ngắn kiểu Mỹ. Giữa lúc sức sáng tác mạnh nhất, tình hình sức khoẻ của ông lại bắt đầu xấu đi, lại thêm cuộc hôn nhân lần thứ hai bất hạnh, ông bắt đầu rượu chè, tâm lực suy kiệt, ngày 5 thánh 6 năm 1910 bệnh chết ở New York.

Từ 1919, hàng năm có giải thưởng lấy tên O’Henry cho ba truyện ngắn hay nhất trong năm.


Nguồn: Xác và Hồn của tiểu thuyết. Biên khảo, lý luận phê bình của Hoài Anh. NXB Văn học, 4-2007.