5. KHỔ THÂN LÀM VIỆC NGHĨA
Mặc Tử ở nước Lỗ sang nước Tề, qua nhà người bạn cũ, vào chơi. Người bạn nói chuyện với Mặc Tử rằng: "Bây giờ thiên hạ ai còn thiết đến việc "nghĩa", một mình ông tự khổ thân để làm việc nghĩa, thì có thấm vào đâu! Chẳng thà thôi đi có hơn không? - Mặc Tử nói: "Bây giờ có người ở đây, nhà mười đứa con, một đứa cày, chín đứa ngồi ăn không, thì đứa cày chẳng nên càng chăm cày hơn lên ư? Tại sao thế? Tại đứa ăn không nhiều, đứa đi cày ít. Bây giờ thiên hạ chẳng ai chịu làm việc nghĩa, thì ông phải biết khuyên tôi càng làm lắm mới phải, có đâu lại ngăn tôi như thế!"
GIẢI NGHĨA
Mặc Tử: tên sách của Mặc Địch soạn, chủ nghĩa là kiêm ái yêu người như yêu mình cũng gần giống chủ nghĩa của đạo Cơ Đốc và đạo Thích Ca.
Tề: một nước chư hầu lớn, thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng ở vào địa phận tỉnh Sơn Đông bây giờ.
Nghĩa: việc phải, việc hay mà người ta nên làm.
Tự khổ thân: tự mình làm cho mình khóc nhọc vất vả.
LỜI BÀN
Trong khi nhân tâm thế đạo suy đồi, mình là người còn đứng vững được, thì sao lại chịu suy đồi với thiên hạ cho cùng trôi một loạt. Vì nếu ai cũng như thế cả, thì còn đâu là người cảnh tỉnh được kẻ u mê để duy trì lấy nhân tâm thế đạo nữa? Cho nên những người thức thời, có chí, dù ở vào cái đời biến loạn đến đâu, cũng không chịu đắm đuối vào cái bất nghĩa, khác nào như: cây tòng, cây bách, mùa đông sương tuyết, mà vẫn xanh, như con gà trống, mưa gió tối tăm mà vẫn gáy. Những bậc ấy chẳng những thế mà thôi, lại còn đem bao nhiêu tinh lực tâm trí ra, cố gắng giữ lấy phong hóa mà dìu dắt, mà đưa đường cho những kẻ u mê đắm đuối. Như Mặc Tử đây, cho là đời là suy biến, coi sự làm việc "Nghĩa", sự cổ động việc nghĩa như cái chức vụ của mình phải làm, thực là người có công với loài người vậy.
6. CÁCH CƯ XỬ Ở ĐỜI
Thầy Nhan Uyên, hỏi Đức Khổng Tử: "Hồi này muốn nghèo mà cũng được như giàu, hèn mà cũng được như sang, không phải khỏe mà có oai, chơi bời với người ta suốt đời không lo sợ gì, muốn như vậy, có nên không?"
Đức Khổng Tử nói: "Người hỏi thể phải lắm. Nghèo, mà muốn cũng như giàu, thế là biết bằng lòng số phận không ham mê gì. Hèn, mà cũng muốn như sang, thế là biết nhún nhường và có lễ độ. Không khỏe, mà muốn có oai, thế là biết thận trọng, cung kính không lầm lỗi gì. Chơi bời với mọi người mà muốn suốt đời không lo sợ, thế là biết chọn lời rồi mới nói.
Khổng Tử Tập Ngữ
GIẢI NGHĨA
Khổng Tử Tập Ngữ: sách chép những lời nói, những truyện về đức Khổng Tử. - Khổng Tử tên là Khưa, tên tự là Trọng Ni, người nước Lỗ, thời Xuân Thu nhà Chu, học về Lễ, Nhạc, Văn chương đời cỗ, đi nhiều nước chư hầu không được dụng bỏ về làm kinh Xuân Thu, san định các kinh Thi, Thư, Dịch, Lễ, Nhạc và dạy học trò được ba nghìn người, có bảy mươi hai người giỏi. Nước Tàu xưng làm Tổ đạo Nho.
Nhan Uyên: tên là Hồi, người nước Lỗ, thời Xuân Thu, học trò giỏi nhất của Đức Khổng Tử.
Hồi: theo lễ xưa, hầu chuyện những bậc trên, như vua, cha, thầy học, thường hay xưng tên.
Lễ độ: phép tắc mực thước.
Thận trọng: cẩn thận, trọng hậu.
LỜI BÀN
Không cần công danh phú quí thế là biết giữ thiên tước hơn là nhân tước, không để ai khinh lờn được, thế là biết trọng phẩm giá mình, không muốn đeo cái lo vào mình, thế là biết giữ thân không phiền lụy đến ai. Ở đời mà giữ trọn vẹn được mấy điều như thế, tưởng thật là một cách vui thú rất cao thượng vậy.