'Thơ VN thế kỷ 20': Kẻ nói xuôi, người nói ngược

Cuốn hợp tuyển đầu tiên về thơ ca VN thế kỷ 20 đang được Hội Nhà văn triển khai thực hiện. Nhưng trong khi Chủ tịch hội đồng biên soạn khẳng định, đây là tập hợp thành tựu thi ca suốt 100 năm, thì Ban chấp hành Hội lại nói, nó chỉ là tài liệu phục vụ Hội nghị quảng bá văn học VN ra nước ngoài.

Ngày 30 và 31/7, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam họp bàn về việc chuẩn bị cho sự ra mắt cuốn hợp tuyển thơ ca Việt Nam thế kỷ 20. Nhà thơ Vũ Quần Phương - người được chọn làm Chủ tịch Hội đồng biên soạn - cho biết: "Mục đích của kế hoạch này là tạo ra một tuyển tập, nhìn lại thành tựu của một thế kỷ thơ ca. Việc đó trước sau gì cũng phải làm. Hội Nhà văn đã lùi công việc này lại đến nay là năm thứ 9 rồi. Hội đồng thơ được giao nhiệm vụ từ năm 2008. Đến nay, Ban tuyển chọn mới thành lập, gồm 4 nhà thơ: tôi, Nguyễn Đức Mậu, Trần Nhuận Minh, Ngô Thế Oanh, cùng 2 nhà phê bình, nghiên cứu: Lưu Khánh Thơ, Lý Hoài Thu".

Theo đó, Ban tuyển chọn sẽ chọn thơ theo hình thức bỏ phiếu. Danh sách các tác phẩm được chọn sẽ được trình lên Ban nghiệm thu, sau đó, trình tiếp lên Ban chấp hành để Hội quyết định về việc in ấn, xuất bản tập sách. Tuy nhiên, một trong những khó khăn lớn hiện nay, theo ông Phương, là việc Ban chấp hành chưa đưa ra giải pháp cuối cùng về quy mô hợp tuyển. Ông Phương nói: "Chúng tôi dự định làm danh sách ở ba quy mô. Thứ nhất, quy mô hẹp (khoảng 100 tác giả): chỉ tinh tuyển những tác phẩm thật sự xuất sắc. Thứ hai, quy mô vừa: khoảng gần 250 tác giả (tức là nửa số hội viên làm thơ của Hội). Thứ ba, quy mô toàn thể: tất cả hội viên Hội Nhà văn, các nhà thơ miền Nam trước 1975 và các tác giả thành danh trước khi Hội ra đời (1957)".

Thông tin này đã làm dấy lên xôn xao trên báo chí những ngày qua về quy mô, tiêu chí cũng như sự công tâm của Hội đồng tuyển chọn khi thực hiện tập sách.

Khi được hỏi ý kiến về việc làm Hợp tuyển thơ Việt Nam thế kỷ 20, nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ cho biết: "Theo tôi, chỉ nên tuyển những tác phẩm thật hay, tạo nên một tuyển tập thật sự có giá trị. Không nên vì để có tên, để vui cả làng mà đưa cả những bài chưa thực sự xuất sắc. Không phải mọi tác giả vào Hội đều có thơ hay".

Còn một hội viên (giấu tên) cho biết: "Tôi biết, nhiều nhà thơ hội viên đang thấp thỏm không biết mình có tên trong danh sách hay không. Nhưng tôi coi điều này nhẹ nhàng. Vì hợp tuyển thể hiện cách nhìn của Hội đồng. Thơ tôi không được chọn, cũng không sao cả. Vì với hội đồng này, thơ tôi không hay, nhưng với một hội đồng khác, thơ tôi lại hay. Nên không có gì phải ầm ĩ. Trước đây, chúng ta cũng từng xôn xao khi tuyển tập 100 bài thơ hay nhất VN thế kỷ 20, vì cho rằng, nhiều tác phẩm trong số đó không xứng đáng. Nhưng cái hội đồng đó, những người tuyển chọn đó, họ nhìn như vậy thì họ chọn như vậy thôi".

Nếu thực hiện theo quy mô vừa, những tác giả có nhiều tác phẩm được chọn nhất gồm có: Chế Lan Viên - 7 bài; Xuân Diệu - 6 bài, Huy Cận - 6 bài... Thông tin này khiến nhiều nhà thơ cho rằng, hội đồng tuyển chọn đã phân biệt "chiếu trên chiếu dưới" trong làng thơ, chứ không dựa trên chất lượng tác phẩm. Ông Phương khẳng định: "Đó là sự hiểu lầm. Tiêu chí của Ban chấp hành đề ra là Yêu nước - Cách mạng - Dân tộc và Nhân văn. Chúng tôi cứ thơ hay mà chọn. Chẳng qua là ở quy mô đó, thì ra kết quả như vậy thôi. Còn ở quy mô khác, số tác phẩm của mỗi tác giả có thể sẽ lại khác".

Nếu Hội Nhà văn thực sự có ý định làm một Hợp tuyển thơ Việt Nam thế kỷ 20, việc thống nhất ngay từ đầu quy mô cuốn sách sẽ giúp Hội đồng biên soạn tập trung hơn, dễ dàng hơn trong việc tuyển chọn. Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress.net, nhà văn Nguyễn Trí Huân - Phó chủ tịch Hội Nhà văn - cho biết: "Hiện nay, Hội chưa triển khai thực hiện Tuyển thơ VN thế kỷ 20. Công việc đang được triển khai là làm một tập tài liệu phục vụ cho Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài diễn ra vào đầu năm 2010. Tài liệu này giới thiệu những gương mặt nổi bật của thơ ca Việt Nam thế kỷ qua, để các đại biểu dự hội nghị có điều kiện thưởng thức một số thành tựu thơ ca Việt Nam, đồng thời làm cơ sở để khuyến khích họ tiếp tục chuyển ngữ tác phẩm Việt Nam ra các ngôn ngữ khác".

Theo hướng này, ông Huân cho biết: "Trong khi tuyển, Hội đồng sẽ phải cân nhắc ưu tiên chọn những tác giả dễ dịch. Ví như, thơ Nguyễn Bính rất hay, rất truyền thống, rất Việt Nam nhưng nếu chọn nhiều thơ ông, cơ hội để dịch thành công là rất ít. Những câu như: "Hôm nay dưới bến xuôi đò / Thương nhau qua cửa tò vò nhìn nhau" - cái 'cửa tò vò' trong tiếng Việt thì hay, nhưng ví như dịch ra tiếng Anh mà nó thành 'windows' thì chẳng còn tý thơ nào nữa".

Câu trả lời đó của đại diện Ban chấp hành đã khiến cho những ồn ào trở thành sự ầm ĩ về chuyện không đâu. Còn nhà thơ Vũ Quần Phương cười buồn: "Việc làm hợp tuyển, Hội đã có dự định từ nhiều năm nay, trước sau cũng sẽ làm. Riêng hợp tuyển về thơ theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành vào cuối năm nay. Nhưng trước tình trạng này, tôi cũng chưa nói trước được điều gì. Tuy nhiên, chúng tôi tin vào sự lựa chọn công tâm của mình".

(Nguồn VNEXPRESS)