Lúa Campuchia tràn vào Việt Nam

Hàng trăm tấn lúa Campuchia qua cửa khẩu Tịnh Biên, An Giang, mỗi ngày khiến nông dân ĐBSCL điêu đứng, khi thóc thu hoạch vụ Đông - Xuân còn đầy ắp trong kho, mà Hè - Thu chuẩn bị vào vụ mới.

Kênh Vĩnh Tế, đoạn từ cầu sắt Hữu Nghị đến cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên thuộc thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên, An Giang mấy ngày nay nhộn nhịp cảnh vận chuyển, mua bán lúa. Những hạt lúa này có nguồn gốc từ Campuchia, vào thị trường nội địa qua biên giới Tịnh Biên, ở cả đường bộ lẫn đường thủy.



Ngay chân cầu sắt Hữu Nghị, Tịnh Biên, hơn chục xe ba gác chở đầy những bao to chạy từ hướng Campuchia sang Việt Nam. Từng đoàn nối đuôi nhau xếp thành hàng dài, chờ đến phiên xuống lúa giao cho bạn hàng.

Theo ghi nhận của phóng viên VnExpress.net, xe nào chưa có người mua thì giao dịch bán diễn ra ngay tại chân cầu Xuân Tô. Còn những chiếc có chủ đặt hàng thì tiến thẳng vào các vựa phía kênh Vĩnh Tế để bán cho các chủ vựa.

Phía dưới kênh, hàng nghìn chiếc ghe ở khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có tải trọng từ vài chục đến trăm tấn neo đậu dọc hai bên bờ thành hàng dài, gần cả cây số, chờ đến lượt gom.

Anh Ngô Văn Sáng, lái lúa tại Đồng Tháp cho hay đã neo dưới kênh Vĩnh Tế gần hai ngày mới mua được hơn nửa ghe và chờ mua cho đầy ghe mới đi bán. "Lúa Campuchia không sợ thiếu, vấn đề chỉ là thương lượng giá cả, chuyến nào mua được giá thấp thì lời to", anh Sáng chia sẻ. Lúa Campuchia dao động 3.600-3.700 đồng một kg, thấp hơn hàng nội địa 200-300 đồng, nên thương lái ở khắp các nơi đều đổ ghe về đây.

Mỗi ngày có vài trăm đến cả nghìn tấn lúa ngoại được giao dịch. Bà Ngô Thị Ái, chủ ghe ở Thốt Nốt, Cần Thơ cho hay: "Lúa nhập khẩu từ Campuchia có 3 loại là Khaodak, Khaodakmali và thơm Lài, gọi chung là lúa Sóc. Thị trường nội địa đang chuộng các loại gạo này. Mặc khác, hàng thu mua trong nước không lời bằng, nên thương lái buộc lòng phải lên tận vùng biên mua sản phẩm ngoại". Chưa kể, lúa ngoại ít sử dụng phân thuốc, gạo dẻo, ăn ngon cơm nên người tiêu dùng khá ưa chuộng.

Thống kê của ngành nông nghiệp An Giang, có khoảng 60% người dân sử dụng lúa gạo Campuchia trong bữa cơm hằng ngày. Theo ông Nguyễn Văn Tứ, Bí thư kiêm Chủ tịch xã An Nông, huyện Tịnh Biên: "Mỗi ngày có hàng nghìn xe lúa Campuchia vào thị trường mà giá lại thấp, khiến việc mưu sinh người dân của xã khó khăn".

Ông Huỳnh Thế Năng, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: "Lâu nay doanh nghiệp chú trọng xuất khẩu mà bỏ quên thị trường nội địa. Còn chuyện lúa gạo ngoại đổ vào vựa lúa xuất khẩu lớn của cả nước đã xảy ra từ lâu, nhưng gần đây mới rộ lên".

Theo ông Năng, một số người dân các tỉnh biên giới Tây Nam qua Campuchia thuê đất canh tác lúa thường xuyên, mỗi năm thu hoạch hàng trăm nghìn tấn. Sau đó diện tích trồng lúa ở Campuchia ngày càng mở rộng, năng suất cũng tăng cao nhờ áp dụng kỹ thuật thâm canh của các kỹ sư Việt Nam qua hướng dẫn.

Gia Bảo(vnexpress)