Mắt xanh và mắt cú vọ


"Mắt xanh" hay mắt "cú vọ" thể hiện nhãn quan, viễn kiến của mỗi người. Riêng trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật, những con mắt xanh là điểm nhìn, là "ánh xạ" về những con người không chỉ biết cầm tay giao việc mà còn biết hoạch định chiến lược phát triển trên những chặng đường dài.



Câu chuyện "nhãn quan"



Trong "Truyện Kiều" của đại thi hào Nguyễn Du, "mắt xanh" trước hết là để chỉ sự bằng lòng, vừa ý: "Bấy lâu nghe tiếng má đào/ Mắt xanh chẳng để ai vào, có không?". Sau đến, con mắt xanh chỉ con mắt tri ân, tri kỷ, biết nhìn người, nhìn việc và đặt đúng trật tự của nó, như trong đoạn về Thúy Kiều - Từ Hải:

"Khen cho con mắt tinh đời
Anh hùng đoán giữa trần ai mới già!
Một lời đã biết đến ta,
Muôn chung nghìn tứ cũng là có nhau"

Ai mang được con mắt như thế là quá đẹp, đẹp từ ánh nhìn đến chiều sâu. Ở phim "Tây du ký" từng làm mê mẩn bao thế hệ khán giả Việt Nam, Sư Tổ của Tôn Ngộ Không mang con mắt như thế.

Khi Tôn Ngộ Không còn là con khỉ hoang, đi lên núi tầm sư học đạo, gặp Bồ Đề Sư Tổ. Dẫu con khỉ sinh ra từ tảng đá nứt (Thạch Hầu) này đã gây ra không ít chuyện phải quấy nhưng không vì thế mà gã họ Tôn này bị đuổi đi cho khuất mắt. Sư Tổ cảnh cáo bằng cách... gõ lên đầu Ngộ Không 3 cái.

Hóa ra, đó chính là việc làm thể hiện nhãn quan, thể hiện con mắt nhìn người tinh vi của Sư Tổ Bồ Đề. Đúng canh ba, học trò Ngộ Không rón rén lên gặp thầy, Ngộ Không đã được thầy trao cho 72 phép thuật giúp người, cứu đời.

Sau này Ngộ Không tiếp tục hộ giá Đường Tăng sang Tây Thiên thỉnh kinh. Chính ánh mắt và tấm lòng từ bi bác ái của vị sư phụ này đã thu nhận Ngộ Không, răn dạy Ngộ Không cách làm người; nhưng cũng chính Đường Tăng nhiều lúc không tin tưởng "con mắt" có khả năng soi chiếu yêu ma của Tề Thiên Đại Thánh nên đã quở mắng học trò, thậm chí đuổi đi; cho dù khi vắng Ngộ Không, lòng Đường Tăng đau như cắt. Qua đó mới thấy, với con mắt xanh, có "tình cảm" mà thiếu "lý trí" thì vẫn là chưa đủ.

Không phải con "mắt xanh" là con mắt của chính nhân còn "mắt cú vọ" là của nhân vật "phản diện". Trong quan niệm của nhiều nước phương Tây, "con cú" không phải là hình ảnh tiêu cực như "con cú" trong mắt nhìn của người phương Đông. Như bộ phim có tựa là "Cú và chim se sẻ" của đạo diễn Việt kiều Stephane Gauger từng đoạt giải báo chí bình chọn ở Cánh diều Vàng 2008, con cú là lối so sánh rất tích cực.

Với sự tinh xảo sẵn có, con mắt "cú vọ" sẽ nhìn ra cả những điểm hay, đích đáng cũng như những điểm dở, cần khắc phục của sự vật - sự việc hay con người. Trải qua quá trình rèn giũa, học tập với đủ thành công và thất bại, người ta sẽ có được con mắt cú vọ biết nhìn xoáy vào những gì cần tác động để có sự đi lên theo chiều hướng tốt.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà nhà thiết kế Minh Hạnh (từng được Chính phủ Pháp tấn phong danh hiệu Hiệp sĩ nghệ thuật và văn chương) đã rất thích dùng từ con mắt cú vọ trong làng thời trang.

Ở ngành nghề, lĩnh vực nghệ thuật này, cái mới luôn xen lẫn cái cũ, xu hướng chủ đạo luôn nhập nhòa với sự lỗi thời. Một nhà thiết kế hay ông chủ thời trang tầm cỡ, có con mắt "cú vọ" sẽ biết phải làm thế nào để phát hiện và đưa ra ánh sáng những cái đẹp nhất lẫn giữa những cái rườm rà, tôn được nét văn hóa đặc sắc trong mớ hỗn độn hoa hòe hoa sói.

Đó là điều không dễ có được trong ngày một ngày hai, không phải bất cứ ai cũng có thể làm tốt, kể cả những việc thông thường với người làm thời trang như chọn được cô người mẫu có tiềm năng nào, đem giới thiệu bộ sưu tập gì, gắn chi tiết nào lên lên trang phục để tạo điểm nhấn và gây ấn tượng trước những con mắt cũng "cú vọ" không kém của khách hàng.

Mắt xanh, mắt cú vọ và tầm nhìn


Có nhãn quan tốt để nhìn biển rộng sông dài

Bên cạnh những con mắt tối sầm, sàm sỡ, chỉ biết ngó ngang liếc dọc, cản trở sự phát triển đi lên thì rất may, trong làng văn hóa - văn nghệ vẫn giữ được sự lạc quan nhiều hơn bi quan nhờ có những con "mắt xanh" và cả mắt "cú vọ" soi chiếu.

Không hiếm những cuốn sách đáng lẽ khó có ngày bạn đọc có thể cần trên tay nếu không có những con mắt xanh bảo vệ của công chúng và nhất là con mắt xanh uy quyền có thể can thiệp được trước những con mắt ngắn về tầm nhìn, hẹp về thiện tâm.

Một cuốn tiểu thuyết tầm cỡ như "Nỗi buồn chiến tranh" của nhà văn Bảo Ninh không hiểu sẽ "ách tắc" đến bao giờ nếu không có những con mắt xanh "giải cứu" nó, để rồi đến ngày hôm nay nó vẫn là niềm tự hào của tiểu thuyết VN chứ không phải nó bôi xấu ai, điều gì như từng bị quy chụp.

Khi làm phim "Thung lũng hoang vắng", kể về cô giáo dạy học ở miền núi khao khát yêu đương, có những cảnh "nóng" dưới suối mà phim suýt bị "tuýt còi". Chỉ chờ có cái nhìn đúng đắn hơn khi Bộ trưởng Nguyễn Khoa Điềm lúc đó đã xem phim và khen phim không những tốt mà còn là phim thành công về nhiều mặt, nên "Thung lũng hoang vắng" đã được "mẹ tròn con vuông" khi ra rạp.

Đạo diễn phim tài liệu Trần Văn Thủy "nổi tiếng" vì có nhiều phim bị cấm chiếu hoặc bị xét nét lên xuống một thời. Trong những tác phẩm này, bộ phim "Hà Nội trong mắt ai" có số phận long đong trong nhiều năm, sau mới tai qua nạn khỏi nhờ có "mắt xanh" của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng.

"Lúc đó, trước bác Đồng, nếu bác có nói với tôi rằng không biết cháu làm hay hay dở, nhưng cháu hãy dẹp bộ phim này đi vì nó không thích hợp trong thời điểm này thì tôi sẵn sàng từ bỏ… Nhưng bác lại không nói thế. Bác cho rằng, phim không giống như những gì người ta đã quy chụp cho nó. Bác kết luận: "Chiếu ngay bộ phim này cho nhân dân xem, càng rộng càng tốt, sau này nếu phát hiện sai đâu thì sửa,"" đạo diễn Trần Văn Thủy kể lại.

Ông Lưu Danh Hùng - nguyên Giám đốc Fafilm kể trên báo Thanh Niên về phim "Phải sống" (To live) của đạo diễn Trương Nghệ Mưu như một trường hợp về con mắt xanh. Phim này không được phổ biến ở Trung Quốc nhưng được cho phép phổ biến ở nước ngoài.

Khi Fafilm nhập về "Phải sống", đem chiếu, mọi người đi xem rất đông và phim có thời điểm bị dừng lại vì sợ nhạy cảm. May khi đó có mời Phó thủ tướng Nguyễn Khánh xem, ông nói đây là một phim tốt, không có gì phải cấm, nhờ vậy phim được tiếp tục phổ biến.

Kể lại những câu chuyện như vậy để thấy những con "mắt xanh" hay mắt "cú vọ" chính là thể hiện nhãn quan, viễn kiến của mỗi người. Riêng trong lĩnh vực văn hóa - văn nghệ, những con mắt xanh là điểm nhìn, là "ánh xạ" về những con người không chỉ biết cầm tay giao việc mà còn biết hoạch định chiến lược phát triển trên những chặng đường dài.

Phải chăng nhờ có "mắt xanh" mà Ấn Độ đã tạo dựng được "kinh đô điện ảnh" Bollywood ở châu Á, Hàn Quốc khuếch trương được "làn sóng văn hóa" hay như Singapore thành công với thành phố của ý tưởng, tài năng và tri thức như mô hình mà giáo sư người Anh Tom Cannon khởi xướng?

(TuanVietNam)