Về Buôn Ma Thuột ngắm thác, uống cafe và cưỡi voi
Bài và ảnh: Peter Kauffner - Thanh Tùng
Buôn Ma Thuột, tỉnh lỵ của tỉnh Đắc Lắc, là thành phố nhỏ ở khu vực Tây Nguyên, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 350km về hướng Đông Bắc, cách Đà Lạt khoảng 220km. Tuy các điểm du lịch ở đây chưa thực sự nổi tiếng nhưng là nơi lý tưởng để thực hiện chuyến tham quan khá thú vị để khám phá thiên nhiên và cuộc sống của người dân bản xứ.
Tỉnh Đắc Lắc có những thác nước lớn và vườn quốc gia- nơi bảo tồn rất nhiều động vật quý hiếm. Nơi đây có trên 44 dân tộc thiểu số sinh sống với nguồn thu nhập chính từ cà phê.
Cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 1 giờ đi xe trên Quốc lộ 14 về hướng Nam, bạn sẽ đến một ngọn thác hùng vĩ rộng tới 100m tên là Dray Sap. “Dray Sap” tiếng Êđê, có nghĩa là “thác khói”, bởi lẽ dòng nước từ trên cao đổ xuống tạo thành một màn bụi nước bay là là như màu sương khói. Đi qua dòng Krông Ana (sông cái, theo tiếng Êđê) phía dưới thác nước tôi thấy một cây cầu treo đung đưa qua lại. Khu vực này có một vài chiếc lều để phục vụ du khách nghỉ chân khi đến đây tham quan. Cách đó chừng 7km là thác Gia Long, nhỏ hơn thác Dray Sap. Nhờ có địa hình đá dốc nên đây là nơi được rất nhiều nhà leo núi ưa thích. Cách đó một đoạn là thác Dray Nur rộng chừng 250m.
Buôn Ma Thuột còn được gọi là Ban Mê Thuột, thủ phủ của khu vực Tây Nguyên. Năm 1890 thực dân Pháp lần đầu tiên đến khảo sát vùng đất này, họ thấy chỉ có người Êđê và M’nông sinh sống. Buôn Ma Thuột gốc tiếng Êđê có nghĩa là “buôn của Ama Thuột”, Ama Thuột – tên một vị tù trưởng giàu có và quyền uy nhất vùng. Trong tiếng M’nông, nó cũng có nghĩa tương tự. Sau khi thành phố Buôn Ma Thuột thành lập năm 1904, việc trồng cà phê đã thay thế cho săn bắn động vật hoang dã. Tháng 3/1975 Quân đội Nhân dân Việt Nam bất ngờ tiến đánh Buôn Ma Thuột, mở đầu cho chiến dịch Hồ Chí Minh.
Người dân ở đây rất thân thiện và tỏ ra thích thú khi gặp người nước ngoài. Họ đều mỉm cười và nói “xin chào”. Nhiều người còn giơ tay hình chữ V để vẫy chào tôi. Ở Việt Nam, cử chỉ này không có nghĩa là “chiến thắng” hay “hòa bình” mà chỉ đơn giản là “xin chào”. Thậm chí một số cô gái còn hô to “tôi yêu bạn”.
Tôi đi xe buýt từ thành phố Buôn Ma Thuột đến Vườn Quốc Gia Yok Đôn ở Buôn Đôn. Đây là vườn quốc gia lớn nhất Việt Nam kéo dài từ tỉnh Đăk Lăk đến biên giới của nước Campuchia. Vườn quốc gia Yok Đôn là nơi ẩn chứa bao điều kỳ thú bởi sự phong phú và độc đáo của thiên nhiên hoang sơ. Vườn quốc gia gồm một số loại rừng, 62 loài động vật có vú, 196 loài chim, và 46 loài bò sát. Trong số này gồm có bò rừng, bò tót, nai, công, kỳ đà nước và cả loài báo – một loài động vật quý hiếm. Tuy nhiên nếu bạn không quan sát kỹ sẽ không thấy những loài động vật này.
Trên đường đến Vườn quốc gia tôi gặp một nhóm thiếu nữ trong đó có một cô gái có thể đọc và viết tiếng Anh, nên chúng tôi trao đổi bằng cách viết. (Học sinh Việt Nam thường viết tiếng Anh tốt hơn là nói). Đến Vườn quốc gia, tôi thấy có rất nhiều khách du lịch, hầu hết họ đến bằng xe mô tô. Ở đây cũng có một vài cây cầu treo giống với cây cầu ở gần thác nước. Nhưng dường như tôi là tâm điểm gây sự chú ý chứ không phải là những chú voi hay các cây cầu ở đây. Các cậu bé thi nhau chụp ảnh kỷ niệm với tôi.
Những chú voi sẽ đưa bạn qua dòng Sêrêpok trong khoảng 30 phút. Trong Vườn quốc gia còn có hươu và các loài động vật hoang dã khác. Hội đua voi thường được tổ chức hàng năm ở Buôn Đôn vào tháng 3 âm lịch. Vị tù trưởng của người M’nông N’Thu K’Nul đã khai sinh ra Buôn Đôn. Ông từng săn được hàng trăm voi trong đó có một con voi trắng mà ông đã mang tặng Hoàng gia Thái Lan năm 1861. Voi trắng tượng trưng cho may mắn ở Thái Lan.
Trở lại thành phố Buôn Ma Thuột, tôi phát hiện ra rằng thành phố đã có bước phát triển tột bậc. Một siêu thị của hệ thống Saigon Co.op Mart được đặt tại đây. Trước đây người dân chưa bao giờ nhìn thấy một chiếc thang cuốn. Họ chần chừ một lúc trước khi bước lên những bậc thang đang chuyển động một cách đầy bí ẩn, rồi họ cẩn thận bước ra khỏi thang cuốn. Một bà mẹ bị trẹo chân. Khi cả gia đình ra khỏi thang cuốn an toàn, các cô gái cười to và đến trợ giúp. Sau đó họ đi thẳng xuống thang cuốn. Ngay trong siêu thị này, khách hàng thường tụ tập xung quanh quầy thu ngân. Họ dường như không có ý định xếp hàng chờ tới lượt mình. Đơn giản là họ chưa bao giờ xếp hàng nên họ đã không hình thành được thói quen đó. Trong thành phố có một vài bảo tàng trong đó có Bảo tàng các dân tộc Việt Nam. Ở đây trưng bày nhiều hiện vật có giá trị như trang phục truyền thống, dụng cụ, hình ảnh và cả nhạc cụ của các dân tộc đang sinh sống tại Đăk Lăk. Các dân tộc ở Tây Nguyên nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng. Ngoài ra còn có Bảo tàng cách mạng và Tượng đài chiến thắng Buôn Ma Thuột để tưởng niệm cuộc chiến năm 1975, một bước ngoặt của chiến tranh Việt Nam. Tượng đài nằm bên trong vòng xuyến ở ngã 6 Ban Mê - trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, nằm trên giao điểm của quốc lộ 14 và quốc lộ 26 đi qua thành phố. Nơi đây từng có một chiếc xe tăng T-34 của Nga nhưng nó được đưa vào bảo tàng năm 1997 và thay thế vào đó là một chiếc xe mô hình.
Đi về hướng nam thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 60 km bạn sẽ đến hồ Lăk. Ở đây bạn có thể đi thuyền độc mộc, cưỡi voi hay đi bộ xuyên rừng. Ngay cạnh hồ là khu Biệt điện Bảo Đại, nay được sử dụng làm nhà nghỉ cho du khách thuê. Người M’nông sống ở vùng này nổi tiếng với những bài hát, điệu múa và những câu chuyện truyền thuyết. Đến Buôn Jun - buôn làng nổi tiếng của người M’nông, bạn sẽ thấy những ngôi nhà sàn theo kiểu kiến trúc cổ truyền của đồng bào Tây Nguyên và ngắm các thiếu nữ buôn làng chăm chỉ cần mẫn bên khung dệt thổ cẩm. Bạn có thể liên hệ nghỉ tại nhà dài truyền thống hay bungalow bên hồ Lăk tại quán Café Đức Mai (268 Đ Nguyễn Tất Thành). Hồ Lăk là một trong những địa điểm nằm trong hành trình khám phá bằng xe máy từ Đà Lạt xuống Nha Trang, theo hành trình từ quốc lộ 27 sang quốc lộ 26.
Bạn cũng nên đến thăm buôn Akô Dhông- buôn của người Êđê, cách trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 1,5km về hướng Bắc. Ở đây, người Êđê và M’nông đều theo đạo Tin lành.
Thành phố Buôn Ma Thuột tổ chức Lễ hội cà phê vào tháng 12 năm ngoái. Tại lễ hội có cuộc diễu hành của voi và giới thiệu tách cà phê lớn nhất thế giới, đã được sách Kỷ lục Thế giới Guiness công nhận. Tách cà phê nặng 6 tấn và có dung tích 3.600 lít. Lễ hội cà phê được tổ chức 3 năm một lần.
Thời gian đẹp nhất để thăm Buôn Ma Thuột là vào mùa khô, từ tháng 11 đến tháng 5. Nếu đến đây, rượu cần và hạt cà phê là những đặc sản địa phương bạn nên mua làm quà.
Thông tin thêm:
Đến Buôn Ma Thuột bằng cách nào?
Từ bến xe Miền Đông tại thành phố Hồ Chí Minh, bạn đi xe buýt trong khoảng 8 tiếng sẽ đến thành phố Buôn Ma Thuột.
Chỉ dẫn du lịch
Hồ Lăk: Liên hệ tại bến xe buýt chính hay các công ty du lịch Đăk Lăk (Tel: 0500. 3 852 108 - Địa chỉ: 3D Phan Chu Trinh), công ty du lịch Đam San (Tel: 0500. 3 851 234 - Địa chỉ: 212-214D Nguyễn Công Trứ).
Buôn Đôn: Từ thành phố Buôn Ma Thuột hay bến xe buýt chính, đón chuyến xe Ea Sup về hướng tây bắc trong khoảng 90 phút bạn sẽ đến Buôn Đôn.
Cụm thác nước: Từ đường Nguyễn Chí Thanh, đón xe buýt số 5. Xe buýt sẽ đi dọc đường Nguyễn Thị Định, nay là quốc lộ 14. Đến Ea Tling, có một ngã ba. Xe buýt sẽ rẽ trái để đến thác Dray Sap trong khoảng 45 phút. Nếu muốn đến thác Dray Nur, đổi xe buýt tại Ea Tling. Thác Dray Sap cách Ea Tling khoảng 6km về phía tay trái; thác Dray Nur cách Ea Tling khoảng 10km về phía tay phải.