Báo chí giới thiệu

Theo Báo Thanh Niên
Sự thu hút của đời thường


Gần đây, văn học mạng đã lôi cuốn khá nhiều người đọc. Những tác phẩm từ mạng được in thành sách, hầu như cuốn nào cũng được bạn đọc hưởng ứng và có số bản in khá cao. Điển hình là Keng và hai cuốn sách mà giới trẻ rất thích.

Ngay cả người lâu năm trong nghề cũng khen cô có cách viết hiện đại, đáp ứng được nhu cầu đọc của giới trẻ. Còn Nguyễn Thị Thu Hiền là một cái tên hoàn toàn mới, thậm chí chưa hề xuất hiện đình đám trên mạng như nhiều tác giả trẻ khác, nhưng tác phẩm đầu tay của cô vẫn khiến người đọc tìm thấy nhiều điều thú vị.

Cô gái Hà Nội thuộc thế hệ 8X này, theo lời giới thiệu của nhà xuất bản, dù mới viết văn lần đầu, đã khá chắc tay, với cách dẫn chuyện nhiều lôi cuốn. Ba mươi tình tiết mà cô nêu ra trong sách có nội dung hết sức gần gũi với cảnh sống của nhiều gia đình. Những cô gái trẻ đang yêu, những cô dâu mới về nhà chồng có thể tìm thấy mình trong những sinh hoạt rất đời thường, trong cách nói năng, cư xử, và ngay cả trong cảm xúc của từng hoàn cảnh.

Văn của Hiền có lúc huỵch toẹt, đáo để kiểu “gái Hà Nội”, nhưng cũng có lúc đầy chua xót, cam chịu, đúng chất của loại “văn nhật ký”, viết để trải lòng. Chính sự thật thà, có khi trần trụi trong từng câu chuyện khiến tập sách được người xem cứ tiếp tục lật từ trang này sang trang khác. Người đọc muốn theo dõi tiếp để xem cô dâu trẻ này cư xử, ứng phó ra sao trong mọi tình huống với anh chồng vô tâm, hời hợt, và bà mẹ chồng rất “đắng” ấy. Khi lấy chàng thu hút người đọc, có lẽ ở cách đối đáp trong từng câu chuyện. Tác giả đã gần như “bê nguyên xi” mọi ứng xử, nói năng, cảm xúc vào trang viết, khiến các tình tiết hết sức sống động như thể đang diễn ra trước mặt người đọc. Và người đọc bỗng chột dạ, tự nghĩ đến bản thân mình.

Những người chồng trẻ có thể đọc để biết phần nào tâm tư, tình cảm và suy nghĩ của vợ khi sống trong nhà chồng, để “điều chỉnh” thái độ cư xử của mình cho hợp tình, hợp cảnh hơn. Cũng như thế, các cô dâu trẻ có thể rút ra từ những chuyện dở khóc dở cười trong sách, bài học về cách ứng xử, nhường nhịn cho mình.

Khi lấy chàng, ta đã biến từ con người này thành con người khác một cách có hệ thống và ta phải yêu hệ thống đó. Để có được một mái ấm hạnh phúc thật chẳng dễ dàng gì nhưng ta vẫn quyết phải làm bằng được. Dù có phải đổ máu vì gai của hoa hồng thì ta vẫn có những giây phút ngắm nhìn và thưởng thức vẻ đẹp của hoa. Đó là tất cả những gì mà Nguyễn Thị Thu Hiền đem đến cho người đọc qua tác phẩm đầu tay của cô.

Hải Khanh

(Nguồn: Báo Thanh Niên)


Theo Báo Người lao động
Khi lấy chàng - câu chuyện hạnh phúc


Khi những trang viết đầu tiên được đăng trên diễn đàn, Khi lấy chàng của Nguyễn Thị Thu Hiền đã thu hút hàng ngàn lượt truy cập.

Câu chuyện mang dáng dấp nhật ký, tự sự của một “cô dâu trẻ” đã nhận được sự đồng cảm và yêu mến của rất nhiều người. Bởi tác giả viết những chia sẻ chân thực về những “vấn đề hậu hôn nhân” của mình bằng một giọng văn dí dỏm, không kém phần lãng mạn. Đan lồng trong đó là tình yêu thương và cách ứng xử của cô dâu trẻ với gia đình nhà chồng – “bí kíp” giữ gìn hạnh phúc và tránh được những “cuộc chiến hoa hồng” giữa mẹ chồng – nàng dâu. Tác phẩm Khi lấy chàng của cây bút trẻ 28 tuổi này cũng vừa kịp ra mắt đúng dịp ngày Gia đình Việt Nam 28-6 (NXB Trẻ ấn hành) như một bức thông điệp hạnh phúc chia sẻ cùng những gia đình trẻ.

Ngay cả lời giới thiệu về mình, Thu Hiền đã tạo ấn tượng bằng cách viết trẻ trung cùng cách nhìn nhận, lý giải vấn đề vô cùng hóm hỉnh. Và cũng không hề dài dòng, tác giả mở đầu cuốn sách bằng chuyện “Cưới!”. Tác giả không hề giấu giếm những suy nghĩ của mình về gia đình nhà chồng. Hàng loạt tình huống được gọi tên Kiếp làm dâu, Con đường tình yêu, Mẹ chồng, Mình là gái đã có chồng, Cái Tết đầu tiên của mèo con… rồi hài hước kiểu Tiền, Tịt, Hậu chiến, Liên hiệp hội bà bầu đi đẻ… Cứ thế, tác giả dẫn dắt người đọc đi vào cuộc đời rất riêng từng ngày của mình, nhưng lại không gây nhàm chán. Bởi những cái riêng đó được kể bằng sự hài hước, nghịch ngợm để làm bật lên cái chung, rằng: mỗi người đều có thể dung hòa được những mối quan hệ; đều có thể tìm niềm vui và níu giữ hạnh phúc cho mình nếu như biết cách luôn nghĩ về hạnh phúc và biết chia sẻ, nhìn nhận sự việc theo chiều của tình yêu thương, vun đắp chân thành.

Đọc Khi lấy chàng, cứ ngỡ rằng tác giả của cuốn sách chỉ có một cuộc đời vô tư, hạnh phúc không quá nhiều lo toan. Nhưng không hoàn toàn như vậy. Tác giả tự “thú nhận” mình là một đứa bị bố ghét vì là... con gái; bị thầy ghét vì học dở, thi trượt đại học năm đầu tiên phải mở quán nước bên hồ Tây để chờ lần “vượt vũ môn” tiếp theo. Đậu thủ khoa, tốt nghiệp loại giỏi nhưng ra trường có lúc phải quẩn quanh làm vài việc lặt vặt của một nhân viên văn phòng... Nhưng dù vất vả như thế nào thì khi “nhìn lại, vẫn thấy cuộc sống thật đáng trân trọng”, mà cũng chính vì thế mà Khi lấy chàng được viết ra.

Niềm vui không phải bắt đầu hiển nhiên từ cuộc đời, hạnh phúc có được là cả một hành trình đi tìm, biết trân trọng nâng niu và nắm giữ. Cuộc sống vốn dĩ mang nhiều sắc màu, quan trọng là mỗi người biết vẽ lên hành trình của mình mảng màu nào. Biết khuấy động cuộc sống đúng lúc ở ngay thời điểm mọi cảm nhận về niềm vui bắt đầu tĩnh lặng. Và cũng biết tìm cho mình những khoảng lặng cần thiết khi nhận thức về giá trị cuộc sống và khát vọng kiếm tìm bị cuốn vào dòng chảy lãng quên.

Khi lấy chàng giống như một cuốn nhật ký gia đình có nụ cười và nước mắt, cuộc sống đầy sắc màu của hiện tại và những hồi ức ngậm ngùi về những ngày đã qua. Khi lấy chàng là một tác phẩm nhẹ nhàng, chứa đựng nhiều nụ cười và xứng đáng được xem là câu chuyện hạnh phúc dành cho những gia đình trẻ.

Tiểu Quyên

(Nguồn: Báo Người Lao động)


Theo Báo Tuổi trẻ
Ba chấm... khi lấy chàng


Lấy chồng, có muôn vàn thứ cho bạn tưởng tượng, nhưng đơn giản nhất và cũng thú vị nhất là hãy tưởng tượng đó là những vụ án nho nhỏ quanh cuộc sống riêng mà trước sau gì bạn cũng phải “xử” nó.

Nhất là khi chồng bạn sau những bay bổng hẹn hò ngày nào nay thoắt hiện nguyên hình là người của đam mê: mê chứng khoán, mê game, mê điện thoại, mê HBO, nhưng hình như lại không mê... bạn cho lắm. Và bạn, người yêu mình hạc xương mai ngày nào của chàng, giờ phải làm việc tối tăm mặt mũi, chưa kể có lúc phải móc túi mẹ đẻ để... nuôi chồng lên sàn và “nộp tiền cơm” cho... mẹ chồng mỗi tháng.

“Hôn nhân là chuyển thể một bài thơ thành... văn xuôi, thành một quyển tiểu thuyết mà nhân vật chính đã chết ngay từ chương đầu” - có thật đúng thế không?

Có quá nhiều sách về hôn nhân gia đình giúp bạn trả lời câu hỏi đó, nhưng điều đặc biệt ở Khi lấy chàng... - của Nguyễn Thị Thu Hiền - chính là tự truyện của một người trong cuộc. Lần đầu tiên một cô dâu dũng cảm đưa mọi người bước vào tham quan “con đường tình yêu” của cô qua nhiều công đoạn: trước khi cưới chàng 11 năm, trước khi cưới chàng 8 năm, 3 năm, 2 năm, hai năm sau... Không chỉ thế, cô còn mời mọi người bước vào ngạch cửa nhà mình, gặp chồng mình, bố mẹ chồng, em chồng, và ở đó cũng gặp phải những mênh mông buồn vui trong lòng cô.

Chắc bạn sẽ ngạc nhiên vì những câu chuyện đời thường dường như bất kỳ nàng dâu nào cũng từng trải qua, tưởng chừng đơn điệu không có gì đáng nói thì qua giọng kể lúc hài hước lúc hơi nhuốm màu đau khổ của Thu Hiền, bạn chợt nhận ra không có đời sống của người vợ nào là nhạt nhẽo.

Ðời sống bạn rồi sẽ chia năm xẻ bảy như chiếc tủ có nhiều ngăn. Có cả một ngăn dành cho người yêu cũ, năm 18 tuổi anh đến gõ cửa đời nàng như thiên thần với bao lần chờ nàng cả tối dưới mưa, rồi anh “biến mất” dễ dàng chỉ vì... một đứa phá đám. Và thế là cuối con đường tình chỉ còn mình chồng nàng mà nàng hay gọi là “bèo nhèo như cái ao bèo”. Nhưng đó là cái “ao” quan trọng nhất của cuộc đời nàng, lúc nàng chán lúc nàng yêu, lúc thấy căm lúc tội nghiệp. Ðó là ngăn của thứ tình yêu không còn đủ mộng mơ nhưng cũng không phải là “mùa thu đã chết”. Tình yêu chỉ chuyển qua trạng thái khác và đa số kết thúc có hậu bằng một thiên thần nhỏ - một đứa con gái mang tên Ðậu Ðỏ ngọt ngào.

Quyển sách kịp cho bạn thấy hôn nhân thật ra còn có những “vụ án” vui không chịu nổi, đó là lý do vì sao ¾ phụ nữ toàn cầu chấp nhận “thà viết văn xuôi mà lấy được chồng” còn hơn là yêu lông bông chỉ để làm thơ suốt đời. Cuộc sống sẽ có những điều vụn vặt, nhưng những điều sâu sắc nhất cũng được rút ra từ đó. Quan trọng là trong từng “vụ án” hay trong từng chiếc ngăn bộn bề của đời sống hôn nhân, mỗi người hãy “phá án” theo cách thông minh của riêng mình.

Trương Bảo Châu

(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)


Theo VnExpress
''''Khi lấy chàng'''', góc nhìn hóm hỉnh về đời sống gia đình

Đêm tân hôn của cô dâu trẻ diễn ra thế nào? Cuộc sống của người vợ 8X cùng anh chồng hơn mình 6 tuổi sẽ ra sao?... ''''Khi lấy chàng'''', nhật ký của cô gái trẻ Hà Nội, có thể khiến độc giả khóc và cười vì góc nhìn hóm hỉnh.

Nếu tình yêu là thiên đàng của hai trái tim đang bay bổng thì hôn nhân có thể là một "bãi chiến trường" với đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố mà chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu được cảnh ngộ và tình huống họ trải qua.

Ngay từ những dòng đầu tiên, Nguyễn Thị Thu Hiền, tác giả cuốn Khi lấy chàng..., đã khiến độc giả bật cười thú vị với trang viết giàu hình ảnh, giản dị, dễ đọc và không thiếu tình tiết hồi hộp, gay cấn theo bước chân của một cô gái trẻ về nhà chồng làm vợ, làm dâu.

Ngay trong đêm tân hôn, cô gái đã cảm nhận được những đổi khác trong mối quan hệ tình yêu lãng mạn vốn nhuộm màu hồng trước đây. Sự vô tâm của người chồng, sự khắt khe của gia đình chồng... là những đợt sóng gió liên tiếp dội xuống đầu cô, thử thách bản lĩnh của cô gái vốn là con một trong gia đình công nhân viên chức bình thường.

Từ những lời tán tỉnh nhau thật đẹp lúc đang yêu, giờ đây đối mặt anh chồng trẻ con, với bà mẹ chồng khó tính, với những vất vả và kinh tế còn eo hẹp, cô dâu mới vấp phải những va chạm "mẹ chồng - nàng dâu", những nỗi lo lắng sợ sệt mơ hồ như: đưa tiền tháng cho mẹ chồng bao nhiêu là đủ, không dám ngủ nướng mà thắc thỏm thức sớm lo bữa ăn cho gia đình, lo lắng vì sao lâu quá chưa có thai... Thêm vào đó sự xét nét của gia đình nhà chồng, của bà con họ hàng khi so sánh cô em dâu xinh đẹp, có bằng thạc sĩ, kiếm tiền giỏi giang với người chị dâu xấu xí, mới là cử nhân... đã khiến cho cô gái nhiều lần khóc vì uất và buồn.

Những chuyện tưởng như vụn vặt, tủn mủn ấy lại góp thành vấn đề lớn trong thế giới nhỏ bé của đôi vợ chồng trẻ.

Ngay trong đêm tân hôn, cô gái đã cảm nhận được những đổi khác trong mối quan hệ tình yêu lãng mạn vốn nhuộm màu hồng trước đây. Sự vô tâm của người chồng, sự khắt khe của gia đình chồng... là những đợt sóng gió liên tiếp dội xuống đầu cô, thử thách bản lĩnh của cô gái vốn là con một trong gia đình công nhân viên chức bình thường.

Từ những lời tán tỉnh nhau thật đẹp lúc đang yêu, giờ đây đối mặt anh chồng trẻ con, với bà mẹ chồng khó tính, với những vất vả và kinh tế còn eo hẹp, cô dâu mới vấp phải những va chạm "mẹ chồng - nàng dâu", những nỗi lo lắng sợ sệt mơ hồ như: đưa tiền tháng cho mẹ chồng bao nhiêu là đủ, không dám ngủ nướng mà thắc thỏm thức sớm lo bữa ăn cho gia đình, lo lắng vì sao lâu quá chưa có thai... Thêm vào đó sự xét nét của gia đình nhà chồng, của bà con họ hàng khi so sánh cô em dâu xinh đẹp, có bằng thạc sĩ, kiếm tiền giỏi giang với người chị dâu xấu xí, mới là cử nhân... đã khiến cho cô gái nhiều lần khóc vì uất và buồn.


Những chuyện tưởng như vụn vặt, tủn mủn ấy lại góp thành vấn đề lớn trong thế giới nhỏ bé của đôi vợ chồng trẻ.


Thoại Hà

(Nguồn: Báo Vnexpress)

Sự hấp dẫn của những tình tiết

Xin đoan chắc với bạn đọc một điều rằng: đây là quyển nhật ký gia đình với nhiều chi tiết đắt giá, lôi cuốn. Nó chẳng khác nào một cuốn phim được quay chậm, giàu kịch tính, có nước mắt, có nụ cười, có xung đột, có nút thắt, mở. Và quan trọng hơn hết là không làm người xem nhàm chán, bởi lẽ nó được viết từ một văn phong hóm hỉnh, dí dỏm, đáo để nhưng hết sức chân thực của một cây bút mới tập tễnh viết lần đầu, nhưng khá chắc tay.

Thông thường, các đoạn văn thuyết phục và hay nhất thường nằm ở phần đầu hoặc giữa. Nhưng đối với nhật ký “Khi lấy chàng…” thì đi ngược lại qui luật. Càng đọc người ta càng thấy thú vị, càng thấy lôi cuốn, buộc phải tiếp tục tò mò xem “cô gái Hà Nội” thuộc thế hệ 8X này đã trải qua một quá trình yêu đương, lấy chồng, làm dâu và sinh con như thế nào?

Bắt đầu từ phần 13 trở đi, chúng ta sẽ phát hiện thêm nhiều góc cạnh đối kháng nhau trong đời sống nội tâm của nhân vật – cũng là chính tác giả. Tuy không hoàn toàn giống, nhưng chắc chắn bất kỳ ai đã từng bước vào đời sống hôn nhân, đều tìm thấy một điều gì đấy để chia sẻ từ câu chuyện tự thuật sinh động này.



“Hoa hồng đẹp nhưng có gai” cũng như một cuộc hôn nhân dù hoàn hảo cách mấy, dù trước đây hai người trong cuộc đều cảm thấy hài lòng về nhau, thảy đều có bất đồng và sóng gió. Điều cần thiết là họ đã giải quyết mâu thuẫn phát sinh ra sao? Dẫu có lúc thất vọng đến cùng cực, nhưng tận sâu thẳm, “cô gái Hà Nội” của chúng ta hiểu rằng khi có tình yêu và biết sống vì nhau thì mọi rào cản, khó khăn đều có thể vượt qua. Vì thế, mặc cho hoa hồng có gai, nhưng ai cũng mong muốn sở hữu những đóa hồng rực rỡ.