Đánh khăng

Cần ít nhất là hai nhóc, hai que củi dài 20-30 cm (to và nhỏ, tầm bằng ngón chân cái và ngón tay cái), một nửa viên gạch (to bằng cốc uống nước).
Mỗi ván chơi có các phần nhỏ là lồ, mắm và gà.

Ván một, người chơi đứng tại một điểm (gọi là lồ), hô “Lồ Ria” (lồ không, lái từ Zero trong tiếng anh) và dùng que mẹ để hất que con (đang được gác 1 đầu lên viên gạch) về phía bạn chơi nhưng gắng không để bạn chơi bắt được. Người kia sẽ đoán phương hướng và điểm rơi để bắt.


Nếu bạn chơi mà bắt được que con thì người chơi chính sẽ mất lượt. Bằng không, bạn chơi phải đứng tại chỗ que con rơi và tung que về phía lồ, gắng làm sao để que nhỏ chạm vào que mẹ (đang được gác chếch 1 đầu lên viên gạch tại lồ). Nếu chạm được thì người chơi chính sẽ mất lượt chơi, bằng không thì người chơi chính sẽ tiếp tục mắm ria.



Khi đánh “mắm ria” người chơi chính sẽ tung que con lên không trung và lấy que mẹ vụt ra xa về phía bạn chơi nhưng gắng làm sao bạn chơi không bắt được, tuần tự chơi tương tự như lồ ria. Qua “mắm ria” sẽ là “gà ria”, người chơi chính để que nhỏ thăng bằng trên một hòn gạch, lấy que to và đập mạnh vào1 đầu để cho que đó nẩy lên cao, tiếp tục vụt que đó khi nó ở trên không trung và các bước tiến hành như Lồ Ria và Mắm Ria.


Lưu ý: nếu như người chơi chính vụt hụt thì sẽ mất lượt chơi.

Ván hai, sau khi đã kết thúc ván một, người chơi vẫn sẽ có ba phần lồ, gà và mắm nhưng sẽ hô kèm một con số như 10, 20, 50 hay 100. Nếu người kia bắt được que nhỏ thì sẽ có quyền tiến xa về phía lồ (số bước bằng với số mà người chơi chính đã hô) và tung que con để chạm vào que mẹ.
Khi người chơi chính mất lượt chơi do vụt hụt hoặc bạn chơi tung que con chạm vào que mẹ thì số điểm mà anh ta có được ở ván trước đó vẫn được bảo toàn và sẽ tiếp tục chơi khi có lượt.
----------------------
Nếu ta là người chơi chính và mỗi lượt chơi được ví như một cơ hội trong cuộc sống hẳn sẽ có thêm điều bổ ích để chia sẻ.
Thứ nhất, cơ hội luôn nối tiếp cơ hội. Nếu ta làm tốt được từng-bước-nhỏ trong cơ hội 1 thì ta có-hàng-loạt-những-cơ hội để thăng tiến.
Thứ hai, trong cơ hội luôn có rủi ro. Mỗi ván có 3 phần: Lồ, Mắm và Gà. Chỉ khi nào ta làm tốt cả ba bước này thì mới có thể có được thành quả lâu bền. Mức độ đòi hỏi của các phần Lồ, Mắm và Gà cũng tăng lên, nếu Lồ, Mắm xong mà Gà chẳng xong thì cũng thế rồi thôi.

Thứ ba, cơ hội tỉ lệ thuận với rủi ro. Nếu nó lớn (100), ta làm tốt thì sẽ có điểm cao (100) và hoàn toàn có thể lên mức cao hơn. Bằng không, lượt chơi (cơ hội) sẽ mất. Nếu ta không có kĩ năng thì cơ hội mất rất dễ dàng. Nếu ta không đủ tự tin thì cũng sẽ chỉ tận dụng được một phần nhỏ cơ hội. Tóm lại, cần liều lĩnh có tính toán và chuẩn bị tốt từ trước.

Thứ tư, muốn tận dụng được cơ hội phải có máu và tài. Đã chơi thì ai cũng máu và người nào máu nhiều hơn thì có cơ thắng nhiều hơn. Máu đã nhiều, đã muốn hô to, làm nhanh mà không đủ tài thì cũng sẽ hộc máu, ngã ngựa và trắng tay. Thiên tài chỉ là danh xưng, muốn có thực tài thì cần tập luyện nhiều ắt thành tài thực.


Nếu ta là người chơi phụ, và mỗi lượt chơi được ví như một cơ hội để trong cuộc sống thì hẳn sẽ cũng có thêm điều bổ ích để chia sẻ.

Thứ nhất, cơ hội trong thử thách. Biết được người chơi phụ có khó khăn và thuận lợi gì (để có thể khống chế được đối phương khi mình có lượt chơi chính).

Thứ hai, thử thách tỉ lệ thuận với cơ hội. Bắt được gà 100 thì sẽ được sải tiến 100 bước về phía lồ và tung que con để giành lượt chơi chính.

Thứ ba, thử thách nối tiếp thử thách. Quá rõ ràng!

Thứ tư, muốn vượt qua được thử thách cần có máu và tài. Nếu sợ khăng văng vào mặt, sợ chạy mỏi chân, đau người…; nếu không đoán được hướng, chẳng chạy được nhanh thì sao bắt được khăng.

(st, nt)