Những người phải dùng thuốc mới hết ghen
Thứ 4, ngày 15/07/2009, 14:43 (GMT+7)
Con cái bà Oanh sợ đứng tim khi bắt gặp bà đang vung sợi dây để thắt cổ chồng từ phía sau. Bà làm vậy vì đinh ninh chồng có bồ.
Bà Oanh, một phụ nữ đã ngoài 50 tuổi, là một bệnh nhân của phòng khám và tư vấn tâm lý, tâm thần TuNa (phố Vọng, Hà Nội). Bao nhiêu năm nay, bà vật vã khổ sở và cũng khiến cả gia đình thất điên bát đảo vì bệnh ghen của mình. Người phụ nữ này luôn khẳng định ông chồng có tình nhân, dù không hề có bằng chứng nào cho thấy điều đó. Chỉ cần thấy chồng nói chuyện với bất kỳ người khác giới nào là bà đã xem đó là bằng chứng của sự phản bội.
“Ai cũng cãi tôi, nhưng lão già ấy có bồ rõ ràng. Tôi theo dõi tôi biết”, bà Oanh nói với chuyên gia. Được lắng nghe, bà ào ào tuôn ra bao nỗi oán hận, hăm hở kể đã theo dõi chồng và “bắt quả tang” như thế nào. Trong khi đó, em trai bệnh nhân lại nói với chuyên gia điều ngược lại: “Làm gì có, em cũng đi cùng khi chị ấy theo dõi. Thậm chí anh rể em và người phụ nữ xa lạ nào đó chỉ đi qua nhau thôi là bà chị đã bảo có tình ý, ngay cả khi họ không hề nhìn nhau. Chị ấy bảo, nó là bồ của ông ta đấy, chẳng qua nó biết mình theo dõi nên mới không dám bắt chuyện. Bao nhiêu người bị chị kết tội là bồ của chồng, cứ bảo là có bằng chứng rõ ràng nhưng chẳng ai thấy gì hết”.
Vì tội ghen, bà Oanh bị chồng ghét và gia đình chán ngán, cả con cái cũng không bênh vực. Thái độ của chồng càng làm bà điên giận. Một bận, con cái hết hồn khi bắt gặp bà đang cầm sợi dây để thắt cổ chồng từ phía sau. Họ xông vào để ngăn cản và sau đó đưa mẹ đến bác sĩ tâm thần.
Chỉ có thể chữa bằng thuốc
Theo chuyên gia tâm lý Lã Linh Nga, sự ghen của bà Oanh không phải do “xấu tính”, mà là một dạng bệnh lý tâm thần có tên “hoang tưởng ghen tuông”. Do hoang tưởng, bệnh nhân tin chắc là người yêu hoặc bạn đời phản bội. Đối với họ, điều đó là rất thật, vì thế không ai có thể thuyết phục, giải thích hay tranh cãi được. Nếu như ở ghen tuông bình thường, mối nghi ngờ sẽ được giải toả khi có những lý lẽ, bằng chứng hợp lý, khi bạn đời thể hiện được tình yêu một cách đáng tin cậy. Còn với chứng hoang tưởng ghen tuông, mọi lý lẽ là vô ích. Liệu pháp tâm lý rất ít có hiệu quả đối với bệnh này, và để loại bỏ những hoang tưởng, người bệnh phải dùng thuốc.
Bệnh xảy ra do yếu tố nội sinh, nhưng trong nhiều trường hợp, một số yếu tố khác có thể góp phần khiến hoang tưởng ghen tuông xuất hiện, chẳng hạn như trường hợp của chị Linh, 28 tuổi, nhà ở Hà Nội. Linh mắc bệnh sau khi sinh con một thời gian. Vốn cho là chồng quá đẹp trai, nay mình lại béo ra nhiều vì sinh nở, chị rất lo lắng và dần dần tin chắc là chồng có tình nhân, nhất là khi anh luôn luôn bận rộn. Ngoài ra, tính ghen vốn có của Linh cũng góp phần cho sự xuất hiện bệnh.
Chồng Linh, một tiến sĩ tuổi ngoài 30, tâm sự: “Ngay khi bọn cháu sang Thái Lan hưởng tuần trăng mật, cô ấy đã tỏ ra cả ghen rồi. Chính cô ấy nhờ cháu đi mua mấy viên thuốc, nhưng vì không thông thạo nên phải rất lâu cháu mới mua được. Thế mà về đến khách sạn, vợ cháu đã khóc lóc, mắng cháu xối xả, một hai bảo là cháu tranh thủ đi cave. Đến khi có con một thời gian thì thói ghen của cô ấy trở nên không còn giới hạn”.
Còn chị vợ thì kể tội với chuyên gia là chồng mình đang có âm mưu bỏ vợ để lấy tình nhân. Hỏi người ấy là ai, Linh nói không biết, nhưng khẳng định chắc chắn là có. Hỏi có theo dõi không, chị nói không cần theo dõi cũng biết. “Nhưng mà chồng cháu nó lì lắm, giấu giếm đến cùng. Nửa đêm cháu dựng dậy để tra khảo, nó vẫn dứt khoát không nhận. Nó rất xảo quyệt, điện thoại thì gọi và nhắn tin xong là xoá ngay để cháu không bắt được. Nó toàn giả vờ bận việc để về muộn, thực ra là đi với bồ, cháu biết thừa”, Linh nói.
Khăng khăng nói chồng có bồ, Linh đòi ly thân. Người chồng vì mệt mỏi, và cũng nghĩ nếu vợ về nhà mẹ đẻ nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng ít lâu thì có thể bệnh sẽ bớt nên đồng ý. Thế là Linh nổi tam bành, coi đó là bằng chứng không thể chối cãi của việc anh âm mưu bỏ vợ. Chẳng có cách nào khác, gia đình đành đưa Linh đến bác sĩ.
Sự hợp tác của người chồng rất quan trọng
Theo chuyên gia Linh Nga, mặc dù chứng hoang tưởng ghen tuông phải chữa bằng thuốc nhưng cách cư xử của gia đình, nhất là người chồng, cũng có vai trò khá lớn. Vì vậy với những trường hợp người chồng vẫn thương yêu vợ và tận tình giúp cho việc chữa chạy, mọi sự sẽ dễ dàng hơn nhiều. Trường hợp của chị Linh khá thuận lợi vì người chồng vẫn rất yêu vợ, và theo sát với các chuyên gia để điều trị cho người bạn đời. Chuyên gia khuyên anh dù bận cũng nên cố thu xếp giảm công việc để ở nhà thường xuyên hơn, tỏ ra chăm sóc, quan tâm đến vợ nhiều hơn để xoa dịu sự căng thẳng của chị. Việc dùng thuốc được bắt đầu sau khi chị cai sữa cho con.
Trường hợp bà Oanh, ông chồng do quá mệt mỏi bởi bị giày vò nhiều năm, xấu hổ với mọi người, lại suýt mất mạng vì vợ nên rất chán ghét, không quan tâm đến việc chạy chữa của vợ. Việc điều trị của bà Oanh do đó kém thuận lợi hơn.
Thường với bệnh nhân hoang tưởng ghen tuông, chuyên gia thường phải tư vấn cho gia đình cách cư xử phù hợp. Ngoài việc đề nghị người chồng quan tâm đến vợ hơn, họ cũng khuyên các thành viên khác không nên cố tranh cãi hay chễ giễu người bệnh, khăng khăng phủ nhận điều họ nghĩ. Bởi đối với họ, việc bạn đời phản bội là rất thật, không phải do họ bịa đặt ra, nên việc bị tất cả mọi người hùa vào chỉ trích sẽ khiến họ nổi giận, bị kích động, dễ dẫn đến phản ứng quá khích, nguy hiểm.
Theo Đất Việt